Tại hội thảo "Tương lai của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam”, có một quan sát từ phía chuyên gia khiến chúng tôi vô cùng quan tâm, đó là: "Các bạn trong độ tuổi từ 5 đến 7 tuổi thường khó tiếp nhận giáo dục trực tuyến hơn các bạn đang theo học cấp 2, cấp 3, và đại học."
Vậy, có hay không một giải pháp học trực tuyến thật sự phù hợp cho đối tượng lớp 1 và 2, kể cả sau khi đại dịch đã kết thúc?
Cùng trả lời câu hỏi này với Hệ thống trường Mầm non - Tiểu học ICS (I Can School), một trong những tổ chức giáo dục hiếm hoi thành công trong việc tổ chức dạy học trực tuyến cho đối tượng học sinh Tiểu học.
Rèn luyện tính tự học cho trẻ từ những ngày đầu đến lớp
Ở ICS, ngoài việc học kiến thức, trẻ còn có cơ hội học cách tôn trọng những giá trị riêng biệt, phát triển tiềm năng cá nhân, trang bị những kỹ năng cần thiết nhất để thích ứng với sự thay đổi của tương lai, bằng cách áp dụng Tư duy Kiến tạo.
Có lẽ đó cũng là lý do mà khi chuyển đổi sang mô hình học trực tuyến, các em học sinh tại ICS đã thích nghi rất nhanh và duy trì thái độ học tập nghiêm túc ngay cả khi không đến trường. Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương (Chủ tịch Hội đồng Trường ICS) cho biết: “Việc học trực tuyến đòi hỏi các em học sinh phải được chuẩn bị một nề nếp mới. Đến trường học là một kiểu nề nếp, học trực tuyến lại là một kiểu nề nếp khác.”
Cụ thể, nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh cách để cùng các em xây dựng nề nếp khi học tại nhà, được chia cụ thể ra thành 3 giai đoạn trước, trong và sau giờ lên lớp.
Trước hết là công tác chuẩn bị trước khi học: một không gian yên tĩnh, có bàn ghế đúng tư thế; trang thiết bị học đạt chuẩn để tránh lỗi kỹ thuật; cài đặt và dùng thử phần mềm học trước; ghi nhớ thời khoá biểu học. Trước giờ lên lớp, học sinh cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ sách vở theo quy định.
Trong quá trình học, phụ huynh có thể tham gia học cùng con để hỗ trợ khi cần thiết, giúp các bé thực hiện thao tác trên máy, và đưa ra nhận xét sau tiết học cho giáo viên. Cuối cùng là nhắc nhở các bé hoàn thành bài tập được giao.
“Theo quan sát của chúng tôi, những gia đình nào càng có sự chuẩn bị tốt về mặt nề nếp cho các em thì hiệu quả học trực tuyến càng tăng. Nề nếp ở đây bao gồm một thói quen ngồi vào máy trước giờ bắt đầu, và xem việc học online là một việc làm nghiêm túc, chứ không chỉ là một giải pháp tạm thời.” - bà Uyên Phương nhận xét.
Triển khai giảng dạy trực tuyến: Cần chuẩn bị gì?
Bà Uyên Phương cũng cho biết, có 4 yếu tố chính mang lại hiệu quả cho mô hình học trực tuyến. Đó là: nền tảng công nghệ, phương pháp giảng dạy của giáo viên, sự hợp tác của phụ huynh, và các công tác hỗ trợ vận hành khác.
Để có thể đảm bảo 4 yếu tố kể trên, ICS đã lên kế hoạch chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang học trực tuyến từ rất sớm - trước thềm Tết Nguyên Đán 2021, khi nhận thấy đại dịch quay trở lại và có diễn biến phức tạp. Với sự chuẩn bị đó, ICS đã triển khai một chương trình học trực tuyến bài bản, với sự hỗ trợ từ nền tảng lớp học trực tuyến dành riêng cho giáo dục, ClassIn.
Anh Châu – một phụ huynh có con đang học tại ICS chia sẻ: “Trước Tết, trường đã thông báo nếu có khả năng giãn cách xã hội xảy ra thì sẽ chuyển sang học trực tuyến. Mình cũng hơi ngập ngừng. Nhưng mình rất bất ngờ sau ngày đầu tiên học trực tuyến vì bé rất vui và mong đến ngày mai để được học tiếp.
Mình thấy trường trang bị kỹ thuật và tâm lý cho phụ huynh rất tốt. Trước khi dạy thì cũng họp phụ huynh bằng hệ thống này (ClassIn), để phụ huynh tin tưởng, làm quen dần dần và có thể hỗ trợ các bé khi học thật.”
Đối với giáo viên, ICS đã thực hiện công tác đào tạo để giáo viên có thể tận dụng tối đa các tính năng trên ClassIn để chủ động xây dựng tài liệu giảng dạy mới theo hình thức “game hoá", lồng ghép hình ảnh và các trò chơi để thu hút sự chú ý và tăng tính tương tác cho học sinh.
Bé Trân hiện đang học lớp 3 tại ICS chia sẻ: “Con thích tính năng giơ tay nhất (trên ClassIn). Con ấn vào nút giơ tay trước thì cô sẽ mời con trả lời. Con cũng thích xài bút để viết vì được chọn nhiều màu để viết. Và con còn được chơi game nữa”.
Với sự trợ giúp của ClassIn, giáo viên có thể quan sát sự hiện diện của từng em ngay trong quá trình giảng bài, cùng các em tham gia vào các hoạt động, chỉnh sửa tài liệu trong thời gian thực và khen thưởng để khích lệ tinh thần các em. Hiện tại, gần như 90% các hoạt động diễn ra trong lớp có thể diễn ra tại ClassIn. Vì vậy, trải nghiệm và chất lượng giảng dạy giữa trên lớp và trên ClassIn dường như không có sự khác biệt lớn.
Khi được hỏi về trải nghiệm dạy học của mình trên nền tảng trực tuyến dành riêng cho giáo dục, cô Bùi Thị Tuyết Trinh - Khối trưởng khối 1 tại ICS - cho biết: “Tôi cảm thấy giáo viên được hỗ trợ rất nhiều. Những tương tác hai chiều làm cho việc học online có tính kết nối hơn.”
Sau quá trình đồng hành cùng ICS, anh Nhẫn Đỗ (Giám đốc chiến lược ClassIn) cũng đưa ra kết luận rằng: “Đã đến lúc cần xóa đi tư duy dạy học trực tuyến không tốt bằng dạy học truyền thống, bởi lẽ khi có sự đầu tư nghiêm túc về nền tảng công nghệ, nội dung và phương pháp giảng dạy, các lớp học trực tuyến vẫn tràn đầy năng lượng và duy trì tình yêu với việc học cho các em học sinh.”
Suy cho cùng, việc dạy học trực tuyến áp dụng cho khối lớp 1, 2 là điều hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, phương pháp học này nên được nhìn nhận như là hình thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Bởi theo bà Uyên Phương: “Việc dạy học trực tuyến không phải là việc làm mang tính đối phó, mà là một kỹ năng tự học quan trọng trong tương lai.”
Được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề thiếu tương tác trong môi trường lớp học trực tuyến, ClassIn mang đến tính năng gọi thoại video nhóm cùng với nhiều tính năng tương tác dạy và học phức tạp khác nhằm mang đến trải nghiệm học tập trực tuyến mang tính tương tác cao.
ClassIn được bình chọn là top 50 Edtech toàn cầu năm 2020 bởi GSV, thu hút số vốn đầu từ hơn 300 triệu đô la, có mặt tại hơn 150 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Châu Âu, Canada, được tin dùng bởi hơn 60.000 đơn vị giáo dục cùng với hơn 20 triệu người dùng hằng tháng.