Tia Sáng Cuối Cùng: Cải lương “ôm vibe” Rap/Hiphop | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tia Sáng Cuối Cùng: Cải lương “ôm vibe” Rap/Hiphop

“Đời là cô đơn/ Một mình không hơn” nên các nghệ sĩ cùng nhau ôm vibe bá cổ để tạo ra nghệ thuật tử tế và sáng tạo.
Tia Sáng Cuối Cùng: Cải lương “ôm vibe” Rap/Hiphop

Các nghệ sĩ thực hiện dự án Tia Sáng Cuối Cùng.

Tập hợp những nghệ sĩ hàng đầu, Tia Sáng Cuối Cùng - The Last Light là “bữa tiệc" của những thanh âm, hình ảnh và là sự trân trọng nghệ thuật. Ở đó, những nhịp beat Hiphop và lời rap của Wowy kết hợp với những nốt nhạc cổ, đầy mãnh liệt của NSND Bạch Tuyết. Và dẫu rap kết hợp với âm nhạc dân tộc (bao gồm cả Cải lương) không hề mới, nhưng Tia Sáng Cuối Cùng vẫn cho thấy sự sáng tạo và giàu thể nghiệm nhất.

Trong khi phần âm nhạc có thể làm choáng ngợp đôi tai người nghe, thì sản phẩm hình ảnh (MV) lại “bồi" thêm những luồng cảm xúc dồi dào khác. Mang đến không chỉ 1 mà đến 5 triết lý, MV Tia sáng cuối cùng thể hiện trọn vẹn và độc đáo về ý tưởng; chuyên chở nội dung bài hát cùng những hình ảnh đầy chiêm nghiệm.

Vietcetera may mắn có cơ hội trò chuyện với ekip thực hiện Tia Sáng Cuối Cùng gồm NSND Bạch Tuyết, rapper Wowy, NSND Thanh Hải, nhạc sĩ Phạm Hải Âu, đạo diễn La Zung, Đạo diễn nghệ thuật Kim Trần và hoạ sĩ Tèo Phạm để hiểu hơn về ý tưởng và quá trình sáng tạo đằng sau sản phẩm này.

NSND Bạch Tuyết

alt
NSND Bạch Tuyết.

Nhiều bạn trẻ tò mò “Xự, Cống, Xê, Xàng” trong lời bài hát nghĩa là…

...Sau khi sản phẩm ra mắt, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi giống như thế từ truyền thông lẫn bình luận của khán giả. Điều này khiến tôi cảm thấy rất vui. Nó chứng tỏ sản phẩm lần này đã làm được một nhiệm vụ quan trọng chính là khiến khán giả, nhất là các bạn trẻ tò mò về Cải lương.

Như tôi đã chia sẻ khá nhiều lần, người trẻ ngày nay rất giỏi. Họ sẽ tự tìm học cái mà họ muốn biết. Lúc đó, việc học mới thực sự hiệu quả lâu dài. Lần này, Tia Sáng Cuối Cùng đã giúp khơi dậy sự thắc mắc, tò mò, muốn biết và muốn tìm hiểu những điều này là gì?

Tôi tin đây là một bước quan trọng để các bạn có thể lấy cảm hứng và tạo nên nhiều điều hay và tử tế trong tương lai. Hò, Xự, Xang, Xê, Xống chính là những nốt nhạc cổ của người Việt Nam mình, còn gọi là “ngũ cung”, cũng như những nốt nhạc của phương tây Do, Re, Mi, Fa, Sol vậy.

Điều NSND Bạch Tuyết muốn truyền đạt trong sản phẩm này là…

…Tôi là một người luôn thích cái mới. Ở độ tuổi U80, tôi vẫn còn tiếp tục học mỗi ngày để luôn làm mới mình. Với tôi, nghệ thuật đôi khi không cần phải giải thích mà chỉ cần cảm nhận. Khi bắt tay vào thực hiện một dự án, điều quan trọng là chúng ta khởi đầu với sự tử tế, đàng hoàng.

Sản phẩm lần này là một sự thể nghiệm mới mẻ với một bạn trẻ vô cùng thú vị và rất tử tế như Wowy. Tia sáng cuối cùng là tia sáng của thiên lương, giác ngộ, giải thoát, tự tin, tự độ. Mọi người sẽ cảm nhận ý nghĩa bài hát khác nhau tương ứng với những gì họ đã và đang trải qua trong cuộc đời.

Và dự án này là sự “thích nghi” của Cải lương trong bối cảnh văn hoá và thưởng thức nghệ thuật hiện nay…

…và thật vui vì đã có rất nhiều bạn cảm nhận được những gì mà chúng tôi đang muốn truyền tải. Điều này cho thấy sản phẩm đã tìm thấy được điểm chung, thích nghi được góc nhìn và quan điểm của nhiều khán giả hiện tại.

Dĩ nhiên, cái gì mới thì sẽ cần nhiều thời gian để mọi người có thể làm quen, và vượt qua được những kiểu suy nghĩ cũ. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng chúng ta vẫn cần một cánh én báo tin, đúng không nào?

Và vì nghệ thuật cần nhiều hơn một nghệ sĩ để mang đến những sản phẩm giàu ý nghĩa cho khán giả…

Như đã nói ở trên, chúng tôi bắt đầu mọi thứ bằng sự tử tế và trân trọng dành cho nhau. Chính vì vậy, dự án đã được phát triển trên nền tảng của sự tự tế và tình yêu nghệ thuật, yêu con người.

Tôi không bao giờ để cụm từ “cây đa cây đề” ngăn cản mình thể nghiệm những điều mới mẻ, và với các bạn trẻ tài năng ngày nay. Rất cảm ơn Wowy và sự tự tế của bạn dành cho dự án lần này.

Rapper Wowy

alt
Rapper Wowy.

Anh đã viết lời rap cho Ánh Sáng Cuối Cùng bằng cách…

…Nghĩ đến cô Bạch Tuyết và cuộc đời của cô. Nghĩ đến hành trình mà cô đã trải qua biết bao nhiêu thế hệ, hiện tại và những điều sẽ bắt đầu. Wowy cảm thấy mình rất vinh hạnh khi có cơ hội giao thoa nghệ thuật cùng NSND - Tiến sĩ cải lương chi bảo Bạch Tuyết.

Chính vì thế, Wowy muốn gửi gắm một điều gì đó thật sự chân thành đến cô khi có cơ hội gặp gỡ trong thời đại này.

Điều anh thấy hứng thú nhất ở toàn bộ dự án này là…

…sự nhiệt huyết của mọi người khi thực hiện một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo và cống hiến. Tuyệt đẹp.

Rap là thể loại âm nhạc rất thành thực và vô hạn; khi kết hợp với Cải lương lại tạo ra một tác động, hiệu ứng rất khác và…

…Thật sự, Wowy không gặp nhiều khó khăn vì mỗi người trong dự án nghệ thuật này đều đã làm rất tốt trong chính chuyên môn của mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi có thể làm việc với các chuyên gia trong chính lĩnh vực của họ.

Anh nghĩ rằng, rap có thể kết hợp với cải lương (thậm chí là các hình thức diễn xướng văn hóa khác) để tạo ra một thể loại nghệ thuật độc đáo và ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và tương lai…

…Luôn luôn là có thể. Luôn luôn là có thể.

NSND Thanh Hải - Cố vấn âm nhạc

Nói hai thể loại âm nhạc trong Tia Sáng Cuối Cùng không liên quan đến nhau là…

…vội vàng và chủ quan; thậm chí là bảo thủ. Âm nhạc thế giới và Việt Nam đều thụ hưởng sáng tạo âm nhạc với 7 nốt nhạc; về âm nhạc Cải lương của nước mình sáng tạo dựa trên thang âm ngũ cung “Hò Xự Xang Xê Cống.”

Vào giữa khoảng những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước, NSND Bảy Bá, tức là soạn giả Viễn Châu đã có một đột phá sáng tạo rất giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Ông đã đưa tân nhạc (Bolero) của phương Tây kết hợp với bản vọng cổ thành công và có giá trị đến ngày hôm nay.

Văn hoá phi vật thể trong cuộc sống 4.0 ngày nay rất đa dạng. Sẽ rất vội vàng khi kết luận các thể loại âm nhạc là không tương đồng với nhau. Sản phẩm Tia Sáng Cuối Cùng, theo tôi cũng không ngoại lệ.

NSND Thanh Hải đã mang kinh nghiệm của mình vào sản phẩm âm nhạc này bằng…

…50 năm kinh nghiệm cầm đàn guitar, đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm; và tôi cũng viết nhạc nền cho nhiều bản Cải lương với đàn Keyboard, Organ. Tôi nghĩ chúng ta đã chưa hoặc không làm để kéo gần sự tương đồng giữa các thể loại âm nhạc với nhau.

Đương nhiên những điều mới mẻ có thể khiến khán, thính giả khó chấp nhận và thưởng thức. Tôi nghĩ Tia Sáng Cuối Cùng là sản phẩm nhạc cần thiết vào thời điểm hiện tại. Các khán giả trẻ sẽ biết ngôn ngữ của nhạc rap, hay hiphop có tương đồng với nhiều thể loại âm nhạc khác của Việt Nam.

Và nếu làm việc tử tế, chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm giá trị về mặt sáng tạo, vừa mang sản phẩm có giá trị đến khán, thính giả.

Phạm Hải Âu - Nhà sản xuất âm nhạc

alt
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu

Nếu phải đưa ra tiêu chí thể loại cho bài hát Tia sáng cuối cùng, anh sẽ gọi sản phẩm này là…

…Tôi sẽ gọi là Vietnamese Art Rap.

Với anh, làm việc với NSND Bạch Tuyết và Wowy trong sản phẩm này đặc biệt bởi…

…Tôi cảm thấy biết ơn tình cảm của mọi người dành cho tôi. Tôi được tự do sáng tạo và tự do phá bỏ những sáng tạo đấy để đi đến những sáng tạo khác. Để cuối cùng cho ra được một tác phẩm, một bản nhạc đặc biệt, kỳ lạ dành cho “gai ốc” của mọi người.

Thử thách của anh khi đảm nhận sản xuất dự án là…

… Việc kết hợp giữa 2 dòng nhạc khác hẳn nhau để ra một tác phẩm chung luôn mang lại sự thú vị và phấn khích đối với bản thân những người làm nghệ thuật cũng như từ phía khán giả - những người đón nhận tác phẩm.

Ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như hội hoạ, kiến trúc, nhiếp ảnh... có lẽ chúng ta cũng đã từng bắt gặp sự kết hợp kiểu “East meets West” (Đông - Tây kết hợp, pv) này. Thử thách ở đây là làm sao cho mọi thứ hoà hợp và tôn giá trị riêng của nhau lên, một cách tinh tế, trông đơn giản nhưng phức tạp.

Một thử thách nữa của tôi là chọn phong cách làm việc đối với 2 cá tính âm nhạc quá riêng biệt lần này, một là NSND Bạch Tuyết, một "Cải lương chi bảo" của Việt Nam và một là Wowy, rapper nổi tiếng với sự góc cạnh và lớn lên từ đường phố.

Tôi muốn làm việc một cách minimalism, không rối rắm trong việc đưa ra ý tưởng và nói thẳng những gì mình mong muốn trong bản phối. Bản phối lần này của tôi chỉ dùng đúng 4 nốt nhạc Mi, Si, La, Sol cho tất cả phần bass, phần hoà âm, phần giai điệu của bài hát.

Phần ca từ có Xự, Cống, Xê, Xàng trong âm giai ngũ cung của Việt Nam tương ứng với 4 nốt Mi, Si, La, Sol của phương Tây. Việc cô Bạch Tuyết hát lên những nốt nhạc này tạo cảm giác 2 phong cách âm nhạc Đông - Tây đang giao thoa với nhau, đơn giản và sơ khởi.

Trong bản phối này tôi cũng không dùng nhạc cụ truyền thống dân tộc nào của Việt Nam. Dù ban đầu tôi có ý định sẽ dùng tiếng đàn guitar phím lõm, một nhạc cụ biểu tượng của Cải lương nhưng sau tôi và NSND Thanh Hải cùng quyết định là không dùng.

Và thực sự điều đó cũng góp phần làm nên sự đặc biệt của bản phối này, không cần phải nhồi nhét quá nhiều thứ, chỉ cần giọng ca của cô Bạch Tuyết là đủ để truyền tải âm nhạc Cải lương đến người nghe.

Và anh hào hứng khi thực hiện dự án này còn là bởi…

…Mỗi một session thu âm là một lần tôi hào hứng và ý tưởng cứ thế được sinh ra. Tôi ngâm bản phối và bản thu này khá lâu, lâu đến mức ekip cũng khá mất kiên nhẫn với tôi. Nhưng sau cùng những lời khen của ekip với bản ghi mà tôi thực hiện này đã cho tôi biết là mình đã làm đúng và tôi cảm thấy vui vì đã cho ekip chờ đợi một điều xứng đáng.

Có hai khoảnh khắc, một là lần đầu nghe cô Bạch Tuyết hát "Xự Cống Xê Xàng", hai là lúc bạn Thế Huy hát Opera theo chính giai điệu đó với một âm khác và tạo ra một sự hoà hợp đến kinh ngạc. Sau hai khoảnh khắc ấy tôi đã biết tác phẩm này đã hoàn thiện. Khoảnh khắc Đông phương huyền bí và Tây phương đã thật sự gặp nhau.

La Zung - Đạo diễn MV

alt
Đạo diễn La Zung (thứ 2 từ phải sang)

Ý tưởng thực hiện MV Tia Sáng Cuối Cùng đến từ…

…Mình gặp vấn đề khá lớn trong việc tìm kiếm ý tưởng, vì chủ đề lần này cô Bạch Tuyết và Wowy làm cho bài hát là “trợ tử” và “triết lý nhân sinh”. Cả 2 chủ đề này với mình đều là những thứ chưa bao giờ nghĩ tới hoặc nằm trong sự hiểu biết của mình.

Hơn nữa, mình lại không cảm được bài nhạc trong những lần nghe đầu tiên, do không phải gu nhạc mình thường nghe nên với mình khá là khó nghe. Sau đó mình thấy chủ đề “luân hồi”, cũng là thứ vô tình gần đây mình quan tâm, lại thỏa mãn được cả 2 đề bài trên của cô Bạch Tuyết và Wowy.

Ý tưởng MV cứ thế tuôn ra và…

…Đồng thời mình tìm ra 1 điều thú vị về nước trong nghiên cứu của nhà nghiên cứu nước người Nhật - Masaru Emoto (ông đã có rất nhiều sách xuất bản về thông điệp của nước, sức mạnh của nước). Trong 1 nghiên cứu, ông bỏ gạo vào 3 ly nước và để riêng biệt rồi nói chuyện hàng ngày với chúng, sau vài tháng, kết quả nhận được vô cùng kinh ngạc.

Với ly số 1, hàng ngày nói lời yêu thương thì sau 1 thời gian gạo nảy mầm; ly số 2 nói những lời xấu xí, lăng mạ thì nó chuyển màu đen; ly số 3 bỏ mặc nó đó thì nó chỉ mọc rêu. Từ thí nghiệm này có 1 tác động không nhỏ tới nền giáo dục.

Cách tốt nhất để trẻ trưởng thành khỏe mạnh là phải nói những lời yêu thương với trẻ, tệ hơn là nếu ta nói những lời lẽ xấu xí với trẻ thì trẻ cũng sẽ đen xì xấu xí theo, nhưng tệ nhất là khi ta bỏ mặc trẻ, thì trẻ sẽ dễ mắc những căn bệnh tâm lý như trầm cảm, tự kỷ… và không cảm nhận được sự sống.

Và còn gì nữa…

…Tình cờ thay mình cũng tìm thấy triết lý “mỗi con người phát triển từ một đứa trẻ phụ thuộc vào một hệ thống cấu trúc, ký ức, kinh nghiệm và các mối quan hệ phức tạp” trong Mạn Đà La của Tây Tạng.

Ở 1 khía cạnh khác, mình thấy bài nhạc được kết hợp giữa âm nhạc ngũ cung của phương Đông và thất cung của phương Tây, mặc dù nghe riêng rất khác nhưng hóa ra lại share chung 5 scale trong số 7 scale của phương Tây. Về cơ bản chúng nói cùng 1 ngôn ngữ.

Nhìn kỹ thì các scale nhạc đều đánh ký tự la mã i ii iii iv v vi vii, và với mình thì ký tự la mã luôn ẩn chứa những điều ký bí từ thời Trung Cổ giống như 1 mật ngữ. “Xừ Cống Xê Xang Xang Xế Xừ Cống Xê Xang” trong Cải lương chính là “Mì Sí La Sol Sol La Mì Sí La Sol” của âm nhạc đại chúng. Trong cách mà cô Bạch Tuyết hát câu Cải Lương này mình cũng có cảm giác như cô đang đọc 1 câu mật ngữ vậy.

Từ “Cải” trong Cải lương nghĩa là “cải cách”, từ progressive trong dòng progressive rap mà Wowy đang theo đuổi nghĩa là “cấp tiến”, vì vậy mình chọn cách thể hiện là múa và trình diễn diễn đương đại với cách kể chuyện là dòng phim thể nghiệm. 4 từ này share chung 1 tinh thần “luôn luôn đổi mới và phá cách”

Với 5 treatment như trên về Triết lý Luân Hồi, Triết lý giáo dục trẻ qua nghiên cứu về nước, biểu tượng Mạn Đà La, Mật ngữ trong âm nhạc thất cung và thể hiện với ngôn ngữ thể nghiệm đương đại; chính là 5 concept tiền đề cho MV mà các bạn đã thấy sản phẩm cuối cùng.

Từ ý tưởng đến thực hiện sản phẩm hình ảnh là…

… Sự cổ điển thì bọn mình đặt để trong cách tạo hình nhân vật, bối cảnh. Từ phục trang tới set design, đều mang lại cảm giác thời kỳ văn minh Trung Cổ.

Sự hiện đại thì được bọn mình kết hợp cùng anh Tùng Monkey với công nghệ 3D Depth Volumetric Visual, máy chiếu công suất lớn và công nghệ AI để tạo ra hình ảnh con người dưới dạng các dòng năng lượng nhiều màu sắc.

Sản phẩm sáng tạo lần này có ý nghĩ với anh bởi…

…nó vô cùng đặc biệt, siêu đặc biệt là khác, thử thách nhất ở chỗ là mình được làm với toàn những người có triết lý sống cao siêu, mà mình chưa bao giờ nghĩ tới, nên về cơ bản giống như mình nhảy vào 1 cái game mà không biết luật chơi vậy, mình phải học luật chơi rồi lại phải tìm ra cách chơi riêng của mình.

Nhưng đó cũng là điều khiến mình hào hứng nhất, mình thích những thứ không an toàn, đã thế còn học được rất nhiều từ những bậc tiền bối về triết lý sống như cô Bạch Tuyết và anh Hùng Võ.

Và những hào hứng với anh khi thực hiện dự án là…

…Ngoài sự khó khăn cũng như hào hứng đã nói ở trên, thì điều khiến mình thích thú không kém, chính là được làm việc với gần 30 các bạn diễn viên, dancer với background hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai, và mình rất thích đi tập cùng các bạn, dần tìm ra điểm mạnh của từng người và phát huy được năng lượng của cả 1 tập thể.

Kim Trần - Giám đốc nghệ thuật MV

Ý tưởng nghệ thuật để thực hiện MV Tia Sáng Cuối Cùng đến với chị theo kiểu…

…không khó như lời đồn. Bọn mình đã bắt đầu bằng việc research tử tế (trong khoảng thời gian giới hạn), luôn đặt cho nhau thật nhiều câu hỏi, thật nhiều đối thoại. Với dào dạt thông tin, thì ý tưởng sẽ đến dạt dào thôi. Cũng may là La Zung nghiên cứu kỹ, nên hỏi gì cũng nói (nhiều).

Thực ra điều gây khó khăn nhất cho bọn mình, đó là có quá nhiều ý tưởng và tham vọng. Đề bài đưa ra quá hay và có nhiều đất để bọn mình thể hiện.

Mỗi lần gặp nhau, La Zung lại có thêm ý tưởng mới. Trong đầu mình mỗi giây lại nhảy ra một vài set design mới; hoặc thêm chi tiết này chi tiết kia cho những set đang có; ý tưởng cho phục trang, thêm nghệ sĩ, thêm visual tools…

Tia Sáng Cuối Cùng từ cô Bạch Tuyết và Wowy vốn dĩ đã mang hơi thở mới cũ hòa ca...

...nên khi mình tiếp cận dự án này cũng được truyền cảm hứng từ tinh thần đó. Cải lương được cho là vàng son đã vãn, không dám nhận là đã thổi cho nó một linh hồn mới, nhưng mình và La Dung đã cố thể hiện tốt bằng những thủ pháp trong thời đại của bọn mình, với tất cả những chất liệu bọn mình hiểu rõ và có thể truyền đạt được.

Mình tin rằng đây cũng là cách giới trẻ ở mọi thời đại đã luôn làm để cất lên tiếng nói và tạo nên thanh âm vang bóng cho thế hệ sau.

Đâu là điều hứng thú nhất để đi trọn ý tưởng là…

…Quan điểm làm nghệ thuật của mình là tâm hồn phải vườn không nhà trống, mở toang tất cả để mọi thông tin, hình ảnh, cảm xúc và chất liệu tràn vào, nhưng lối ra là một ngõ hẹp.

Sáng tạo chính là bài toán loại trừ - công việc khó khăn nhất chính là phải tối giản những thứ đang có lại. Dự án nào cũng có những sự giới hạn. Với Tia Sáng Cuối Cùng, giới hạn của bọn mình là thời gian, ngân sách, nhân sự, và tính đại chúng.

Vậy các khó khăn thì…

…Đối với cá nhân mình, dự án này rất dễ, và rất khó. Dễ bởi vì mình được làm những thứ mình yêu, mình cảm thụ được, được tan vào cùng những bạn bè nghệ sĩ đồng điệu. Khó là bởi vì với ý nghĩa của những câu từ trong tác phẩm, và những chất liệu mà NSND TS Bạch Tuyết, Wowy mang đến, quá lớn lao đối với mình và mình luôn cảm thấy đã làm chưa đủ.

Thực ra mình không nghĩ nhiều lúc trên set quay, tất cả mọi kế hoạch đã phải được tính toán rất kỹ từ trước khi buổi quay bắt đầu rồi. Những tác động năng lượng từ set design, setup ánh sáng, cú máy quay, từ những giao tiếp mà mọi người đối với nhau, từ nước, từ những ký tự mandala và nhất là từ âm nhạc… thứ năng lượng đó tự thân mỗi bạn nghệ sĩ sẽ thể hiện lại một cách độc nhất và người xem, cũng sẽ cảm thụ không ai giống ai.

Cho nên đến cuối cùng, mình nghĩ, sự chưa đủ - sự chừa lại không-gian này để mỗi khán giả tự suy diễn một phiên bản thấu hiểu của mình, lại là hoàn hảo cho Tia Sáng Cuối Cùng. Giống như sự cải tiến trong Cải lương là luôn tiếp diễn, sự suy tư trong tâm thức sẽ luôn mới và luôn khác đi.

Hoạ sĩ Tèo Phạm - thực hiện artwork trong MV

alt
Hoạ sĩ Tèo Phạm.

Ý tưởng artwork mà bạn thực hiện trong dự án này đến từ…

…Một cách thần kì nào đó. Ngay lúc mình đang “ế” job, Kim Trần (Art Director của dự án) đã tìm thấy mình và đề xuất mình thực hiện artwork cho dự án này. Ý tưởng được đưa ra rất nhanh sau một buổi cafe brief với đạo diễn La Zung: Mandala, kí tự La Mã, 5 nốt trong Cải lương: hò-xự-xang-xê-cống. Còn lại, mình được tự do sáng tạo. Quan trọng đó là, mọi người muốn artwork đó phải ra được phong cách của mình.

Quá trình thực hiện artwork khiến bạn…

…Thực sự có chút lo lắng vì chưa bao giờ vẽ một mandala. Xưa nay mình vẫn quan niệm nó không dành cho những người phá cách và có lối làm việc không kế hoạch như mình. Nhưng khi tìm hiểu về thangka mandala và công dụng, tín ngưỡng cũng như triết lý để tạo ra nó thì mình cảm thấy nó chạm được tới mình.

Và mình đã thực hiện nó như với bao artwork khác, vẫn không có dự tính một điều gì cụ thể, để bản thân trong trạng thái trống rỗng và đi theo. Và mình hiểu ra cảm giác những người thiền bằng cách vẽ mandala là như nào.

Sáng tạo cùng với nhiều nghệ sĩ khác với bạn là cảm giác….

…May mắn khi mọi người trong ekip đã cực kỳ tử tế khi cho mình một khoảng sáng tạo gần như tuyệt đối. Mọi người đều cực kì tôn trọng và bảo vệ sự nguyên bản của tác phẩm.

Mình cảm thấy rất vui vì được trải nghiệm dự án sáng tạo như thế này và có cơ hội được làm việc chung với những con người tài năng đã nâng giá trị sản phẩm của mình lên rất nhiều thay chỉ đơn thuần là một tác phẩm vật lý.