Tại sao không "nghiện"? | Vietcetera
Billboard banner

Tại sao không "nghiện"?

Trên đời có thứ gì khiến ta “nghiện" nhưng lại không gây hại cho ta không?

Tại sao không "nghiện"?

Nguồn: Tất Sỹ @tatsy.wip cho Vietcetera

Curnon Presented Logo

Nhắc đến nghiện, bạn nghĩ đến gì?

Đối với tôi, đó là những thứ chẳng mấy hay ho, nào là nghiện rượu, nghiện thuốc, nghiện mạng xã hội, nghiện mua sắm,... 

Thế trên đời có thứ gì khiến ta “nghiện" nhưng lại không gây hại cho ta không? 

Sự thật là có, và nó được gọi là ‘positive addiction’ (tạm dịch là: những kiểu nghiện tốt). 

Cụm từ ‘positive addiction' được phát triển bởi William Glasser trong một quyển sách cùng tên. Glasser cho rằng, ‘positive addiction’ giúp chúng ta tự tin, sáng tạo, hạnh phúc, và lành mạnh hơn. ‘Những kiểu nghiện tốt’, khác với người anh em “tiêu cực" của mình, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa và thêm phần “đáng sống" hơn.

Theo Glasser, để được xem là một ‘kiểu nghiện tốt’, thứ bạn “nghiện" cần phải đạt được 6 yếu tố:

  • Đó là thứ không mang tính cạnh tranh/ganh đua, bạn quyết định làm vì bạn muốn làm và dành khoảng 1 tiếng mỗi ngày để làm;
  • Bạn làm điều này một cách dễ dàng và không mất quá nhiều nỗ lực về mặt tinh thần để làm tốt nó;
  • Bạn có thể làm một mình, ít khi phải nhờ cậy hoặc phụ thuộc vào ai đó để làm;
  • Bạn tin rằng nó mang lại một giá trị nào đó cho bản thân (thể chất, tinh thần, và tâm linh);
  • Bạn tin rằng nếu bạn kiên trì theo đuổi, bạn sẽ tiến bộ — nhưng điều này hoàn toàn là chủ quan, chính bạn là người đánh giá mức độ cải thiện của bản thân; và
  • Bạn có thể làm điều này mà không cần phải phê phán, trách móc bản thân. 
‘Positive addiction’ khác với người anh em “tiêu cực của mình giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa và thêm phần “đáng sống
‘Positive addiction’, khác với người anh em “tiêu cực" của mình, giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa và thêm phần “đáng sống" hơn.

Tại sao không “nghiện"? 

Có người từng bảo với tôi, hành trình trưởng thành của một người hoàn toàn là hành trình đi tìm bản thân: Mình là ai? Mình muốn gì? Và thứ gì khiến mình thật sự hạnh phúc? 

Tôi hỏi cô em học Truyền thông, tốt nghiệp thủ khoa, nhưng chưa ra trường đã xin vào một công ty làm thực tập sinh… vẽ minh hoạ. Tôi quan sát em từ những ngày đầu, từ lúc mọi người bảo nét vẽ của em có phần ngây ngô mà em vẫn không bỏ cuộc. Có khoảng thời gian hết giờ làm là em vội vã đi đến lớp vẽ. Về đến nhà, em vẫn tiếp tục. Em vẽ mỗi ngày, suốt 2 năm ròng. 

“Vẽ chắc chắn là ‘kiểu nghiện tốt’ của em, bởi dù mệt đến mức nào, chỉ cần lấy bút, màu vẽ quẹt vài đường là em thấy tỉnh táo trở lại. Với cả, việc vẽ rất riêng tư và suy tư, có nhiều suy nghĩ/cảm giác mình không có ngôn ngữ để miêu tả thì có thể sử dụng màu sắc và chất liệu để chiêm nghiệm lại.”

Trên thế giới cũng có những kẻ nghiện công việc, chúng ta thường nhìn họ và cảm thấy xót xa: “Tại sao anh A chỉ biết lao đầu vào công việc?”, “Chị B không biết tận hưởng cuộc sống à?”,...

Những người nghiện công việc không nhìn công việc như cách một số người trong chúng ta nhìn công việc và họ không hề đáng thương như chúng ta nghĩ
Những người nghiện công việc không nhìn công việc như cách [một số người trong] chúng ta nhìn công việc, và họ không hề đáng thương như chúng ta nghĩ.

Nhưng những người nghiện công việc nhìn thấy một sứ mệnh, mục tiêu hoặc giá trị nào đó trong việc họ làm. Và họ tự nguyện bỏ ra ngần ấy thời gian để đi tìm một câu trả lời, một giải pháp thoả đáng nhất. Công việc có thể lấy đi năng lượng của một số người, nhưng lại là “trạm sạc" cho một số người khác. Công việc có thể là nỗi chán chường của người này, nhưng lại là niềm đam mê của người khác. 

Tóm lại là, mỗi người trong chúng ta sẽ “nghiện" những thứ khác nhau. Nhưng một khi đã “nghiện", chúng ta sẽ không cảm thấy khó khăn để bắt đầu. Cũng không cần ai “đẩy” để có “đà" theo đuổi một cách dài lâu. Và sẽ không cần phải chất vấn bản thân lý do mình lao đầu vào. Được theo đuổi thứ mình yêu thích, chẳng phải là một niềm hạnh phúc?

Ta là ai khi/nếu ta không “nghiện"? 

‘Những kiểu nghiện tốt’ là một phần ‘danh tính’ mà chúng ta yêu thích. Thật khó để tưởng tượng cuộc sống của một người nếu không biết mình có một phần ‘danh tính' như thế, hoặc phải gạt bỏ một phần ‘danh tính’ đó đi.

“Chắc em sẽ làm một công việc khác, hoàn thành tốt công việc nhưng không có nhiều đam mê.” — Cô hoạ sĩ minh hoạ giờ đã ra dáng đội trưởng chia sẻ. “Vẽ đến từ em và cho bản thân em — em học cách yêu thương và chấp nhận những gì mình có. Việc vẽ những kỷ niệm hoặc nỗi buồn cũng giúp em tự chữa lành rất nhiều.”

Một người mê gym kể tôi nghe về mối quan hệ của anh với việc tập luyện. Anh nói trước khi biết đến gym, anh từng sống và đổ lỗi “do tạng mình mập" suốt 20 năm trời.

Gym là hành trình anh gỡ bỏ cái mác anh tự đặt, tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều phương pháp để thật sự biết mình cần gì. Cảm giác khi tập gym không hề dễ chịu, nhất là khi anh luôn thúc đẩy bản thân phải vượt qua giới hạn hôm qua. Nhưng chính những lúc như thế mà anh biết mình khoẻ hơn, tư tưởng mình cứng rắn hơn. 

Có hàng tỷ cách để trả lời những câu hỏi trên và không có câu trả lời nào là tuyệt đối Nhưng chỉ cần bạn có ‘positive addiction’ bạn chắc hẳn đã tìm được câu trả lời của riêng mình những câu hỏi trên một cách thú vị
Có hàng tỷ cách để trả lời những câu hỏi trên, và không có câu trả lời nào là tuyệt đối. Nhưng chỉ cần bạn có ‘positive addiction’, bạn chắc hẳn đã tìm được câu trả lời của riêng mình những câu hỏi trên, một cách thú vị.

“Nghiện" thôi đừng “nghiện” quá: Nghỉ cũng là một cách rèn luyện sức bền

Sẽ có những lúc, ‘những kiểu nghiện tốt’ dù tốt đẹp mấy cũng trở nên cực đoan. Sẽ có những lúc bạn thấy mình cầm lên, nhưng không biết cách đặt xuống. Sẽ có những lúc bạn so sánh mình với một ai đó cũng “nghiện" thứ giống bạn. Sẽ có những lúc phần “danh tính" bạn yêu thích trở nên quá lớn, nó lấn át những phần danh tính còn lại trong bạn.

Rất nhiều người trẻ kể tôi nghe về giai đoạn “cực đoan” trong đời họ. Là anh chàng tự gắn mác “mình mập" từng có lúc sáng tập cardio, chiều tập gym, và cả ngày ăn kiêng. Anh dành tất cả năng lượng cho gym nên chẳng còn lại năng lượng cho những công việc khác.

Là anh chàng ham công tiếc việc huyễn hoặc mình có sức trẻ, cho đến khi bước ra khỏi công ty lúc 1h sáng với miếng bông gòn nhét trong mũi. Là cô em mê vẽ đến mức thỉnh thoảng quên mất bên cạnh "chức danh" họa sĩ minh họa, em cũng là một người chị, người bạn và người con. 

Bạn biết cô bạn Beth Harmon của bộ phim The Queen's Gambit chứ? Beth là hình ảnh của chúng ta ở một giai đoạn nào đó trong đời — phát hiện ra mình có một đam mê, rồi đắm chìm và… lún sâu trong đam mê đó. 

Giá như Beth hiểu cô ấy không cần phải so sánh mình với ai. Giá như Beth đừng để những viên thuốc dẫn lối mình đi. Giá như Beth đã ngủ nhiều hơn...

Được chấp bút bởi Minh Ng.

'Tại sao không?' truyền cảm hứng để bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình - nghĩ khác, làm khác, sống khác. Series được mang đến cho bạn bởi Curnon.