Từ nhỏ tôi đã là một fan lớn của các bộ phim hoạt hình Ghibli. Dù đa số là hoạt hình trẻ em, chúng luôn ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa khiến người lớn cũng phải thấm nhuần.
Ngoài nét vẽ và nội dung, phim Ghibli còn thành công nhờ nhạc nền do Joe Hisaishi sáng tác. Tôi bị ấn tượng bởi những bản nhạc lúc êm dịu, lúc lại dồn dập nhưng đều gợi lên những cảm xúc sâu thẳm. Tôi luôn mong ước có dịp được dự một buổi hòa nhạc của ông.
Và đến tháng 2/2020, khi vừa tới Melbourne (Úc) du học, tôi nghe tin Joe Hisaishi sắp tổ chức hòa nhạc Ghibli ở đây. Tôi vui mừng khấp khởi, vậy là ước mơ sắp thành sự thật rồi.
Điều duy nhất khiến tôi đắn đo là giá vé. Hạng vé rẻ nhất cũng đã là 80 AUD, tính theo tỷ giá thời đó là khoảng 1 triệu 3 tiền Việt - một cái giá không hề rẻ với du học sinh.
Tôi suy nghĩ mất khoảng một tuần. Nhưng thời gian tôi đắn đo lại tỉ lệ nghịch với tốc độ cháy vé. Vậy là tôi quyết định mua vé, vì biết đây là cơ hội mà tôi khó lòng có lại lần 2.
Chỗ ngồi tuy xa sân khấu, nhưng nhờ hệ thống màn hình lớn, tôi vẫn nhìn rõ bác Joe và dàn nhạc. Dù đã nghe online những bản nhạc này rất nhiều lần, cảm xúc khi được “mắt thấy tai nghe” bồi hồi đến khó tả.
Trong 2 giờ đồng hồ, bác Joe và dàn nhạc đã đưa tôi đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ thế giới rừng rậm của Totoro, đến thành phố cổ kính nơi cô bé phù thủy Kiki tập sự, đến cảm giác hoài cổ, ma mị khi Chihiro bước vào thế giới linh hồn. Những nỗi lo của một du học sinh mới, của những tin tức về COVID-19 (lúc đó chưa thành đại dịch toàn cầu) dường như đều tan biến, nhường chỗ cho cuộc phiêu lưu trong tâm hồn của tôi.
Đây chính xác là những gì tôi mong đợi ở buổi hòa nhạc của bác Joe. Nhưng bất ngờ lớn nhất lại nằm ở phần encore - nó mang đến một trải nghiệm tôi hoàn toàn không nghĩ đến.
Bản nhạc được ông chọn chơi ở phần này là Requiem (có nghĩa “lễ cầu siêu”) – nhạc phim Công chúa Mononoke. Nếu từng xem phim này, bạn sẽ biết nó mang thông điệp về bảo vệ môi trường, khuyến khích con người sống hòa hợp với thiên nhiên. Bài hát xuất hiện ở đoạn cuối phim, khi khu rừng Tây vực bị tàn phá sau cuộc giao tranh khốc liệt giữa các thần rừng và cư dân Thị trấn Sắt.
Khi bản nhạc vang lên, trên màn hình lớn hiện lên thông điệp: “Tôi rất tiếc về thảm họa cháy rừng vừa qua ở Úc. Thiên nhiên luôn sống và tôi mong những mảng xanh đó sẽ sớm được khôi phục. Tôi cầu nguyện cho mọi người được bình an, hạnh phúc.”
Đến lúc này, tôi và toàn bộ khán giả đều vỡ òa cảm xúc. Thời điểm đó là khoảng hơn một tháng sau thảm họa cháy rừng Úc. Dù đã nghe bản nhạc này nhiều lần, chưa bao giờ tôi thấy nó thức thời đến thế.
Tiếng nhạc buồn nhẹ nhàng, xen lẫn cảnh rừng hoang tàn trong phim và cảnh cháy rừng ở Úc trên màn hình khiến ai nấy đều thổn thức. Chúng tôi dường như đều đang “cầu siêu” cho những cánh rừng, những sinh vật và cả những người lính cứu hỏa đã thiệt mạng trong thảm họa này.
Bản nhạc kết thúc với cảnh mầm cây non nhú lên trong đống hoang tàn - biểu tượng về hy vọng khôi phục lại phần rừng đã cháy. Sau những chuyến phiêu lưu suốt buổi hòa nhạc, bác Joe đã đưa chúng tôi trở về đối diện với đời thực một cách vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc.
Dù đã nghe rất nhiều về bảo vệ môi trường, nhưng đó là cách truyền đạt khiến tôi ấn tượng nhất. Quả thật nếu tôi có cơ hội dự hòa nhạc này một lần nữa, thì cũng khó mà có lại trải nghiệm thức thời như vậy.
1 triệu 3 cho một trải nghiệm hoàn hảo về thính giác và tâm hồn, và thông điệp về bảo vệ môi trường tôi đã thấm nhuần, tôi thấy xứng đáng lắm.