Tấm vé World Cup của tuyển nữ Việt Nam nói gì về định kiến giới? | Vietcetera
Billboard banner

Tấm vé World Cup của tuyển nữ Việt Nam nói gì về định kiến giới?

Bóng đá nữ còn gặp nhiều khó khăn, đến từ sự ít quan tâm, nhìn nhận của xã hội với họ.
Tấm vé World Cup của tuyển nữ Việt Nam nói gì về định kiến giới?

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Chiều ngày 6/2 vừa qua, trong lượt cuối vòng play-off của Vòng chung kết World Cup, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã giành chiến thắng 2-1 trước đội tuyển Đài Loan. Hai pha lập công của Chương Thị Kiều và Nguyễn Thị Bích Thùy đã giúp tuyển nữ Việt Nam chính thức giành tấm vé đến Australia và New Zealand vào năm sau.

Sau khi đoạt vé lịch sử dự World Cup 2023, thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng nhận được "cơn mưa" tiền thưởng từ Chính phủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và doanh nghiệp với trị giá lên đến gần 10 tỷ đồng.

2. Chiến thắng này có ý nghĩa ra sao?

Trước giải đấu, hàng loạt cầu thủ trụ cột của đội tuyển đã nhiễm Covid-19, khi tập huấn tại Tây Ban Nha. Thậm chí, chỉ sáu cầu thủ bay sang Ấn Độ đúng kế hoạch ban đầu, khiến đội tuyển có lúc đứng trước nguy cơ bỏ giải. Chính vì thế, chiến thắng trước Đài Loan có ý nghĩa vô cùng lớn về mặt tinh thần và chuyên môn với đội tuyển.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, những cô gái Việt Nam vinh dự được góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

3. Truyền thông trong và ngoài nước phản ứng như thế nào?

Ngay sau chiến thắng của đội tuyển nữ Việt Nam, trang web của FIFA nhận định các tuyển thủ nữ Việt Nam đã có trận đấu xuất sắc để giành vé tham dự World Cup nữ 2023 tại Australia và New Zealand, đồng thời nhấn mạnh đây là chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam.

alt
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, những cô gái Việt Nam vinh dự được góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Trong khi đó, trên tài khoản Twitter chính thức của Ban tổ chức Giải bóng đá nữ châu Á 2022, một đoạn video ghi lại khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều lời chúc mừng gửi đến các cô gái "vàng" Việt Nam.

Ở trong nước, rất nhiều tờ báo đã dành những lời khen cho đội tuyển. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương toàn thể các cầu thủ và Ban huấn luyện qua thư, rằng: "Lịch sử bóng đá Việt Nam sẽ mãi ghi nhận dấu mốc đáng tự hào này".

4. Đầu tư và đãi ngộ cho bóng đá nữ ở Việt Nam hiện nay đến đâu?

Cuối năm 2019, VFF đã nhận gói tài trợ 100 tỷ đồng của một doanh nghiệp bất động sản, trong vòng 5 năm để phát triển bóng đá nữ, đặt mục tiêu đến World Cup. Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng chia sẻ, ông sẽ đề xuất VFF chuyển một ít tiền tài trợ xuống các câu lạc bộ để hỗ trợ đào tạo trẻ. Đấy sẽ là những nơi cung cấp nguồn lực kế cận cho đội tuyển quốc gia.

Với Nhà nước, VFF, chính sách đầu tư và đãi ngộ cho bóng đá nữ không khác bóng đá nam. Các cầu thủ nữ được hưởng tiền lương, tiền ăn, chi phí sinh hoạt,… giống như đội tuyển nam khi thực hiện nhiệm vụ quốc gia.

Tuy nhiên, dù đã hoàn thành nhiệm vụ tại vòng chung kết Asian Cup 2022 và giành vé đến World Cup 2023, nhưng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mãi chưa thể về nước để ăn mừng chiến thắng. Lý do bởi không có vé máy bay, nên cả đội phải ở lại Mumbai (Ấn Độ) đến ngày 10/2. Mãi đến tận hôm nay 7/2, sau khi được báo chí đưa tin, Bamboo Airway đã lên tiếng sẽ tài trợ chuyên cơ cho đội tuyển về nước.

alt
Mục tiêu đến World Cup hiện nay đã đạt được, tuy nhiên câu chuyện đầu tư và đãi ngộ công bằng dành cho nam và nữ ở tuyển quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế.

Điều này khác với những đãi ngộ từ phía các nhãn hàng dành cho tuyển thủ nam, ví dụ như 1/2018, khi đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương bạc châu Á, một hãng hàng không đã nhanh chân tài trợ bằng cách đưa một máy bay riêng đến Thường Châu đón đội tuyển về nước.

Mục tiêu đến World Cup hiện nay đã đạt được, tuy nhiên câu chuyện đầu tư và đãi ngộ công bằng dành cho nam và nữ ở tuyển quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế.

5. So với đội tuyển nam, nữ cầu thủ có những thiệt thòi gì?

Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng trăn trở về bóng đá nữ Việt Nam luôn phải chịu thiệt thòi, chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện sống tốt. Dù chế độ của ngành thể thao và VFF dành cho đội nam, nữ như nhau, nhưng việc các nhà tài trợ không mặn mà khiến cho các học trò của ông Chung vì thế mà thiệt thòi nhiều.

Nhìn vào hệ thống các giải vô địch quốc gia, cúp quốc gia dành cho bóng đá nữ, chúng ta không thấy nhiều bóng dáng của các doanh nghiệp tham gia tài trợ. Bóng đá nữ hiện tại chỉ phát triển mạnh ở các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hà Nam, Quảng Ninh... Và nhiều lần huấn luyện viên Mai Đức Chung than thở về việc khó tìm thế hệ kế cận.

alt
Huấn luyện viên Mai Đức Chung từng trăn trở về bóng đá nữ Việt Nam luôn phải chịu thiệt thòi, chế độ cho các em còn thấp, không thể đảm bảo được điều kiện sống tốt.

Đối với công chúng, việc các cầu thủ nam nhận được nhiều ưu ái từ các nhãn hàng, hợp đồng quảng cáo và nguồn tiền dồi dào hơn cũng mang lại nhiều lợi thế và độ phổ biến hơn so với các nữ tuyển thủ.

Thêm một hạn chế nữa về giới tính khi tuổi nghề của các nữ cầu thủ thường sẽ không bền bỉ được như đội tuyển nam. Áp lực về gia đình, tuổi đời và sức khoẻ thường sẽ đến nhanh khiến tên tuổi của họ không được giữ lửa quá lâu trong đại chúng.

6. Bóng đá có đang phản ánh những định kiến giới?

Khác với bóng đá nam thường xuyên giành được những lời ca ngợi từ những trận cầu nhỏ nhất, thì đội tuyển bóng đá nữ từ xưa đến nay lại thường xuyên bị lãng quên dù thành tích vang dội hơn rất nhiều.

Dường như, kỳ vọng của công chúng dành cho đội tuyển nữ lại không phải ở điều này. Nhiều ý kiến cho rằng, bóng đá - đơn thuần không phù hợp với nữ giới. Việc con gái lao vào trái bóng khiến họ thấy không còn chút nét đẹp dịu dàng, thướt tha nào của nữ giới nữa.

Nếu chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp, ca nhạc, người mẫu thì sân bay sẽ nhiều người chào đón. Người Việt thích phụ nữ làm trong nghề giải trí hơn làm thể thao. Rõ ràng, bóng đá nam giàu tốc độ, sức mạnh và kỹ thuật hơn nên hấp dẫn hơn. Bóng đá nữ dù ở châu Âu hay Mỹ, là những nơi rất tôn trọng phụ nữ, nhưng cũng vẫn đìu hiu vậy thôi.

7. Sau tấm vé vào World Cup, những gì cần được quan tâm tiếp theo?

Hành trình tiếp theo của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup chắc hẳn sẽ cần nhiều hơn sự quan tâm của truyền thông và VFF. Từ trước đến nay, có một thực tế rằng, bóng đá nữ không nhận được nhiều sự quan tâm, dù thành tích đôi khi nổi bật và cao hơn bóng đá nam. Từ lương thưởng đến truyền thông cũng thấp và nhỏ bé hơn.

alt
Nếu người dân, doanh nghiệp, xã hội quan tâm đến bóng đá nữ gần như bóng đá nam, chắc chắn bóng đá nữ Việt Nam sẽ còn tiến xa.

Nhìn rộng ra, đó có thể là sự thiệt thòi của các bạn nữ theo nghiệp quần đùi, áo số. Giống như bao nhiêu bộ môn cũng phải miệt mài tập luyện, chiến thắng bằng máu và nước mắt... nhưng cũng không được đón chào cuồng nhiệt như bộ môn bóng đá nam.

Các vận động viên có lẽ họ chơi bằng niềm đam mê, và vì năng khiếu môn thể thao đó. Bóng đá nam bây giờ có thể xác định là một nghề kiếm tiền nuôi sống gia đình và bản thân.

Bóng đá nữ còn gặp nhiều khó khăn, đến từ sự ít quan tâm, nhìn nhận của xã hội với họ. Nếu người dân, doanh nghiệp, xã hội quan tâm đến bóng đá nữ gần như bóng đá nam, chắc chắn bóng đá nữ Việt Nam sẽ còn tiến xa.