Một số quy tắc làm đẹp đơn giản được thuộc nằm lòng bao gồm làm sạch da, dưỡng ẩm và thoa kem chống nắng. Nhưng làn da chúng ta lại đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn từ mụn, lão hóa đến nám… Khi ấy, bạn có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm hơn như serum chống lão hóa, chất phục hồi hoặc tẩy tế bào chết hóa học.
Từ đó, làn da hiện đại phải gồng gánh các loại hóa chất nhiều hơn. Và người sử dụng thậm chí cũng chẳng biết liều lượng dùng đang thiếu hay thừa. Chúng ta sử dụng sản phẩm theo nhu cầu cá nhân nhưng hầu như không thể biết da đang “đói” hay đang “no.”
Và thế là skin cycling (tạm dịch là Chăm da theo chu kỳ) ra đời. Hơn cả một cái tên bắt tai, xu hướng làm đẹp này còn được ưa chuộng bởi nhiều lợi ích cho làn da trong việc phân bổ các loại dưỡng chất.
Nhận biết làn da bội thực dinh dưỡng
Quan tâm đến da là một điều tốt, tuy nhiên nếu không có đủ kiến thức để xây dựng quy trình chăm sóc da hiệu quả, việc thoa lên da quá nhiều lớp kem dưỡng, serum,... sẽ khiến da dễ bị “bội thực”. Hậu quả để lại là một làn da bị kích ứng, khô căng, bong tróc, hay mụn lên ồ ạt.
Một yếu tố khiến da bị bội thực nằm ở thành phần mỹ phẩm. Nhiều sản phẩm chăm sóc da có chứa thành phần bảo quản, hương liệu hay các chất hoá học bên cạnh các thành phần điều trị chủ chốt. Nếu trong thời gian đầu sử dụng da vẫn tạm ổn nhưng theo thời gian lại dễ kích ứng, ẩm ương thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy da đang không tiêu hóa kịp những thứ bạn đắp lên.
Bên cạnh đó, da khô, bong tróc cũng là một dấu hiệu khác cho thấy làn da bạn đang bị thừa dinh dưỡng. Nguyên nhân là vì các sản phẩm chăm sóc da bạn dùng đang bị thừa và chúng đã hút hết độ ẩm tự nhiên trên da. Điều này sẽ dẫn đến việc tiết dầu, làm to lỗ chân lông hay khiến da thiếu đàn hồi.
Skin Cycling là gì?
Nếu yêu thích các nội dung chăm sóc da trên Instagram hay TikTok, có lẽ bạn đã ít nhất một lần bắt gặp khái niệm “skin cycling”. Trên TikTok, từ khoá #skincycling đã đạt hơn 122 triệu lượt xem. Các bài viết nhắc đến cụm từ skin cycling trên nhiều nền tảng mạng xã hội cũng nhận được đến 3,5 tỉ lượt xem.
Skin cycling về cơ bản là một chế độ chăm sóc da trong bốn đêm được lặp đi lặp lại. Trong đó, đêm thứ nhất sử dụng tẩy tế bào chết, đêm thứ hai dành cho thành phần retinoids. Hai đêm cuối cùng là đêm phục hồi - tạm ngưng sử dụng các sản phẩm có chứa thành phần hoạt tính và chỉ tập trung vào việc cấp ẩm cho da. Khi chu trình bốn đêm này kết thúc, bạn tiếp tục lặp lại và duy trì thành một vòng lặp chăm sóc da.
Một cách ngắn gọn, với skin cycling, thay vì sử dụng các sản phẩm chăm sóc da giống hệt nhau mỗi ngày, bạn sẽ sử dụng chúng với những ngày nghỉ xen kẽ.
Việc cắt giảm các bước dưỡng da sẽ là cứu tinh cho các làn da bị “bội thực” dưỡng chất. Đừng lo điều này sẽ khiến làn da bạn xấu đi. Bởi lẽ với chăm sóc da, sự bền bỉ quan trọng hơn mức độ thường xuyên. Nếu bạn theo đuổi liệu trình chăm sóc da khoa học, các sản phẩm vẫn sẽ phát huy tác dụng kể cả khi bạn không sử dụng hằng ngày.
Các chuyên gia làm đẹp nói gì?
Thực tế, skin cycling không còn là một thuật ngữ xa lạ đối với các chuyên gia làm đẹp. Tiến sĩ Shari Lipner, phó giáo sư da liễu lâm sàng tại Trung tâm Y tế Weill Cornell ở New York, cho biết skin cycling là một phương pháp điều trị nổi tiếng trong lĩnh vực da liễu.
Hai đêm phục hồi chính là điểm đặc biệt của skin cycling, bởi các sản phẩm tẩy tế bào chết và retinoids có thể gây kích ứng da nếu sử dụng quá thường xuyên. Skin cycling sẽ góp phần trẻ hóa làn da, cũng như phù hợp cho những ai muốn làm đều màu da hoặc khắc phục tình trạng mụn.
Theo Tiến sĩ Whitney Bowe - một bác sĩ da liễu tại New York được cho là đã sáng tạo ra thuật ngữ "skin cycling" - cho rằng phương pháp này không chỉ giúp các thành phần chăm sóc da được phát huy hiệu quả tối đa (chẳng hạn như việc tẩy da chết sẽ chuẩn bị cho làn da hấp thụ retinoid tốt hơn), mà còn giúp da tránh bị kích ứng.
Đặc biệt khi dần bước vào mùa lạnh và thời tiết nhiều gió như hiện nay, da sẽ dễ bị khô và gặp các vấn đề về như bệnh chàm. Vậy nên, skin cycling sẽ giúp ngăn da bạn không bị khô ngay từ đầu, để da có khả năng chống chọi với các điều kiện tự nhiên tốt hơn.
Những lưu ý khi ứng dụng skin cycling
Phương pháp skin cycling có nhược điểm là không hoàn toàn lý tưởng cho mọi loại da. Với những làn da quá nhạy cảm, việc tẩy da chết hai lần một tuần vẫn có thể gây kích ứng cho da. Nếu việc tẩy da chết với tần suất thấp vẫn khiến da bạn bị mẩn đỏ, bạn có thể bỏ qua bước này.
Nếu bạn chưa quen với thành phần retinoid, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ khi bắt đầu chu trình skin cycling. Retin-A và retinol là hai thành phần thường thấy có khả năng gây khô, kích ứng và thậm chí là viêm nhiễm cho người sử dụng. Đối với những ai có làn da nhạy cảm, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm ở các vùng như quanh mắt và khóe mũi, miệng và cổ trước khi thoa retinoid để hạn chế các tác dụng phụ kể trên.
Tương tự, nếu bạn có làn da mụn hay bị tình trạng đỏ da (rosacea), bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu để theo đuổi lộ trình chăm sóc da được cá nhân hóa và hợp lý hơn.
Tóm lại là, các xu hướng chăm da ngày nay đang giảm tải gánh nặng mà da đang phải chịu đựng. Đã từng có thời, chăm da đúng chuẩn phải đến hàng chục bước với hàng tá mỹ phẩm. Nhưng ngày nay, việc theo đuổi một làn da hoàn hảo, siêu thực lại không phải là mục tiêu hàng đầu.
Người dùng thà có một chế độ chăm da dễ thở hơn là đau đầu trong hàng loạt hoạt chất đọc mãi cũng không hiểu. Vì thế skin cycling, phong cách clean girl dần trở thành lựa chọn mới và giúp người dùng nhận ra rằng làm đẹp chân chính luôn cần niềm vui và sự thoải mái trong đó.