Thời Chúng Tôi: 5 Điều tôi học được từ bóng đá | Vietcetera
Billboard banner

Thời Chúng Tôi: 5 Điều tôi học được từ bóng đá

Dù không xỏ giày ra sân, không biết đọc chiến thuật hay phân tích trận đấu, chúng tôi vẫn học được rất nhiều từ bóng đá.
Thời Chúng Tôi: 5 Điều tôi học được từ bóng đá

Đội tuyển Italy vô địch World Cup 2006 | Nguồn: FIFA

Giống như nhiều đứa trẻ ở thế hệ 8X, khi còn nhỏ chúng tôi không có quá nhiều thứ để chơi vào mùa hè. Vào các năm chẵn, mùa hè sôi động và được mong chờ hơn vì có Euro hoặc World Cup.

Tình yêu bóng đá của tôi được nuôi dưỡng từ giai điệu “Mùa hè Italia” của Gianna Nannini, những đêm thức trắng theo dõi các trận đấu qua chiếc TV 14 inch.

Nhiều bạn nam hay nghĩ rằng con gái chỉ xem bóng đá vì thích các cầu thủ đẹp trai. Điều đó không sai, bàn học của tôi từ lớp 9 dán ảnh Shevchenko và Roberto Baggio thay cho thời khóa biểu.

Nhưng dù không xỏ giày ra sân, không biết đọc chiến thuật hay phân tích trận đấu, chúng tôi vẫn học được rất nhiều từ bóng đá.

Đừng bỏ cuộc khi trận đấu chưa kết thúc

Trong lịch sử môn thể thao vua, có những cuộc lội ngược dòng không tưởng được ví von là “cần phải ghi vào sách giáo khoa bóng đá”.

Vào phút 90 trong trận chung kết Champions League năm 1999, Oliver Kahn và các đồng đội tin rằng Bayern Munich đã vô địch. Cho đến phút 102 trong hiệp phụ trận chung kết Euro 2000, Paolo Maldini vẫn tin rằng anh sắp được nâng cúp.

Nhưng Manchester United ghi liền hai bàn trong 2 phút bù giờ để thắng ngược 2-1. David Trezeguet kết thúc giấc mơ của người Ý bằng bàn thắng vàng ở phút 103.

Những thất bại cay đắng đó cho tôi bài học đầu tiên: Khi vẫn còn cơ hội, hãy chiến đấu đến phút cuối. Từ phía đối diện, nếu tạo ra thành quả, hãy bảo vệ nó đến cùng. Chẳng điều gì ngã ngũ trước khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.

Nếu cách biệt 1 bàn thắng mong manh quá, thì tỷ số 3-0 là đủ yên tâm rồi? Các cổ động viên AC Milan sẽ đau đớn kể cho bạn về cuộc lội ngược dòng 3-3 của Liverpool và mất chiếc cúp Champions League 2005 trên chấm phạt đền.

alt
Cuộc lội ngược dòng của Manchester United trước Bayern Munich năm 1999 | Nguồn: UEFA

Thất bại là cơ hội để làm lại tốt hơn

Năm 2004, Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo thua trong trận chung kết Euro ngay trên sân nhà trước Hy Lạp. Khi đó Ronaldo mới là một tài năng triển vọng, ham hố biểu diễn kỹ thuật cá nhân và rê dắt bóng rườm rà. Anh khóc tức tưởi trên vai thầy Scolari sau thất bại ở tuổi 19.

Năm 2016, Ronaldo chinh chiến nhiều hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn. Thay vì biểu diễn, anh chơi thứ bóng đá hiệu quả, phối hợp và dẫn dắt các đồng đội như một thủ lĩnh đích thực. Dù phải rời sân vì chấn thương, CR7 vẫn tập tễnh cổ vũ đồng đội trên đường pitch cho đến cuối trận.

Năm đó, Bồ Đào Nha vô địch. Đó không chỉ là một chức vô địch Euro, mà còn là chiến thắng sau 12 năm đứng dậy từ thất bại của chính Ronaldo.

Không bao giờ là quá muộn để học hỏi và trưởng thành sau những cú ngã của mình. Kẻ thất bại vẫn sẽ trở thành nhà vô địch một ngày nào đó.

alt
Cristiano Ronaldo sau thất bại năm 2004 | Nguồn: UEFA

Hãy cứ can đảm như những chú lính chì

Năm 1992, đội tuyển Đan Mạch đánh bại Đức 2-0 để lên ngôi vô địch châu Âu. Trên đường đến trận chung kết, họ vượt qua Pháp và Hà Lan - những cái tên sừng sỏ hơn nhiều so với đất nước truyện cổ tích.

Đội hình vô danh của Hy Lạp năm 2004 không có cầu thủ nổi tiếng nào. Họ từ tốn vượt qua Pháp, Cộng hòa Séc và Bồ Đào Nha với chiến thuật phòng ngự chặt chẽ, những trận thắng sát nút 1-0 để lên ngôi vô địch.

Đan Mạch hay Hy Lạp đều là những đội bóng khiêm tốn trên bản đồ bóng đá. Thậm chí Hy Lạp đóng vai kẻ lót đường khi mùa giải khởi tranh. Nhưng dù khác nhau về tiềm lực, ai cũng có cơ hội và quyền mơ mộng như nhau.

Nếu giấc mơ được củng cố bằng niềm tin, quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi như những chú lính chì trong truyện cổ tích, chẳng điều gì là không thể.

alt
Truyện cổ tích của những "chú lính chì" Đan Mạch tại VCK Euro 1992 | Nguồn: FIFA

Không có ngôi sao, chỉ có tập thể

Trong đội bóng hiển nhiên sẽ luôn có một vài cầu thủ con cưng. Barcelona có Messi, Manchester United từng có CR7, Real Madrid những năm 2000 có hẳn một “dải thiên hà”. Nhưng Messi dù giỏi đến mấy cũng không thể vừa bắt gôn, vừa phòng ngự, vừa điều tiết tuyến giữa, vừa tự ghi bàn.

Không có thành công nào chỉ được xây đắp bằng một cá nhân. Tất cả là sự tổng hòa từ cách làm bóng đá của người chủ, chiến thuật của HLV, sự khổ luyện của các cầu thủ và sự cổ vũ của hàng triệu cổ động viên.

Khi đi làm cũng vậy, bạn là một phần của tập thể. Mỗi bộ phận trong một công ty, mỗi thành viên của đội đều đóng góp vào thành tích chung. Không ai là ngôi sao duy nhất, cũng chẳng ai là không thể thay thế.

Nếu bạn vẫn muốn tin rằng một ngôi sao có thể “cân” cả đội bóng? Hãy hỏi Ryan Giggs ở đội tuyển xứ Wales, Andriy Shevchenko ở Ukraine, hay Ibrahimovic của Thụy Điển. Họ đều là những tài năng lớn nhất ở thế hệ mình, nhưng chẳng cánh én nào một mình làm nên cả mùa xuân.

Lòng trung thành là vô giá

Thật khó để so sánh việc đi làm cho công ty với việc thi đấu cho một đội bóng. Nhưng đôi khi cũng có vài điểm tương đồng.

Khi khẳng định được tài năng và có danh tiếng, bạn có quyền đòi hỏi làm ở một nơi “xịn” hơn, lương cao hơn, nhiều cơ hội phát triển hơn. Nhưng vẫn có rất nhiều ngôi sao lớn từ chối vô số lời mời hấp dẫn để gắn bó sự nghiệp hơn 20 năm với một màu áo duy nhất.

Paolo Maldini ở AC Milan, Francesco Totti ở AS Roma hay Paul Scholes ở MU là những người như vậy.

alt
Francessco Totti dành cả sự nghiệp của mình trong màu áo AS Roma | Nguồn: Eurosport

Dù có đầy đủ danh hiệu như Maldini hay khiêm tốn như Totti, họ có một giá trị lớn lao hơn để theo đuổi: tình yêu với đội bóng. Họ chọn chiến đấu cùng đội bóng của mình bất kể đang ở đỉnh cao hay vực sâu. Bất chấp những kỷ lục chuyển nhượng liên tục bị xô đổ, họ là những tượng đài không gì lay chuyển nổi.

Trong một thế giới có rất nhiều thứ mua được bằng tiền, vẫn có những điều không thể mua được dù có rất nhiều tiền.

Đêm nay, Đội tuyển Việt Nam tiếp tục hành trình của mình tại Vòng loại World Cup 2022. Ngày 12/6 tới, VCK Euro bắt đầu khởi tranh.

Chúc bạn một mùa hè ngập tràn cảm xúc, nhưng vẫn tỉnh táo và bình tĩnh. Tỉnh táo để chấm vân tay đúng giờ nếu có lỡ thức trắng đêm xem bóng. Và bình tĩnh nếu chẳng may đội bóng của bạn phải sút luân lưu.