Sức khỏe tinh thần: Các thế hệ người Việt nhìn nhận như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Sức khỏe tinh thần: Các thế hệ người Việt nhìn nhận như thế nào?

Sức khoẻ tinh thần luôn được người Việt quan tâm tới, nhưng với triết lý và cách thể hiện đa dạng.
Sức khỏe tinh thần: Các thế hệ người Việt nhìn nhận như thế nào?

Một xã hội lành mạnh sẽ dẫn đến từng cá nhân lành mạnh. | Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Chúng ta thường nghĩ chất lượng của đời sống tinh thần và sức khoẻ tâm lý là câu chuyện của thế hệ mình. Rằng chỉ ngày nay, người Việt Nam mới quan tâm đến bệnh trầm cảm và để ý cách giao tiếp phi bạo lực, tránh làm tổn thương tinh thần lẫn nhau.

Tuy vậy, thực tế là tổ tiên chúng ta vẫn luôn quan tâm đến sự thoải mái về tinh thần cho người khác. Nhưng ở mỗi thời kỳ lịch sử, quan niệm và triết lý về con người của chúng ta là khác nhau. Vì thế, đôi lúc cách thể hiện sự quan tâm của thế hệ trước gây cảm giác khó hiểu với thế hệ sau, và ngược lại.

Bài viết này sẽ phân tích hai quan niệm về sức khoẻ tinh thần của người Việt Nam trước và sau năm 1986 - thời kỳ Đổi mới. Đây là dấu mốc cho sự thay đổi to lớn về tình cảnh chính trị - kinh tế - văn hoá của đất nước.

Từ đây, quá trình thị trường hoá và toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống ý niệm về con người và các vấn đề tâm sinh lý vì thế cũng thay đổi với cường độ tương đương.

Đời sống tinh thần trước Đổi mới như thế nào?

Tập trung vào chất lượng của quan hệ cộng đồng

Lối sống đồng cam cộng khổ của người Việt trước Đổi mới là kết quả của sinh hoạt làng xã đã tồn tại trong lịch sử hàng ngàn năm. Và đó cũng là thành quả của những nghiên cứu tâm lý học thuộc trường phái “Kiến tạo luận (Constructivism)”.

GS Hồ Ngọc Đại là người tiên phong lý giải về tính kiến tạo của tâm lý con người trong môi trường học thuật Việt Nam. Trong bài báo Có sẵn hay do giáo dục, đăng trên tờ Phụ nữ Việt Nam, số 50, năm 1981, ông lý giải rằng các cơ chế tâm lý học không có sẵn trong bộ óc của con người từ khi sinh ra.

Tâm lý của từng cá nhân được xây dựng nên trong toàn bộ quá trình người đó sống và tương tác với thế giới xung quanh. Quan niệm này giống với câu nói quen thuộc của Karl Marx mà lứa học sinh phổ thông nào cũng từng được nghe qua: “Con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội.”

Từ nền tảng tri thức về tâm lý học này, nhà nước trong thời đại kinh tế tập trung bao cấp quan tâm đến những mối quan hệ lành mạnh giữa công nhân viên chức trong nhà máy và công sở. Quan hệ giáo dục trong trường học và lối sống trong các khu tập thể cũng được đề cao. Đây là lý do vì sao người thế hệ trước hay hoài niệm: “Ngày xưa nghèo khổ, nhưng con người sống tình nghĩa với nhau”.

... cũng là lược đi đời sống cảm xúc cá nhân

Tuy nhiên, vì quá tập trung vào chất lượng của quan hệ cộng đồng, đời sống cảm xúc cá nhân bị lược đi. Sự nghèo khổ và chiến tranh gây ra vô vàn buồn tủi, cô đơn và sang chấn cá nhân.

Song, những người của thời đại như bà nội tôi không coi cảm xúc tiêu cực như một vấn đề bệnh lý. Bà chỉ quan tâm rằng những nỗi lo ấy gây ra bệnh viêm loét dạ dày, và cái cần được chữa trị là dạ dày chứ không phải tổn thương tâm lý.

Bà tôi không từ bỏ những quan niệm đã tồn tại từ thời bao cấp. Thấy tôi mệt mỏi, buồn rầu hay ốm yếu (tức là những biểu hiện tiêu cực về cả thể chất và tâm lý), bà đều khuyên cháu của mình: “Con ăn nhiều cơm vào cho khoẻ” hay “Con uống B1 vào cho đỡ mệt.”

Đằng sau những câu nói ấy là biểu hiện của nỗi lo lắng chồng chất theo cả lịch sử và không thể nói thành lời. Đây là cách chữa lành của thế hệ cũ mà tôi hoàn toàn trân trọng, yêu thương.

Quá tập trung vào chất lượng của quan hệ cộng đồng khiến đời sống cảm xúc cá nhân bị lược đi.

Sau Đổi mới, mọi thứ thay đổi ra sao?

Cho đến gần đây, bằng hiệu quả của truyền thông, nhiều người Việt Nam mới nghiêm túc công nhận sự tồn tại của bệnh tâm lý. Bộ môn tâm lý học lâm sàng được giảng dạy ở nhiều trường đại học.

Khoa tâm lý và tâm thần của các bệnh viện, cùng các phòng khám tư nhân mọc lên như nấm. Các khoá học chữa lành cũng phổ biến hơn bao giờ hết trong lịch sử của chúng ta.

Dù được quan tâm nhiều hơn xưa kia, song sự chuyển biến tiêu cực trong tâm lý của giới trẻ ngày càng trầm trọng. Có thể trước đây cũng có nhiều người mắc bệnh tâm lý, chỉ là họ không có đủ kiến thức và niềm quan tâm để phát hiện ra vấn đề của mình.

Nhưng giả thuyết của tôi là, lý do nhiều người mắc bệnh tâm lý hơn, lo âu và trầm cảm hơn trước đây, là bởi chúng ta phải đối mặt với một xã hội có tình trạng cuộc sống bấp bênh hơn rất nhiều. Chúng ta liên tục phải đối diện với áp lực cạnh tranh về tài sản và địa vị cá nhân, dù có muốn hay không. Trong khi trước đây ở thời bao cấp, phân bổ của cải và cơ hội cho người dân là việc của nhà nước.

Chính tác giả của bài viết này cũng đã chiến đấu với chứng rối loạn lưỡng cực, và đã sử dụng thuốc an thần được nhiều năm.

Tôi nhận thấy, ở thời hiện đại, với những quan tâm đúng mực tới tâm lý của từng con người, xã hội dường như tôn trọng cảm xúc cá nhân hơn. Thế hệ chúng ta thừa hiểu rằng những khẩu hiệu lạc quan, thúc giục con người bước tới một tương lai tươi sáng hơn giống trong băng rôn và khẩu hiệu của thế hệ trước không phải liều thuốc để chữa bệnh tâm lý.

Tuy vậy, cái tụt hậu so với xã hội trước là gánh nặng chữa bệnh và chăm sóc bản thân dường như đổ lên vai của cá nhân nhiều hơn.

Thời nay, gánh nặng chữa bệnh và chăm sóc bản thân dường như đổ lên vai của cá nhân nhiều hơn.

Sự khác nhau còn nằm ở ý thức hệ

Tinh thần tập thể trước Đổi mới

Trước năm 1986, đất nước ta đắm chìm trong thời bao cấp. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, quan niệm sống của chúng ta có thể được mô tả ngắn gọn bằng cụm từ “chủ nghĩa tập thể”.

Với triết lý này, tinh thần của con người được xem như một phạm trù tập thể. Trong lời kể của bà nội tôi, ở thời điểm đó, niềm vui và nỗi buồn của con người là của chung. Bà đã gắn bó với Hà Thành gần như hết cả cuộc đời, và vẫn còn giữ nhiều thói quen bao cấp.

Bên cạnh niềm vui chiến thắng vào năm 1975 và sau đó là đánh bại Khmer Đỏ, cả khu tập thể nơi chúng tôi ở có thể cùng rơi nước mắt khi giấy báo tử của một người con xóm phố được gửi về. Bên cạnh đó, do thiếu hụt lương thực thiết yếu, chút thịt thà cá mú của họ hàng từ quê gửi ra cho một gia đình cũng có thể được chia sẻ với toàn bộ tổ dân phố.

Bà tôi còn kể, gia đình nào kiếm đủ tiền để mua vô tuyến, thì đảm bảo phòng khách và sân vườn của nhà đó trở thành nơi sinh hoạt của cả khu tập thể. Những con người khác nhau về dòng máu nhưng chia chung ý thức hệ quây quần bên nhau xem chương trình “Những bông hoa nhỏ”, hoặc thể thao.

Niềm vui, nỗi buồn, lòng yêu nước và nỗi căm thù ngoại xâm là những cảm xúc của chung mà tất cả cùng chia sẻ. Tại thời điểm này, tính cá nhân không được đề cao.

Quan niệm sống của con người trước Đổi mới có thể được mô tả ngắn gọn bằng cụm từ “chủ nghĩa tập thể”.

Chủ nghĩa cá nhân sau Đổi mới

Với sự mở cửa nền kinh tế thị trường sau năm 1986, ý niệm về đời sống tập thể ngày càng mờ nhạt, thay vào đó là sự lên ngôi của con người cá nhân. Cá nhân tự tay mình dựng xây sự nghiệp, tìm kiếm thành công và lặn ngụp trong đời sống kim tiền.

Vì vậy, vấn đề tâm lý, tinh thần cũng được quy thành vấn đề của từng cá nhân riêng lẻ. Đây là hệ quả của hai nguyên nhân:

Thứ nhất, con người ngày càng đề cao đời sống riêng tư. Tính cá nhân được tôn trọng tức là có những vấn đề chúng ta không thể chia sẻ được nữa. Đặc biệt là những vấn đề của cảm xúc, tâm lý.

Thứ hai, áp lực cạnh tranh của thị trường khiến thế hệ trưởng thành sau 86 đối mặt với rối loạn lo âu, trầm cảm và các vấn đề suy nhược tâm lý nghiêm trọng hơn trước. Nỗi trầm tư về miếng ăn và địa vị xã hội là những thứ không thể được tâm tình với ông hàng xóm, hay bà bán nước chè ngoài đầu phố nữa. Cá nhân phải tự giải quyết vấn đề của mình.

Với sự mở cửa nền kinh tế thị trường sau năm 1986, ý niệm về đời sống tập thể ngày càng mờ nhạt.

Vậy ta có thể làm gì?

Nhìn nhận những sai lầm

Cả hai thế hệ trước và sau Đổi mới đều có sai lầm trong tiếp cận các vấn đề tâm lý. Thế hệ trước thì quá chú trọng đến các mối quan hệ xã hội vĩ mô mà bỏ rơi ham muốn và nhu cầu cá nhân. Thế hệ này thì coi trọng sự riêng tư đến nỗi đổ hết trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ tinh thần lên cá nhân, khiến cuộc sống đã áp lực lại càng áp lực hơn.

Vì thế, phải kết hợp hài hoà cả đời sống tập thể và đời sống cá nhân thì thế giới tinh thần của con người mới khoẻ mạnh và phong phú.

... để đưa ra giải pháp

Ta có thể tận dụng sức mạnh truyền thông của thế hệ Z để phổ cập giáo dục sức khoẻ tinh thần cho tất cả mọi người, bất kể tầng lớp xã hội. Đó là điều thế hệ sinh sau đẻ muộn cần ngày càng cải thiện.

Kết hợp với đó, ta hướng đến sự bình đẳng trong việc xây dựng đời sống cộng đồng lành mạnh đối với mọi giai cấp, mọi con người giống như thời bao cấp.

Đừng chỉ để một tầng lớp tinh hoa nhỏ bé được nói lên vấn đề tâm lý của mình, và xây dựng xã hội lành mạnh xoay quanh nhóm thiểu số quyền uy này. Sự chăm sóc tâm lý cần chạm đến cả người nghèo và người yếu thế - điều mà thế hệ trước đã làm tốt.

Kết hợp giải pháp tinh thần của cả hai thế hệ vì thế là giải pháp tốt, để xã hội lành mạnh hơn về tâm lý.

Kết

Các nhà khoa học của thế hệ trước đã đúng khi nhận định, tâm lý con người vừa là thứ có sẵn trong ta, vừa là thứ được xã hội kiến tạo.

Gìn giữ sức khoẻ tâm lý vì thế là mệnh lệnh đạo đức của tất thảy xã hội. Một xã hội lành mạnh sẽ dẫn đến từng cá nhân lành mạnh. Ngược lại, nếu một xã hội ốm yếu thì công dân của nó cũng chẳng thể khoẻ mạnh được đâu.

Thương Thân là loạt bài viết giúp bạn nâng cao sức khỏe tâm thần và chăm sóc bản thân tốt hơn, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.