Là một tên tuổi nổi bật trong làng thiết kế, Tim Phạm cho thấy sự đa năng của mình trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau khi vừa là art director, graphic designer, illustrator, kiêm người đồng sáng lập chuỗi cà phê Nấp Sài Gòn và graphic design studio smaller than three.
Trong sự nghiệp thiết kế của mình, Tim đã thổi hồn vào rất nhiều những thương hiệu được giới trẻ Sài Gòn yêu mến như Yên, Thinker & Dreamer, MêMan, Lại Đây Refill Station. Gần đây nhất, anh tham gia vào dự án nghệ thuật The Veston Concert của ca sĩ Hà Anh Tuấn, cũng như dự án “Sài Gòn Thương Nhau" là 10.000 chiếc túi chăm sóc sức khoẻ cho F0 tại nhà được hoàn thành và gửi đi trong mùa dịch.
Gặp Tim vào một ngày Sài Gòn bước vào mùa đông, để nghe Tim chia sẻ về hành trình theo đuổi sáng tạo của mình.
Tim đến với con đường thiết kế như thế nào?
Mình thích nghệ thuật từ bé. Hồi còn chưa biết viết mình đã cầm bút vẽ, dĩ nhiên là con nít thì chỉ vẽ linh tinh thôi. Trong quá trình trưởng thành, mình luôn đinh ninh là mình thích vẽ, nhưng sau khi tốt nghiệp xong, mình không biết phải chọn gì, vì không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Mình cứ nghĩ là làm nghệ thuật thì chỉ có một vài lựa chọn. Thứ nhất là làm hoạ sĩ, mà làm hoạ sĩ thì chắc… khó giàu lắm. Thứ hai là làm thiết kế thời trang, mà mình thì không có kinh nghiệm gì về mảng này. Thứ ba là kiến trúc, nhưng rất tiếc, mình không giỏi toán. Nên mình chọn thiết kế nội thất.
Tuy nhiên, trong quá trình học thì mình lại phát hiện ra trên đời này có ngành graphic design. Học xong tấm bằng nội thất, mình quyết định học thêm graphic design.
Tim còn nhớ công việc đầu tiên của mình, với tư cách một graphic designer?
Vừa học xong graphic designer thì mình bắt đầu đi tìm việc. May mắn thay lúc ấy LAM Boutique, một local brand rất nổi tiếng tại Sài Gòn, đang tuyển graphic designer. Mình nộp đơn đơn giản vì mẹ mình là một người rất thích đồ LAM. Làm được một thời gian ngắn, chắc do hợp gu thẩm mỹ với nhau nên chị Lam quyết định đề bạt mình trở thành Art Director và mình làm với chị từ đó đến tận bây giờ.
Công việc illustrator có ý nghĩa thế nào đối với Tim?
Mình rất thích vẽ, nhưng có một khoảng thời gian mình bỏ bê nó, cho đến lúc sang Mỹ. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, mình nhớ về niềm đam mê vốn dĩ là vẽ. Hơn nữa, mình còn nhận ra mình rất thích phong cách diễn họa thời trang - fashion illustrator. Và bằng một cách nào đó mà sở thích này lại vô tình phù hợp với định hướng phát triển của LAM Boutique.
Nếu chỉ được chọn giữa 1 trong 3 công việc: graphic designer, illustrator và art director, Tim sẽ chọn vai trò nào?
Điều này còn phụ thuộc vào nhiều mục đích khác nhau - kiếm tiền hay chỉ để thỏa mãn sở thích. Nhưng nếu phải chọn, mình sẽ chọn illustrator, bởi vẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Trong nhà mình luôn có một góc với đầy đủ sắc màu để mình đầu tư thời gian vẽ một cách nghiêm túc.
Trong công việc, có những giá trị nào mà Tim sẽ không bao giờ thỏa hiệp?
Có một câu nói mà mình khá là tâm đắc: “A good design is as little design as possible.” - tạm dịch là một thiết kế cần đơn giản hết mức có thể. Nếu mình thêm thắt quá nhiều thứ, có thể làm người ta thích thú, nhưng sau đó rất dễ bị lỗi thời và nhàm chán. Những điều đơn giản sẽ sống mãi với thời gian.
Sự tự do nên được nhìn nhận như thế nào, trong sự nghiệp của người làm sáng tạo?
Đối với mình, tự do là điều quan trọng nhất của người làm sáng tạo, nhưng mà tự do cũng phải có giới hạn. Với những dự án cá nhân thì tự do thế nào cũng được. Nhưng đối với những dự án làm cho khách hàng, sự tự do nên gói gọn trong sự kỳ vọng của họ. Không thể để cái tôi của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh được.
Nhưng cũng không thể nào tránh khỏi những kỳ vọng quá sức, lúc đó Tim sẽ làm gì?
Cũng có nhiều lúc thiết kế mình đưa ra không phù hợp với yêu cầu của khách. Những lúc như vậy, mình có thể linh hoạt đưa ra cho khách hàng nhiều-hơn-một lựa chọn để họ cân nhắc.
Mình nghĩ làm thiết kế, có gu thẩm mỹ mạnh thôi là chưa đủ, mình còn phải học cách thuyết phục người khác. Có được sự tín nhiệm và tin tưởng từ khách hàng thì công việc sẽ trôi chảy và thuận lợi hơn.
Lần gần đây nhất cảm hứng đến với Tim một cách bất chợt là khi nào?
Nhà mình có đường dẫn lên sân thượng, thi thoảng mình cũng hay lên đó ngắm trăng.
Ngắm trăng thì phải tinh mắt mới ngắm được, mà mắt mình thì không phải quá tốt, đến gần đây mình mới chịu khó mang kính lên ngắm trăng. Sau vài đêm liên tiếp, tự nhiên mình vỡ ra điều gì đó. Mặt trăng khiến mình cảm thấy bị hút vào vậy. Bề mặt của mặt trăng cũng không hề bằng phẳng mà có texture rất thú vị. Tự nhiên mình muốn làm một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ mặt trăng.
Tim có nghĩ đôi mắt là tài sản lớn nhất của người làm sáng tạo?
Từ bé, mình đã bị lệch thị. Hồi trước thì mắt trái mình cận 1 độ, còn mắt phải là 0,5. Theo thời gian, độ cận của mắt trái tăng dần lên, vì thế mà mình nhìn bằng mắt phải nhiều hơn. Nhưng càng làm như thế thì mắt trái càng trở nên yếu hơn.
Trước mình còn lười mang kính vì ỷ lại vẫn nhìn thấy rõ. Sau này mình mới biết rằng thói quen đó ảnh hưởng rất xấu cho mắt. Bình thường người ta nhìn bằng 2 mắt, công việc sẽ được chia đều cho cả 2 bên mắt, còn với mình thì mắt phải “gánh” hết. Áp lực đó khiến mắt mình rất dễ bị mỏi, đặc biệt là những lúc phải ngồi trước máy tính.
Tồi tệ hơn là khi mang kính với độ cận chênh lệch lớn tầm 15-20 phút thì mình lại bị nhức đầu. Mãi đến gần đây mình mới tìm được một chiếc kính hỗ trợ được tình trạng mắt của mình là Eyezen của hãng kính Pháp Essilor. Kính này không chỉ giảm mỏi mắt tốt mà còn chống tia sáng xanh từ máy tính nên đôi mắt mình nhẹ gánh đi hẳn.
Tim có bí quyết nào để chăm sóc đôi mắt không?
Hiện tại mình đang tập thói quen đeo kính để bảo vệ mắt, để hình thành thói quen này thì chiếc kính phải dễ chịu.
Ngoài ra, mình còn thực hiện một bài tập nhỏ: dán một điểm bất kỳ trên kính cửa sổ, cách mắt tầm 20 cm. Nhìn điểm đó trong vòng 10-15 giây, say đó nhìn một vật ở xa trong 10-15 giây tiếp theo. Lặp đi lặp lại khoảng 10 lần. Việc này giống như tập thể dục cho mắt, giúp mắt tránh được tình trạng co điều tiết do nhìn vào màn hình máy tính quá lâu.
Những lúc không phải làm việc, Tim thư giãn thế nào?
Mình là một người hướng nội, nên cách hồi phục năng lượng nhanh nhất chính là dành thời gian ở một mình. Những lúc đó, mình có thể nghe nhạc, xem phim hoặc đơn giản là chỉ ngồi thẫn thờ.
Nhiều người nghĩ rằng khi thiền thì sẽ phải nghiêm túc hít thở và tập trung. Nhưng cũng có một hình thức khác của thiền đó là “just sit” (tạm dịch: chỉ ngồi yên). Khi ngồi yên như thế, đầu óc của mình sẽ tự trôi theo dòng suy nghĩ.
Tim có từng hình dung mình sẽ làm gì trong 10 năm sắp tới?
Mong muốn của mình là được nghỉ hưu vào năm 40 tuổi. Thật ra nghỉ hưu không có nghĩa là mình sẽ ngừng làm việc, mình chỉ muốn được tự do làm điều mình thích mà không vướng bận những thứ xung quanh. Bây giờ 30 rồi, mình còn 10 năm nữa để làm việc thật chăm chỉ và tích góp.
Gần đây mình bắt đầu có hứng thú với việc đầu tư bất động sản. Dự kiến của mình là mua các dự án, thiết kế nội thất cho chỉn chu để thỏa đam mê rồi bán lại. Mình cũng muốn mua lại các căn nhà cấp 4 để cải tạo nữa.
Ngoài ra, mình còn một mục tiêu khá vĩ mô, là làm điều gì đó cho nghệ thuật Việt Nam. Mình thấy nghệ thuật nước nhà vẫn còn nhiều giới hạn. Các bảo tàng trong nước hiện cũng không được hỗ trợ nhiều để đạt đến tầm cỡ quốc tế. Nếu có một dự án xây dựng bảo tàng, chắc chắn mình sẽ hỗ trợ hết mình.
Eyezen là thương hiệu tròng kính tiên tiến nhất thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp) – giúp bảo vệ và thư giãn mắt bạn khi tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số. Từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về phát minh đột phá và được tin dùng bởi hàng chục triệu người trên toàn thế giới, Eyezen tiếp thêm năng lượng cho đôi mắt để cùng bạn hướng đến những chân trời mới.