Tóm Lại Là: Chủ nghĩa dân tộc vaccine, tại sao “khó trị”? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Chủ nghĩa dân tộc vaccine, tại sao “khó trị”?

Với số ca nhiễm tăng lên trăm ngàn ca mỗi ngày, nhiều nước phát triển vẫn chưa sẵn sàng "chia sẻ" vaccine cho các nước khác.
Tóm Lại Là: Chủ nghĩa dân tộc vaccine, tại sao “khó trị”?

Nguồn: Unsplash

1. Chủ nghĩa dân tộc vaccine là gì?

“Vaccine nationalism”, chủ nghĩa dân tộc vaccine, là khái niệm chỉ việc ưu tiên lợi ích quốc gia trong việc cung cấp vaccine cho các bệnh dịch toàn cầu, như SARS-CoV-2. Cụm từ được định nghĩa lần đầu tiên bởi Tổ chức Sức khỏe thế giới WHO vào tháng 2, năm 2020.

Từ khóa này xuất hiện dày đặc trên nhiều mặt báo quốc tế trong vài tuần qua, khi cuộc đua vaccine trở nên căng thẳng vì tốc độ phát triển biến thể. Nghi ngại tình hình thế giới trầm trọng thêm, WHO mới đây đã tiếp tục đưa lời cảnh báo: “Không có quốc gia nào an toàn, cho đến khi cả thế giới an toàn” (theo bmj.com).

2. Chủ nghĩa này đã và đang diễn ra ở đâu?

Theo một bài đăng trên tờ Times, có ít nhất 69 quốc gia đang hạn chế hoặc thậm chí cấm cửa xuất khẩu các trang thiết bị, sản phẩm y tế, dược phẩm, bao gồm vaccine.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng giữa các nước và khu vực có mâu thuẫn chính trị từ trước, như Vương Quốc Anh với khối Liên minh châu Âu (từ giữa năm 2020), hay Mỹ và Trung Quốc (dưới nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump). Tâm lý chung của các trường hợp này là: lợi ích của “đối thủ” đồng nghĩa với mất mát của quốc gia, hay còn gọi là “Cuộc chơi tổng bằng 0” (Zero-sum game).

3. Hợp tác có mất lợi ích?

Chưa nói đến tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài thêm, nền kinh tế toàn cầu có thể hao hụt 9.2 ngàn tỷ USD nếu các nước đang phát triển không tiếp cận được nguồn cung vaccine, không được chuyển giao công nghệ, hoặc không đủ khả năng để tự sản xuất. (Theo iccwbo.org)

Dù “giàu có” về vaccine, các nước phát triển cũng phải mất khoảng 119 tỷ USD mỗi năm, vì không có khu chế xuất, gia công, và các mắt xích quan trọng khác trong ngoại thương, dịch vụ (weforum.org).

4. “Chủ nghĩa dân tộc vaccine” có phải hiện tượng mới?

Vào năm 2009, dịch cúm H1N1 cũng từng hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Chỉ trong vòng 7 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều loại vaccine hiệu quả cao đã được sản xuất. Mặc dù một số quốc gia phát triển, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã đồng ý tặng vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhưng họ chỉ thực hiện điều này sau khi đã đảm bảo có đủ vaccine cho người dân trong nước trước (hrg.org). Đại dịch này đã giết chết hơn 289 ngàn người trên toàn thế giới.

5. Chủ nghĩa dân tộc sẽ không biến mất?

Theo tờ Foreign Affair, chủ nghĩa dân tộc sẽ không thể biến mất dù bị cho là nguy hiểm, thiển cận dưới góc nhìn của nhiều học giả phương Tây.

Tư tưởng “bộ lạc” này đã giúp con người tồn tại giữa môi trường tự nhiên khắc nghiệt hàng ngàn năm trước. Với cơ chế “sống còn” tương tự, tới thời kỳ hiện đại, nó thường xuất hiện khi xảy ra các cuộc khủng hoảng. Toàn cầu hoá gây ra va chạm và xung đột liên tục, vì đó mà kéo theo việc chủ nghĩa này có xu hướng gia tăng, tạo nên một nghịch lý “hại não” (reuters.com).

Cũng trên tờ The Guardian, một số chuyên gia khác cũng đồng ý đây là điều khó có thể giải quyết hoàn toàn, vì bản chất nó là một hiện tượng tâm lý: con người có thể hành động hoàn toàn theo luân lý, lương tâm (morality) mà bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức do xã hội đặt ra (ethics). Giả sử, một người đang kêu cứu vì đuối nước ngay gần nhà, chúng ta sẽ thường ra tay ngay mà không cần biết mối quan hệ thân cận, người đó tốt xấu ra sao.

Trước lời chỉ trích của EU vào giữa năm 2020, nước Anh giải thích rằng họ đang chính là người đuối nước nên phải tự cứu chính mình trước. Các nước thấy họ đã tiêm chủng được 10% dân số (cao hơn 8% so với EU), nhưng thực tế họ đang là nước có số ca nhiễm đứng đầu khu vực.

6. Đã có những nỗ lực giải quyết nào?

Liên minh vaccine toàn cầu, Gavi, đã khẳng định Quỹ COVAX sẽ là phương án chấm dứt cơn khủng hoảng toàn cầu này. Đây là cơ chế đảm bảo phân phối bình đẳng vaccine toàn cầu do tổ chức WHO lập ra và điều phối, hiện đã có hơn 160 quốc gia thành viên.

Trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh G7 tuần qua, chính quyền ông Joe Biden dự kiến sẽ trao 4 tỷ USD cho COVAX. Trong đó, 2 tỷ được chuyển giao ngay, 2 tỷ USD còn lại sẽ được thanh toán dần, nhằm làm đòn bẩy để thúc đẩy các quốc gia phát triển khác đóng góp vào nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Năm 2021, COVAX sẽ phân phối 2 tỷ liều cho các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Nigeria.

7. Tình hình vaccine tại Việt Nam?

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đầu tháng 2, 2021, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép cho vaccine COVID-19 AstraZeneca của Anh là vaccine đầu tiên được phép lưu hành tại Việt Nam.

Dự kiến ngày 28/02, 204000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca sẽ về tới Việt Nam. Đây sẽ là lô vaccine COVID-19 AstraZeneca đầu tiên trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua.

Ngoài ra, Bộ cũng vừa đàm phán thành công với chương trình COVAX Facility để cung cấp thêm 30 triệu liều, chủ yếu cho 6 tháng cuối năm 2021. Như vậy, chúng ta còn cần thêm khoảng 90 triệu liều nữa để đảm bảo đủ cho người dân cả nước trong năm nay.

Còn đầu năm tới, theo kế hoạch chúng ta sẽ có vaccine Nano Covax “made-in-Vietnam”! Tính đến ngày 08/02, giai đoạn thử nghiệm thứ 1 (trên 3 giai đoạn) đã hoàn thành với kết quả an toàn, “tạo phản ứng miễn dịch tốt”.