Tận hưởng độc thân có làm ta quay lưng với kết nối tình cảm? | Vietcetera
Billboard banner

Tận hưởng độc thân có làm ta quay lưng với kết nối tình cảm?

Một thế hệ chuộng “tự bầu bạn chính mình,” một nền kinh tế hào hứng đáp ứng nhu cầu độc hành, chúng ta có đang dần quay lưng với việc kết đôi.
Tận hưởng độc thân có làm ta quay lưng với kết nối tình cảm?

Nguồn: Unsplash

Trong series sitcom nổi tiếng Friends của Mỹ, có một chi tiết về việc nhân vật Rachel băn khoăn chuyện vào nhà hàng ăn một mình. Bắt đầu với sự e ngại, sau đó cô nhận được sự động viên để vượt qua rào cản tâm lý, để rồi kết thúc với cảnh Rachel tán gẫu với một người con trai cô có hảo cảm trong nhà hàng.

Đó là người đã nhìn thấy cô ngồi ăn một mình và nghĩ rằng sẽ không bao giờ dây dưa với một kẻ lập dị như vậy. Khai thác tiếng cười trào lộng, nhưng câu chuyện phần nào đã cho thấy cách xã hội được coi là cởi mở nhìn nhận tình trạng “một-mình” vào thập niên 90.

Hơn 20 năm sau tập phim của Friends, ở Amsterdam, Hà Lan, thế giới lần đầu tiên có mô hình nhà hàng chỉ dành cho những thực khách đi ăn một mình.

Tuy nhiên, nhà hàng này là một phần của dự án sáng tạo và vận hành theo dạng “pop-up,” tức là sẽ mở cửa hoạt động vài ngày tại một thành phố, sau đó đóng cửa biến mất. Một dạng thử nghiệm và trải nghiệm kỳ thú hơn là một chỉ dấu về thay đổi thái độ trong xã hội.

Đến vài năm trở lại đây, việc đi ăn một mình mới được coi như phổ biến ở một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, với các quán ăn, nhà hàng thiết kế chỗ riêng cho những khách hàng này.

Chuyện đi ăn một mình chỉ là một ví dụ, nhưng so sánh để thấy rằng lối sinh hoạt từng một thời hứng chịu phán xét nay dường như đang lội ngược dòng, trở thành một văn hoá được xã hội chấp nhận và dung nạp.

Văn hoá “một-mình” trong nền kinh tế độc thân

Emma Watson từng gây một cơn bão truyền thông nho nhỏ khi lên báo trả lời phỏng vấn và tuyên bố cô hoàn toàn hạnh phúc với việc độc thân. Khen có, chê có, nhưng nhìn chung, thiên hạ ồn ào bởi cách Emma dùng một từ mới - “self-partnered” (tự bầu bạn với mình) – để nói về sự độc thân.

Phải chăng lặng lẽ dung nạp là một chuyện, việc đối diện công khai một tuyên ngôn về chủ nghĩa độc thân vẫn là một cái gì đó khó khăn? Và việc Emma, nổi tiếng, xinh đẹp, giàu có, thành công, sẵn sàng đưa ra tuyên bố như vậy có đang báo hiệu thời kỳ sự “một-mình” lên ngôi, trở thành xu hướng, “huy hiệu” người ta sẵn sàng cài lên áo.

Trên thực tế, tại một số nơi, “một-mình” đang được tạo điều kiện hơn bao giờ hết.

alt
Nguồn: Unsplash

Nếu Rachel của Friends sống ở thời hiện tại, ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Rachel sẽ không phải băn khoăn gì về việc vào nhà hàng ăn một mình, và vô số những hoạt động đơn độc khác.

Ngoài nhà hàng, còn có phòng karaoke một người, phòng tập thể dục một người, phòng chụp ảnh mini … Các siêu thị bán khẩu phần ăn đủ cho một người, trong khi đồ gia dụng cũng phổ biến các mẫu kích thước nhỏ gọn.

Sự nhanh nhạy của thị trường trong việc nhìn ra tiềm năng của nhóm khách hàng độc thân (20-40 tuổi có thời gian, tiền bạc, không vướng bận gia đình, con cái và sẵn lòng mở hầu bao chiều chuộng chính mình) đã mở ra một nền kinh tế tạo điều kiện, thậm chí săn đón, văn hoá một mình.

Hãy tưởng tượng, nếu bạn là người như vậy - được cả nền kinh tế săn đón, ra ngoài một mình vẫn tìm thấy niềm vui, ở nhà có dịch vụ đưa mọi thứ tận cửa, những sản phẩm được cân đo đong đếm cho “vừa khít” với sự độc thân, thì chúng ta cũng sẽ giống Emma Watson, thoải mái thừa nhận rằng bạn có thể tự hạnh phúc với chính mình.

Nhìn nhận và đối mặt văn hoá “một-mình”

Trong khi bạn không (hoặc chưa vội) lo lắng về lựa chọn độc thân của mình, ở ngoài kia vẫn còn người lo lắng hộ bạn.

Đó trước hết sẽ là cha mẹ bạn, những người đang tiệm cận tuổi già. Họ đã chứng kiến tuổi già từ cha mẹ và hiểu rằng đến giai đoạn ốm đau yếu đuối của tuổi xế chiều, người ta sẽ cần cái nắm tay của tình thân.

Và còn cả những lo lắng ở tầm vĩ mô hơn, về dân số già, về lực lượng lao động giảm, kinh tế đi xuống. Nhìn sang các nước Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, đều là những nước có văn hoá độc thân nở rộ những năm gần đây, họ đều là các nước đang phải đau đầu với bài toán này.

Câu hỏi "những người lựa chọn độc thân liệu có đang quay lưng với gắn kết tình cảm hay không?" hẳn đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.

alt
Nguồn: Unsplash

Emma Watson sau tuyên bố “tự bầu bạn chính mình” đã thay qua hai đời bạn trai, và giờ vẫn đang hạnh phúc trong cuộc tình sau. Một ngày đẹp trời, cô ấy cũng có thể tiến tới hôn nhân, sẽ hạnh phúc mãi mãi về sau hoặc đường ai nấy đi. Đây đều là những kịch bản rất quen thuộc trong cuộc sống.

Nhưng đồng thời, các nghiên cứu cũng nói khác. Nghiên cứu của Euromonitor năm 2020 cho thấy các hộ gia đình đơn thân là nhóm hộ gia đình tăng số lượng nhanh nhất trên toàn cầu trong giai đoạn 2010-2019 (31%), với gần một nửa đến từ Châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng không chỉ châu Á, theo số liệu của Our World in Data, tỷ lệ người trưởng thành sống một mình ở Mỹ tăng gần gấp đôi trong 50 năm qua.

Ở các quốc gia như Na Uy và Thụy Điển, cách đây một thế kỷ, các hộ gia đình đơn thân rất hiếm gặp, nhưng giờ đã chiếm gần một nửa trong tổng số hộ gia đình. Cuộc sống độc thân được dự báo sẽ trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn 2019-2040.

Chúng ta có thể thích nghi với văn hoá “một-mình” không?

Nếu các dự báo khoa học có thể tin được, vậy nên nhìn nhận xu hướng này như thế nào, và thích ứng như thế nào. Tờ Psychology Today mới đây có đăng một nghiên cứu về chủ đề độc thân thời hiện đại, với một góc nhìn khá thú vị trong tương quan về giới.

Nghiên cứu này cho rằng đàn ông đang là “nạn nhân” trong xu thế độc thân hiện nay, khi nữ giới dần có nhiều quyền và chỗ đứng hơn. Điều này khiến họ đòi hỏi nhiều hơn từ các mối quan hệ và sẵn sàng chọn cuộc sống độc thân cho đến khi tìm được người phù hợp.

Tuy nhiên, nghiên cứu không đổ lỗi cho nữ giới, thay vào đó khuyên đàn ông nỗ lực nâng cao giá trị bản thân và tích cực hơn trong các hoạt động giao lưu.

Tương tự như vậy, chúng ta nên chấp nhận rằng tình trạng độc thân ngày càng kéo dài (và với một số người sẽ không kết thúc) đã trở thành một xu thế của thời hiện đại.

Con đường từ độc thân đến hôn nhân từng thông thoáng và lưu thông chóng vánh thời bố mẹ chúng ta, nay phức tạp, nhiều vướng bận, và nhiều người sẽ cần di chuyển chậm hơn và cẩn trọng hơn.

Việc có thể làm là thông cảm và nỗ lực từ hai bên, để sự “một-mình” cũng có thể mang đến những giá trị tích cực. Đối với cá nhân, đó là học cách chấp nhận và yêu thương bản thân như một bản thể độc lập và tròn vẹn, lấy đây làm nền tảng cho các gắn kết bền vững.

Đối với cộng đồng, đó là học cách tôn trọng và bao dung cho nhu cầu dành thời gian cho bản thân trong một cuộc sống không ngừng vội vã.