Không chỉ là thức uống, rượu còn là một phần không thể tách rời của văn hoá Việt. Dẫu hiện nay Việt Nam du nhập nhiều loại rượu nổi tiếng trên thế giới, rượu Việt vẫn có chỗ đứng riêng.
Văn hoá Việt trong ly rượu chính là sự kết hợp của công nghệ chưng cất truyền thống với những nguyên liệu địa phương đặc sắc như hoa quả, thảo mộc,....
Vietcetera giới thiệu đến bạn 5 thương hiệu đồ uống Việt Nam mang triết lý thủ công vẹn toàn, từng bước đưa thương hiệu nội địa lên bản đồ thế giới.
Lady Triệu
- Thành lập năm 2020, tên của Lady Triệu được lấy cảm hứng từ nữ anh hùng dân tộc nổi tiếng vào thế kỷ thứ III: Bà Triệu. Bà đại diện cho niềm kiêu hãnh, tinh thần độc lập và những giá trị hiện đại mà Lady Triệu hướng đến.
- Theo International Wine and Spirits Record 2022, Lady Triệu là loại rượu Gin thủ công bán chạy nhất tại Việt Nam. Tất cả đều được chưng cất thủ công 100% từ ngũ cốc và thực vật Việt Nam cùng quả bách xù hảo hạng.
- Lady Triệu được chưng cất theo từng mẻ nhỏ, là kết tinh của chuỗi trải nghiệm về sự đa dạng sinh học tại các vùng đất đã đi qua, từ vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Lạt, Hội An,...
- Mỗi loại Gin của Lady Triệu được đặt tên theo chính những vùng đất này và những nguyên liệu đặc trưng nơi đó - Mekong Delta Dry Gin, Hoi An Spice Road Gin, Dalat Flowerbomb Gin, Sapa Citrus Tea Gin.
- Lady Triệu hợp tác cùng các trang trại độc lập, chợ làng và hợp tác xã để có nguồn cung bền vững.
Sông Cái Distillery
- Sông Cái thành lập năm 2018 bởi bậc thầy chưng cất Daniel Nguyễn, là dòng Gin đầu tiên của Việt Nam.
- Đặc tính của Sông Cái tuân thủ chặt chẽ triết lý ẩm thực Việt Nam, nhấn mạnh sự cân bằng của các thành phần có năng lượng nóng hoặc lạnh. Từ đó cho ra đời một loại Gin có hương vị mạnh mẽ nhưng cân bằng, tinh tế và thư giãn.
- Sông Cái nghĩa là “Sông Mẹ" - nguồn nước chính cho nền nông nghiệp và nâng đỡ đời sống tinh thần cho cộng đồng sống dọc theo dòng sông. Chính vì vậy, sự ra đời của Sông Cái đại diện cho vẻ đẹp và sự hào sảng của người con đất Việt.
- Sau nhiều năm thu lượm và thử nghiệm các giống thảo mộc bản địa, Daniel cùng 70 hộ dân H'mong và Dao Đỏ đã sáng tạo nên 44 công thức sử dụng kỹ thuật chưng cất trực tiếp trên bếp lửa. Sau đó anh đã lựa chọn một công thức được yêu thích nhất để giới thiệu đến mọi người. Đó chính là công thức của Sông Cái Việt Nam Dry Gin - loại Gin đầu tiên của Sông Cái.
- Logo của Sông Cái Distillery sử dụng biểu tượng liềm và dao đi rừng kết hợp cùng hình ảnh các cặp lá cách điệu đại diện cho thảo mộc rừng núi. Nhãn chai được lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống với sự hỗ trợ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên với mong muốn tiếp nối những giá trị và câu chuyện văn hoá. Bảo tồn di sản văn hoá cũng chính là một trong những trụ cột tạo nên giá trị bền vững của Sông Cái.
Saigon Baigur
- Saigon Baigur, ra đời năm 2018, là dòng Dry Gin cao cấp đầu tiên của Sài Gòn. Ngoài hương vị chính chiết xuất từ quả phật thủ, Saigon Baigur còn có các tầng hương khác điều chế từ hoa sen và quế của Sài Gòn cùng các thành phần đặc trưng vùng miền khác.
- Sau hai năm đi đến những vùng xa nhất của Việt Nam kiếm tìm nguyên liệu và thử nghiệm hàng loạt công thức chưng cất truyền thống của Châu Âu, 16 nguyên liệu thảo mộc nổi bật đã được lựa chọn. Đó chính là sự ra đời của Saigon Baigur.
- Cá tính của Saigon Baigur là kết tinh của những cuộc phiêu lưu và thám hiểm xuyên Việt. Vỏ chai được lấy cảm hứng từ một điển tích dân gian của người Việt xưa. Bên ngoài nhìn giống như một quả trứng rồng – đại diện cho sức mạnh và sự thịnh vượng.
- Saigon Baigur chọn thu mua nguyên liệu trực tiếp từ nơi trồng nhằm đảm bảo môi trường trồng trọt và thu hoạch của nguyên liệu.
- Saigon Baigur sở hữu chiếc máy chưng cất rượu Gin chuyên nghiệp đầu tiên ở Sài Gòn. Máy bằng đồng được đóng thủ công tại châu Âu, để đảm bảo tính nhất quán và chính xác trong quá trình chưng cất.
MẦM Distillery
- MẦM Distillery xuất phát là dòng rượu quả trong hệ thống nhà hàng Quán Kiến (Hà Nội). Đến năm 2019, MẦM Distillery mới chính thức bước chân ra thị trường với mong muốn chắt lọc tinh túy mỗi loại quả của từng vùng miền trong một chai rượu.
- Mầm là sự sống đầu tiên của một hạt giống. Cái tên “Mầm" mang ý nghĩa sự hy vọng cho một khởi đầu xanh.
- Rượu MẦM là sự kết hợp nhuần nhuyễn kinh nghiệm của nghệ nhân và công nghệ hiện đại - 100% rượu gạo nền cùng một phần dịch quả được lên men tự nhiên.
- Hiện MẦM đang có 15 loại rượu đại diện cho nguyên liệu đặc trưng của từng vùng miền: phúc bồn tử Đà Lạt, quất hồng bì Hà Nội, chanh giấy miền Tây,... MẦM ưu tiên chọn những khu vườn có nguồn cung ứng sạch và đạt chất lượng cao.
- Rượu của MẦM khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị quả đậm chất cùng độ nồng, đắng dịu nhẹ. Chính bởi ưu điểm này, MẦM phù hợp với cả những người không quen uống rượu.
Sơn Tinh
- Câu chuyện về Rượu Sơn Tinh bắt đầu khi người sáng lập Thụy Sĩ Markus Madeja thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam. Sơn Tinh là loại rượu gạo thủ công duy nhất của Việt Nam được trao giải quốc tế.
- Rượu Sơn Tinh được chọn lọc, tiếp thu từ công nghệ nấu rượu Việt truyền thống, kết hợp với việc sử dụng tháp chưng cất bằng đồng nhập khẩu từ Đức. Quá trình hoàn thiện sản phẩm có thể mất đến vài tháng.
- Cái tên “Sơn Tinh" là tinh thần của núi, tượng trưng cho những nỗ lực và cam kết vươn tới đỉnh cao, đồng thời hướng đến sự cân bằng.
- Rượu Sơn Tinh chỉ được sản xuất theo từng mẻ nhỏ để đảm bảo chất lượng. Quá trình lên men và chưng cất của mỗi chai rượu phức tạp đến nỗi gần như không thể tự động hóa quá trình sản xuất.
- Mỗi hương vị rượu Sơn Tinh đều mang một cái tên mỹ miều với một câu chuyện ẩn sau đó. “Mỹ Tửu" (rượu của nhan sắc) có công thức chứa nguyên liệu thảo mộc có tác dụng sáng da, đen tóc. “Minh Mạng" được lấy cảm hứng từ vị vua Minh Mạng. “Nhất Dạ" (một đêm) gợi ý thời điểm thích hợp nhất để thưởng rượu là khi hoàng hôn buông xuống.
Cảm ơn Dentsu Redder đã đồng hành cùng chương trình, cùng góp sức thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Việt.