Vingroup dừng sản xuất điện thoại Vsmart! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vingroup dừng sản xuất điện thoại Vsmart!

Tại sao Vingroup lại quyết định dừng sản xuất Vsmart? Nước đi này có ảnh hưởng gì tới người dùng?

Vingroup dừng sản xuất điện thoại Vsmart!

Nguồn: Vsmart

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Chiều 09/05, tập đoàn Vingroup đưa ra thông báo sẽ dừng sản xuất mảng điện thoại và TV. Thay vào đó, toàn bộ nguồn lực sẽ được dồn vào để sản xuất xe điện thông minh. 

Đối với các sản phẩm đã được bán ra thị trường thì vẫn được áp dụng các chế độ bảo hành, "cho đến ngày khách hàng không còn sử dụng sản phẩm nữa”. Ngoài ra vẫn sẽ có một bộ phận chuyên thiết kế phần mềm tiếp tục nâng cấp và cập nhật cho các điện thoại Vsmart trên thị trường. 

2. Vsmart đã làm được gì?

Dù chỉ xuất hiện trên trong vòng 3 năm nhưng Vsmart đã đạt được những thành tựu đáng kể với 19 mẫu điện thoại và 3 triệu sản phẩm được bán ra thị trường. 

Theo số liệu tháng 04/2020 thì Vsmart chiếm thứ 3 tại thị trường (sau Samsung và Oppo). Đây là một điều mà chưa hãng điện thoại Việt nào đã làm được. Bên cạnh đó Vsmart cũng đã tiến được vào thị trường Mỹ dưới sự phân phối của nhà mạng AT&T.  

3. Điều gì dẫn tới quyết định của Vingroup?

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết rằng việc sản xuất điện thoại hay TV thông minh không mang lại đột phá và tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng.

Trước đó tập đoàn này cũng đã dần rút lui khỏi nhiều mảng như bán lẻ (VinPro, VinMart), hàng không (Vinpearl Air) hay Tập đoàn tài chính Vincom. Có thể thấy hiện tại Vin đang tập trung dồn nguồn lực của mình vào VinFast.

xe điện vinfast
Xe ô tô điện của Vinfast | Nguồn: VnExpress

4. Thị trường di động đang bão hòa?

Tại Việt Nam dễ thấy trong dòng điện thoại cao cấp thì Apple và Samsung vẫn nhiễm nhiên dẫn đầu. Đối với phân khúc trung tới thấp, chiếm 50% vẫn là những dòng điện thoại tới từ Trung Quốc như Oppo, Xiaomi đây cũng là những đối thủ trực tiếp của dòng điện thoại “made in VietNam".

Thị trường điện thoại Việt Nam cũng đã quen với những ngôi sao sớm lụi tàn như dòng điện thoại Mobiistar vào năm 2019. Tới bây giờ thì chỉ còn điện thoại Bphone của Bkav vẫn còn trụ lại trên thị trường. 

Đây có lẽ là xu hướng chung trên thị trường khi mà ngay cả ông lớn LG cũng phải từ bỏ cuộc chơi điện thoại khi liên tiếp thua lỗ 23 quý. 

5. Xe điện đang là xu hướng mới?

Bản thân LG hiện tại đang đàm phán với tập đoàn ô tô khổng lồ General Motors của Hoa Kỳ về việc xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện liên doanh thứ hai tại Hoa Kỳ. Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có những hãng smartphone như Huawei, Xiaomi,... cũng tham vọng tiên phong trong lĩnh vực xe điện với tổng đầu tư lên tới 19 tỷ USD. 

Xe điện đang dần chiếm ưu thế trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam. Khảo sát cho thấy 33% người dân Việt Nam muốn chuyển qua sử dụng xe điện. Việc VinFast tập trung vào sản xuất xe điện giúp Việt Nam đón đầu với xu hướng thị trường cũng như tạo điều kiện cho người Việt tiếp cận với xe điện ở giá thành phù hợp.

6. Vị trí của Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghệ?

Việt Nam ​​đang có dòng vốn đầu tư công nghệ cao tăng mạnh trong khu vực. Ngoài ra Việt Nam là quốc gia thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G. Từ "không làm nổi con ốc vít", Việt Nam đã tự sản xuất điện thoại thông minh, xe điện và cả loa thông minh  cho người Việt.

Sự chuyển đổi kỹ thuật số đã giúp Việt Nam trở nên nổi bật ở lĩnh vực này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong thời kỳ Công nghiệp 4.0 đi kèm với sự thúc đẩy của Chính phủ trong việc chuyển đổi số quốc gia và ủng hộ hàng “made in Vietnam" đã tạo điều kiện cho các công ty trong nước dần ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.   

7. Người Việt ngày càng yêu hàng Việt?

Dù khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt vẫn luôn được hô hào nhưng có vẻ vẫn có một sự “ngại dùng" sản phẩm Việt và ưu tiên đồ “ngoại". Theo Forbes, xu hướng này của người Việt khá giống với người Trung Quốc cách đây vài năm. 

Thu nhập cá nhân tăng khiến người Trung Quốc chọn đồ ngoại nhưng rồi quay lại với hàng nội địa. 78% người Trung Quốc trả lời rằng lòng yêu nước là thứ thúc đẩy họ sử dụng hàng nội địa. Tuy nhiên sự gia tăng của chất lượng các sản phẩm nội địa Trung là lý do đằng sau thúc đẩy hành động mua vì yêu nước này.

Những dấu hiệu này đã dần xuất hiện ở người tiêu dùng Việt khi những nhà sản xuất đã đánh đúng tâm lý mê hàng rẻ nhưng chất lượng. Sự lên ngôi của các thương hiệu trong nước, từ thời trang tới công nghệ, đã dần chứng minh được vị trí của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng.