Tranh cãi cũng vui, nhưng truyền thông cần ưu tiên sự đồng tương trợ | Vietcetera
Billboard banner

Tranh cãi cũng vui, nhưng truyền thông cần ưu tiên sự đồng tương trợ

Chúng ta đã ngập ngụa trong phê phán, giờ hãy cùng đi tìm giải pháp.
Tranh cãi cũng vui, nhưng truyền thông cần ưu tiên sự đồng tương trợ

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Vấn đề xã hội thì khi nào cũng có. Vị trí của truyền thông chỉ là đóng gói câu chuyện đó lại và thuyết phục độc giả rằng "đây là vấn đề bạn cần phải quan tâm!" Như bài viết của PGS. TS Nguyễn Phương Mai, truyền thông có thể khiến mọi ánh nhìn đổ dồn về bi kịch của em bé bị lọt xuống trụ bê tông. Tình cảnh cá nhân và gia đình của em bé nghèo khó và gần như bị xã hội bỏ quên, cứ "zoom-in" là càng thấy rõ, khiến dư luận rúng động.

Nhưng tự hỏi, còn bao nhiêu em bé với tình cảnh tương tự tồn tại trên mảnh đất hình chữ S này? Và trên thế giới nữa. Còn bao nhiêu tình cảnh đau khổ, còn bao kiếp sống bị mắc kẹt ở thế "tiến thoái lưỡng nan" nhưng hoàn toàn vô hình trong não trạng xã hội nếu như không có truyền thông mô tả? Và vì thế câu hỏi lớn hơn chúng ta cần phải trả lời là trách nhiệm của mình, với tư cách độc giả là gì, khi đọc được những điều tiêu cực trên internet?

Một cách mặc định, ta cho rằng những điều xấu xa bên ngoài kia là những thực tế hoàn toàn xa cách với bản thân mình. Cầu nối giữa độc giả với tiêu cực xã hội, có lẽ chỉ là đường truyền internet. Đôi lúc là một bài báo khiến bạn nổi xung lên. Và hầu hết là những cơn bão trên mạng xã hội, nơi bạn cảm thấy mình có "nghĩa vụ" phải nói vì ai cũng nói về chuyện tương tự. Điều gì sẽ xảy ra khi một thảm hoạ thời tiết đã qua đi, khi một đứa trẻ gặp tai nạn được cứu, khi một người có chức quyền bị bắt vì hành vi tiêu cực? Vấn đề xã hội tiếp tục chẳng liên quan gì đến chúng ta nữa.

Tôi không có vấn đề với việc xã hội có những thảo luận lành mạnh về tiêu cực xã hội, vì khi ấy chúng ta thực sự suy nghĩ về giải pháp. Điều tôi không đồng ý đó là thái độ tranh luận, thậm chí là tranh cãi, về đạo đức xã hội xuống cấp, về người nghèo lại càng nghèo, về chính trị thế giới vĩ mô, v.v. chỉ để xả bực và sướng mồm. Đúng, hả giận là một hành vi cần thiết vì bạn sẽ không phải nghĩ mãi về cái bực ấy mà có thời gian để làm việc khác. Nhưng sự "xả" không những không giải quyết được vấn đề xã hội, mà còn tạo ra thêm nhiều vết thương, đối với tôi là hoàn toàn vô nghĩa.

Đã đến lúc ta cần phải thật thà với nhau và tự đánh giá, xem những lời đánh giá giận dữ, đanh đá, đôi lúc đầy hoa mỹ và hàn lâm, lúc khác thì bỗ bã và phản cảm, có thực sự cần thiết?

Sau sự việc em bé lọt xuống trụ bê tông, tôi bỗng nghĩ, bao lời cầu nguyện và tình đoàn kết giữa các công dân mạng vốn dĩ chưa từng gặp mặt nhau, nhưng nếu từng va chạm trên mạng thì nhiều khả năng là không thể ngửi được nhau, mới đẹp làm sao. Vẻ đẹp nằm ở sự tương trợ: ai cần trợ giúp, ai có gì có thể trợ giúp, đám đông cùng nhau thực hiện. Họ có thể dừng lại mấy ngày không phê phán chính quyền, không đổ lỗi cho cha mẹ nạn nhân, không dạy khôn cho lực lượng cứu hộ xem đào đất thế nào mới là đúng...

Họ tập trung thứ tình cảm nồng ấm và chân thành mà tôi tin rằng ai cũng có nếu như là con người, đến đứa trẻ kẹt dưới lòng đất và cha mẹ em ấy.

Suy nghĩ tích cực theo kiểu, dù sao thì mọi thứ sẽ tốt lên thôi, dường như chẳng có tác dụng gì cả. Nhưng sự hi vọng thì có tác dụng. Để hi vọng thành hiện thực, chúng ta phải làm nó cùng với nhau. Hi vọng là chung thuỷ với niềm tin rằng có một tương lai chung mà tất cả đều là một phần và cùng nhau xây dựng, dù chúng ta khác nhau tới đâu. Hi vọng tức là cùng ngồi xuống và tin vào sức mạnh của sự đồng tương trợ (mutual aid) và tình chăm sóc (care).

Truyền thông, thay vì chỉ đăng tin xấu, thay vì chỉ tập trung vào sự giật gân và scandal trong các cuộc khủng hoảng xã hội, thì hãy ưu tiên tình chăm sóc giữa người với người. Vì sự chăm sóc là điểm chung phổ quát nhất con người cùng có với nhau. Khác với chó sói hay rùa biển, con người từ khi chỉ là đứa trẻ sơ sinh, cần sự chăm sóc của người khác để tồn tại. Và dấu hiệu của các nền văn minh là sự chăm sóc, chữa bệnh, và chờ đợi giữa người lành lặn và người cần sự giúp đỡ. Sự chăm sóc là điều tốt đẹp nhất của chúng ta.

Chăm sóc, khác với thể hiện quan điểm và tranh luận, không đến từ một dục vọng phía trong, mà đến từ yêu cầu bên ngoài. Khi quyết định chăm sóc một ai, chúng ta chấp nhận gánh trên mình gánh nặng của người khác. Điều này hoàn toàn trái ngược với cảm giác thoả mãn và dễ chịu khi bạn viết một bình luận phản biện có nhiều hơn 100 likes trên bài viết của một KOL mà bạn ghét bỏ.

Tôi biết thật khó để truyền thông không chạy đuổi theo tương tác bằng cách làm thoả mãn độc giả: hãy đọc đi, hãy lướt đi, hãy khó chịu và tương tác với chúng tôi. Nhưng truyền thông kêu gọi sự chăm sóc, đầu tiên là đồng cảm, sau đó là tính toán những nguồn lực cần thiết để độc giả tương trợ đối tượng đang kiếm tìm sự tương trợ họ xứng đáng. Đó mới là truyền thông bền vững.

Khi ấy, internet sẽ không còn là nơi để cãi nhau nữa.