Ngày 26/10 vừa qua, Netflix đã cho ra mắt bộ Anime Pluto chuyển thể từ manga cùng tên của Urasawa Naoki. Ngay từ khi dự án Anime này được đưa tin vào hồi tháng 7, các fan của Urasawa nói riêng, cộng động anime - manga nói chung đã vô cùng háo hức chờ đến ngày “siêu phẩm” được trình làng.
Và đúng như dự đoán, Pluto đã làm mãn nhãn khán giả với các hình ảnh, phân cảnh hành động hết sức chỉn chu. Hơn cả, bộ phim gợi ra cho người xem những suy ngẫm về lòng nhân của con người (và cả robot) giữa một thế giới máy móc hóa triệt để.
Từ Người máy vĩ đại nhất thế giới của Tezuka Osamu đến Pluto của Urasawa Naoki
Nguyên tác của Pluto dựa trên câu chuyện Người máy vĩ đại nhất thế giới nằm trong bộ truyện Astro Boy của Tezuka Osamu. Câu chuyện kể về Pluto - thứ được chế tạo để trở thành robot mạnh nhất thế giới - với nhiệm vụ chiến đấu và tiêu diệt bảy robot tiên tiến nhất thế giới, trong đó có Atom (Astro Boy). Nhưng sau cùng, cả hai phải hợp sức để cùng nhau đánh bại Bora - một robot với sức mạnh siêu nhiên khác - để bảo vệ Trái đất.
Phiên bản chuyển thể đầu tiên của Người máy vĩ đại nhất thế giới là hai tập phim 116 và 117 trong loạt Anime Astro Boy ra mắt năm 1963. Đến năm 1980, câu chuyện này tiếp tục được chuyển thể, vẫn nằm trong loạt anime Astro Boy, và cũng được chia làm hai tập 24 và 25. Trong phiên bản này, hình ảnh và cốt truyện của tác phẩm đã được thay đổi khá nhiều so với bản manga.
Người máy vĩ đại nhất thế giới tiếp tục có phiên bản anime vào năm 2003 với sự thay đổi toàn bộ câu chuyện và dàn nhân vật. Pluto không còn là robot được tạo ra bởi Abullah mà chuyển thành Tiến sĩ Tenma - cha đẻ của Atom.
Cùng năm 2003, Urasawa Naoki (kết hợp với Nagasaki Takashi) tiếp tục dựa vào câu chuyện ông đã đọc từ năm 4 tuổi này để cho ra mắt bộ Manga Pluto.
Dưới bàn tay và khối óc của mình, Urasawa đã biến hóa câu chuyện mang tính siêu anh hùng của Tezuka Osamu trở thành tác phẩm mang hơi hướng trinh thám bằng cách thay đổi điểm nhìn câu chuyện sang thám tử Gesicht. Đồng thời, ông cũng khoác lên mình tác phẩm “mới” này những chất vấn về đạo đức và nhân tính của cả con người lẫn robot.
Một thế giới nhập nhằng bất phân
Pluto lấy bối cảnh một thế giới nơi con người và robot chung sống với nhau, giờ đây, robot đã đạt tới trình độ vô cùng tiên tiến. Nhiều robot còn có vẻ ngoài giống hệt con người, bất khả phân biệt bằng mắt thường.
Thậm chí, ở những robot tân tiến hơn cả (Atom, Uran, Abullah), bộ nhận diện con người - robot được lập trình sẵn trong chính chúng cũng trở nên vô dụng.
Trong thế giới ấy, dẫu robot đã có quyền và được Bộ luật Robot Quốc tế bảo vệ, thế nhưng họ vẫn phải nằm dưới quyền kiểm soát của con người. Robot được con người sử dụng vào những mục đích khác nhau, từ dọn dẹp, bán hàng cho tới trông coi an ninh, điều tra phá án… và thậm chí là cả trở thành những cỗ máy giết chóc hàng loạt trong chiến tranh.
Bên cạnh việc làm công ăn lương như con người với đa dạng ngành nghề khác nhau, giờ đây robot còn có thể nhận nuôi trẻ em mồ côi, chăm sóc chúng như những “ông bố, bà mẹ” đích thực. Lằn ranh giữa con người và robot gần như tan loãng và hòa chung một nhịp.
Sự nhập nhằng trong thế giới Pluto còn là những bất phân trong cảm xúc và nhận thức. Trong suy nghĩ của con người, robot vẫn là “giống loài hiểm nguy”, luôn tiềm tàng nguy hiểm khó lường.
Để ngăn chặn nguy cơ ấy, trong mỗi trí tuệ nhân tạo đều được lập trình một hệ thống nhằm triệt tiêu mọi ý định gây hại đối với con người, nguy cơ robot “làm càn” gần như bằng không (0.)
Dẫu vậy, sự phức tạp trong não trạng robot do chính con người tạo ra cũng là thứ khiến họ không thể lí giải. Con số 0 gần như chắc chắn kia bỗng hóa tro tàn khi vụ việc robot giết người đầu tiên được ghi nhận dưới cái tên Brau-1589.
Trí tuệ nhân tạo của Brau-1589 hoàn toàn không có khiếm khuyết, vậy mà quyết định giết người vẫn được tiến hành khiến cho ngay cả những người đã nghiên cứu robot kĩ càng nhất cũng không thể đưa ra lời giải đáp.
Hay như thanh tra robot tiên tiến nhất thế giới Gesicht, vốn được lập trình để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh gọn và “lạnh lùng” nhất cũng có ngày giận quá hóa mất khôn và ra tay giết người khi chưa có lệnh. Tất cả chỉ bởi “tình phụ tử” mà anh dành cho đứa con nuôi robot xấu số của mình.
Sự dai dẳng của kí ức
Trong các sáng tác của Urasawa Naoki, kí ức luôn là yếu tố được tác giả khai thác triệt để. Ngay từ những bộ truyện trước đó như Monster hay Những chàng trai thế kỉ XX, các nhân vật đều được đặt trong hoàn cảnh đang phải vật lộn, ám ảnh với quá khứ.
Bác sĩ Tenma trong Monster lúc nào cũng đeo đuổi bóng hình cậu bé Johan mình cứu mạng hồi xưa. Hay như anh chàng Kenji trong Những chàng trai thế kỉ XX luôn phải nhớ về khoảng thời gian tiểu học để từng bước lần ra chân tướng của kẻ thù.
Sang tới Pluto, kí ức vẫn là thứ dai dẳng, bấu chặt vào tâm trí các nhân vật. Đi ra từ cuộc Chiến tranh Trung Á lần thứ 39, North-02 luôn phải chịu đựng kí ức thời chiến - khi anh tàn sát hàng vạn đồng loại của mình - tua đi tua lại trong chip nhớ của mình.
North-02 chỉ biết tìm đến âm nhạc để xoa dịu cơn ác mộng dai dẳng không hồi kết, tiếc thay, sự cứu cánh ấy chỉ để anh chạm vào trong chốc lát rồi tan biến cùng cơn cuồng phong mà Pluto mang tới.
Pluto - “kẻ phản diện” trong phim - thực chất cũng là một nạn nhân của chiến tranh và bạo lực. Anh vốn là đứa con robot mang tên Sahad được Abullah tạo ra nhằm mục đích cải tạo đất đai, biến biển cát Ba Tư thành cánh đồng hoa tulip bất tận.
Cái thiên lương trong sáng ấy đã bị vùi nát bởi chiến tranh, bởi lòng tham và thù hận, bởi những kí ức buồn của Abullah khi mất đi gia đình. Để rồi mọi oán hờn đã cuốn đi tất cả, Sahad bị buộc phải trở thành Pluto đi gieo rắc sự hủy diệt, nỗi sợ cùng thù hận.
Thám tử Gesicht - nhân vật được chọn để giúp người xem lần hồi câu chuyện - là người phải chịu sự dai dẳng của kí ức kinh khủng nhất. Như đã đề cập ở trên, từ một robot chỉ biết tuân thủ nhiệm vụ, sau khi nhận nuôi đứa trẻ robot khác, trong anh đã xuất hiện những rung cảm, giúp Gesicht “hiểu thế nào là sống”.
Khi đứa con của mình bị bắt cóc và bỏ mạng, Gesicht đã vi phạm Bộ luật Robot Quốc tế mà ra tay giết người. Sau đó, vì muốn che giấu sự việc, chip nhớ của anh đã bị can thiệp để xóa đi dữ liệu của vụ việc. Dẫu vậy, tàn uế của kí ức còn vương mãi khiến Gesicht thỉnh thoảng lại gặp ác mộng, chao đảo trong cơn mê về một thời quá vãng đứt gãy mà day dứt.
Không chỉ với robot, sự dai dẳng của kí ức còn khiến con người phải mãi đèo bòng nó. Tiến sĩ Tenma cũng vì nhung nhớ khôn nguôi đứa con trai bé bỏng xấu số đã khuất mà tạo ra Atom - trí tuệ nhân tạo kiệt xuất nhất thế giới - trong hình hài của con mình. Kí ức như một chỉ dấu cho công cuộc phát triển khoa học công nghệ của ông.
Nhắc tới sự dai dẳng của kí ức, ta dễ dàng liên tưởng tới bức tranh cùng tên của danh họa Salvador Dalí với hình ảnh những chiếc đồng hồ chảy nhão, biến dạng nhằm mô tả thế giới siêu thực, tâm trí con người hiện đại luôn trong trạng thái nào nề, bị thời gian trì níu và ám ảnh.
Đó cũng là tình thế mà con người hiện đại lâm vào. Đi giữa thế giới ngày càng hiện đại hóa, con người luôn bấp bênh trong trạng thái nhớ nhớ quên quên, sống với bọt tăm của quá khứ, đánh vật với chính phần thẳm sâu bất khả tri nhận của bản thân. Nhưng xét cho cùng, phải chăng kí ức là điều duy nhất mà con người hiện đại có thể nương vào - một điểm tựa đầy đau đớn.
Quay lại với Pluto (và các truyện của Urasawa), có thể nói kí ức như quá khứ đầy kinh hoàng, nơi bắt nguồn của mọi chuyện. Nhưng đồng thời, chính nó cũng là thứ giúp con người và cả robot nhận ra rằng mình đang sống, đang đau và bật khóc; giúp họ nhận ra “lòng nhân” của mình vẫn còn đâu đó trong vòng xoáy hận thù.
Chẳng có gì sinh ra từ thù hận
“Chẳng có gì sinh ra từ thù hận” là câu thoại thể hiện thông điệp của bộ phim. Sau hàng loạt những chằng chéo giết chóc và trả thù, Atom và Pluto một lần nữa đụng độ và có trận quyết chiến cuối cùng.
Bấy giờ, sau khi được tiến sĩ Tenma hồi sinh, trong lòng Atom tràn đầy căm phẫn cho những người đã phải hi sinh vô nghĩa dưới tay Pluto; đồng thời nguồn năng lượng đó cũng giúp cho Atom trở niên siêu việt hơn bao giờ hết, cậu dễ dàng áp đảo và quật ngã Pluto.
Vào giây phút quyết định, lời trăn trối của Gesicht - “Atom. Chẳng có gì sinh ra từ thù hận” - khiến cậu bừng tỉnh. Đó cũng là thời khắc Atom quyết định buông bỏ những cơn sóng hận thù trong lòng.
Pluto cũng vậy, sau hành trình đánh mất căn tính bởi guồng quay thù hận của người cha, cuối cùng, anh đã có thể buông bỏ, có thể khóc, được trở về với cái tôi Sahad hết lòng yêu mến hoa cỏ và hòa bình.
Điều quan trọng nhất mà Atom và Pluto nhận ra đó là phải cùng nhau hợp sức đánh bại Bora để hóa giải nguồn cơn hận thù.
Có thể nói, đó là những chọn lựa nghe theo tiếng gọi của “lòng nhân” trong sâu thẳm mỗi người. Dù trong tương lai, thế giới có trở nên tiên tiến, cơ giới, robot hóa đến tận cùng, thì “lòng nhân” vẫn là thứ còn sót lại, đem tới ánh sáng cho con người.