Ra đời năm 2013, Skinlosophy là thương hiệu mỹ phẩm thuần Việt đã có cộng đồng hàng chục ngàn khách hàng trung thành trên khắp cả nước. Từ hũ mặt nạ trứng gà đầu tiên với chỉ 50 thành phần, hiện tại đã có hơn 30 sản phẩm dựa trên hàng nghìn thành phần thảo dược tự nhiên và các bài thuốc Đông y của Việt Nam.
Skinlosophy cũng là thương hiệu mỹ phẩm Việt đầu tiên được CNN trân trọng dành bài viết giới thiệu như một đại diện tiêu biểu cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Xuyên suốt cuộc trò chuyện với Vietcetera, hai nhà sáng lập Skinlosophy - Phương Anh và Duy Khánh, tự nhận mình là những người mộng mơ và liều lĩnh. Điều gì khiến cho hai người trẻ tuổi dốc hết tài sản để theo đuổi một con đường gian nan, trắc trở với rất nhiều định kiến mang tên Skinlosophy?
Điều gì thôi thúc các bạn tạo ra Skinlosophy?
Phương Anh: Nhà mình ba đời làm Đông y. Mình lớn lên cùng thảo dược. Niềm yêu thích mỹ phẩm của mình bắt đầu từ những video clip của chị Michelle Phan. Rồi mình hỏi ông và bố về những vị thuốc Đông y có thể ứng dụng trong làm đẹp. Đó là thời khắc mình bắt đầu theo đuổi con đường này.
Làm trong ngành nghiên cứu, mình nhận ra rằng chúng ta đứng trên mỏ vàng của thảo dược, nhưng lại không tận dụng nó một cách tốt nhất.
Bài toán “xuất thô, nhập tinh” đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam. Trong khi chúng ta có nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế, có các nhà khoa học không hề thua kém thế giới. Mỹ phẩm Việt Nam xứng đáng được nhìn nhận lại một cách công bằng hơn.
Duy Khánh: Khi làm marketing trong ngành mỹ phẩm theo truyền thống gia đình, mình nhận thấy không ít khách hàng yêu thích những sản phẩm bản địa, theo đuổi lối sống xanh, sống khỏe. Nhưng không có nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt đáp ứng được nhu cầu này của họ.
Nếu có thể vừa cung cấp cho khách hàng sản phẩm chất lượng, chuyên nghiệp, vừa làm đầu ra cho ngành nông nghiệp công nghệ cao của đất nước mình, thì “Tại sao không?”.
Bên cạnh đó, chúng mình có một hoài bão. Đó là duy trì những di sản, bài thuốc của ông cha từ ngàn xưa; gợi lên niềm tự hào đối với những sản phẩm bản địa. Và cũng muốn tạo ra một “di sản” của riêng bọn mình. Mình và Phương Anh gặp nhau ở chính sự mộng mơ này.
Vì sao lại là thời điểm đó chứ không sớm hơn, hoặc muộn hơn?
Phương Anh: Năm 2013 là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Mình học xong dược sĩ, có thời gian để nghiên cứu kỹ hơn, nhiều trải nghiệm hơn.
Mình đủ “chín” để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, có thể tự hào đi giới thiệu với người khác. Đó chính là sản phẩm đầu tiên của Skinlosophy - hũ mặt nạ trứng gà với 50 thành phần.
Duy Khánh: Khi Phương Anh mang hũ mặt nạ đến lớp học chung của hai đứa, mình nghĩ “Cái này có thể thương mại được”. Mình nói với Phương Anh “Chị đưa em bán cho”. Tuần đầu, mình bán được 50 hũ cho 50 người. Chúng mình thấy những ánh sáng đầu tiên của con đường này, và bắt đầu.
Những định kiến mỹ phẩm Việt hay gặp nhất là gì?
Phương Anh: Định kiến đầu tiên đến từ khái niệm rất quen thuộc: kem trộn. Ban đầu, mọi người đều nghĩ chúng mình pha trộn linh tinh những thứ không rõ nguồn gốc, chẳng ai kiểm định.
Định kiến tiếp theo là phần lớn người tiêu dùng cho rằng sản phẩm Đông y, thiên nhiên sẽ không tác dụng nhanh bằng Tây y. Nhưng theo mình Đông y không hề chậm. Nếu bạn dùng đúng giải pháp với làn da bạn, một lần đã thấy tác dụng rồi. Đó là giá trị của các bài thuốc.
Định kiến thứ ba: đồ Việt không tốt bằng đồ nước ngoài. Thực ra, thổ nhưỡng Việt Nam rất “xịn”. Sâm Ngọc Linh, nấm Linh Chi, Đông trùng hạ thảo không nhất thiết chỉ có ở Hàn Quốc. Bồ hòn Việt Nam trông bình dị mộc mạc nhưng được đem ra làm xà phòng dùng cho khách sạn 6 sao ở Châu Âu.
Các bạn đã phải vượt qua những gì để thuyết phục khách hàng Việt?
Phương Anh: Để vượt qua những định kiến đó, chúng mình buộc phải có những nghiên cứu đáng tin cậy để được tin tưởng. Các mẫu sản phẩm của Skinlosophy được gửi trực tiếp sang viện nghiên cứu MERCK của Thụy Sỹ để đăng ký kiểm nghiệm. Đó là bước đầu tiên.
Skinlosophy cũng cần thời gian để chứng minh những sản phẩm được nghiên cứu, tùy chỉnh cho đúng đặc điểm làn da của người Việt là thích hợp nhất với chính người Việt.
Một logic đơn giản: vùng nào cũng có những thực vật của vùng đó, sinh ra để chữa trị những vấn đề của đúng vùng đó. Chúng mình dùng những bài thuốc nam để điều chế, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam.
Chẳng hạn như “mùa nồm” là một kiểu thời tiết đặc trưng chỉ có ai ở miền Bắc mới hiểu. Khi sản phẩm được thiết kế riêng cho làn da, kê thuốc đúng thì sẽ tác dụng nhanh.
Duy Khánh: Mình và Phương Anh đều không được đào tạo bài bản để kinh doanh. Chúng mình tự ép bản thân vượt qua những nỗi sợ cố hữu về các con số, sổ sách, đầu tư. Bọn mình cũng đã từng rơi vào bẫy của doanh nghiệp nhỏ tự phát: tính toán sai, càng bán được càng lỗ.
Chúng mình mơ mộng tạo ra những điều đẹp đẽ, xinh xắn mà không ai nỡ từ chối, như “Mướt”, như “Trong trẻo”, như “Tinh khôi”. Nhưng chỉ mơ thôi chưa đủ. Nếu không đủ lì lợm và liều lĩnh, chúng mình sẽ không vượt qua nổi.
Điều gì khiến các bạn tự hào nhất cho đến lúc này?
Duy Khánh: Sự bảo vệ của người tiêu dùng. Từ một nhãn hiệu nhỏ, không chuyên nghiệp và gặp quá nhiều định kiến, đến giờ chúng mình được khách hàng tin tưởng và bảo vệ. Ban đầu, ngay cả đến gia đình còn không tin tưởng. Giờ mình được hàng chục nghìn người tin tưởng.
Bài viết trên CNN cũng là một cột mốc rất đáng nhớ, đánh dấu chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ của cả công ty. Từ 2 nhân viên đầu tiên làm vận chuyển và đóng gói, cho đến 20 người như bây giờ. Ngày nào chúng mình còn đứng khóc mỗi dịp Tết vì không có tiền, giờ kênh truyền thông hàng đầu thế giới đã công nhận Skinlosophy.
Phương Anh: Bố là người thầy, cũng là người thân, lo lắng cho mình nhiều nhất từ lúc khởi nghiệp. Khi bố nói “Bố rất tự hào”, đó là điều mình tự hào nhất.
Giá trị cốt lõi mà Skinlosophy sẽ không bao giờ thỏa hiệp để đổi lấy hiệu quả kinh doanh?
Phương Anh: Luôn thành thật, không mập mờ, không gây nhầm lẫn giữa các khái niệm. Mình sẽ chỉ làm việc với người hiểu và đánh giá đúng sự quan trọng của chất lượng sản phẩm.
Duy Khánh: Skinlosophy sẽ luôn dùng những nguyên liệu với chất lượng cao nhất mà chúng mình biết. Một nguyên liệu có nhiều cấp độ chiết xuất. Sản phẩm đến tay khách hàng của Skinlosophy là sản phẩm ở cấp độ chiết xuất tinh vi nhất.
Mình cũng cho rằng giữa guồng phát triển mạnh mẽ của ngành mỹ phẩm, cần phải có những người biết dừng lại suy nghĩ, làm mọi thứ chậm rãi, bền vững. Skinlosophy là “Philosophy of the skin” - Triết lý làn da. Mỗi làn da có một triết lý riêng. Sứ mệnh của chúng mình là truyền tải điều đó đến bạn.
Trong 5 năm tới, Skinlosophy sẽ ở đâu trên bản đồ thương hiệu mỹ phẩm Việt?
Phương Anh: 8 năm qua đã là những điều không tưởng đối với mình. Hy vọng 8-10 năm nữa Skinlosophy vẫn là nhãn hiệu được nhiều cô gái tin tưởng, yêu mến, dành tình cảm như bây giờ. Mình mong muốn có thể mang Skinlosophy ra thế giới, vì mỹ phẩm của Việt Nam xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn.
Duy Khánh: 5-10 năm sau, mình vẫn muốn tiếp tục được làm điều mình yêu thích một cách chuyên nghiệp hơn nữa. Phương Anh đi tìm bài thuốc, nghiên cứu ra những sản phẩm tốt hơn nữa. Chúng mình muốn trở thành cái tên đầu tiên được nhớ đến khi nói về mỹ phẩm thuần Việt chất lượng cao.
Chúng mình ấp ủ xuất bản một cuốn sách về làm đẹp và tổ chức triển lãm về các loại thảo dược ở Việt Nam. Đây cũng là một phần trong giấc mơ muốn thảo dược, Đông y của Việt Nam được hiểu rõ và trân trọng hơn.
Mỗi làn da đều có triết lý của riêng mình, và Skinlosophy sẽ làm nhiệm vụ truyền tải điều đó đến bạn:
Website Skinlosophy
Facebook Skinlosophy
Showroom: Tầng 2, khu tổ hợp Complex 1 - 31/167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội