Separation anxiety - Khi nỗi sợ khoảng cách tạo ra xa cách | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
01 Thg 10, 2022
Thương

Separation anxiety - Khi nỗi sợ khoảng cách tạo ra xa cách

Hầu hết chúng ta đều không muốn chia xa những người mình yêu thương. Tuy nhiên, cảm xúc hiển nhiên ấy đôi khi có thể biến thành nỗi sợ thường trực.
Separation anxiety - Khi nỗi sợ khoảng cách tạo ra xa cách

Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Bạn đã bao giờ bật khóc vì nhớ nhà, hay đếm ngày người yêu trở về khi yêu xa? Sự chia xa về khoảng cách chưa bao giờ là dễ dàng đối với những mối quan hệ mà ta trân quý. Chúng ta thường cảm thấy buồn, nhung nhớ những người mình yêu thương và chờ đợi ngày gặp lại.

Tuy nhiên, nếu sự buồn rầu, lo sợ, tuyệt vọng luôn đè nặng tâm trí bạn và làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày thì đó là lúc bạn có thể mắc chứng separation anxiety - rối loạn lo âu ly thân vì cảm giác không thể sống thiếu họ.

Separation anxiety là gì?

Separation anxiety diễn tả nỗi sợ quá mức của con người khi phải xa những người thân yêu - những người họ vốn dĩ coi là điểm tựa không thể thiếu. Separation anxiety được xếp trong 7 loại rối loạn lo âu - nhóm bệnh tâm lý thường xuyên gây cảm giác lo lắng, sợ hãi quá mức.

Nỗi sợ này xuất hiện phổ biến trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ từ 8 đến 14 tháng. Đây là lý do vì sao các em bé thường khóc và la hét khi không thấy bố mẹ hay người chăm sóc em ở gần. Tuy nhiên, separation anxiety cũng được chẩn đoán ở không ít những người trưởng thành.

alt
Separation anxiety diễn tả nỗi sợ quá mức của con người khi phải xa những người thân yêu.

Những biểu hiện có thể kể đến như:

  • Luôn lo sợ mối quan hệ sẽ kết thúc hoặc bị bỏ rơi (fear of abandonment)
  • Stress kéo dài khi nghĩ đến sự chia xa
  • Lo lắng quá mức về những điều xấu có thể xảy ra với người thân yêu
  • Thường xuyên đau đầu và mất ngủ
  • Trong tình yêu, họ trở nên kiểm soát hơn để cảm thấy an toàn

Nguyên nhân dẫn đến separation anxiety

Tâm lý phụ thuộc

Mặc dù không được coi là một hội chứng tâm lý, sự phụ thuộc vào người khác có thể gây ra hậu quả lâu dài, bao gồm cả các triệu chứng của separation anxiety. Trong một mối quan hệ phụ thuộc, việc đặt mọi nhu cầu của đối phương lên trên bản thân có thể khiến bạn tự đánh mất quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình.

Chuyên gia về hôn nhân và gia đình Vicki Botnick cho rằng: “Khi con người đã phụ thuộc quá nhiều vào người họ yêu thương, quên đi nhu cầu của bản thân và phải đối mặt với sự chia xa, họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải xoay xở một mình.”

Tác động từ môi trường sống

Môi trường sinh sống là một yếu tố lớn tác động tới sự hình thành của separation anxiety, đặc biệt là sự thiếu thốn tình cảm gia đình từ khi còn bé. Theo nhà tâm lý Hailey Shafir, sự tương tác giữa em bé và cha mẹ ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất, xã hội, nhận thức và tình cảm sau này.

Sự khao khát tình yêu thương của đứa trẻ xuất hiện dần dần từ môi trường thiếu sự đồng hành của gia đình. Vấn đề này có thể dẫn đến nỗi sợ hãi và nhạy cảm quá mức khi phải chia cách những người thân yêu trong cuộc sống khi lớn lên.

Ngoài ra, những thay đổi mới trong môi trường sống cũng tác động đến việc hình thành hội chứng này. Ví dụ phổ biến là khi bắt đầu đi học xa, nhiều người không muốn xa gia đình và cảm thấy ngột ngạt, khó chịu trong môi trường mới.

Trải qua biến cố trong cuộc sống

Những khó khăn xảy đến với người thân như đại dịch, bệnh tật, tai nạn,… càng làm bạn nhận ra sự mong manh, vô thường của cuộc sống. Vì thế, nếu người bạn thương yêu đối mặt với biến cố lần nữa, nỗi sợ chia ly trong bạn càng gia tăng nhiều hơn.

Các hội chứng rối loạn tâm lý

Người mắc các hội chứng rối loạn lo âu trước đó như rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder), rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder), bất an trong tình yêu (relationship anxiety) hay nỗi sợ bị bỏ rơi (fear of abandonment) thường có xu hướng xuất hiện nhiều dấu hiệu của separation anxiety.

Cách vượt qua separation anxiety

Nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu của separation anxiety, bạn có thể tham khảo một vài cách sau đây để vượt qua nỗi sợ trên:

Chấp nhận nỗi sợ

Theo tiến sĩ tâm lý học David Klemanski và tiến sĩ tâm lý học Jesse Hanson, người mang nỗi sợ tâm lý cần nhận diện rằng đây không chỉ là một vài cảm xúc hiển nhiên, mà sâu thẳm là một nỗi sợ vô cùng lớn về việc mất đi những người họ yêu.

Bước đầu chấp nhận và nhận diện các biểu hiện của separation anxiety sẽ giúp ích cho quá trình chữa trị sau này.

alt
Chấp nhận nỗi sợ là bước đầu để vượt qua separation anxiety.

Tập trung vào cuộc sống của bạn

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ không làm biến mất nỗi sợ ngay tức khắc, nhưng quá trình này có thể giúp bạn giảm dần nỗi sợ tâm lý qua từng ngày.

Dù đang bị mắc kẹt trong ám ảnh tâm lý của mình, hãy cố gắng dành đủ thời gian cho:

  • Đảm bảo chất lượng giấc ngủ và ngủ đủ giấc
  • Tập thể dục
  • Ăn uống lành mạnh
  • Giải trí và các sở thích cá nhân
  • Những người thân yêu xung quanh bạn

Chia sẻ với đối phương

Điều này thậm chí trở nên quan trọng hơn khi bạn đang mang nỗi sợ chia xa, bởi đối phương có thể hiểu nhầm về những hành vi mang tính kiểm soát của bạn. Chia sẻ chân thành và thẳng thắn về tâm lý của mình sẽ mang lại bước tiến cho mối quan hệ và cả hai có thể cùng giải quyết vấn đề này.

Chữa lành tâm hồn

Những phương thức đi sâu vào bên trong bản thân như thiền định, yoga, viết nhật ký… sẽ giảm được nhiều biểu hiện lo âu ở người trưởng thành.

Tư vấn tâm lý

Với sự tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể tìm ra giải pháp để vượt qua nỗi sợ và phát triển mối quan hệ tốt hơn với người mình yêu thương. Một trong những liệu pháp thường được sử dụng là “Liệu pháp nhận thức hành vi” (CBT) có thể giúp loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và đối phó với tình huống một cách lành mạnh.