The Bridge - Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

The Bridge - Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ

Vietcetera rất hân hạnh khi được Grégoire Du Pasquier mời đến và tham quan một viện ngọc mới của Hà Nội, The Bridge, và nghe ông giải mã những giá trị đằng sau kiến trúc của nó.

The Bridge - Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ

Vừa qua, chúng tôi đã có vinh dự được anh Grégoire Du Pasquier — Đồng sáng lập và đối tác của G8A Architecture & Urban Planning — mời đến tham quan tòa nhà văn phòng độc đáo mà họ thiết kế cho Tập đoàn OpenAsia, mang tên The Bridge.

Theo lời Grégoire chia sẻ, The Bridge được lấy ý tưởng từ việc biến “thô sơ thành quý giá” và “khô khan thành bóng bẩy”, vì thế, nó như một viên ngọc thô, mang đậm chất Brutalism (Chủ nghĩa Thô mộc) nằm giữa thủ đô Hà Nội.

Không chỉ nắm cương vị Giám đốc thiết kế, phụ trách thực hiện concept và quản lý dự án ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Geneva, Grégoire hiện còn là đồng quản lý chi nhánh văn phòng tại Hà Nội và Singapore. Vì thế, chúng tôi tin rằng, Grégoire là người duy nhất có thể chia sẻ tường tận về The Bridge cũng như những dự án thú vị mà G8A đang phụ trách.

Suy nghĩ đầu tiên của anh khi được yêu cầu thiết kế dự án The Bridge là gì?

Dự án The Bridge là văn phòng đầu tiên mà OpenAsia có thể tập hợp tất cả các văn phòng công ty con vào cùng một vị trí. Với dự định đầy hứng khởi này, tập đoàn hy vọng rằng công trình kiến trúc có khả năng thể hiện hết những kết tinh trong giá trị cốt lõi và hoạt động của công ty.

OpenAsia là tập đoàn đầu tư tập trung vào các đại lý bán lẻ phân khúc cao cấp, ngành dịch vụ và công nghệ, phục vụ cho nhóm đối tượng người Việt tìm kiếm những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao đang ngày một tăng.

The Bridge Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ0
Toà nhà The Bridge tại Hà Nội. | Nguồn: G8A

Họ mong muốn một môi trường làm việc linh động, cho phép họ mở rộng hoạt động khi cần. Ngoài ra, chúng tôi cũng tính toán cả những khả năng khó lường trước mà tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam có thể mang lại.

Với cấu trúc nội thất được xây dựng không có hệ thống cột dầm, tầm nhìn thoáng đãng và có thể đón ánh sáng tự nhiên. Tiền sảnh được chủ động đặt lùi vào bên trong để khi bước vào mọi người có thể chiêm ngưỡng những yếu tố độc đáo của cảnh quan và kiến trúc bên ngoài tòa nhà.

Ngoài tính linh hoạt về diện tích, chúng tôi còn tập trung vào việc xây dựng một không gian toát lên giá trị của công ty–“tạo nên những sản phẩm tinh tế từ chất liệu thô sơ”. Vì vậy, chúng tôi chọn lọc những nguyên vật liệu có khả năng truyền tải được triết lý này.

Kết cấu nguyên bản của bê tông được dùng để tôn vinh những sắc thái nhẹ nhàng nhưng tinh tế của các chi tiết bằng đồng. Từ những chất liệu này, chúng tôi hy vọng sẽ truyền tải được vẻ đẹp “thô mà thơ” của tòa nhà.

The Bridge Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ1
Mặt lưới thép là một lớp lọc ánh sáng tự nhiên, đồng thời giữ được sự riêng tư bên trong. | Nguồn: G8A

Với vị trí trong con ngõ giữa lòng phố cổ Hà Nội, anh có bị hạn chế về những phong cách kiến trúc mà mình muốn triển khai không?

Không hẳn. Địa điểm của công trình không hẳn là một hạn chế, ngược lại, nó còn đem đến những nét thú vị cho sơ đồ phác thảo. Dự án của chúng tôi nằm tại vị trí trung tâm Hà Nội–tâm điểm huyên náo của một thị thành bình yên.

Quy định chiều cao xây dựng của khu vực buộc chúng tôi phải tận dụng triệt để diện tích bề mặt trước khi cân nhắc đến chiều cao của công trình. Vì vậy mà các hạn chế, hay thử thách, tình cờ lại mang đến cho Hà Nội xưa cảm giác của một không gian thoáng đãng, không chỉ ngược lại với bối cảnh ngột ngạt xung quanh mà còn tạo ra tiền đề cho sự phát triển của khu vực trong tương lai.

Chúng tôi đạt được yếu tố này nhờ việc tạo ra một khoảng không từ phần rìa của công trình đến mặt kính chính, đồng thời kết hợp một mặt bên với thiết kế của một màng lọc lớn.

Triết lý ‘phát triển bền vững’ của G8A được áp dụng cho một đô thị đông đúc như Hà Nội như thế nào?

The Bridge Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ2
The Bridge mang đến cho Hà Nội xưa cảm giác của một không gian thoáng đãng, ngược lại với bối cảnh ngột ngạt xung quanh. | Nguồn: G8A

Trong nhiều năm gần đây G8A đã phát triển triết lý thiết kế về “phát triển bền vững”, một khái niệm mà chúng tôi đã đào sâu hơn khi thiết kế Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Chúng tôi hình dung tòa nhà trong 100 năm tới, hoặc cho tới khi quan cảnh hỗn loạn xung quanh trở nên dung hoà hơn, và chỉ còn một vài nhân tố trọng điểm từ tòa nhà: những mảng bê tông sừng sững và những đường kẻ sáng màu nhẹ nhàng chạy dọc trên bề mặt. Từ đó, những tinh tuý của công trình sẽ được tôn vinh.

Lý tưởng này trở thành tiền đề cho những hệ thống và thiết kế tương xứng, làm bật lên nét mộc mạc và phóng khoáng của tòa nhà.

Các thiết kế này phản ánh hiện thực về xã hội cũng như khí hậu tại một khu vực đang phát triển mạnh về kinh tế như Đông Nam Á, một bối cảnh đòi hỏi các hệ thống tổ chức phải liên tục chuyển mình, cũng như những không gian mà chúng đang tồn tại.

Mặt lưới thép của tòa nhà trông khá táo bạo. Ngoài vẻ thẩm mỹ ra, nó có phục vụ cho mục đích nào khác?

Chúng tôi muốn tạo ra một mặt xuyên thấu, khác với lớp kính nhám phổ biến mà mọi người thường thấy. Nó được dựng lên như một lớp lọc các tia nắng mặt trời, giúp tiếp cận được nguồn sáng tự nhiên dồi dào, đồng thời giữ được sự riêng tư bên trong.

The Bridge Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ3
Grégoire Du Pasquier đến thăm công trình The Bridge. | Nguồn: G8A

Về mặt thẩm mỹ, mặt lưới này cũng lấy cảm hứng từ cách tiếp cận thông dụng của ngành công nghiệp thời trang; các thiết kế càng ít hoa văn và rườm rà lại cần những kỹ năng phức tạp hơn. Cuối cùng, nó trở thành một biểu tượng của tính bền vững cũng như nhân dạng cho tòa nhà.

Chúng tôi sử dụng vật liệu từ công ty Jakob Rope Systems. Họ có một nhà máy ở phía nam Việt Nam và chúng tôi rất ưa chuộng những sản phẩm của họ.

Điều gì đã thôi thúc anh lựa chọn kết cấu thô sơ của bê tông cho dự án này?

Ý tưởng ban đầu là sử dụng các chất liệu của OpenAsia làm nền. Định hướng của họ là biến hoá các vật liệu thô thành những sản phẩm giá trị. Trong kiến trúc, khái niệm này được lồng vào bề mặt kém nhẵn của bê tông và những nét hoàn thiện gọn gàng, vang lên một câu chuyện chân thực về hành trình tạo hoá của từng góc cạnh tòa nhà mà không cần thêm bất kỳ sự tô điểm nào.

Những thử thách mà các kiến trúc sư sẽ gặp phải khi thiết kế không gian văn phòng là gì?

Cũng như các thiết kế không gian khác, chúng tôi đều cần một giải pháp để tối ưu hoá ánh sáng và khí trời tự nhiên. Những yếu tố này sẽ mang lại những trải nghiệm thoải mái trong một môi trường gần gũi hơn.

Dự án The Bridge cũng có rất nhiều yêu cầu cụ thể từ khách hàng: sự linh động, khả năng biến hóa và sự cần thiết trong việc hòa mình vào bối cảnh hỗn loạn và khó đoán của một Hà Nội cổ kính.

Hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2019, đội ngũ OpenAsia nhận xét như thế nào về văn phòng này? Các không gian có được sử dụng như mục đích ban đầu không?

The Bridge Viên ngọc thô giữa lòng Phố cổ4
Đan xen vào bức tranh Hà Nội xưa là một The Bridge nổi bật. | Nguồn: G8A

Chúng tôi thật sự vui vì các câu trả lời đều là có. Những người dùng, và cũng là những người chủ, hiện tại đang tận dụng triệt để công dụng của toà nhà, và họ tôn trọng những hệ thống mà chúng tôi đề xuất. Nhưng những sắp xếp nội thất đã khác xa với ban đầu, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một không gian phóng khoáng và linh hoạt.

Những dự án tới trong năm nay của anh là gì?

Hiện tại, chúng tôi đang có một vài dự án đang thi công tại Thuỵ Điển, Việt Nam và Singapore. Chúng tôi đang phát triển loại nhà biệt thự song lập tại Thuỵ Điển, kết hợp hệ thống năng lượng mặt trời.

Tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục dự án thiết kế những nguyên mẫu văn phòng mới cho công ty Phần mềm FPT Software. Và năm nay, Singapore sẽ chứng kiến đề xuất mới nhất của G8A về mô hình nhà ở xã hội với hệ thống branch-block.

Có vài dự án thú vị sắp tới chúng tôi đang triển khai: một không gian văn phòng mới cho nhà thầu của chúng tôi–Jakob Factory–tại thành phố Hồ Chí Minh, hai dự án khu nghỉ dưỡng tại Pù Luông kết hợp nét thiên nhiên hoang dã của Việt Nam, cùng với nhiều dự án phối hợp khác tại phía Nam Hà Nội, xây dựng văn phòng và khách sạn.