4 Hiểu lầm thường thấy về thực phẩm chức năng | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
03 Thg 04, 2021
Chất Lượng Sống

4 Hiểu lầm thường thấy về thực phẩm chức năng

Trong “ma trận” TPCN, làm thế nào để chọn đúng loại, đúng lượng và đúng chức năng? Đâu là một số hiểu nhầm thường gặp của người mới “nhập môn”?

4 Hiểu lầm thường thấy về thực phẩm chức năng

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đã phát triển với tốc độ chóng mặt cùng với sự gia tăng về những mối lo sức khỏe.

Theo Luật an toàn thực phẩm do Quốc hội thông qua năm 2010, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Thực phẩm bổ sung
  • Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
  • Thực phẩm dinh dưỡng y học (những thực phẩm được đề cập trong bài sẽ không bao gồm nhóm này)

Vậy thì giữa “ma trận” TPCN, làm thế nào để chọn đúng loại, đúng lượng và đúng chức năng? Sau đây là một số hiểu nhầm thường gặp của người mới “nhập môn”.

1. Uống TPCN rồi thì không phải ăn

Để bổ sung một dưỡng chất nhất định, chúng ta cần phải ăn kha khá các loại thực phẩm chứa chất đó. Lúc này việc thay thế bằng 1-2 viên TPCN mỗi ngày trở nên tiện lợi hơn, bởi nó vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và đôi khi là cả tiền bạc. Ví dụ:

  • Một viên TPCN có thể chứa 500mg vitamin C, tương đương với 5 quả cam.
  • 100g bột whey chứa 80g protein, trong khi 100g ức gà chứa 31g protein.
  • 100g cá hồi chứa 2,3g omega-3, trong khi 2 viên dầu cá có thể chứa tới 1,5g omega-3.

Đây có lẽ là lựa chọn tốt cho những người có lối sống hay di chuyển, thường xuyên phải ăn ngoài và khó tự chuẩn bị bữa ăn cho mình. Nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể bỏ hoàn toàn nhóm thức ăn đó ra khỏi bữa ăn.

thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng bổ sung, không phải thay thế.

Bởi TPCN chỉ có thể chứa một vài chất dinh dưỡng chính mà thôi, còn thực phẩm tươi thì có cả hệ vi sinh, vi lượng và chất xơ,... giúp tăng khả năng hấp thụ những chất dinh dưỡng chính. Mỗi chất hoạt động như một tấm ván đóng thùng và chỉ cần 1 miếng ván bị hụt thôi thì nước sẽ chảy tràn qua khe hở.

Vì vậy dù cho có quyết định dùng TPCN rồi, bạn vẫn nên cố gắng đa dạng hóa và giữ các nhóm thực phẩm đầy đủ chứ đừng bỏ đi hoàn toàn.

2. TPCN chỉ là “cú lừa”, uống hay không cũng chẳng khác biệt

  • Làm sao biết được trong đó người ta bỏ cái gì?
  • Uống cũng có thấy thay đổi gì đáng kể đâu?
  • Cũng chỉ là mấy chất có trong thức ăn, thế sao không ăn cho rồi?

TPCN tuy không phải là thuốc, nhưng trong một số trường hợp khi cơ thể bị thiếu hụt một chất nào đó thì chúng có thể tạo ra nhiều thay đổi tích cực.

  • Với người trên 50 tuổi, cơ thể bắt đầu gặp khó khăn trong việc hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng như vitamin D hay B12. Vì vậy sau khi qua tuổi trung niên, nên cân nhắc việc xét nghiệm để bổ sung kịp thời.
  • Người có bệnh về đường tiêu hoá, gan mật ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất.

Đôi khi, TPCN còn được dùng để ngăn ngừa tình trạng thiếu chất, chẳng hạn như:

3. Vậy thì uống TPCN thoải mái, không bổ ngang cũng bổ dọc

TPCN mặc dù được chiết xuất từ tự nhiên và thường không có tác dụng hóa dược gì đặc biệt, nhưng lại có độ đậm đặc cao hơn khá nhiều so với thực phẩm bình thường. Và chất dinh dưỡng nếu ở nồng độ quá cao thì vẫn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có hại cho cơ thể. Ví dụ:

  • Người lớn hơn 50 tuổi có thể tăng nguy cơ bệnh lý về dạ dày, ruột, ảnh hưởng gan nếu uống quá nhiều sắt mỗi ngày.
  • Quá nhiều Calci có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận.
  • Quá nhiều vitamin D có thể làm vôi hóa các mô cơ.

Nếu nguy hại như vậy, thì làm sao để biết được là chúng ta nên/có thể bổ sung chất gì? Khi cơ thể bị thiếu hụt một số chất hoặc nguyên tố vi lượng, thường chúng ta sẽ bắt đầu thấy một số biểu hiện như là:

  • Rụng tóc nhiều/tóc yếu
  • Cảm giác đau nhức xương khớp
  • Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng thường xuyên
  • Cảm giác hồi hộp, tim đập không đều
  • Giảm thị lực, mờ mắt
  • Những vết thương/vết trầy xước chậm hồi phục

Nếu có những biểu hiện tương tự như trên, hãy đến bệnh viện khám và nhờ tư vấn của bác sĩ. Khi có kết quả rõ ràng, việc quyết định sử dụng chất gì, liều lượng bao nhiêu cũng sẽ chắc chắn và hiệu quả hơn.

thực phẩm chức năng
Khi biết rõ vấn đề của cơ thể, việc quyết định sử dụng chất gì, liều lượng bao nhiêu cũng sẽ chắc chắn và hiệu quả hơn.

Không phải bất cứ loại TPCN nào cũng phải trải qua những bước này. Đối với những chất đã được nghiên cứu, quan sát và tổng hợp ra các điều kiện mà chắc chắn cơ thể bị thiếu hụt, thì bạn có thể sử dụng theo hướng dẫn đã công bố. Ví dụ như vitamin A ở trẻ em, acid folic và sắt ở phụ nữ mang thai,...

4. Nên chọn loại TPCN tổng hợp nhiều chất để có nhiều tác dụng

Có những loại TPCN được quảng cáo là chứa rất nhiều chất. Tuy nhiên, trong số đó có những chất với liều lượng thấp đến mức không có tác dụng. Để tránh điều này, bạn có thể so sánh lượng chất trong viên nén với lượng dùng khuyến cáo hàng ngày cho người Việt Nam (RNI - Recommended Nutrition Intakes) do Bộ Y tế công bố. Công thức là:

Lượng chứa trong 1 liều dùng (mg/viên) x liều dùng hằng ngày (viên hoặc muỗng/ ngày)

Nếu kết quả quá nhỏ so với lượng dùng khuyến cáo hằng ngày, thì có thể bạn đang phí tiền và nên cân nhắc thay thế bằng thức ăn tươi.

Trước khi quyết định sử dụng một loại TPCN nào đó, chúng ta nên xác định rõ là muốn bổ sung thêm những chất gì, trong bao lâu, liều lượng như thế nào. Điều này sẽ tránh việc bổ sung quá liều, hoặc tốn tiền vào những chất không mang nhiều giá trị.

Kết

Sử dụng TPCN một cách hiệu quả là điều không hề dễ dàng. Để đơn giản hơn, bạn nên bắt đầu thay đổi từ chính bữa ăn hằng ngày. Không nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn, chỉ cần xem thử bữa ăn đã cân bằng dinh dưỡng và có đầy đủ các nhóm thực phẩm quan trọng chưa. TPCN là nguồn hỗ trợ đắc lực chỉ khi chúng ta biết rõ là mình cần bổ sung chất gì mà thôi.