'Thiếu niên và chim diệc': Sống sao trong thế giới hậu giấc mơ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 01, 2024
Điện Ảnh

'Thiếu niên và chim diệc': Sống sao trong thế giới hậu giấc mơ?

Sau những mơ màng, bạn sống như thế nào?
'Thiếu niên và chim diệc': Sống sao trong thế giới hậu giấc mơ?

Nguồn: Ghibli Studio

Bất ngờ lớn tại Quả cầu vàng 2024 gọi tên Thiếu niên và Chim diệc

Trên hành trình đến với khán giả ngoài Nhật bản, Thiếu niên và chim diệc đã gặt hái không ít thành công. Sau khi ra mắt thị trường quốc tế, bộ phim nhanh chóng nhận được một số đề cử, giải thưởng tại các Liên hoan phim, Hội phê bình phim khác nhau. Gần đây nhất, phim tạo ra bất ngờ khi vượt qua Spider-Man: Across the Spider-Verse để thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc tại Quả cầu vàng 2024.

Còn đối với thị trường Việt Nam, có thể xem Thiếu niên và chim diệc là bộ phim đầu tiên của Ghibli được trình chiếu trên màn ảnh rộng. Trước Thiếu niên và chim diệc, mới chỉ có hai bộ phim của Ghibli được trình chiếu ở Việt Nam một cách "chính cống," nhưng đều là trong các sự kiện ngoại giao văn hóa.

Cũng bởi “lần đầu” đặc biệt này, từ khi biết thông tin Thiếu niên và chim diệc sẽ được chiếu ở Việt Nam, các fan nhà Ghibli đã ngay lập tức rục rịch chuẩn bị tinh thần chào đón bộ phim. Nhiều trang, hội nhóm người hâm mộ đã tổ chức off fan nhằm có được buổi xem phim ý nghĩa nhất có thể.

Nhìn chung, sau khi ra rạp, Thiếu niên và chim diệc nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ phía công chúng. Ngay trong hai ngày chiếu các suất đặc biệt (9, 10 tháng 12) chỉ có tại Hà Nội và Sài Gòn, bộ phim đã đạt hạng 4 doanh thu phòng vé. Tính đến hiện tại, bộ phim đã đạt doanh thu hơn 10 tỉ đồng (Theo The Box Office Vietnam).

Không dừng lại ở đó, Thiếu niên và chim diệc còn để lại bao “sang chấn” cho khán giả tới rạp, tiêu tốn không ít giấy mực, công sức gõ phím của cộng đồng review phim bởi sự phức tạp, thân quen mà lạ lẫm do bộ phim mang lại.

05jan2024image20240105152903856png
Nguồn: Studio Ghibli

Đã có nhiều ý kiến phân tích các chi tiết, hình tượng trong phim, hay là cách dàn dựng và ý nghĩa của phim. Bài viết này sẽ chỉ ra yếu tố là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các tình tiết trong tác phẩm, cũng như trong những phim khác của Ghibli: sự mơ màng.

Bởi có lẽ, sau tất cả, điều mà khán giả nắm bắt được chỉ là những vọng âm mơ màng. Vì thế, đừng lo nếu bạn cảm thấy khó hiểu sau khi xem phim, bởi điều đó bắt nguồn từ hiệu ứng mơ màng vốn là đặc trưng của hãng phim Ghibli.

Những ánh nhìn mơ màng về thế giới trong Thiếu niên và Chim diệc

Ta nhận thấy rõ rằng, các nhân vật trong phim đều có cái nhìn đầy mơ màng về thế giới ngoài kia. Tòa tháp nằm kế bên dinh thự chính được giới thiệu là của người ông cố, nơi ông say mê với kho tàng sách của mình.

Dẫu vậy, chưa ai thực sự biết đó là nơi như thế nào. Thậm chí, những người hầu già của gia đình lại nói rằng tòa tháp từ trên trời rơi xuống, sau đó được cải tạo, nhưng do lũ lụt mà lối vào bị bịt kín.

Để rồi, theo chân cậu bé Mahito, người xem mới biết rằng bên trong tòa tháp ẩn chứa biết bao điều linh diệu, nơi sự sống và cái chết nhập nhằng bất phân. Tòa tháp như một hiện hữu có thực nhưng đầy mơ hồ bí ẩn, bất khả tri nhận một cách hoàn toàn.

05jan2024image20240105160726109png
Nguồn: Movie Review

Tòa tháp cũng trở thành địa điểm đầy hấp lực đối với Mahito. Khi đặt chân tới ngôi nhà mới, Mahito bắt đầu gặp những chuyện lạ. Cậu liên tục bị con Diệc xanh làm phiền hết lần này tới lần khác dẫu đã tìm mọi cách đối phó.

Cuộc sống mới của Mahito cũng thật nhiều điều khiến cậu không hiểu. Hòa nhập với bạn bè trong lớp thật khó. Để hiểu mối quan hệ giữa bố và người mẹ mới (vốn là dì của mình) thật khó. Chấp nhận gọi người khác là mẹ trong khi bản thân vẫn lưu luyến bóng hình người xưa cũng thật khó.

Mọi thứ dần trở nên xa rời tầm nhìn của cậu, tan loãng vào một thực tại buồn nơi chiến tranh vẫn âm ỉ cháy. Sau cùng, Mahito phải tìm tới tòa tháp, đối đầu trực tiếp với Diệc xanh để tìm mẹ, giải cứu Natsuko. Ở một nét nghĩa nào đó, Mahito đã thoát li thực tại nhàm chán xung quanh để dấn thân vào những mơ màng mà chính bản thân cậu cũng không biết đó là gì.

05jan2024image20240105161032235png
Nguồn: Studio Ghibli

Không chỉ nhìn thế giới, các nhân vật trong phim còn sống một cuộc sống đầy mơ màng. Họ đều là những con người với ý hướng thoát li thực tại, say mê theo đuổi các hình ảnh xa xôi; luôn nghĩ tới, tưởng tới điều mong muốn.

Dẫu đã ra đi trong trận hỏa hoạn năm nào, bóng hình người mẹ đã hằn sâu vào tâm trí Mahito, khiến cậu mãi đeo một ảo ảnh xa vời. Thỉnh thoảng, mộng cảnh về ngày định mệnh rực cháy ấy vẫn tìm tới Mahito trong những giấc mơ, nhen lên trong cậu mồi lửa được một lần tương phùng với mẹ.

05jan20240e50d77f30f017b38fdfcf16e60feca769boyandheron128jpg
Nguồn: Studio Ghibli

Bên cạnh Mahito, ông cố nội (chủ tháp) cũng là nhân vật đang đau đáu một nỗi niềm về điều mà mình mong muốn. Ông cất công dựng lên tòa tháp đầy linh diệu, kì bí cũng chỉ để tạo ra một thế giới mới tươi đẹp hơn. Có thể nói, đó là “nơi trú ẩn” giúp ông tránh xa những muộn phiền, xấu xa của thế giới ngoài kia.

Nhưng tiếc thay, thời gian nào bỏ qua một ai, người chủ tháp vĩ đại nay đã về già và cần lắm một người kế vị. Ngày qua ngày, ông vừa giữ gìn sự cân bằng của tòa tháp, vừa ngóng chờ người kế vị xuất hiện. Để rồi, Mahito bước tới, ông già đáng kính ấy bèn trao trọn niềm tin, hi vọng lòng tốt và cái nhìn hồn nhiên của cậu sẽ tạo nên một thế giới tuyệt vời hơn.

05jan2024image20240105161432979png
Nguồn: Studio Ghibli

Qua đây, ta lại thấy vai trò của trẻ thơ trong phim Miyazaki - trẻ em vẫn luôn là niềm hi vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Từ đó, ta cũng bắt gặp thứ "mơ màng" lớn nhất, chi phối toàn bộ tác phẩm, đó là câu chuyện phim tương tự một giấc mơ.

Sự mộng mơ đặc trưng của Hayao Miyazaki

Tại nơi ở mới, thỉnh thoảng Mahito lại nằm mơ về người mẹ đã khuất. Những giấc mơ buồn và day dứt. Cũng có đôi lúc, cậu (và cả người xem) không còn biết là đang mơ hay thực. Việc cậu giao đấu với Diệc xanh bằng kiếm gỗ là mơ hay thực? Nếu là mơ, sao thanh kiếm lại vỡ vụn đúng như những gì đã diễn ra?

Có thể nói, hơn nửa bộ phim là hành trình phiêu du vào nội tâm hỗn độn, thế giới mộng tưởng dưới lăng kính trẻ thơ của Mahito. Diệc xanh từ đâu mà có? Tòa tháp với thế giới đầy kì ảo rốt cuộc là như thế nào? Rốt cuộc Natsuko tìm tới tòa tháp trước lúc sinh nở làm gì?... Cứ như vậy, bộ phim ẩn ngầm những chi tiết “hiển nhiên đúng”, không cần lời giải.

05jan2024image20240105161609162jpg
Nguồn: Studio Ghibli

Điều này cũng tương tự những phim trước đó của Miyazaki. Chihiro giải câu đố của Yubaba bằng cách nào? Totoro và những sinh vật kì bí khác từ đâu mà tới? Chẳng ai quan tâm cả!

Quay lại với Thiếu niên và chim diệc, Mahito cứ như vậy bước vào tòa tháp nơi được cho là đầy rẫy nguy hiểm. Cậu sẵn sàng đồng hành với gã Diệc xanh dối trá, đầy toan tính. Cậu không ngại thử thách, kể cả khi đối mặt với lũ vẹt ăn thịt người. Bình tâm và hồn hậu là những gì cậu có.

Giữa bao nhập nhằng bất phân, tranh đấu phân bua, Mahito vẫn cứ tiến về phía trước. Cậu biết rằng khi đi giữa hiện thực huyền ảo, sự thất bại của lí trí là điều không tránh khỏi. Nếu đã vậy, chỉ còn cách hòa mình vào những trải nghiệm kì ảo ấy mà thôi. Phán đoán chỉ làm ta thêm sai lệch, bởi ngay trong hiện thực, đôi lúc ta còn chẳng rõ điều mình đã và đang trải qua là gì.

05jan2024image20240105161844573png
Nguồn: Studio Ghibli

Và, kiến tạo nên một thế giới mộng mơ nhưng lửng lơ dễ vỡ cũng là cách để Miyazaki hoài cựu. Khán giả dễ dàng bắt gặp các hình ảnh, thanh âm quen thuộc của Ghibli khi xem phim. Mặt khác, khi nhìn đủ lâu, ngắm đủ kĩ tác phẩm, ta lại thấy được những tượng trưng, hoài nhớ về một thời quá vãng của ông, của Ghibli.

Sau tất cả, không chỉ các nhân vật, thế giới trong phim đầy những mơ màng, mà khán giả sau khi xem phim cũng mơ màng theo. Để rồi, ở cuối những mơ màng mộng mị, ta bất chợt tỉnh thức và kiếm tìm lời đáp cho câu hỏi “Bạn sống như thế nào?”