Chúng tôi ghé thăm showroom của Nhà thiết kế không gian nội thất Quách Thái Công vào một chiều thứ 6. Ở trên tầng 1, trong không gian làm việc sang trọng và ấm cúng của nhà thiết kế, đội ngũ quay phim của anh đã trong tư thế sẵn sàng để ghi hình. Một vài phút sau, anh bước vào và ra dấu là mình đã sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện dài, quay liên tục từ đầu đến cuối. Nhà thiết kế nổi tiếng chỉ có đúng một yêu cầu cho tôi, đó là đừng hỏi những câu đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần lắng nghe anh nói và nếu có chi tiết nào thú vị, hãy đào sâu vào chi tiết đó!
Là một nhà thiết kế nổi tiếng, liệu mọi người đã hiểu hết về công việc của anh?
Ở Việt Nam, mọi người hay gọi nôm na công việc của tôi là nhà thiết kế nội thất. Nhưng thực tế thì tôi là một nhà thiết kế không gian nội thất (interior designer) kiêm trang trí nội thất (interior decorator). Đây là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Nếu interior designer thiết kế một không gian đẹp và đầy đủ công năng, thì interior decorator chính là người thổi hồn vào không gian đó.
Giữa thiết kế không gian nội thất và trang trí nội thất, anh thích vai trò nào hơn?
Dĩ nhiên là interior decorator - công việc mà tôi thường ví von là “cherry on top". Tôi thích quá trình đi tìm từng món đồ (trong hàng ngàn món đồ) để sắp xếp vào một không gian sống. Đó là một công việc đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Mọi chi tiết, dù nhỏ đến đâu, cũng có thể nâng tầm toàn bộ không gian.
Giống như khi bạn nhờ một stylist chọn kính cho mình. Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy chiếc mắt kính nói rất nhiều về bạn. Cá tính của bạn là gì? Bạn muốn mình giống ai? Trong phim nào? Từ thập niên bao nhiêu? Mỗi chiếc kính có thể mang đến cho bạn một diện mạo hoàn toàn khác hẳn. Và chỉ có những stylist thâm niên mới có thể nói cho bạn nghe những điều đó được.
Vậy nên, nếu muốn trở thành một stylist hay một interior decorator giỏi, bạn cần hiểu biết về rất nhiều lĩnh vực: nghệ thuật, văn hoá, âm nhạc, chính trị,... và phải nhạy bén với xu hướng.
Giới hạn của những dự án anh thường làm là gì?
Trong các dự án đã từng làm, tôi đều phải phá bỏ một giới hạn nào đó để được thoả sức sáng tạo. Đối với những dự án ở Đức, giới hạn chính là những món đồ đã tồn tại hàng trăm năm mà gia chủ không nỡ bỏ đi. Vậy là tôi phải tìm cách sắp xếp sao cho đẹp và phong cách, vì những món đồ là kỷ niệm của chủ nhà hoặc gắn với lịch sử ngôi nhà, mình đâu thể thuyết phục người ta bỏ đi.
Về Việt Nam, giới hạn lại là những dự án thô, với thiết kế cơ bản xấu hoặc không gian chia không đúng tỉ lệ, có trang trí thế nào cũng không đẹp lên được. Thế nên tôi phải “đập đi, xây lại" những gì sai thừa, thiếu sót. Sau đó mới tính chuyện trang trí sao cho đẹp.
Đó cũng là một trong những lý do vì sao tôi quyết định làm YouTube, để chia sẻ kinh nghiệm và giúp các bạn không mắc phải những sai lầm tương tự. Hy vọng sau này tôi không cần phải đi “dọn dẹp" nữa, vì công việc này thật sự rất cực.
Forbes từng đưa tin, khách hàng tìm đến anh phải cần có ít nhất nửa triệu USD. Đây có phải là sự thật?
Đúng vậy! Đó là mức giá tối thiểu để tôi có thể đảm bảo công trình sẽ hoàn thành với chất lượng mà mình muốn. Tôi không muốn khách hàng tìm đến mình chỉ để có được một bản vẽ thiết kế, rồi sau đó yêu cầu một nhà thầu nào đó thực hiện “na ná" như vậy. Trông có vẻ giống đấy, nhưng không phải là phong cách Thái Công.
Lý do nào khiến khách hàng tin tưởng giao cho anh những dự án trị giá triệu USD như vậy?
Sự sang trọng là thứ gì đó không thể “diễn” được, bởi nó không chỉ phản ánh trong những món đồ bạn khoác lên người hay bày trí trong không gian. Sự sang trọng quy chiếu từ lối sống, cách ứng xử, trò chuyện, phong thái... Mọi thứ đều cần phải đồng bộ như thế.
Khách hàng của tôi là những người đặc biệt - họ tài giỏi, thông minh và đôi khi còn khá khó tính. Họ tìm đến Thái Công vì tin tưởng rằng tôi là một “người bán phong cách sống" từng trải, có đủ chuyên môn để mang đến một không gian đẹp, phản ánh đúng phong cách sống mà họ mong muốn.
Anh từng khẳng định: “Không có ngôi nhà hoàn hảo". Tại sao?
Tôi không tin vào sự hoàn hảo. Theo đuổi sự hoàn hảo là tự làm khổ mình. Bảo vệ sự hoàn hảo thì lúc nào cũng phải tranh cãi. Một ngôi nhà đẹp? Có! Một ngôi nhà hạnh phúc? Có! Một ngôi nhà hoàn hảo? Không có đâu!
Anh làm thế nào để luôn duy trì được sự sáng tạo?
Bí quyết là giữ cho đầu óc mình thoải mái. Mà để thoải mái được thì mình phải là một người tổ chức tốt - biết việc gì mình nên làm, việc gì mình có thể giao cho người khác (mà người đó cũng phải thích công việc đó!).
Một yếu tố quan trọng khác là khách hàng. Tôi thích những khách hàng khó tính, nhưng không thích những khách hàng khó chịu. Vậy nên trước khi “say yes" với bất kỳ dự án nào, tôi cũng tự hỏi: “Làm công việc này có khiến gương mặt mình thay đổi không?”
Sự thật thà, phúc hậu, thoải mái đều thể hiện hết trên gương mặt. Sự buồn bã, giận dữ, khó chịu cũng vậy. Nếu công việc khiến gương mặt tôi “xấu” đi, tôi xin phép từ chối. Bác sĩ thẩm mỹ giỏi nhất thế giới cũng không cho bạn một gương mặt hạnh phúc được!
Một số người tặng cho anh biệt danh Karl Lagerfeld của Việt Nam. Anh cảm thấy thế nào về điều này?
Đối với tôi, đây là một lời khen, một niềm vinh hạnh. Karl Lagerfeld sinh ra ở Hamburg, mà tôi thì lớn lên ở đó. Người Hamburg rất kỹ tính, dứt khoát và mạnh mẽ. Họ cũng rất “understated", tức là bề ngoài khiêm tốn nhưng nội lực và bản lĩnh lại rất đáng gờm.
Karl nổi tiếng là một người tự do trong nghệ thuật, ông là giám đốc sáng tạo, nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia. Tôi cũng may mắn được sống một cuộc đời nghệ thuật như thế. Tôi học thiết kế thời trang, sau đó thử sức với nhiều vai trò khác nhau, từ stylist thời trang, nhiếp ảnh gia, thiết kế và trang trí không gian nội thất, cho đến sáng tạo nội dung trên YouTube. Đó là một sự tự do, một niềm đam mê không gì có thể đánh đổi được.
Khi bắt đầu sáng tạo nội dung trên YouTube, anh có bao giờ nghĩ mình sẽ thu hút nhiều khán giả đến vậy? Có bí quyết nào đằng sau những video viral không?
YouTube ban đầu chỉ đơn thuần là nơi tôi ghi lại kỷ niệm về những công trình mình làm. Có công trình kéo dài tận 6 tháng, nhìn lại thật sự là cả một quá trình. Dần dà có nhiều người xem vì họ muốn học hỏi để xây dựng tổ ấm. Những video này giúp họ tiết kiệm được rất nhiều tiền vì không phạm phải những sai lầm trong thiết kế và trang trí.
Còn bí kíp để viral? It's Magic!
Đùa thôi, tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là tính giải trí và giàu cảm xúc, sau là giúp cho khán giả học hỏi được điều gì đó. Và cuối cùng là mang đến cho họ những trải nghiệm mà họ chưa có dịp tiếp cận. Đó là 4 yếu tố mà lúc nào tôi cũng muốn đội ngũ phải lưu ý khi chỉnh sửa nội dung video.
Ở thời điểm hiện tại, anh có cảm thấy hạnh phúc với những gì mình có?
Tôi rất thích cuộc sống của mình. Không phải vì tôi là người giàu nhất, nổi tiếng nhất, hay giỏi nhất, mà chỉ đơn giản là tôi tự do. Tự do về mặt thời gian, để có thể làm những điều mình muốn. Tự do về mặt tinh thần, vì có thể bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn. Tự do về mặt địa điểm, để có thể hiện diện ở bất kỳ nơi nào. Có được 3 thứ tự do ấy ở cùng một thời điểm, đối với tôi, là một hạnh phúc.
Trong thời gian tới, anh có muốn thử sức với vai trò nào khác?
Thiết kế không gian cho một sân khấu opera hay tuồng kịch, tại sao không? Tôi rất tò mò và cực kỳ hứng thú với những vai trò mới.
Những lúc rảnh rỗi, anh thường làm gì?
Tôi thích đi du lịch đó đây, ra ngoài ăn tối cùng bạn bè, đi nghe nhạc, xem triễn lãm… Dạo gần đây tôi cũng phát hiện ra một thú vui mới, đó là massage giãn cơ tại nhà. Là một người từng bỏ cuộc với việc tập gym nhiều lần, nên được thả lỏng cơ thể đối với tôi cũng là một kiểu tập thể dục rồi (cười)!
Cuối cùng, anh có thể chia sẻ một dự án mà công chúng chưa từng biết đến?
Từng có thời điểm tôi nung nấu ý tưởng làm một quyển tập san thiết kế tại Việt Nam. Thế là tôi thiết kế logo, xây dựng đội ngũ và thực hiện nội dung ròng rã 8 tháng. Ngày cầm được quyển tập san trên tay, tôi nâng niu, bỏ vào tủ, và quyết định… không làm nữa.
Đi được bước đầu không khó, nhưng để duy trì thì rất khó. Bây giờ ý tưởng này vẫn đang nằm trong tủ đông, biết đâu một ngày nào đó, khi tìm được một giám đốc sáng tạo phù hợp, dự án nãy sẽ được khởi động lại?
Cùng đón chờ những nhân vật tiếp theo của “Đâu Là Giới Hạn?”, một series được hợp tác bởi Essilor và Vietcetera, tại đây!
Varilux là thương hiệu kính đa tròng số 1 thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp) – mở ra tầm nhìn không giới hạn cho mọi người từ độ tuổi 40 để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao trong thời đại mới. Varilux được tin dùng bởi hàng trăm triệu người trên toàn thế giới từ năm 1959 tại hơn 100 quốc gia với 70 bằng sáng chế độc quyền.