Tính cách không quyết định gu âm nhạc: Nghe rock là người sống nội tâm? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 05, 2024
Tâm Lý Học

Tính cách không quyết định gu âm nhạc: Nghe rock là người sống nội tâm?

Nhìn playlist nhạc đoán ra tính cách, nghiên cứu chứng minh có khả thi?
Tính cách không quyết định gu âm nhạc: Nghe rock là người sống nội tâm?

Nguồn: Minh Phương @minhphuong.work cho Vietcetera.

Bạn có từng thấy ngỡ ngàng vì cô bạn trầm tính, ít nói, gương mặt thường xuyên không cảm xúc, đúng kiểu tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến nhưng thể loại nhạc yêu thích của cô ấy lại là japanese rock! Hay một đứa bạn sôi nổi, siêu hướng ngoại, trong lòng chắc mẩm nó phải mê EDM xập xình lắm, thế mà hóa ra playlist toàn nhạc jazz với blues.

Chúng ta thường hay có suy đoán rằng người tính cách kiểu A thì sẽ thích thể loại nhạc kiểu B như vậy. Nhưng gu âm nhạc có thực sự phản ánh được tính cách con người một cách xác thực hay không?

Mê nhạc nào tính cách đó?

Trong một bài báo được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu hơn 36.000 người tham gia trên toàn thế giới đánh giá hơn 104 phong cách âm nhạc khác nhau. Đồng thời, họ cũng điền vào bản trắc nghiệm tính cách Big 5 và cung cấp thông tin về thể loại nhạc yêu thích của mình.

Kết quả thu về đã chỉ ra với từng dòng nhạc nhất định người yêu thích thể loại nhạc đó sẽ có một số nét đặc điểm tính cách thường gặp như sau:

  • Nhạc pop: Hướng ngoại, trung thực, đi theo các quy chuẩn. Mặc dù những người yêu thích nhạc pop rất chăm chỉ và có lòng tự trọng cao, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng họ cũng kém sáng tạo và dễ lo lắng hơn.
  • Rap/hiphop: Dù có nhiều định kiến ​​cho rằng những người thích nhạc rap sẽ có phần hung hăng và thô lỗ, nhưng các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên hệ nào như vậy. Thay vào đó, những người hâm mộ nhạc rap có xu hướng tự trọng cao và cởi mở hơn trong suy nghĩ.
  • Country (nhạc đồng quê): Mặc dù nhạc đồng quê thường đem đến một cảm giác buồn nhưng những người thích nó không bị ủy mị quá mức mà thường có cảm xúc ổn định. Họ cũng có số điểm thấp hơn so với những nhóm khác khi so về mức độ sẵn sàng cởi mở trong trải nghiệm.
  • Rock/heavy metal: Fan của dòng nhạc này dễ nhận định kiến là người cộc cằn, hung hăng. Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy điều ngược lại, họ thường hiền lành, sáng tạo, sống nội tâm và có xu hướng hoài nghi về bản thân.
  • Indie: Người hâm mộ thể loại indie được đánh giá là người hướng nội, thông minh, sáng tạo, nhưng kém chăm chỉ và ít dịu dàng hơn những nhóm khác. Ngoài ra, sự thụ động, lo lắng và thiếu niềm tin về mình cũng là những đặc điểm tính cách đáng chú ý.
  • Dance: Những người thích nhạc dance thường là người hướng ngoại, quyết đoán và cởi mở nhưng lại thấp điểm hơn về tính hòa nhã, dịu dàng.
  • Classic (Nhạc cổ điển): Những người yêu thích nhạc cổ điển trong nghiên cứu này nhìn chung có hơi hướng nội tâm nhưng lại thoải mái với chính mình. Sự sáng tạo, thông minh và tự tin là điểm sáng trong nét tính cách của họ.
  • Jazz, blues và soul: Nổi bật nhất là sự tự tin và hướng ngoại. Họ cũng thể hiện sự sáng tạo cao, thông minh và tính cách thoải mái.
alt
Nguồn: Minh Phương @minhphuong.work cho Vietcetera.

Nhưng chiều ngược lại thì chưa chắc

Dù có thể khẳng định rằng tính cách và sở thích âm nhạc thực sự có mối liên hệ với nhau, nhưng chỉ ở một cấp độ nhất định. So với đặc điểm về tính cách, những đặc điểm khác về giới tính, tuổi tác, tầng lớp xã hội, nền tảng văn hóa,... được đánh giá có mối liên quan chặt chẽ hơn đến sở thích âm nhạc.

Cảm xúc

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy sở thích âm nhạc có thể bắt nguồn từ cảm xúc mà mọi người có được khi nghe nhạc chứ không hẳn vì những đặc điểm của dòng âm nhạc đó như thế nào. Tức là người nghe không quá quan tâm tên thể loại nhạc miễn là nó “khuấy động” được phản ứng bộ não của họ.

Khi xem xét cách âm nhạc hoạt động trong não, các nhà nghiên cứu đề xuất giả thuyết rằng con người sẽ thích các bài nhạc có những khúc chuyển bất ngờ, đôi khi gây ra cảm giác hưng phấn, dễ chịu về thể chất hay thậm chí nổi da gà. Phát hiện này tiếp tục củng cố thêm rằng con người nghe nhạc để có được niềm vui và cảm giác thỏa mãn hơn là nhằm mục đích thể hiện tích cách của mình.

Trải nghiệm trong đời

Mặc dù mọi người có thể thích một số dòng nhạc nhất định tại một thời điểm trong đời nhưng sở thích âm nhạc không hẳn cố định mãi mà sẽ thay đổi theo thời gian dựa trên trải nghiệm sống của mỗi người.

alt
Nguồn: Minh Phương @minhphuong.work cho Vietcetera.

Ví dụ khi bạn đang trong một quãng thời gian khó khăn, cách phản ứng của bạn có thể là bị thu hút bởi những bài hát buồn, những dòng nhạc trầm lắng hơn. Bởi bạn mong muốn có những lời ca nói thay tiếng lòng mình, cảm giác như có người bên cạnh đồng cảm và sẻ chia.

Môi trường sống

Một nghiên cứu về 765 triệu bài hát được nghe trên phạm vi toàn cầu đã tiết lộ sở thích của mọi người có xu hướng thay đổi dựa trên thời gian trong ngày hay môi trường sống. Hầu hết mọi người nghe những thể loại nhạc thư giãn hơn vào ban đêm nhưng chọn dòng nhạc mạnh hơn vào ban ngày.

Hay các bài nhạc được ưa chuộng ở Mỹ Latinh thường tạo ra những cảm giác hưng phấn nhanh chóng về cả thể chất và cảm xúc. Trong khi dòng nhạc yêu thích ở châu Á lại thường là giai điệu du dương mang cảm giác thư giãn.

Kết

Sau tất cả, sở thích âm nhạc cũng giống như những người sở hữu chúng được tạo nên từ một loạt các biến số khó lường. Âm nhạc có thể phản ánh một phần tính cách của chúng ta nhưng không phải là tất cả.

Con người cũng có nhiều cách phản ánh mình thông qua âm nhạc, đôi khi âm nhạc là tấm gương phản chiếu lại những cảm xúc, suy tư của chúng ta, khi khác lại là một lối thoát dùng những giai điệu mãnh liệt đưa mình qua những cảm xúc chưa từng có.

Vì vậy, những câu hỏi về gu âm nhạc nên là một phần khởi đầu để chúng ta gợi mở những cuộc đối thoại sâu sắc và có thể hiểu nhau hơn, chứ không nên là định kiến áp xuống mặc định cách nhìn của chúng ta về một người.