ThinkZone Ventures ra mắt quỹ đầu tư lên đến 60 triệu đô hỗ trợ các startup trong nước | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 04, 2022

ThinkZone Ventures ra mắt quỹ đầu tư lên đến 60 triệu đô hỗ trợ các startup trong nước

ThinkZone, quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Hà Nội, vừa ra mắt ‘ThinkZone Fund II’ với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn như IPA Investment Corporation, Stavian Group, và Phú Thái Holdings.
ThinkZone Ventures ra mắt quỹ đầu tư lên đến 60 triệu đô hỗ trợ các startup trong nước

Đội ngũ lãnh đạo của ThinkZone Ventures | Nguồn: ThinkZone Ventures Việt Nam

ISEV x Vietcetera

Vài năm trở lại đây, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ. Chỉ riêng năm 2021, đã có hơn một tỷ đô la đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương (một số báo cáo còn ước tính con số này lên tới 2,4 tỷ đô la).

Việc các quỹ đầu tư mạo hiểm mạnh tay rót vốn vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở mảng công nghệ, là minh chứng cho sự phát triển vững chắc của tình hình đổi mới và sáng tạo trong nước. Từ đó làm cơ sở để xây dựng một nền kinh tế đa dạng và năng động hơn trong tương lai.

Kể từ khi Đề án 844, hay còn gọi là đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách, được đưa vào hoạt động vào năm 2016, số lượng startup trong nước xuất hiện nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Không những vậy, nhiều công ty đã và đang nhận được số vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư lớn, giúp startup mở rộng quy mô phát triển và mang lại những tác động tích cực đến thị trường. Một trong những ví dụ điển hình nhất là ứng dụng fintech MoMo với mức định giá 2 tỷ đô la vừa mới công bố vào cuối năm 2021.

Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

ThinkZone Fund II: Trợ lực startup ngay trong nước

Dù Việt Nam đã được xem là điểm đến lý tưởng cho đầu tư mạo hiểm trong nửa thập kỷ qua, nhưng phần lớn nguồn vốn này đều là từ các quỹ đầu tư quốc tế. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số ít quỹ đầu tư được thành lập tại Việt Nam và chỉ tập trung đầu tư vào các startup Việt. Số lượng quỹ đầu tư trong nước như thế này đang có dấu hiệu tăng trưởng trong những năm gần đây.

ThinkZone là quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Hà Nội chuyên đầu tư vào các startup công nghệ từ giai đoạn ươm mầm (Pre-Seed) đến vòng Series A. Vào tháng 2 vừa qua, ThinkZone đã công bố thành lập quỹ 'ThinkZone Fund II' có quy mô 60 triệu đô la, hợp tác với Phú Tài Holdings, IPA Investment, Tập đoàn Stavian, và hơn 20 công ty khác.

ThinkZone Fund II là quỹ đầu tư trong nước có quy mô lớn nhất hiện nay, hoạt động với mục tiêu mang lại nguồn lực phát triển cho các startup thuộc đa dạng lĩnh vực từ tài chính, dịch vụ bán lẻ, đến sản xuất, nông nghiệp và F&B.

Thu hút một nguồn lớn vốn đầu tư nước ngoài là dấu hiệu khả quan cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái startup Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có một công ty đầu tư trong nước, cùng quy mô với các quỹ đầu tư nước ngoài, thì sẽ càng tăng thêm nhiều trợ lực cho các startup Việt.

Khác với các quỹ đầu tư nước ngoài, ngoài nguồn lực tài chính, các quỹ đầu tư trong nước còn có thể hỗ trợ startup tiếp cận với thị trường trong nước dễ dàng hơn, được kết nối vào mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời còn học hỏi kinh nghiệm quản lý và kiến thức pháp lý.

Tăng tốc cùng startup

Ngoài ThinkZone Fund II, quỹ cũng vừa công bố khởi động chương trình ThinkZone Accelerator Batch 5.

Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp nhằm nhằm đẩy mạnh quá trình tăng trưởng cho các startup công nghệ đã có sản phẩm trên thị trường, đang trong giai đoạn kiểm chứng sản phẩm trên thị trường, hoặc đang cần mở rộng quy mô. Ngoài các khoản đầu tư trực tiếp từ 50.000 đến 200.000 đô la, startup cũng sẽ nhận được gói hỗ trợ công nghệ, cố vấn và hợp tác, cũng như có được kết nối với mạng lưới rộng lớn các quỹ đầu tư.

Tất cả các startup Việt giai đoạn đầu đều có thể đăng ký tham gia chương trình. Với ThinkZone Accelerator, ThinkZone mong muốn tăng cường thêm động lực phát triển cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Trong số đó, có rất nhiều startup triển vọng chưa sẵn sàng nhận các khoản đầu tư lớn, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ để mở rộng quy mô hoạt động.

Nguồn Gimo
Nguồn: Gimo

Phát triển cộng đồng là xu hướng chính

Một trong số các starup nổi bật được ThinkZone Venture rót vốn đầu tiên chính là Gimo – một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) chuyên cung cấp giải pháp ứng lương và các dịch vụ trả lương cho người lao động chưa có tài khoản ngân hàng.

Mục tiêu giúp người lao động Việt Nam tiếp cận với nền tảng ứng lương tức thì (EWA – earned wage access) của Gimo xuất phát từ góc độ phát triển cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Điều này không chỉ đi đúng với chiến lược tài chính quốc gia của chính phủ, mà còn mở một hướng đi mới cho các startup và nhà đầu tư - phát triển cộng đồng và xã hội.

Tháng trước, Vietcetera có bài viết đề cập đến các startup mang lại giải pháp phát triển cộng đồng và công nghệ xanh có thể sẽ là lĩnh vực đầu tư tiềm năng trong tương lai. Ông Ngô Đình Đạt, Giám đốc điều hành của ITI – quỹ đầu tư khởi nghiệp giai đoạn đầu, cũng thể hiện quan điểm này khi trả lời phỏng vấn với trang Vietnam Investment Review. Ông Đạt nhấn mạnh “các dự án góp phần phát triển cộng đồng và tính bền vững” là “xu hướng khởi nghiệp chính ở Việt Nam” hiện nay.

Chính vì vậy, trong số những startup tiềm năng ở đa dạng lĩnh vực, các startup mang lại giá trị và lợi ích cho cộng đồng sẽ là một trong những ưu tiên đầu tư hàng đầu của ThinkZone II trong vài năm tới.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm