Slut-shaming: Sỉ nhục phụ nữ nhân danh chuẩn mực xã hội | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Slut-shaming: Sỉ nhục phụ nữ nhân danh chuẩn mực xã hội

Bạn có thể hại một người chỉ qua việc chế giễu thói quen tình dục của họ.
Slut-shaming: Sỉ nhục phụ nữ nhân danh chuẩn mực xã hội

Nguồn: Sydney Morning Herald

1. Slut-shaming là gì?

Slut-shaming, tạm dịch là sỉ nhục dâm đãng, là một kiểu sỉ nhục nhằm vào chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Người sỉ nhục thường cố gắng tạo ra liên kết giữa người bị sỉ nhục và các hành vi tình dục lệch lạc, chủ yếu là đàng điếm và lăng nhăng. Nạn nhân của slut-shaming còn bao gồm người đồng tính nam và một số lượng (rất) nhỏ nam giới.

Dù mối liên kết này có thể không có thật, một người thường bị sỉ nhục như vậy vì ngoại hình và cách cư xử của họ bị “lệch chuẩn” trong những vấn đề liên quan đến tình dục. Ví dụ, một người phụ nữ mặc váy ngắn hoặc váy hở lưng ra đường có thể bị cộng đồng, hoặc một số cơ quan báo chí phê phán, đùa cợt là lệch lạc. Vì thế, họ xứng đáng với lời sỉ nhục.

Là một dạng thức kỳ thị xã hội, slut-shaming hoạt động dựa trên việc tách xã hội thành 2 nhóm dựa trên tính chất đối lập nhau: nhóm bình thường và nhóm dị biệt về mặt tình dục. Trong khi nhóm “bình thường” có những hành vi tình dục có thể được xã hội chấp nhận, thì nhóm “bất thường” được nhắc đến với lối sống khó chấp nhận. Nhóm này bị bêu rếu như một tiền lệ xấu để nêu gương cho phần đông còn lại.

Với cơ chế hoạt động như vậy, những người có hành vi phân biệt đối xử với người khác thường sử dụng chiến lược khiến cho đối phương cảm thấy xấu hổ về chính mình, trở thành kẻ yếu, bị cô lập và mất dần địa vị xã hội. Từ đó, chuẩn giá trị về tính dục trong xã hội như chế độ phụ hệ (partriarchy) hay nền giá trị dị tính (heteronormativity) được gìn giữ. Còn những người xâm hại không những không được lắng nghe, mà còn đối diện với sự phán xét từ số đông.

2. Nguồn gốc của slut-shaming

Không có tài liệu nào nêu ra rõ ràng nguồn gốc, song một số chuyên gia nhận định rằng cụm từ “slut-shaming” bắt đầu được sử dụng sau hai sự kiện chính trị cùng diễn ra vào đầu thập niên 2010.

Sự kiện đầu tiên là cuộc bầu cử quốc hội Mỹ năm 2010. Trong thời gian này, các lãnh đạo Đảng Dân Chủ Mỹ và các nhà nữ quyền đã mô tả chính sách hạn chế các quyền cơ bản của phụ nữ (bao gồm quyền sinh sản) là "War On Women" (Cuộc chiến chống lại phụ nữ). Họ cổ vũ việc xoá bỏ nghĩa gốc của từ “slut” từ tiêu cực (kẻ đàng điếm) thành tích cực (ám chỉ những người phụ nữ nổi loạn nhằm chống lại những khuôn mẫu giới).

Còn “slut-shaming” thì bắt đầu được sử dụng vào năm 2011, khi một cảnh sát ở Toronto (Canada) tuyên bố rằng để tránh tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ, thì họ không nên ăn mặc như những kẻ đàng điếm. Một phong trào xã hội đã quốc gia với nhiều cuộc tuần hành lớn đã nổ ra mang tên SlutWalk, nhằm xoá bỏ văn hoá hãm hiếp (rape culture), nạn đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming), và sỉ nhục dâm đãng.

Trong cuộc sống hàng ngày, dù bạn có theo tư tưởng chính trị, có bảo thủ hay cấp tiến, thì vẫn có thể phạm phải slut-shaming qua những hành động sau:

  • Đổ lỗi cho một cô gái nếu cô ấy bị lộ ảnh nóng.
  • Móc mỉa thói quen tình dục của một ai đó vì bạn thấy nó “lạ.”
  • Cho rằng phụ nữ chỉ diện đồ đẹp để tán tỉnh đàn ông.
  • Có thái độ khác nhau giữa việc con trai từng làm tình và con gái từng làm tình.
  • Tảng lờ khi ai đó trải qua slut-shaming.

3. Vì sao slut-shaming phổ biến?

Slut-shaming phổ biến vì sự phổ biến của chính vấn đề xã hội nó nêu lên - người phụ nữ bị gán ghép là “dâm đãng”, “đàng điếm” chỉ vì diện mạo và hành vi có phần dị biệt so với tiêu chuẩn xã hội.

Giống như diễn giải ở phần trước về tiêu chuẩn “bình thường” và “bất thường” của xã hội, để một cộng đồng giữ vững được một chuẩn mực cụ thể về thể hiện giới và hành vi tình dục, họ phải liên tục tẩy chay những người có chuẩn mực và hệ giá trị khác mình.

Giả dụ, nếu như xét tại thời điểm hơn 20 năm trước, ở thời điểm Việt Nam mở cửa với thế giới chưa được lâu, việc mặc những bộ đồ không truyền thống và qua đêm ở ngoài gia đình vẫn gặp nhiều ý kiến dị nghị. Phụ nữ có hành vi này thường bị báo chí gán ghép ngay là có quan hệ nam nữ, và nếu họ có gặp những vấn đề gây tổn hại đến sức khoẻ vật chất và tinh thần, như bị quấy rồi, hoặc có thai ngoài ý muốn, thì không những không được xã hội lắng nghe, họ còn bị dè bỉu.

Slut-shaming không chỉ xuất hiện từ mồm của đàn ông và nhắm đến phụ nữ. Bản thân phụ nữ cũng sỉ nhục dâm đãng những người phụ nữ khác. Khi ấy những chuẩn mực giới và truyền thống của xã hội đã “nội hoá” (internalize) vào người phụ nữ, khiến họ không còn hoài nghi về những giáo điều có thể gây tổn hại tới bản thân mình và những người cùng giới với mình. Họ từ chối chống lại định kiến để bảo đảm những quyền lợi mình đang nhận được.

Song tiêu chuẩn “bất thường” hay “dị biệt” là gì tồn tại dựa vào văn cảnh lịch sử. Một hành động, hoặc cách thể hiện cá tính ngày nay bị slut-shaming, thì trong tương lai có thể được chấp nhận, hay thậm chí, biến thành một thức giá trị phổ quát. Vì vậy, những tiếng nói dị biệt trong xã hội cần được lắng nghe và thấu hiểu, vì có thể chúng nói lên đường hướng dịch chuyển và thay đổi mà xã hội chúng ta đang hướng về.

4. Dùng slut-shaming như thế nào?

Tiếng Anh:

A: She often wears short dresses when she goes outside. Perhaps she has many casual sexual relationships.

B: That’s slut-shaming!

Tiếng Việt:

A: Cô ta toàn mặc váy ngắn khi ra đường, hẳn là quan hệ “xã giao” nhiều lắm.

B: Cậu đang sỉ nhục dâm đãng người khác đó!