1. Có mã QR, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn?
Làm chục mã đề khác nhau hay phát thứ tự xen kẽ đã là chuyện dĩ vãng. Cộng đồng mạng gần đây xôn xao (còn nhiều học sinh thì khóc thét), khi chứng kiến sự xuất hiện của một bộ mã đề thi bằng QR.
Nếu muốn biết ai thuộc mã đề gì, có trùng với mình không, để còn xoay sở tìm phao cứu sinh, học sinh phải sử dụng điện thoại hoặc một máy quét chuyên dụng. Nhưng tất nhiên, vào phòng thi thì làm gì được mang thêm thiết bị nào!
Giả như định luật “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” có được bảo toàn, quét được QR rồi, trên màn hình điện thoại chỉ thấy hiện ra lời nhắc “Tự trọng nhé!”, “Tập trung nha”. Sự sáng tạo của các thầy cô thời 4.0 quả là vô biên. Học sinh từ nay xin phép học hành chăm chỉ…
2. Tiền không như rác, nhưng rác đã có thể như tiền!
Sau 14 năm loay hoay tìm cách tạo thói quen phân loại rác tại nhà cho người dân, các cơ quan quản lý cuối cùng cũng được thở đánh phào một cái.
Vài tháng qua, người dân tại quận 5 và một số khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực gom rác như chai nhựa, hộp giấy để… đổi lấy tiền, gạo và một số loại thực phẩm. Vừa tạo được thói quen tận dụng rác thải, vừa giúp nhiều hộ gia đình khó khăn có thêm thu nhập. Thời gian tới mô hình sẽ được nhân rộng ở nhiều khu vực khác.
Nhưng để cùng nhau đạt được mục tiêu xử lý 200 tấn rác thải tái chế mỗi ngày, tư tưởng “gom rác để săn quà” sẽ cần được nâng cấp. Vì nếu một ngày không còn tiền khích lệ, chúng ta vẫn muốn thói quen tái chế cũng không bỏ mình mà đi!
3. Tin này thật hay giả? Đã có Trung tâm xử lý tin giả lo!
Từ ngày 12/02, mức độ hạnh phúc của người Việt Nam dự kiến sẽ tăng vọt, nhờ Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam vừa mới được Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương.
Sẽ không còn những cuộc gọi hốt hoảng “Con ơi, trong đấy... Cẩn thận đấy nhé!”. Sẽ không còn những tiếng đồng hồ đằng đẵng giải thích cho các mẹ, các bà, các ông rằng “không phải ai mặc vest cũng là người của đài đâu ạ”. Trung tâm sẽ chủ động phát hiện, thẩm định, gắn nhãn và cảnh báo người dùng đâu là “tin giả”, “tin sai sự thật” và “tin xác thực”.
Bạn cứ thế nhẹ nhàng thả cho bạn bè, người thân một đường link của Trung tâm. Họ sẽ được cung cấp các hướng dẫn chi tiết cách nhận biết, phòng tránh, và đối phó với tin giả.
Ngoài việc chờ đợi Trung tâm gắn nhãn, người dân có thể phản ánh về tin giả qua đầu số 18008108 để nhà chức trách thẩm định!
4. Quán lịch sự với shipper mới là quán ngon?
Chỉ trong vài ngày đầu năm, làn sóng tẩy chay đã đi từ nhiều rạp chiếu phim Việt ra đến trước cổng chùa Láng, Hà Nội... Một vị chủ quán thịt xiên nướng có tiếng tại đây vì mạnh miệng lăng mạ, chửi bới một shipper đã phải hứng bão dư luận.
Địa chỉ trên Google và Foody của quán mấy ngày qua phải liên tục nhận về hàng trăm lượt đánh giá 1 sao, kèm bình luận phẫn nộ.
Chuyện bắt đầu từ việc anh shipper tuy “chính hãng 100%” nhưng không mặc đồng phục vì trời chuyển rét. Cứ ngỡ là vì chủ quán thấm nhuần ý thức cảnh giác với dịch vụ công nghệ giả danh nên mới lớn tiếng đe dọa. Nguyên nhân thực tế lại là vì “...không hiểu mượn ai mà lại có áo. Cái cảm giác của em lúc đấy như kiểu bị trêu ghẹo khiến cho em bực tức”, theo như lời xin lỗi của anh trên Facebook cá nhân.
“Phở chửi, bún mắng” vẫn có thể đông người người ăn, nhưng quán chửi shipper trong thời đại kinh doanh trực tuyến thì không có chung số phận. Nhu cầu cho các khoá cân bằng cảm xúc, để tránh không có “một phút lỡ lời” có thể sẽ vì đây mà tăng lên.
5. Hút thuốc lá là nghệ thuật!?
Hút thuốc “gây ra cái chết từ từ và đau đớn” đâu chẳng thấy, chỉ thấy “đầy nghệ thuật” và “cool ngầu”! Đây là cảm giác chung của nhiều người sau khi xem xong MV mới nhất của Cường Seven. Giới trẻ càng hưởng ứng, Bộ Y Tế lại càng ôm đầu vì sợ họ học đòi.
Độ tuổi hút thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hoá và số lượng lại ngày càng tăng lên (năm 2019 tăng gấp 20 lần so với trước đó). Vậy mà hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử chưa bao giờ là dễ tiếp cận hơn cho đối tượng học sinh, sinh viên.
Một điếu trước đây có giá từ vài triệu, vài trăm nay chỉ còn trên dưới 100 nghìn đồng. Các hãng thuốc còn kết hợp với nhiều KOLs để quảng cáo, thu hút giới trẻ.
Chỉ mong trong lúc chờ luật cấm thuốc lá điện tử được thông qua, không người Việt nào yêu thích thuốc lá điện tử lại hồn nhiên hút theo thói quen, khi sang chơi Thái Lan, Ấn Độ, Philippines... Vì các nước đã ban hành lệnh cấm này có thể đưa ra mức phạt từ 1-10 triệu đồng!
6. Nhà Táo chuẩn bị đón chiếc xe điện iCar vào năm 2024!
“Apple sản xuất xe hơi” đã không còn là tin đồn! Theo nhà phát ngôn của hãng xe Huyndai, kẻ khổng lồ công nghệ đang thảo luận “với nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm cả Hyundai Motor” để sản xuất xe một chiếc xe chở khách với công nghệ pin độc quyền vào năm 2024.
Dự án xe hơi với cái tên vĩ mô Project Titan đã được úp mở từ năm 2014. Đến năm 2019, hơn 200 nhân viên bị sa thải khỏi dự án. Tưởng như “chìm xuồng”, nhưng Apple vẫn âm thầm phát triển các công nghệ xe tự hành.
Tesla mất 17 năm để đạt đến giai đoạn phát triển xe có lãi bền vững, nhưng có lẽ họ vẫn cần dè chừng cái tên “mới nổi” này. Sau thông tin Apple sản xuất ôtô điện, cổ phiếu của hãng đã tăng 1,24%. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla giảm 6,5%.
Cộng đồng công nghệ trên thế giới đang cùng nín thở theo dõi bước đi của Apple trong việc phát triển một “công nghệ pin đột phá” như lời tuyên bố. Nếu đến năm 2024 vẫn không có Apple Car, fan hâm mộ nhà Táo cũng cầu rằng trước hết những chiếc iPhone thôi đừng mắc lỗi pin nữa!