Sơn Tùng M-TP và những "đỉnh núi" | Vietcetera
Billboard banner

Sơn Tùng M-TP và những "đỉnh núi"

Có Chắc Yêu Là Đây được gần 15 triệu lượt xem trong chưa đầy 24 giờ, nhưng còn những "đỉnh núi" nào cho Sơn Tùng M-TP?
Sơn Tùng M-TP và những "đỉnh núi"

Nguồn: Music video Chúng Ta Của Hiện Tại

1. Chuyện gì đang xảy ra với Sơn Tùng?

Năm nay có lẽ là thời điểm “chạy show” liền tù tì của “sếp”, khi Có Chắc Yêu Là Đây vừa ra mắt không lâu, phim tài liệu về Sơn Tùng đã cập bến Netflix. Sau khi liên tục “hint” nội dung từ đầu tháng 12, 20 giờ 20 phút ngày 20/12, music video Chúng Ta Của Hiện Tại của Sơn Tùng M-TP chính thức ra mắt.

Chưa đầy 24 tiếng kể từ lúc ra mắt, video có gần 15 triệu lượt xem, đứng top 1 trending YouTube Việt Nam và Châu Á.

2. Nội dung music video nói gì?

Sau khi gặp ‘nàng thơ’ Hải Tú tại một quán ăn nhỏ, thiếu gia xã hội đen Sơn Tùng lâm vào cảnh tương tư. Cả hai nhanh chóng yêu nhau. Khi Hải Tú bị bắt cóc, Sơn Tùng phải tìm cách cứu người yêu, rồi gặp nguy hiểm.

Nội dung Chúng Ta Của Hiện Tại đến giờ vẫn gây nhiều tranh cãi, cụ thể ở ba chi tiết:

  • Người bắt cóc Hải Tú là ai? Là những băng đảng đối chọi với “ông trùm” hay chính gia đình của thiếu gia, vì phản đối mối tình không môn đăng hộ đối của con trai nên tìm cách “diệt trừ”?
  • Sau khi bị thương vì cứu người yêu, Sơn Tùng đã… chết chưa?
  • Trong after credit, hình ảnh Sơn Tùng ngoài vũ trụ hiện ra. Không rõ đoạn quay này hàm ý thiếu gia xã hội đen đã bay lên dải ngân hà sau khi đầu thai, hay ngụ ý cho phần 2 của music video?

Cộng đồng mạng đang lan truyền việc câu chuyện trong music video dựa trên sự kiện có thật trong lịch sử miền Nam Việt Nam giai đoạn trước 75, về một gia tộc họ Trần. Thực tế, câu chuyện về gia tộc này là hư cấu.

3. Chúng Ta Của Hiện Tại được yêu thích vì…

  1. Cảnh quay đẹp với hiệu ứng vintage: Cũng như việc người trẻ thích nhạc hoài cổ, các bộ phim hoặc video với màu sắc retro thường được hưởng ứng nhiệt liệt bởi “lôi” người trẻ về quá khứ - thời điểm có vẻ yên bình hơn thực tại rất nhiều.
  2. Music video đậm chất điện ảnh: Chúng Ta Của Hiện Tại sử dụng lens anamorphic - một loại lens thường được sử dụng để quay phim điện ảnh. Thông thường, các music video sẽ không đầu tư loại lens “khủng” này, vì không đủ kinh phí. Có thể thấy thiếu gia Sơn Tùng “lắm tiền” từ music video đến đời thật.
  3. Có đủ các công thức “ăn tiền” của Sơn Tùng: Một cô gái đẹp, những khung cảnh chất lượng (từ hồ Khe Ngang, trường Quốc học Huế đến phố cổ Bao Vinh), những cụm từ lặp đi lặp lại (“điều anh luôn giữ kín trong tim”).
  4. Những "fun fact" thú vị: Nếu gọi vào số 1900 06 88 87, bạn sẽ được nghe giọng Sơn Tùng thủ thỉ: "Em à, chúng ta chẳng thể vẹn nguyên những câu thề". Hệt như nữ chính trong music video!

4. Chiến dịch PR cho Chúng Ta Của Hiện Tại có gì khác?

Từ Lạc Trôi đến Có Chắc Yêu Là Đây, Sơn Tùng thường trung thành với công thức truyền thống “poster + teaser + trailer”.

Trước khi Chúng Ta Của Hiện Tại ra mắt 1 ngày, chuỗi các video review music video mới của Sơn Tùng bởi các tên tuổi lớn trong ngành nghệ thuật: Hồ Ngọc Hà, Trấn Thành và Đàm Vĩnh Hưng đã được ra mắt trên fanpage M-TP.

Trong video, các nghệ sĩ chia sẻ về cảm giác đầu tiên khi nghe bài hát. Đa số đều là những lời khen ngợi, cho biết bài nhạc bắt tai, giai điệu tốt.

Đây không chỉ là một nước đi mới lạ của ekip Sơn Tùng, mà còn hoàn toàn khác với cách truyền thông thường thấy của các ca sĩ.

5. Sau sự công nhận của khán giả, ca sĩ có cần một sự công nhận khác?

Trong việc đánh giá các tác phẩm của một nghệ sĩ nào đó, luôn có mối quan hệ “kiềng ba chân” bao gồm nghệ sĩ, và nhà phê bình.

Ở Việt Nam, bởi không có nhà phê bình, một vài cây bút phải kiêm luôn vai trò thẩm định giá trị nghệ thuật. Nhưng truyền thông nào cũng cần người đọc, mà việc “chê” một thần tượng lớn lại dễ dàng kéo theo làn sóng tẩy chay.

Nhu cầu được công nhận đứng top đầu trong tháp Maslow. Có lẽ, sau khi chiếm được thiện cảm của người theo dõi và truyền thông, các ca sĩ trẻ dần bước vào tình trạng “lạc lối”. Để thỏa mãn nhu cầu cần được công nhận, vì không có nhà phê bình, những nghệ sĩ lớn trong ngành phải vào cuộc.

6. Ở đâu cũng có những ca sĩ “ai cũng phải biết”

Ở Việt Nam, Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng là những nghệ sĩ bạn có thể không nghe nhạc, nhưng không thể chưa từng nghe tên. Tại nước ngoài, The Beatles, Mariah Carey hay Britney Spears cũng là những người “không thể không biết”.

Hơn cả là những người đã hoạt động lâu, họ đã khởi đầu cho nhiều trào lưu âm nhạc. Có cả một câu chuyện lớn phía sau những nghệ sĩ này, về bài học vượt lên chính mình, về sự can đảm bước đi trên con đường mới. Họ truyền cảm hứng cho không chỉ những ca sĩ sau này, mà cả những người nghe họ hát.

7. Nghệ sĩ và những “đỉnh núi” phải vượt qua

Những buổi đầu xuất hiện YouTube, “cày view” là một từ khóa mơ hồ. Tuy nhiên, từ sau 2010, việc cày view cho thần tượng bắt đầu trở thành việc “phải làm”.

Dù có sự hậu thuẫn cực lớn từ fan, music video Lovesick Girls của Black Pink vẫn không thể chạm mốc 300 triệu, dù các tác phẩm trước “liền tù tì” lập kỉ lục hơn 500 triệu. Là một tên tuổi “khủng” trong cộng đồng K-pop, BTS cũng không thể “mv nào cũng chạm mốc trên 500 triệu view”.

Những đỉnh núi của nghệ sĩ luôn có rất nhiều: nhạc phải hay hơn, lời phải tốt hơn, giai điệu phải bắt tai hơn, phải “nghệ thuật” hơn. Nhưng lượt view có nhất thiết nằm trong số đó, như tình thế hiện tại?

Các nghệ sĩ hoạt động lâu năm đã dần bước vào khoảng trống “nhà phê bình”, để đánh giá công việc của lớp nghệ sĩ trẻ, để nói với người theo dõi nên hay không nên nghe. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Khi một tác phẩm ra mắt, vẫn thiếu đi những tên tuổi giải thích cho người nghe về cái hay của bản nhạc. Và bởi vì không được giải thích, người nghe đành phải đong đếm sự thành công của ca sĩ qua số view.