Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Vào những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến một sự đổ bộ trên mọi phương diện của điện ảnh châu Á. Parasite, The Farewell, Minari hay Squid Game đã thật sự hướng thế giới chú ý về phía còn lại của bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Gần đây nhất, Shang-Chi ra mắt với tư cách là siêu anh hùng châu Á đầu tiên gia nhập MCU. Bộ phim này còn được kì vọng sẽ đem lại cho cộng đồng Á Đông sự đại diện tương tự như những gì Black Panther đã đem lại cho cộng đồng Châu Phi.
Các chi tiết nhỏ hướng đến cộng đồng châu Á ngoại quốc
Với số điểm đánh giá khán giả 98% trên Rotten Tomatoes, Shang-Chi là bộ phim được đón nhận tích cực nhất trong MCU cho đến thời điểm hiện tại. Hàng ngàn lượt tweet và review trên các trang mạng xã hội đều dành lời khen cho các chi tiết rất Á Đông hiện hữu xuyên suốt Shang-Chi.
Có thể thấy cách đạo diễn Destin Daniel Cretton đã tỉ mỉ đưa vào Shang-Chi những chi tiết nhỏ đã có thể khiến những người châu Á, đặc biệt là người châu Á ở nước ngoài, cảm thấy được thấu hiểu.
Đoạn đối thoại trên máy bay là một ví dụ hay. Cách Shang-Chi hướng dẫn cô bạn Katy phát âm chính xác tên tiếng Trung của mình, hay sự ngượng ngùng khi anh nói về cách anh đổi tên từ Shang sang Shaun để hòa nhập, tất cả những điều này là những trải nghiệm sống của không biết bao nhiêu người châu Á ở nước ngoài.
Sự cẩn thận trong việc sử dụng ngôn ngữ cũng là một trong những cách mà vị đạo diễn này kết nối với cộng đồng người châu Á. Tiếng Trung được đánh giá là một thứ tiếng khó có thể được đưa vào phim một cách tự nhiên vì sự khác biệt giữa văn viết và văn nói.
Tờ The Time viết về đoạn hội thoại khi nhân vật Jiang-Li, mẹ của Shang-Chi và Xialing, nói với hai đứa con của mình rằng hãy đi vào trong nhà, “Ngay tại thời điểm đó, tôi biết được là câu thoại của bộ phim được viết với sự quan tâm và chu đáo. Tôi thậm chí còn không đếm được số lần tôi nghe ba mẹ nói với tôi khi còn bé chính xác câu nói, “wo gen ke ren you hua yao shuo” (“我跟客人有話要說”)
Những tư tưởng đậm chất Nho Giáo về ý nghĩa tên họ, trọng nam khinh nữ, truyền thống gia đình hay những triết lí như: “Che điều ác, tôn điều thiện”, “Nợ máu phải trả bằng máu” cũng được lồng ghép vào như một công cụ để bộ phim này xây dựng nhân vật.
Đứng giữa những bộ phim khắc họa văn hóa Á Đông là huyền bí, nguy hiểm hay những nhân vật châu Á được xây dựng chỉ với mục đích gây cười, những yếu tố nhỏ lẻ đó đã cho thấy được sự chân thành mà đội ngũ làm phim dành vào Shang-Chi.
Hình ảnh và các pha hành động mang tinh thần Á Đông
Yếu tố hình ảnh và hành động của Shang-Chi đóng một vai trò rất lớn trong việc đưa yếu tố châu Á lên trên màn ảnh thế giới. Từ những cấu trúc và chi tiết tại căn cứ của tổ chức Thập Luân, Làng Ta Lo đến sự xuất hiện của những sinh vật như Long, Lân, Phụng,... Shang-Chi đã vẽ nên một bức tranh Á Đông mới mẻ từ những chất liệu đặc trưng của nền văn hóa này.
Ngoài ra, yếu tố hành động mang đậm tinh thần phim võ thuật Hồng Kông vào những năm 90 cũng là điều khiến người xem ấn tượng. Được chỉ đạo bởi Brad Allan, một thành viên thân cận trong đội ngũ hành động (stunt team) của Thành Long, với khán giá Á Châu, Shang-Chi là một bộ phim tri ân đến thể loại điện ảnh võ thuật này.
Những phân cảnh lấy cảm hứng từ các bộ phim võ thuật kinh điển châu Á như Ngọa Hổ Tàng Long, Oldboy, Tuyệt Đỉnh Kungfu đều góp mặt trong Shang-Chi.
Trong số những huyền thoại đó, Thành Long chính là người được nhắc đến nhiều nhất khi người xem liên tục được gợi nhắc đến những bộ phim như Giờ Cao Điểm 2, Đại náo phố Bronx hay Câu chuyện cảnh sát trong các phân cảnh hành động của Shang-Chi.
Bỏ lỡ cơ hội nói về những vấn đề sâu sắc hơn
Được chỉ đạo bởi đội ngũ người châu Á, các yếu tố làm nên Shang-Chi được lấy cảm hứng từ trải nghiệm thực tế của những cá nhân này đối với nền văn hóa của họ. Chính vì vậy, bộ phim đã thành công trong việc kết nối và lấy được cảm tình với cộng đồng người châu Á sống ở nước ngoài. Số điểm vượt trội từ những nền tảng đánh giá phim là một bằng chứng rõ ràng cho điều này.
Thế nhưng, nếu nhìn Shang-Chi trên góc độ toàn cảnh, có lẽ bộ phim này còn thiếu đi những yếu tố lớn để thật sự xứng đáng với danh hiệu “đại diện châu Á”.
“Những lời hứa hẹn của Cretton (đạo diễn) về một ý tưởng khác biệt và độc đáo ngay đầu phim, đáng tiếc thay, lại không bao giờ xảy ra,” Nhà phê bình Sara Michelle Fetters viết trên MovieFreak.
Shang-Chi đã thiết lập được một mối quan hệ giữa hai cha con Wenwu và Shang-Chi hướng tới một đề tài Á Đông là những câu hỏi về truyền thống và sự nghiệp.
Tương tự, bộ phim đã xây dựng rõ ràng sự trốn tránh của Shang-Chi và sự đối mặt của Wenwu trước cái chết của Jiang-Li. Sự đối lập này mở ra nhiều tiềm năng để bộ phim khám phá về cách con người đối mặt với sự thương tiếc trước cái chết của người họ yêu thương nhất.
Tuy nhiên, Shang-Chi chưa thật sự cho khán giả một cái kết giải quyết được vấn đề. Trận đánh cuối cùng trong phim cho thấy Marvel đang lựa chọn một hướng đi dễ. Việc kết thúc bộ phim bằng cách hướng sự chú ý của khán giả đến “cuộc chiến giữa thiện và ác”, Shang-Chi dường như đang bỏ ngỏ những vấn đề lớn bộ phim đã đặt ra từ đầu
Mối quan hệ phức tạp của hai cha con Shang-Chi và Wenwu vốn bắt nguồn từ cách họ nhìn vào những giá trị truyền thống và di sản. Tuy nhiên, thay vì cho khán giả một góc nhìn mới về những giá trị này, Shang-Chi lại biến những vùng xám trong cái lí của hai nhân vật thành một cuộc chiến giữa hai cực đúng và sai.
Vấn đề mấu chốt được đặt ra ở cuối phim là sự mâu thuẫn giữa 2 trạng thái tiếc thương: Chối bỏ (Denial) của Wenwu và chấp nhận (Acceptance) của Shang-Chi. Thay vì đưa khán giả đi sâu vào cách hai nhân vật sẽ đối đầu và đúc kết ra các thông điệp sâu sắc, bộ phim lại chọn giới thiệu một ác nhân khác.
Giải phóng sinh vật “Dweller-in-Darkness” của Wenwu là cách bộ phim chính thức đưa Wenwu vào vai phản diện. Từ đó, mối quan hệ giữa 2 cha con đã trở thành một siêu anh hùng cứu thế giới và một ác nhân. Cuộc chiến CGI hoành tráng này cứ thế kéo dài đến khi phim kết thúc. Một đoạn kết có chiều sâu, một thông điệp buộc người xem phải nghiền ngẫm có lẽ là hai điều bộ phim này chưa làm đủ.
“Bộ phim đã có cơ hội để giữ mọi thứ nghiêng về những cảm xúc chân thành của con người... Tôi có một cảm giác đó là điều mà Cretton muốn làm, nhưng thế lực đằng sau ví tiền của bộ phim đã có những suy nghĩ khác.” Nhà phê bình Sara Michelle Fetters tiếp tục viết.
Kết
Tình yêu và sự tỉ mỉ khi khắc họa văn hóa Á Đông của Shang-Chi là một yếu tố khó có thể phủ nhận. Bộ phim đã làm rất tốt trong việc đồng cảm với những trải nghiệm của người Châu Á ở nước ngoài và cho cộng đồng này sự kết nối mà họ xứng đáng nhận được từ lâu.
Sự chân thành và nỗ lực của dàn diễn viên và những người đứng đằng sau hậu trường là những yếu tố cực kì đáng trân trọng. Thế nhưng, khi nhìn về bức tranh lớn, Shang-Chi đã không thể thật sự truyền tải và khám phá sâu hơn về những trăn trở lớn của toàn bộ văn hóa Á Đông. Một điều mà Marvel đã chứng minh là hãng phim này có thể làm được với những chủ đề khác qua những tác phẩm gần đây.
Để có thể tiếp tục đổi mới và phát triển, có lẽ điều mà Marvel Studio cần lúc này là sự tin tưởng vào tầm nhìn của những cá nhân làm nên bộ phim hơn là một công thức vốn đã quá cũ kĩ và nhàm chán.