Textrovert là hướng nội hay hướng ngoại? | Vietcetera
Billboard banner

Textrovert là hướng nội hay hướng ngoại?

Textrovert - Hướng nội, hướng ngoại không bằng hướng vào điện thoại.
Textrovert là hướng nội hay hướng ngoại?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

#BócTerm là series bóc tem những từ ngữ mới đang thịnh hành cùng Vietcetera.

1. Textrovert là gì?

Textrovert /ˈtekstrəvɜːt/ (danh từ) chỉ những người sôi nổi, hài hước khi nhắn tin, nhưng lại bật chế độ rụt rè, khép mình khi gặp gỡ ngoài đời thực.

2. Nguồn gốc của textrovert?

Textrovert được ghép từ hai từ: text (nhắn tin) và extrovert (người hướng ngoại). Từ này được định nghĩa lần đầu tiên trên Urban Dictionary vào tháng 6, 2008.

3. Vì sao textrovert trở nên phổ biến?

Dù xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của mạng xã hội, đến đầu năm 2017, độ phổ biến của textrovert mới bùng nổ, sau khi một cuốn tiểu thuyết mạng có tựa đề “Textrovert” được xuất bản.

Giữa những tranh cãi về các ứng dụng hẹn hò, Lindsey Summers, tác giả người Canada, đặt câu hỏi khiến cộng đồng mạng chú ý: “Liệu người ta có yêu nhau được nếu chỉ nhắn tin không?”. Cuốn sách đoạt giải văn học quốc tế này được đánh giá 4.6 sao trên Apple Books và 4.5 sao trên Audible.

Trả lời câu hỏi của Lindsey, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cần khoảng 163 tin nhắn “thả thính” qua lại giữa 2 đối tượng để hiện tượng này thực sự xảy ra. Giới nữ thường sẽ là người “đổ” trước, tựa như lời truyền của các ông bà ở Việt Nam, “vì con gái yêu bằng tai”.

Việc thể hiện ý kiến, cảm xúc cá nhân mạnh mẽ hơn khi nhắn tin được cho là xuất phát từ khoảng cách an toàn mà không gian mạng mang lại. (forbes.com)

Điều này tương tự với hiệu ứng “chiếc mặt nạ” trong câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde: “Con người ít là mình nhất khi họ đứng trên danh nghĩa của mình. Hãy cho họ một chiếc mặt nạ và họ sẽ nói bạn nghe sự thật.”

Tuy nhiên, lời giải thích này không hẳn tuyệt đối vì một số trường hợp lại “hướng ngoại” nhiều hơn vào những lúc không nhắn tin. Họ thích gặp gỡ ngoài đời, hoặc ít nhất là gọi điện.

Đó là nơi họ có thể truyền đạt cảm xúc, thông tin dày dặn hơn qua giọng nói, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt. Còn nhắn tin thì có khi lại bị chê là “khô như ngói” (dry texting).

Nhiều người gọi sự thay đổi này là alter ego, một nhân cách khác chỉ bộc lộ trong một bối cảnh nhất định. Năm 2008, ca sĩ Beyoncé đã debut “nhân cách thứ 2” của mình với cái tên Sasha Fierce, vì cô muốn “tự tin hơn, bùng nổ hơn, thẳng thắn hơn!”.

Beyonceacute vagrave Sasha Fierce 2008 Nguồn Substackcom
Beyoncé và Sasha Fierce (2008). Nguồn: Substack.com

4. Dùng textrovert như thế nào?

Tiếng Anh

A: How was your date with that “sweet guy” on Facebook?

B: It was terribly awkward. I had never thought that he was that shy…

A: Oh, maybe he's a textrovert.

Tiếng Việt

A: Hẹn hò với “chàng trai ngọt ngào” trên Facebook đấy thế nào rồi?

B: Ngượng nghịu kinh khủng. Tui không nghĩ cậu ấy lại bẽn lẽn vậy luôn á…

A: Chắc bà gặp chàng hướng nội thích nhắn tin rồi.

#BócTerm là series bóc tem những từ ngữ mới đang thịnh hành cùng Vietcetera.