Hơn 2 năm trước, chúng tôi gặp Sơn Đoàn để nói về những chuyến đi bất tận của anh cùng người bạn đời của mình, NTK Adrian Anh Tuấn. Lần này gặp lại, anh bảo anh vẫn tranh thủ đi khám phá những địa danh trong nước, vẫn làm công việc Cố vấn mà anh thích, và vẫn là người định hình những hoạ tiết đặc trưng cho Valenciani. Ở tuổi 40, Sơn Đoàn tâm sự về những bài học mà thời gian đúc kết cho anh.
Nếu hỏi một người nhân viên và một người bạn diễn tả về anh, thì có khác nhau không?
Thú thật, khi nhận được câu hỏi này, anh đã phải nhắn cho vài người để hỏi. Bạn anh bảo anh an toàn, trung thực, vui tính; còn cộng sự thì nói anh thông minh, cầu toàn, và hiểu ý. Mấy bạn nói vậy thì anh biết vậy, chứ bản thân anh thấy đôi khi mình hơi “ẩu" (cười).
Điều anh thích nhất về đội ngũ của mình?
Team anh bây giờ, nếu cộng cả Malaysia, Phillippines và Việt Nam thì khoảng 20 người. Các bạn đa phần còn trẻ, rất năng động và nhiệt huyết. Đôi khi chính các bạn là người giúp anh cập nhật kiến thức mới liên quan đến công việc, hay thậm chí là về cách các bạn nhìn nhận cuộc sống. Làm việc cùng các bạn luôn cho anh nguồn năng lược tích cực, khiến anh cảm thấy trẻ trung hơn.
Điều hành một creative agency tại Việt Nam phục vụ cho thị trường Úc, anh làm thế nào để nắm bắt những xu hướng ở đó?
Chính khách hàng là người giúp anh nắm bắt các xu hướng và tâm điểm mới tại thị trường Úc, từ đó đội ngũ của anh sẽ nghiên cứu và phát triển thêm. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên đọc hiểu và cập nhật kiến thức qua các cổng thông tin. Kiến thức giờ đây rất sẵn sàng, miễn là em muốn tìm hiểu thì chỉ cần gõ là ra.
Không biết văn hoá tại các agency khác thế nào, nhưng tại agency của anh, mọi người rất cởi mở trong việc trao đổi nên phối hợp công việc cực kỳ ăn ý. Đây cũng chính là điều mà anh thích nhất khi làm công việc Cố vấn (consultant) của mình.
Anh nghĩ khách hàng thường có xu hướng muốn nhiều hơn thứ mà họ thật sự cần, và công việc của người làm cố vấn như anh là giúp họ định hướng dự án, giải thích để họ có được những kỳ vọng thực tế, rồi tìm cách để thực hiện hoá những kỳ vọng đó. Anh luôn mong khách hàng khởi đầu với một nền tảng thật vững chắc trước khi xây dựng những thứ to đẹp hơn.
Là người làm trong ngành sáng tạo, anh có thấy lĩnh vực này giờ đây khó hơn trước?
Bây giờ mọi người bị “dội bom” liên tục với thông tin ở tất cả mọi mặt trận email, mạng xã hội, YouTube,... thành thử mọi người đọc sách ít hơn, xem video mà mấy giây đầu không gây được ấn tượng cũng xem là thất bại… nên khó khăn nhất là làm sao vượt qua sự ồn ào đó để truyền tải thông điệp của mình; làm sao để xác định được khán giả của mình là ai, ở đâu, để chọn thông điệp thích hợp trò chuyện với họ.
Giới hạn lớn nhất mà anh từng gặp phải trong cuộc sống là gì?
Hồi anh còn trẻ, internet mới chỉ ở giai đoạn sơ khai thôi, không có quá nhiều thông tin để tiếp nhận như bây giờ nên cuộc đời màu hồng lắm - biết mình muốn gì, được học đúng ngành mình thích, cuộc sống thì đơn giản. Nghĩ lại, anh chỉ có đúng một cái khó duy nhất, đó là chấp nhận và công khai xu hướng tính dục của mình (come to terms with sexuality).
Anh có muốn kể lại hành trình đó?
Hồi sang Mỹ học, anh sống chung với chị Hai, còn bố mẹ vẫn ở Việt Nam. Hai chị em cách nhau 10 tuổi, chị anh đóng luôn vai trò của mẹ. Lúc đó anh trẻ quá, suy nghĩ chưa thông suốt, hành vi “nổi loạn" nhiều hơn là giải bày, thế là hai chị em không hiểu nhau. Phải mất 5, 6 năm sau chị mới nguôi ngoai, khi đó mới có thể đặt câu chuyện đó nói lại.
Thời đó internet và mạng xã hội cũng không có phát triển như bây giờ, sự kết nối giữa các cộng đồng rất hạn chế, gõ lên internet thì chỉ thấy những cái nhìn một chiều, tiêu cực về LGBT+. Việc phải đi tìm danh tính cho bản thân đã khó, giải thích cho những người xung quanh mình, muốn hiểu mình, còn khó hơn...
Trong những cuộc trò chuyện với chị, anh có bảo ước gì được quay ngược lại thời gian thì mình sẽ làm khúc đó đẹp hơn nhiều.
Sau này gặp Tuấn và quyết định làm đám cưới, anh mới tính come out với bố mẹ. Bởi hôn nhân là chuyện quan trọng mà, người lớn phải biết. Hơn 6 năm trôi qua, tất cả mọi thứ giờ đã thành một cái guồng, bố anh vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận, nhưng có lẽ trong lòng có “bằng” một chút xíu.
Ở tuổi 40, anh có cảm nhận thấy những thay đổi về mặt thể chất và suy nghĩ của mình không?
Em có nghe câu “Trong héo ngoài tươi" bao giờ chưa? Ở tuổi 40, thể chất khác nhiều so với những ngày 20. Ngày ấy, dù có “lỡ" vui bất tận thì sáng thức dậy anh vẫn đi làm như không có vấn đề gì. Còn bây giờ thì mọi cuộc vui đều trở nên có chừng mực, sức khoẻ mới là điều quan trọng. Chăm tập thể dục và ăn uống khoa học thôi chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là giữ cho tinh thần mình lúc nào cũng lạc quan.
Năm 20 tuổi, anh không biết nói “KHÔNG", dù không thích vẫn không thể từ chối. Cũng chẳng biết làm sao để “buông bỏ". Mãi đến tận bây giờ anh mới tạm gọi là “học" được cách làm những điều đó. Ngày xưa, hễ đọc được một bình luận hay nghe ai đó nói gì không tốt về mình, anh sẽ tranh luận, sẽ bảo vệ bản thân. Giờ anh mặc kệ. Nếu họ không phải là người thân, bằng hữu, tâm giao của mình, tức là họ không đủ biết về mình. Lời nói gió bay, người ta nói xong rồi cũng quên, sao anh lại phải vì những lời như vậy mà buồn bực trong lòng?
Hoặc khi đã làm hết sức mà mọi thứ vẫn không xảy ra như ý muốn, thì anh sẽ không day dứt hoặc trăn trở nữa. Buông bỏ không có nghĩa là hời hợt; mà là biết mình là ai, mình đang làm gì. Ở độ tuổi này, anh chỉ tập trung năng lượng tích cực cho bản thân, gia đình, bạn bè và những điều mình trân quý. Nhận ra những điều này khiến anh thấy cuộc sống mình vui hơn rất nhiều, chắc cũng nhờ vậy mà mọi người bảo anh trẻ hơn so với tuổi.
Vậy món quà ý nghĩa nhất mà cuộc sống đã mang lại cho anh là gì?
Cuộc sống luôn đầy rẫy những sự bất ngờ, nó dạy cho anh sự kiên nhẫn, biết người biết ta. Dạo quanh mạng xã hội, anh thấy có nhiều bạn trẻ hay than rằng cuộc sống đối xử thật bất công, từ chuyện tình cảm đến công việc. Có lẽ chúng ta hay nhìn lên để so sánh chứ ít khi xuống để thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người. Theo anh, thành công hay thất bại ít phụ thuộc vào duyên may, chủ yếu vẫn là bản thân có đủ ý chí, sự nhẫn nại để theo đuổi và đạt được những gì mình muốn hay không.
Anh đã có kế hoạch cho 5-10 năm tới chưa?
Anh và anh Tuấn cũng đã chuẩn bị cho mình một kế hoạch dài hơi 5-10 năm sắp tới - một kế hoạch để được “vừa làm vừa chơi", nhưng tạm thời cho anh xin giữ bí mật. Điều anh quan tâm nhất hiện tại vẫn là làm sao giữ vững phong độ, rèn luyện sức khoẻ, và cố gắng thật nhiều. Bởi vì để được vừa làm vừa chơi trong những năm tới thì bây giờ sẽ còn phải làm nhiều lắm em ạ!
Ngoại trừ những chuyến đi, thú vui hằng ngày của anh là gì?
Nghe và đọc tin tức! Ít người biết chứ anh là “political junkie” chính hiệu. Ngoài TED Talks, anh cũng hay nghe những podcast về chính trị. Lúc rảnh rỗi, anh thích xem phim, cà phê với bạn bè và đặc biệt là rất thích nấu ăn.
Một vài món đồ mà anh không thể sống thiếu?
Là chiếc điện thoại vì anh phải làm việc và giữ liên lạc, và chiếc mắt kính. Hôm trước anh đi khám mắt, bác sĩ nói anh bị lão thị. Hoá ra thời gian trôi nhanh hơn anh nghĩ, may là cái kính đa tròng giờ nhìn y hệt một chiếc kính thường, cho mình một sự tự tin nhất định. Mà sự tự tin thì mang đến nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong cuộc sống và công việc.
Cùng đón chờ những nhân vật tiếp theo của “Đâu Là Giới Hạn?”, một series được hợp tác bởi Essilor và Vietcetera, tại đây!
Varilux là thương hiệu kính đa tròng số 1 thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp) – mở ra tầm nhìn không giới hạn cho mọi người từ độ tuổi 40 để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao trong thời đại mới. Varilux được tin dùng bởi hàng trăm triệu người trên toàn thế giới từ năm 1959 tại hơn 100 quốc gia với 70 bằng sáng chế độc quyền.