Tiếp nối series The Couples, chúng tôi sẽ kể câu chuyện về Thiên Minh, chàng photographer kiêm nhà sáng lập thương hiệu Thinker&Dreamer Coffee, và Tim Phạm, Giám đốc Sáng tạo tại Viet Vision, đồng sáng lập chuỗi Nấp Sài Gòn và studio Smaller Than Three. Khi gặp, bạn sẽ thấy một người hoạt bát trò chuyện được về mọi thứ, còn một người tự nhận “có thể ngồi im như cục đá từ sáng đến tối”. Nhưng đôi khi, người ta hợp nhau nhất vào lúc người ta khác nhau nhất. Miễn là được trải-qua-trưởng-thành cùng nhau!
Hai bạn gặp nhau như thế nào?
Tim: Khoảng hơn chục năm rồi, Tim cũng không nhớ rõ lắm. Chắc khoảng 2008 hay 2009 nhỉ?
Minh: Là năm 2008, Tim nhớ lúc bà nội Tim qua đời không? Bọn mình nói chuyện trên mạng trước mãi rồi mới gặp ngoài đời. Lúc đó hai đứa vẫn còn ở tuổi teen, mới 19 tuổi đúng không? Tóm lại đã biết nhau 11 hay 12 năm rồi đó!
Hành trình đến với công việc hiện tại?
Tim: Lúc ở Việt Nam, Tim chưa biết đầy đủ về những mảng khác nhau trong ngành nghệ thuật. Mình nghĩ chắc nếu muốn làm nghệ thuật thì chỉ có thiết kế thời trang hoặc làm hoạ sỹ. Thời trang thì không mê, mà làm hoạ sĩ chắc có khi tới chết cũng không có tiền (cười). Sau này biết thêm kiến trúc thì thấy mình quá dở Toán. Phát hiện ra trên đời còn có ngành Thiết kế nội thất nữa bèn đăng ký học. Học rồi mới biết hoá ra còn 1 tỉ ngành khác nữa, trong đó có ngành đồ họa (graphic design). Học xong Nội thất mình tự học Đồ hoạ và theo đuổi đến giờ.
Minh: Minh sang Mỹ đăng ký học luôn môn thiết kế nội thất. Do trường bắt phải thêm môn phụ đạo, nên mình đăng ký đại thêm Nhiếp ảnh trắng đen. Xong rồi mê luôn làm nghề tới giờ.
Tim: Giờ mới nhớ đầu biết đến nhau cũng là do nhiếp ảnh nhiều nhất.
Minh: Trước đó mọi người cũng biết Minh đóng phim rồi đi hát. Lúc quen nhau, Tim có một chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp, đi đâu đều mang theo chụp cho mình rồi cho những người trong gia đình. Tim chụp rất đẹp. Giờ nhớ lại, chính là Tim đã dạy nhiếp ảnh và photoshop cho Minh. Nhờ Tim mà sau này mình bắt đầu công việc nhiếp ảnh một cách rất tự nhiên.
Ngoài việc bắt đầu, trong công việc hai người giúp đỡ nhau như thế nào?
Tim: Minh hay nhắc và giúp định hướng những xu hướng cho mình…
Minh: (chen vào) Tim có sẵn phong cách rồi, nhưng Minh được cái làm nhiều nghề, trải nghiệm nhiều lĩnh vực hơn nên Minh biết khách hàng đòi hỏi gì nên thường chia sẻ với Tim.
Tim: Nói nôm na là hay xúi làm cái này cái kia (cười lớn).
Minh: Tóm lại bọn mình hay hỏi nhau. Kỹ thuật và chi tiết thì Tim kỹ hơn Minh nhiều. Ngược lại, Minh thì được Tim hỏi về cách tiếp cận một đề tài sao cho tốt.
Mọi người có giúp đỡ nhau nếu bí ý tưởng?
Minh: Không. Bọn mình khá độc lập, tự làm các dự án hay công việc kinh doanh cá nhân.
Tim: Với lại mình thấy việc tìm kiếm ý tưởng không thể đến từ người khác, mà phải từ chính bản thân bạn. Khi làm một dự án gì đó liên quan đến âm nhạc, thì đương nhiên mình sẽ hỏi ý kiến của Minh, vì Minh rành nhạc. Nói chung, bọn mình chỉ hay giúp đỡ nhau nếu chúng liên quan nhiều đến kiến thức.
Minh: Minh thì trong những bức hình dùng đến typo thì chắc chắn mình hỏi ý kiến Tim. Vì Minh biết Tim rất giỏi typo. Nhưng bảo là hỏi khi bí ý tưởng thì ít lắm. Vì bọn mình đều là những người đã làm lâu trong ngành sáng tạo, ý tưởng không thiếu, chỉ là thiếu thời gian để làm tất cả chúng thôi.
Nếu phải miêu tả người kia bằng một thành phố thì đó sẽ là gì?
Minh: Minh đi châu Âu nhiều lắm, nên sẽ tìm trong châu lục đó nhe. Uhm xem nào, Tim rất giống một thành phố ở vùng nông thôn Ý. Chắc chắn không phải thành phố du lịch hào nhoáng như Rome hay Milan, mà sẽ yên tĩnh hơn.
Tim: Chắc chắn phải là ở nông thôn đấy!
Minh: Nhưng vẫn phải... đầy đủ tiện nghi đúng không? Mà Tim chưa được đi châu Âu, chứ Minh chắc chắn Tim rất là kiểu Ý luôn đó!
Tim: Xúi đi châu Âu hoài luôn! Còn Minh thì Tim thấy là một người rất hoạt bát, giống San Francisco ở Mỹ- một cái bảo tàng nghệ thuật khổng lồ, nhộn nhịp nhưng vẫn có nhiều góc tĩnh lặng. Minh cũng có một cái màu “Hong Kong”, một nơi có nền văn hóa Đông phương rực rỡ.
Cùng nhau sang Mỹ du học, lúc đó thế nào? Khó khăn nhất là gì?
Minh: Khó khăn nhất là nghèo! (cười lớn). Mang tiếng là du học nhưng rất rất nghèo. Nhiều biến cố quan trọng xảy ra trong cả hai gia đình trong suốt 4 năm của Tim và 5 năm rưỡi của Minh nữa
Tim: Nhưng mình cũng rất nhớ thiên nhiên California. Khu mình sống gần với mọi nơi, nên cứ mỗi lần buồn chán đều lái xe đi, chỉ cần 30 phút là đã có thể chọn ở trên núi hay trước mặt là biển.
Minh: Ừ, mình cũng rất mê thiên nhiên. Ở đâu cũng vậy, mình đều thấy hợp với thiên nhiên, không thích sự ồn ào. Khi về lại Sài Gòn, nếu không đi du lịch thì mình thích ở nhà, tận hưởng sự yên tĩnh.
Thế là Minh và Tim có biết...thiền không?
Minh: Thiền đối với mình là tiếp cận với những năng lượng tích cực và đắm chìm trong cái đẹp. Đi bảo tàng cũng là thiền. Chứ không phải cứ xếp bằng, tụng kinh hay tập yoga mới là thiền.
Tim: (phì cười vì câu của Minh) Tim còn biết Người Nhật có một cách thiền gọi là “shikantaza”, tức là chỉ ngồi và không làm gì hết. Bản thân mình có thể ngồi thẫn thờ như vậy từ sáng đến tối. Với vẽ tranh nữa…
Minh: Đi bộ cũng là thiền nữa nhỉ? Như Minh là cực mê công viên Tao Đàn nè. Hít thở mùi cây thôi là nghĩ ra được đầy thứ mới.
Từ lúc quay lại Việt Nam các bạn đã “khác” như thế nào?
Tim: Có, thay đổi nhiều…
Minh: Mình nghĩ đừng nói từ “thay đổi” được không, chỉ là “cập nhật” thôi. Minh rất không đồng ý với chuyện cứ phải phân biệt cũ- mới. Không có gì cũ hẳn mà cũng chẳng có mà mới tinh. Chỉ là phải hiểu, xem mình hợp với điều gì. Dạo này Minh không thích việc người trẻ thì chê người già. Người lớn thì không hiểu người bé. Sáng tạo bản chất là hợp với không hợp. Mình với Tim rất là cập nhật, giữ gout của bản thân, làm những thứ mình làm tốt nhất. Đây là điều quan trọng nhất của việc làm sáng tạo, không được để mình cũ.
Tim: Ừ đúng! Mỗi ngày chút chút, chứ không phải ngày mai biến ngay thành cái này cái kia. Một hôm mình nhìn lại mình, tự dưng đã thấy mình rất khác với lúc trước.
Minh: Không biết bắt đầu lúc nào đúng không? Ngày xưa mình với Tim ăn mặc khác lắm. Đi đâu cũng giày tây, quần vải, áo vest, không bao giờ mà xỏ vô jeans, áo thun.
Tim: Ừ, lúc nào trông cũng cổ điển, basic, mà không biết từ lúc nào, bọn mình giờ quần Jeans áo thun giày thể thao luôn rồi!
Người trẻ có hay nói rằng họ tìm thấy “điểm cân bằng” hay “điểm trú ẩn” trong những dự án của các bạn không?
Minh: Mình không biết nữa, nhưng mình chia sẻ mong muốn của mình nhé. Đấy là mong những sản phẩm mình làm ra luôn hướng tới tính văn minh. Minh rất ngại nói đến từ “vintage”. Bản chất sáng tạo là dựa trên những giá trị cổ điển mà.
Tim: Mình phải hiểu rằng thời trang hay sáng tạo đều có một vòng lặp. Tụi mình chỉ biến tấu những phong cách theo câu chuyện cá nhân. Giống như các thiết kế của Tim lấy cảm hứng từ Bauhaus từ những năm 50. Và chúng ta đang thấy sự trở lại của phong cách ấy trong thời gian gần đây.
Minh: Hai chữ “văn minh” thì nó chính xác hơn. Văn minh ở đây thể hiện qua việc nghiên cứu kỹ những phong cách đó khởi nguồn từ đâu, vào lúc nào, chất liệu là gì. Từ đó, mình sẽ có được một cái nền tảng cho câu chuyện thương hiệu của bản thân. Có thể là việc mình phát triển câu chuyện trên cái nền cổ điển như vậy tạo ra cảm giác hoài cổ cho mọi người.
Tim: Quả nhiên là thời đại mới cho chúng ta nhiều công cụ để sáng tạo. Tuy nhiên, việc sáng tạo cần phải đi từ một cái nền vững chắc. Có thế thì sản phẩm của mình mới có thể đến được với phần đông công chúng, không thì nó chỉ phù hợp với một thị trường ngách.
Nhiều người bảo sự hỗn loạn của năm 2020 đã cho họ những góc nhìn mới...
Minh: Năm vừa rồi Minh cầm cọ vẽ tranh! Năm 2018, Tim chỉ Minh cách pha màu acrylic và giúp mình phát hiện ra năng khiếu vẽ vời thôi, nhưng từ đợt ở nhà, mình vẽ liên tục.
Tim: Minh vẽ nhiều hơn cả Tim luôn, nhiều tới mức mình thấy mà ham. Tranh của Minh có cách phối màu đặc trưng, treo trong nhà thì rất đẹp.
Minh: Lúc xem phim, nghe nhạc, Minh hay tưởng tượng ra những màu sắc tự pha trộn với nhau. Cái cảm hứng nó mãnh liệt đến mức thôi thúc mình phải thể hiện lên canvas ngay. Từ đó, Minh vẽ nên những bức họa trường phái trừu tượng. Đến lúc có người ngỏ mua tranh của mình thì mình thấy tự tin hơn. Có mấy tấm treo ở tiệm Thinker&Dreamer Coffee luôn. Bật mí là thời gian tới, Minh sẽ làm một dự án nho nhỏ liên quan đến hội họa.
Tim: Còn Tim thì, phần nhờ Minh, mà nghĩ ra ý tưởng mang một vật dụng cổ điển vào thời hiện đại - một cuốn lịch bền vững. Người dùng có thể thay đổi những lớp trong khung hình để kết hợp thành một artwork mới. Chất liệu khung cũng thân thiện với môi trường và giấy không bị rách và cong. Sau một năm họ có thể thay khung lịch hoặc biến thành một khung tranh để bàn. Minh hay nói cuốn lịch ấy rất là “duy mỹ”.
Việc sẽ làm đầu tiên nếu mọi việc trở lại bình thường?
Minh: Là đi du lịch mút chỉ. Một tháng ở châu Âu. Một tháng về Mỹ thăm gia đình. Sẽ dành tất cả 2021 để đi luôn. Người làm sáng tạo không đi không có nhiều cái mới. cảm giác những tác phẩm của mình bị khô đi.
Tim: Không có tính trải nghiệm đúng không?
Minh: Ừ, nên để giúp công việc sáng tạo của mình tốt hơn thì nên đi nhiều.
Tim: Mình thì chắc có đi mà đi kiểu khác. Chắc sau dịch đi Pháp. Nhưng trước mắt Tim đang khởi động một dự án, cũng vẫn là về thiết kế đồ họa. Lần này Tim sẽ cộng tác với nhiều gương mặt ở những lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra thì những cơ sở kinh doanh vẫn cần nhiều sự chăm sóc từ tụi mình, nên chắc hẳn sẽ là một năm bận rộn đấy.
Minh: Tiếp nối dự án: chân dung Em Á, Minh cũng muốn tìm kiếm những ống kính mới cho bản thân. Kết hợp với những thử nghiệm trong hội họa, Minh nghĩ mình sẽ tìm được nhiều góc nhìn mới.
Câu cuối nhé: hai người hợp nhau bao nhiêu?
Minh: Bọn mình thật ra khác nhau lắm. Nhưng có khả năng hiểu được người còn lại nghĩ gì…
Tim: Lớn lên cùng nhau, trưởng thành cùng nhau với những biến cố rất lớn. Qua giai đoạn đấy thì coi như là gia đình của nhau rồi.
Minh: Nhiều khi nhớ giùm nhau những kỷ niệm cũ. Minh có thể đọc lại vanh vách giúp Tim những câu chuyện về gia đình hay bạn bè, mà có khi chính Tim đã quên còn Minh có khi còn chưa gặp. Bọn mình cũng có những giai đoạn không chơi với nhau nhiều vì những mối quan hệ riêng và cuộc sống riêng. Nhưng mỗi khi mình gặp một biến cố gì, thì đều thấy mình quay trở lại chuyện trò với Tim. Từ đợt dịch tới giờ bọn mình gặp nhau nhiều hơn. Cuộc sống của mình có những lúc chỉ gặp đúng 3 người: Tim, người partner của mình và 1 PT (personal trainer).
Tim: Tim thì còn ít bạn hơn. Không có partner cũng không có PT luôn nè! (cười lớn!)
Art Director: Thành Đào
Stylist: Chi Lemon
Trang phục: THE KOOPLES
The Couples là chuỗi nội dung hợp tác sản xuất giữa thương hiệu thời trang đến từ Pháp THE KOOPLES và Vietcetera.
Vốn bắt nguồn từ cảm hứng dành cho những cặp đôi nổi tiếng thế giới sở hữu phong cách Rock’n roll cực kỳ cá tính, THE KOOPLES cũng mong muốn tìm được các cặp đôi thể hiện trọn vẹn tinh thần này tại Việt Nam. Các cặp bài trùng trong làng thời trang và nghệ thuật Việt Nam, họ là ai?