Lối đi nào cho tương lai phủ sóng Internet vệ tinh tại Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner

Lối đi nào cho tương lai phủ sóng Internet vệ tinh tại Việt Nam?

Viễn cảnh Internet vệ tinh tại Việt Nam liệu có khả thi?
Lối đi nào cho tương lai phủ sóng Internet vệ tinh tại Việt Nam?

Internet vệ tinh - viễn cảnh cho tương lai Internet tại Việt Nam | Nguồn: Tech Times

1. Chuyện gì đang diễn ra?

Trong những ngày qua, truyền thông Việt Nam rộ lên thông tin về việc dự án phủ sóng Internet bằng vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk thông báo cho người dùng tại Việt Nam thực hiện đăng ký, đặt cọc giữ chỗ với mục tiêu “phủ sóng ở Việt Nam từ 2022."

Cụ thể, trang web của dịch vụ Starlink đã cho phép người dùng đăng kí và "đặt cọc" giữ chỗ cho tất cả thuê bao có địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam.

address
Người dùng giờ đây đã có thể đăng kí dịch vụ Starlink tại Việt Nam

Phía Starlink cho biết, sau khi thanh toán tiền dịch vụ đầy đủ, người đăng kí sẽ được cung cấp bộ sản phẩm bao gồm chảo vệ tinh Starlink, bộ định tuyến WiFi, nguồn điện, cáp và giá đỡ. Starlink cũng cam kết hoàn trả lại tiền đặt cọc cho người sử dụng trong trường hợp đổi ý.

kit
Bộ sản phẩm dịch vụ của Starlink | Nguồn: Network Computing

2. Dự án Starlink - hay công nghệ Internet vệ tinh là gì?

Starlink là dự án phủ sóng Internet toàn cầu đầy tham vọng của SpaceX, công ty công nghệ hàng không vũ trụ được sáng lập bởi tỷ phú Elon Musk. Starlink hoạt động dưới dạng một chòm sao nhân tạo, bao gồm các vệ tinh quỹ đạo thấp hoạt động kết hợp với các bộ thu phát trên mặt đất nhằm thu phát tín hiệu Internet.

starlink
Một vệ tinh của Starlink | Nguồn: Universe Today

Công nghệ này cho phép phủ sóng Internet tốt hơn mạng di dộng truyền thống, cho phép tín hiệu Internet vươn tới những khu vực xa xôi như miền núi hay hải đảo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa tại Việt Nam khi vẫn có khoảng 23% khu vực lãnh thổ chưa được tiếp cận với Internet.

Để phục vụ tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu của mình, Starlink dự định phóng tổng cộng hơn 13 nghìn vệ tinh quỹ đạo thấp lên không gian. Tính đến thời điểm hiện tại, họ đã phóng thành công 1261 vệ tinh dạng này.

3. Dự án Starlink hiện đã có mặt ở đâu?

Hiện tại, dịch vụ của Starlink chỉ được giới hạn ở tây bắc Hoa Kỳ, các vùng lân cận của Canada, một số vùng của Vương quốc Anh và một số khu vực khác. Tuy nhiên, tầm phủ sóng của Starlink sẽ phát triển đáng kể khi có thêm nhiều vệ tinh được phóng lên quỹ đạo.

Elon Musk cho rằng dịch vụ của Starlink hy vọng sẽ đủ khả năng cung cấp cho toàn thế giới vào năm 2022, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc vào tiến độ phóng vệ tinh cùng quá trình làm việc với các chính phủ.

4. Công nghệ Internet vệ tinh có ưu điểm gì?

Theo Starlink, trong thời gian thử nghiệm, đơn vị này có thể cung cấp cho người dùng khả năng truy cập Internet với tốc độ đường xuống trong khoảng từ 50-150 Mbps và độ trễ từ 20-40 ms. Đây là những thông số khá tốt, cho thấy sự hiệu quả của công nghệ này.

Một lợi thế nổi bật khác của Internet vệ tinh là tầm phủ sóng rất rộng. Trong trường hợp được triển khai tại Việt Nam, dịch vụ Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như rừng, đồi núi, hải đảo.

rural
Internet vệ tinh được kì vọng giúp phủ sóng đến những khu vực xa xôi | Nguồn: PC Mag

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh còn được kì vọng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và hàng không. Đây là những ngành kinh tế có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế về vấn đề thông tin, liên lạc.

5. Công nghệ này có nhược điểm nào không?

Nhược điểm lớn nhất của Internet vệ tinh là giá thành dịch vụ cao. Hiện nay, chi phí để sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink vẫn cao gấp từ 7-8 lần so với giá dịch vụ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam. Cụ thể, ngoài khoản tiền “đặt cọc” 99 USD ban đầu, người dùng còn phải chi số tiền 594,3 USD để nhận bộ trang thiết bị từ Starlink dành riêng để kết nối Internet vệ tinh.

Quá trình lắp đặt và điều kiện sử dụng của Internet vệ tinh cũng là trở ngại với người dùng. Theo đó, để nhận được tín hiệu Internet từ vệ tinh, người dùng phải gắn chảo vệ tinh trên mái nhà của mình vì ngay cả những vật cản nhỏ như cây xanh hay cột điện cũng có thể làm gián đoạn dịch vụ.

roof
Chảo vệ tinh của Starlink cần được gắn trên mái nhà | Nguồn: LaptrinhX

6. Dự án Starlink có hợp pháp ở Việt Nam hay không?

Theo ông Hoàng Minh Cường - cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông), ở thời điểm hiện tại Starlink chưa có Thoả thuận cho phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đơn vị do vậy chưa được phép cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết mới đây Cục Viễn thông có nhận được thông tin liên hệ từ đại diện của dự án Starlink đề nghị giới thiệu về dự án. Phía Starlink cũng muốn tìm hiểu về các quy định pháp lý cần thực hiện trong trường hợp đơn vị muốn tiến hành cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Rào cản đến công cuộc phủ sóng tại Việt Nam của Starlink vẫn còn khá lớn. Theo quy định, dự án Internet vệ tinh của Elon Musk phải có thoả thuận thương mại với doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông với phương thức truyền dẫn qua vệ tinh. Ngoài ra, Starlink cũng có thể thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để được đề nghị cấp phép.

7. Đã có nhà mạng Việt Nam nào có ý tưởng áp dụng công nghệ này chưa?

Mới đây, nhà mạng Viettel cho biết họ đang đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp với khả năng phủ sóng tốt hơn mạng di động. Theo ông Lê Bá Tân - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, Việt Nam nên xem xét việc nghiên cứu cung cấp dịch vụ Internet thông qua chùm vệ tinh quỹ đạo thấp do phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có đủ tiềm lực để tự triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp. "Nhà mạng sẽ phải sử dụng, phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh có sẵn của các công ty nước ngoài", ông Tân cho biết.

cover
Việt Nam cũng có tham vọng phủ sóng quốc gia bằng Internet vệ tinh | Nguồn: Tech Times

Với những tiến triển mới nhất, việc phủ sóng Việt Nam bằng Internet vệ tinh có lẽ không còn là ý tưởng xa vời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết trước khi công nghệ này thực sự được đưa vào áp dụng.