Tôi từng sợ hãi khi thấy cơ thể người khác giới | Vietcetera
Billboard banner

Tôi từng sợ hãi khi thấy cơ thể người khác giới

Tôi đã phải vượt qua nhiều nỗi sợ hãi để sau này có thể đối diện với người thương của mình. Một phần của những tổn thương tôi phơi lộ là cách tôi được dạy về tình dục - mập mờ và bạo lực. 
Tôi từng sợ hãi khi thấy cơ thể người khác giới

Nguồn: Unsplash

Ngày bé, mỗi lần nhìn thấy cơ thể nữ giới là một lần tôi cảm thấy bối rối, thậm chí, hơi khủng hoảng. Cơ thể ở đây là cơ thể trần trụi không được che chắn bởi quần áo. Thực tế, tôi được thấy cơ thể người khác giới từ 4-5 tuổi qua những bức tranh của mẹ. Bà là hoạ sĩ, và một số thời điểm trong cuộc đời cũng muốn tôi là hoạ sĩ giống bà.

Trong số những bức phác chì la liệt trên bàn làm việc của mẹ, những bức sơn dầu dựng tường đợi khô, có những khỏa thân hay bán khỏa thân. Nhân vật luôn quay lưng lại, toàn bộ phần lưng và đôi chân duỗi dài với một tỉ lệ cân xứng.

Tôi biết về sự khác biệt về cơ thể giữa nam và nữ qua tranh vẽ của mẹ, và qua những cuốn sách dạy tạo hình mẹ mua cho tôi với mong muốn một ngày, tôi cũng vẽ tranh đẹp như bà. Kiến thức hội hoạ thì chưa thấy đâu, điều tôi học được là tự giải thích tại sao “con trai đái đứng, con gái đái ngồi.”

Tôi cảm thấy khá bình thường với hình ảnh lũ trẻ trần truồng trong khu phố. Bản thân tôi, cùng cô bé nhà hàng xóm, đã đái bậy ở hầu hết mọi gốc cây chúng tôi nhìn thấy. Người lớn cũng không có vấn đề gì với việc trẻ con thản nhiên tụt quần tiểu tiện hoặc thay đồ trước mặt những đứa khác nếu uống nước làm ướt áo.

Vấn đề chỉ xuất hiện vào ngày lớn hơn một chút, tôi bỗng thấy ngày càng bị ám ảnh với hình người khác giới khoả thân trong tranh của mẹ, và trong sách vẽ chì. Cơ thể tôi nổi da gà mỗi lần nhìn chúng, đầu óc thì vừa thú nhận rằng tôi không ngừng bị thu hút và cùng lúc cảm thấy tội lỗi với điều đó.

Sự ngượng ngùng cũng xuất hiện khi tôi chơi đùa với lũ trẻ nay cũng đã lớn dần, nên chúng tôi ít chơi với nhau nữa.

Tôi thú nhận với mẹ rằng mình thích nhìn thấy hình trần truồng của những cô gái trong tranh đến như thế nào. Cả nhà tôi câm nín. Cô ruột tôi đảo mắt ra dấu với những người khác rằng nhà sắp có thêm một đứa trẻ con nữa bước vào lứa tuổi chưa lớn, nhưng cũng chẳng còn nhỏ. Còn mẹ tôi thì dặn dò với giọng điệu hơi giận: “Những chuyện này con không nhất thiết phải nói tồng tộc ra như vậy, không thì người ta lại nói bố mẹ không biết dạy con!

Vậy là miệng tôi kín bưng, và nhiều lần sau khi có cảm xúc mãnh liệt ấy với người khác giới, tôi cố kìm nén như thể nó không tồn tại. Tôi cảm thấy thật sai trái khi có những phản ứng giới tính ấy dù chúng đã được “mã hoá” vào cơ thể sinh học của mình. Làm sao để loại bỏ những gì sinh ra đã có?

Những tiết giáo dục giới tính vào lớp 4 và lớp 7 không giúp được tôi thêm là bao. Chúng tôi có thể nhìn vào hình cắt lớp của từng thớ cơ thớ thịt trên cơ thể một cách không ngần ngại, nhưng không được xem dương vật và âm đạo trông như thế nào. Chuyện con trai có thể “cứng” hay con gái có kinh nguyệt thậm chí chưa bao giờ được nói đến.

Lần duy nhất tôi nói chuyện với bố rằng “cái ấy” của mình có thể cứng, bố trả lời, nếu sáng tỉnh dậy nó không cứng nữa thì phải nói bố ngay, để bố đưa đi khám. Vấn đề về giới tính từ ấy đã biến thành vấn đề của bệnh lý.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thứ ở giữa hai chân của bạn gái, khi cả hai đều đã tới tuổi dậy thì, là vào năm lớp 10. Dù đã nhìn thấy âm đạo của con gái nhiều lần qua phim heo, thì lần được nhìn thấy “sò lông” trực tiếp khiến trái tim trong lồng ngực tôi nhảy lên nhảy xuống.

Cô ấy nói đó cũng là lần đầu mình cho người khác nhìn thấy thứ nhạy cảm như vậy, chúng tôi nhìn nó một lúc lâu và im lặng. Sau đó bạn gái tôi kéo khoá quần và tôi đưa cô ấy về nhà.

Cho đến nay, khi tạm gọi là người trưởng thành và đã “mất trinh” từ lâu, tôi vẫn luôn cảm thấy tội lỗi khi nhìn thấy cơ thể người thương của mình khi làm tình. Tôi nghĩ đến tiếng quát của người lớn mỗi lần về muộn rằng con cái mới được tí tuổi đầu mà đã dám đi ngủ lang.

Những suy nghĩ có phần cấm kỵ ấy một phần khiến thân thể trần trụi trước ánh sáng của những “partner” tôi từng gắn bó thêm phần gợi cảm và đáng trân trọng. Mặt khác, tôi đã phải vượt qua nhiều nỗi sợ hãi để sau này có thể đối diện với người thương của mình, khi cả hai dám để lộ những gì thầm kín và dễ tổn thương nhất. Một phần của những tổn thương tôi phơi lộ là cách tôi được dạy về tình dục - mập mờ và bạo lực.

Cách giáo dục này tạo ra một lằn ranh về giới tính mà tôi không thể vượt qua. Đó cũng là ranh giới giữa tuổi trẻ con và những thứ gắn mác “người lớn” như kiến thức về tình dục hay sức khỏe sinh sản.

Vậy nhưng có vẻ bản thân những “người lớn” cũng ấp úng và khó xử khi được hỏi hay khi phải nhận trách nhiệm giáo dục về các vấn đề giới tính cho thanh thiếu niên. Cứ nhìn cách các giáo viên Sinh học lảng tránh học phần này là sẽ rõ.

Giáo dục giới tính ở Việt Nam, dù có nhiều thay đổi trong những năm vừa qua, vẫn luôn là lỗ hổng rất lớn trong hệ thống tri thức, và trong cả tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Sau này, dù có thay đổi nào về giáo dục giới tính, thì tôi vẫn mong rằng, hãy dạy để trẻ con đừng sợ hãi trước cảm xúc của bản thân, để từ đó chúng biết trân trọng cơ thể của người khác.

(Bài viết được chấp bút từ lời kể của C.)