Sự hối tiếc thực chất có ý nghĩa gì? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 11, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Sự hối tiếc thực chất có ý nghĩa gì?

Theo Mark Manson, sự hối tiếc chính là chấp niệm của chúng ta với hình mẫu lý tưởng của mình.

Sự hối tiếc thực chất có ý nghĩa gì?

Nguồn: Antony @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Làm sao để quên đi sự hối tiếc của bạn”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Let Go of Your Regrets”, được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson


Nghe lặp lại những “bài ca” tệ nhất của chúng ta

Khi cảm thấy hối tiếc, chúng ta đang sống lại quá khứ của chính mình. Chúng ta đang kể đi kể lại câu chuyện của mình. Ta đang sống như thể quá khứ vẫn đúng, dù từ lâu nó đã không còn giải thích thế giới một cách thỏa đáng, và câu chuyện chắp vá tiếp tục khiến ta đau lòng. 

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta định danh bản thân trong những cơ hội hụt này. Ta coi chúng là bản sắc đã mất của chính mình, là con người đáng nhẽ ta phải trở thành. Và rồi ta tự hành bản thân với hình ảnh lý tưởng hóa đó. 

Ví dụ bạn đang làm một công việc chán ngắt. Và hiện tại bạn không còn mạo hiểm như trước, vì vậy bạn nghĩ rằng đã quá muộn để bắt đầu một điều gì mới. Bạn quá lớn tuổi để đi học lại, ở trong ngành quá lâu để có thể rẽ hướng, và quá ổn định trong cuộc sống để thực hiện những thay đổi ảnh hưởng đến người khác, chẳng hạn như gia đình bạn. 

(Nhân tiện, tất cả những điều này có lẽ đều sai).

05-nov-2021/francisco-moreno-wuo8knycm4i-unsplash-1636109047128.jpg
Chúng ta coi những cơ hội hụt trong quá khứ là bản sắc đã mất của chính mình. | Nguồn: Unsplash

Vậy là bạn đã xây dựng hình mẫu lý tưởng phản ánh con người bạn muốn trở thành từ 10, 15 hay 20 năm trước, chứ không phải bạn của ngày hôm nay. Và hình mẫu đó mang đặc điểm:

  • Còn trẻ, vì khi đó bạn phải đi học;
  • Độc thân và chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm, vì đó là lúc bạn phát triển nền tảng sự nghiệp của mình.

Đầu tiên và quan trọng nhất, tuổi trẻ chỉ là một khái niệm nhân tạo mà bạn cho rằng nó quan trọng. Bạn không cần nghĩ như vậy nếu bạn không muốn. 

Tôi từng mong trở thành một nhạc sĩ. Nhưng rồi tôi bỏ học trường nhạc. Nhưng tôi không ngồi đó mà nghĩ “trời đất ơi, nếu không bỏ học thì giờ này mình là nhạc sĩ rồi - mình bị làm sao vậy?”. Vì tôi nhận ra rằng ước mơ trở thành nhạc sĩ của tôi là lý tưởng hoàn toàn cảm tính, và tôi có thể thay đổi nó. 

Nếu có phương pháp nào giúp bạn “sống lại” tuổi trẻ của mình, nó có thể đòi hỏi bạn phải tự huyễn bản thân theo cách tiêu cực. Hội chứng Peter Pan là một cách như vậy. 

Trong khi mỗi năm trôi qua, bạn lại già đi một chút, lượng trách nhiệm bạn gánh cũng nhiều thêm một chút. Kết quả là bạn ngày một xa rời cái hình mẫu lý tưởng này. Khi nhận ra nó là điều quá xa vời, bạn cảm thấy nó dần biến mất. Và bạn hối tiếc vì nó đã lãng phí của bạn quá nhiều thời gian.

Hãy để bản dạng đó chết đi. Nó chẳng có ích gì cho bạn nữa, mà nó cũng chưa từng như vậy.

Thay vào đó, hãy chọn lấy con đường sự nghiệp đúng đắn cho bạn của hiện tại. Vì bạn đã từng trải hơn, khôn ngoan hơn, và bạn biết chính xác mình muốn gì. Việc già đi thật ra có rất nhiều lợi thế, bạn hãy tận dụng chúng mà bước tiếp. 

Khi vượt qua những hối tiếc và chấp nhận sự sai lệch về bản dạng lý tưởng, bạn đã tự giải phóng bản thân để chịu trách nhiệm cho hiện tại.

Hối hận và trách nhiệm

Tôi đã từng nói rằng, để từ bỏ một mối quan hệ, bạn cần chấp nhận rằng một phần của bạn - cái phần chỉ sinh ra và tồn tại khi bạn hẹn hò người đó - đã vĩnh viễn biến mất.

Sự hối tiếc cũng vậy. Để khép lại sự hối tiếc của mình, bạn cần để bản dạng cũ đó “một đi không trở lại”. Có như vậy bạn mới biết được hối tiếc đang dạy mình điều gì.

Điều này nghe rất trớ trêu: trong Bữa Tiệc Cuộc Đời ở trên, phiên bản quá khứ duy nhất có thể dạy bạn điều bạn chưa từng biết chính là Bạn Khi Hối Hận. Nó sẽ cho bạn thấy những câu chuyện của bạn sai ở đâu, bạn đã hiểu sai bản thân ở chỗ nào, và ở nơi nào bạn đang chối bỏ trách nhiệm về cuộc sống và nỗi đau của mình. 

Chúng ta thường bám lấy sự hối tiếc như một cách để trốn tránh trách nhiệm. Và đối mặt với chính mình trong giây phút hối hận sẽ khiến trách nhiệm trở nên không thể chối bỏ. Chúng ta phải đối mặt và chấp nhận con người thật của chính mình. Và điều đó có thể rất đau đớn. 

05-nov-2021/hinhngang.jpg
Việc đối mặt với chính mình trong giây phút hối hận sẽ khiến trách nhiệm trở nên không thể chối bỏ. | Nguồn: Pexels

Sự hối tiếc giống như một quang phổ với các sắc màu cảm xúc khác nhau. Một mặt của quang phổ là màu sắc đen tối trong tâm trí khi chúng ta nhận ra mình đã thất bại và thiếu sót thế nào. Nhưng mặt còn lại - mặt làm nên giá trị của hối tiếc - là ánh sáng nó chiếu vào. Ánh sáng đó giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân, và chấp nhận cả phiên bản lỗi của chính mình trước kia. 

Cuối cùng, ngọn lửa tiếc nuối cháy âm ỉ trong bạn bao năm thực sự chỉ là cái chết từ hàng ngàn vết cắt nhỏ. Vì vậy, hãy để ngọn lửa ấy bùng lên thành một đám cháy rừng thiêu rụi mọi thứ trên đường đi của nó. Bạn có thể gieo hạt cho một điều tốt hơn trong đống tro tàn.