Sau cùng thì quyền sinh sát động vật vẫn nằm trong tay con người | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Sau cùng thì quyền sinh sát động vật vẫn nằm trong tay con người

Dù hướng tới không ăn thịt chó, mèo, thì quyền lợi của con người vẫn được đặt ở trung tâm.
Sau cùng thì quyền sinh sát động vật vẫn nằm trong tay con người

Cư xử "nhân văn" có nghĩa là đặt quyền lợi con người, chứ không phải động vật, làm trung tâm.

Hội An nói không với thịt chó, mèo: quyền lợi của con người được ưu tiên

Những ngày gần đây, “Thành phố Hội An nói không với thịt chó, mèo” xuất hiện trên tít của nhiều bài báo. Thoả thuận hợp tác cam kết được ký giữa UBND Hội An và Four Paws - tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu vào sáng 05/12 vừa qua là tin mừng đối với nhiều chủ vật nuôi, và nhiều người yêu động vật.

Nhìn chung, bản thỏa thuận tập trung nhiều hơn và lợi ích của địa phương. Là một thành phố du lịch sầm uất và nổi tiếng trên thế giới, Hội An có thể xây dựng hình ảnh vốn đẹp đẽ của mình như nơi đầu tiên ở Việt Nam không ăn thịt chó, mèo. Điều này hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế du lịch địa phương sau đại dịch.

Ngoài ra, thoả thuận cũng giúp ngăn chặn nguy cơ lây bệnh dại từ hoạt động giết mổ chó, mèo; chủ vật nuôi cũng không còn lo thú cưng của mình bị đánh cắp lấy thịt.

Thỏa thuận này là một cam kết dân sự lành mạnh, và đáng được hoan nghênh vì đáp lại tiếng nói của bộ phận công chúng đông đảo. Song nếu để nói nó sẽ giúp nâng cao phúc lợi cho động vật, thì thỏa thuận mới chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức của con người. Động vật chưa được hưởng lợi trực tiếp.

Con người sẽ có nhận thức hơn về quyền lợi của các loài gần gũi với mình. Chúng thường đã được thuần hóa trong một lịch sử rất dài và sống chung nhà với chúng ta.

Còn phúc lợi của các loài không phải thú cưng, như gia súc, gia cầm, và động vật hoang dã, dường như chưa phải điều người dân cảm thấy cần phải quan tâm. Chúng cũng bị giết hại dã man và bị khai thác triệt để. Song người ta coi sự tàn sát ấy là hiển nhiên vì số phận chúng sinh ra là vậy.

Phúc lợi của các loài không phải thú cưng dường như chưa phải điều người dân cảm thấy cần phải quan tâm.

Chủ nghĩa phân chia đẳng cấp loài (speciesism) là gì?

Ở đây, chúng ta sẽ nhìn thấy logic của chủ nghĩa phân chia đẳng cấp loài được thể hiện rõ. Khi con người đứng đầu chuỗi thức ăn, họ cho mình quyền đánh giá giá trị và lợi ích của một số loài khác đối với mình.

Giá trị của con vật cho ta sức kéo, thịt, hay tình cảm, có thể rất khó để so sánh với nhau. Nhưng xét về mặt đạo đức, loài người cho rằng việc đối xử tốt với một số loài (thú cưng) mang giá trị cao hơn việc đối xử tốt với một số loài khác (thú lấy thịt).

Những thứ bậc tưởng tượng giữa giới động vật đã được tạo ra bởi con người. Logic đằng sau sự phân biệt này là con người thuần tuý nhìn mọi loài động vật như tài sản, chứ không phải như những sinh thể sống đang tồn tại cùng mình. Vì thế, tranh cãi xem loài vật nào nên bị giết và không nên bị giết cũng giống như tranh cãi xem số phận của một thứ tài sản nên bị định đoạt bao nhiêu bởi chủ sở hữu nó.

Việc cấm ăn thịt chó mèo như một hiện tượng đặc biệt của toàn cầu hoá không nói lên rằng thế giới ngày hôm nay đã bớt khắc nghiệt với giới động vật hơn so với vài thế kỷ thế nhân sinh (anthropocene) con người ngự trị. Nó chỉ cho con người tự thấy rằng mình có thể nhân từ hơn, chứ không công nhận rằng động vật có thực quyền.

Khi con người đứng đầu chuỗi thức ăn, họ cho mình quyền đánh giá giá trị và lợi ích của một số loài khác đối với mình.

Vì sao phúc lợi động vật là điều xa vời?

Việc con người cho mình quyền năng được cấp quyền cho muôn loài biến họ trở thành một dạng thần thánh sống dưới trần gian trong con mắt của các loài động vật. Điều đó thể hiện rằng đời sống của thế giới vô-nhân (non-human), hay thế giới không bao gồm con người, có thể được kiểm soát triệt để bởi quyết định của chúng ta.

Sự gìn giữ quyền thống trị của con người không chỉ ảnh hướng tới đời sống của một số loài lẻ tẻ. Nó can thiệp vào sự tồn vong của toàn bộ thiên nhiên. Nhà nhân học Arturo Escobar nhận định quyền thống trị này xuất phát từ việc con người đánh tráo nội hàm của thiên nhiên (nature), với môi trường (environment) từ những năm 50 của thế kỷ 20.

Nói đến thiên nhiên tức là nói đến một tổng thể hữu cơ mà con người là một phần không thể tách rời. Họ có thể săn bắn các loài vật, khai thác cây cối, tài nguyên. Ngược lại, các loài vật cũng có thể tấn công con người. Nhưng về tổng thể thì hệ sinh thái không bị biến dạng.

Tư duy sống hài hoà với thiên nhiên, dĩ nhiên sẽ không bảo chúng ta cứ không giết mổ động vật và ăn chay là có thể cứu thế giới. Điều quan trọng là chúng ta cần phải bảo tồn sự cân bằng của toàn bộ hệ sinh thái.

Còn nói đến môi trường tức là nói đến một thế giới tách rời với con người, có thể được làm chủ bởi con người. Từ những phát kiến công nghiệp dẫn chúng ta vào thế nhân sinh vào khoảng thế kỷ 18, con người biến thiên nhiên từ thứ bao trùm lấy mình thành thứ mình có thể kiểm soát được. Từ đó, họ khai thác môi trường, tàn phá môi trường và bảo vệ môi trường theo cách họ muốn.

Nếu nói bảo tồn thiên nhiên, ta sẽ hiểu một tổng thể hữu cơ một khi bị khai thác vô độ thì sẽ biến dạng mãi mãi. Còn nếu chỉ dừng lại ở bảo vệ môi trường, con người sẽ phá một cánh rừng và giết hại toàn bộ những sinh thể sống trong đó, rồi trồng trả vào đó số lượng cây tương ứng, thả vào đó số động vật tương ứng và nghĩ rằng mình đã hết nhiệm vụ.

Việc thay thế môi trường cho thiên nhiên và không nhận thức được mối quan hệ hữu cơ giữa ta với mọi sinh thể sống khác khiến cho mục tiêu phúc lợi động vật mãi mãi không thể thành công.

Đời sống của thế giới vô-nhân (non-human), hay thế giới không bao gồm con người, có thể được kiểm soát triệt để bởi quyết định của chúng ta.

Vậy phúc lợi động vật thực sự là gì?

Đối với tôi, đó là tôn trọng và gìn giữ sự cân bằng của toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm cả các loài mình yêu quý và các loài mình không yêu quý, các loài có giá trị với con người và các loài gây tổn hại tới con người.

Ý đầu tiên này cần phải được nhấn mạnh, vì với triết gia Benedict O’Connell, khái niệm phúc lợi động vật (animal welfare) ngày nay đang có nhiều hạn chế. Khi con người nói mình yêu một loài vật hơn và trao cho chúng phúc lợi, thực tế là ta thấy lợi ích của chúng được khai thác triệt để hơn khi chúng có phúc lợi.

Điều này có thể được cảm nhận ở nền công nghiệp thú nuôi. Phúc lợi cho thú nuôi tăng tức là nền kinh tế thị trường có thể kiếm lời từ các dịch vụ y tế, phụ kiện, thực phẩm… gắn liền với hoạt động xoay quanh thú cưng.

Sâu xa hơn, con người cần phải nhận thức được bạo lực của mình đối với giới động vật nằm ở việc họ can thiệp triệt để vào môi trường sống của chúng. Họ biến đổi gene, kiểm soát số lượng sinh và giết mổ động vật ở quy mô công nghiệp.

Những hành động này đã thay đổi hệ sinh thái mãi mãi, đặt chúng ta vào thế thù địch với mọi sinh thể sống khác trong hệ sinh thái. Trộm chó hay ngược đãi thú nuôi chỉ là bề nổi của hoạt động khai thác thù địch của con người.

Nâng cao phúc lợi cho động vật, vì thế, là đảm bảo môi trường sống đủ lành mạnh để các quần thể động vật ở mọi nơi có cơ hội được phục hồi trước sự khai thác của con người. Hãy yêu thú cưng của bạn, và đồng thời, phản đối sự khai thác tận diệt đối với thiên nhiên.

Kết

Nhìn chung, thoả thuận cam kết hướng tới việc không tiêu thụ thịt chó, mèo ở Hội An là kết quả của một quá trình dân sự lành mạnh. Chúng ta nên ghi nhận việc tiếng nói của công chúng được lắng nghe và hồi đáp.

Nhưng để thực sự nâng cao phúc lợi cho động vật, thì thỏa thuận trên chỉ là bước khởi đầu bề nổi và chưa có nhiều ý nghĩa đối với đời sống của các sinh thể khác con người. Nó sẽ là một sự khích lệ tinh thần đối với nhiều người yêu động vật, và chỉ dừng lại ở đó.