Một thập kỷ trước, trong các quầy hàng và tiệm cà phê trên khắp Sài thành lần đầu tiên xuất hiện những thanh chololate được bọc trong lớp giấy trang nhã, với dòng chữ óng ánh sắc vàng tôn vinh tên tuổi những tỉnh thành của Việt Nam – nơi xuất xứ của loại hạt cacao làm ra mỗi thanh chocolate.
Lúc bấy giờ, ít ai biết rằng những thanh chocolate ‘made in Vietnam’, mang cái tên Marou, Faiseurs de Chocolate này sẽ nổi tiếng trên toàn thế giới.
Câu chuyện của Marou bắt đầu từ chính cuộc gặp gỡ định mệnh vào năm 2010 của hai nhà sáng lập: Vincent Mourou (một cựu chuyên gia trong ngành quảng cáo) và Samuel Maruta (cựu giám đốc ngân hàng).
Khi cùng tham gia chuyến cắm trại xuyên rừng ở miền nam Việt Nam, Vincent và Samuel đã tìm thấy sự đồng điệu trong suy nghĩ, và nhanh chóng bắt tay nhau rẽ hướng vào con đường làm chocolate.
Sau khi đến thăm vài nghìn mẫu cacao đang phát triển ở quanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cả hai đã quyết định tìm hiểu tiềm năng sản xuất chocolate ở Việt Nam - điều mà chưa ai làm trước đây.
Thảo cho biết, “Khi mới làm việc ở Marou hồi năm 2012, tôi đã đi khảo sát thị trường và thấy rằng Việt Nam không có nhà sản xuất nào làm chocolate trực tiếp từ hạt cacao cả. Thậm chí nhiều người dân còn không biết là nước mình có trồng cacao. Nông dân chẳng biết phải làm gì với cacao nên họ đành phải xuất khẩu với giá rẻ."
Vincent và Samuel mong có thể khai thác được tiềm năng của nguồn cacao này. Bằng cách sản xuất ra loại chocolate đậm chất Việt Nam và giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế, họ đã thành công trả lại chỗ đứng xứng đáng cho ngành cacao Việt Nam, và đồng thời, cũng mang về nhiều giá trị tốt đẹp cho đất nước.
Vincent chia sẻ, “Không có nhiều nơi sản xuất và xuất khẩu chocolate được làm từ chính địa phương trồng cacao. Mô hình sản xuất chocolate thông thường là một nước xứ lạnh sẽ nhập khẩu cacao từ vùng nhiệt đới rồi sản xuất thành chocolate - công đoạn này tuy giúp gia tăng giá trị sản phẩm, nhưng lại không mang lại giá trị cho nước xuất xứ của hạt cacao. Và đó là điều mà Marou muốn thay đổi."
Chuyến hành trình bắt đầu
Hứng khởi với ý tưởng rong ruổi khắp vùng nông thôn Việt Nam để ‘săn lùng’ cacao, Vincent và Samuel đã mua một chiếc Citroen La Dalat cũ ở Bảo Lộc, rồi lên đường. Khi Vietcetera cùng dành một ngày dạo phố với Vincent trong con xe La Dalat vào năm 2018, Vincent tâm sự rằng, vì là doanh nghiệp tiên phong trong ngành sản xuất chocolate từ hạt cacao tại Việt Nam nên lúc đầu cả hai đã rất chật vật. “Hồi đó chúng tôi liều thật đấy,” Vincent vừa cười vừa kể.
Vì không có người đi trước để học hỏi, cũng không có máy móc chuyên dụng, Vincent và Samuel phải tự học làm mọi thứ, vừa làm kỹ sư chế tạo máy móc vừa kiêm cả thợ chocolate, còn phải ngụp lặn ở các khu chợ địa phương để tìm mua thêm thiết bị và cải tạo lại cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Cuối cùng, họ đã thành công ra mắt thương hiệu Marou, Faiseurs de Chocolat vào tháng 11/2011, chỉ 9 tháng sau khi nhen nhóm ý tưởng. Ngay sau đó, cặp bài trùng đã mang chiếc vali chứa đầy chocolate đến tham dự hội chợ triển lãm ở Hồng Kông, Paris và Singapore cũng như bày bán trong các cửa hàng ở Việt Nam.
Suốt chặng đường mười năm qua, theo như Thảo nói, thì Marou đã “xây dựng nên mọi thứ từ con số 0” (from nothing to everything).
“Hồi đó văn phòng chỉ lác đác vài người thôi, nhưng bây giờ chúng tôi có một đội ngũ nhân viên đông đảo, làm việc ở nhiều địa điểm và điều hành các nhánh sản phẩm khác nhau. Được chứng kiến quá trình phát triển của Marou cho đến bây giờ là một điều tuyệt vời.”
Tốc độ bành trướng của Marou cũng rất đáng nể. Hiện, các sản phẩm của Marou đã có mặt trong các quầy hàng đặc sản trong và ngoài nước. Còn ở những cửa hàng Marou ở Việt Nam, bên cạnh những thanh chocolate trứ danh, họ còn bán các loại bánh ngọt và thức uống với nguyên liệu chính là chocolate nguyên chất được làm thủ công trực tiếp ngay tại quán.
Vincent nhớ lại, “Ban đầu chỉ có mình tôi và Sam, nhưng giờ đây đã có thêm 177 nhân viên cùng đồng hành với chúng tôi trên hành trình này. Chúng tôi đã mở cửa hàng Maison Marou đầu tiên trên đường Calmette (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) hồi năm 2016, rồi tiến ra Hà Nội vào năm 2017, và mở thêm Maison Marou Thảo Điền vào năm ngoái.
Chúng tôi xuất khẩu chocolate sang hơn 20 quốc gia, đang trong giai đoạn ra mắt dòng sản phẩm hoàn toàn mới, và sắp tới đây là mô hình Marou Station với mục tiêu chủ động mang sản phẩm lại gần hơn với người tiêu dùng hơn.”
Những khoảnh khắc ‘đầu tiên’
Khi được hỏi đâu là những khoảnh khắc quan trọng trong những ngày đầu gầy dựng cơ nghiệp, Vincent liền liệt kê những cái ‘đầu tiên’ – lần đầu gặp gỡ nhà đồng sáng lập Sam (tên thân mật của Samuel); lần đầu đi tìm và rang hạt cacao; lần đầu mang chocolate ra thế giới trong hội chợ triển lãm Hồng Kông và gây được sự chú ý của các nhà sản xuất chocolate có tiếng khác; mở nhà máy đầu tiên ở ngoại ô Sài Gòn nhờ sự giúp đỡ của nhà sản xuất chocolate nổi tiếng Arnaud Normand.
Tiếp đó là đơn hàng đầu tiên bán cho Oasis Deli ở Thảo Điền, mời được đầu bếp Stephanie Aubriot thiết kế thực đơn cho cửa hàng Maison Marou, được FDA chứng nhận vào năm 2018, và tất nhiên không thể thiếu sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Calmette.
Tuy nhiên, một trong những thời điểm mang tính bước ngoặc nhất với Marou lại vào một ngày hết sức bình thường vào tháng 2/2012. Đó là ngày Thảo bước vào Marou xin việc. Khi đó, Thảo đang làm việc ở Snap Cafe ngay bên cạnh Oasis Deli và thấy tấm áp phích kể câu chuyện của Marou được treo trên tường.
Thảo kể, “Tôi thấy bức ảnh của Sam và Vincent đứng giữa những cây cacao. Khi đọc được câu chuyện về cú bắt tay giữa một cựu nhân viên ngân hàng và cựu nhà làm phim, tôi đã được truyền cảm hứng rất nhiều. Ngay lúc đó tôi nhận ra mình muốn làm việc cho Marou và trở thành một phần trong hành trình này.”
Một tuần sau, Thảo xin nghỉ công việc ở Snap Cafe và gia nhập Marou.
Mặc dù hiện nay Thảo đang là Điều phối viên Dự án Đột phá, nhưng suốt 9 năm cùng Marou, Thảo hầu như đã đảm nhiệm qua mọi vị trí – từ nhân viên đào tạo và phát triển, cho đến quản lý bán hàng trong nước và quản lý xuất khẩu.
Làm việc cho một công ty coi trọng thử nghiệm và mạo hiểm, Thảo cũng như nhiều đồng nghiệp khác của cô đã được thử sức ở nhiều vai trò khác nhau và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
“Thảo là người đã chăm chút cho từng đợt hàng xuất khẩu đầu tiên của chúng tôi. Khi đó cũng là lúc Marou lần đầu được các nhà phân phối nước ngoài và người hâm mộ chocolate trên thế giới để ý đến,” Vincent kể lại.
Thảo đến với Marou ngay vào thời điểm mấu chốt nhất. Nhờ nỗ lực của cô ấy trong quá trình xuất khẩu của Marou mà các thành viên ủy ban của hội chợ chocolate lớn nhất thế giới Salon du Chocolat đã được nếm thử vị chocolate đầu tiên của Việt Nam. Ngay lập tức, họ đã mời Marou tham dự sự kiện danh giá này với tư cách là “Nhân tài mới trong ngành chocolate” (New Talent in Chocolate).
Vincent hồi tưởng lại, “Chúng tôi được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trên các tờ báo lớn của Pháp. Gia đình chúng tôi rất ngạc nhiên và chính chúng tôi cũng vậy! Một đêm nọ, hai chúng tôi đang ngồi trong taxi thì nghe tin là Marou được lên báo Le Parisien (nhật báo hàng đầu của Pháp). Chúng tôi đã hét lên với tài xế cho xe dừng lại, rồi nhảy vọt khỏi taxi, chạy đến ki-ốt để lấy một tờ báo. Họ dành hẳn một trang báo để nói về chúng tôi đấy… điều đó thật phi thường. ”
Được công nhận bởi những vị đầu bếp uy tín nhất
Chất lượng của các thanh chocolate Marou đời đầu đã được kiểm chứng bởi Michel Roux – vị bếp trưởng huyền thoại đạt 3 sao Michelin, và Pierre Hermé – đầu bếp chuyên về bánh ngọt và chocolate được bầu chọn số một thế giới vào năm 2016.
Khi được Roux công nhận, Vincent kể, “Sam và tôi đều không nói nên lời. Và cũng nhờ ông Roux mà chúng tôi mới gặp được đầu bếp hiện tại của mình là Stephanie.
Về phần Pierre, khi chúng tôi ở Paris, Pierre đã hẹn gặp chúng tôi tại văn phòng của anh ấy trong một tòa nhà cổ kính. Pierre đã đặt các thanh chocolate Marou trước mặt và nói với chúng tôi, ‘Tôi đã giữ những thanh chocolate này suốt tám tháng và chờ được thử chúng cùng với hai bạn.’
Rồi hai chúng tôi giới thiệu với Pierre từng thanh chocolate và kể cho anh nghe về nguồn gốc, câu chuyện và hương vị của chúng."
Vincent cười nói, “Thực ra lúc đó chúng tôi rất lo sợ. Pierre là một nhân vật cực kì quan trọng và anh ấy cũng không nói nhiều! Nhưng đó là khoảnh khắc phi thường đối với chúng tôi ”.
Vòng quanh thế giới và trở lại Việt Nam
Marou Chocolate đã thành công thu hút sự chú ý của thị trường quốc tế bốn năm trước khi mở cửa hàng flagship đầu tiên ở Việt Nam.
Vincent tiết lộ, “Thú vị là trong nhiều năm qua, tên tuổi thương hiệu của chúng tôi lớn mạnh hơn nhiều so với doanh thu.
Trong những năm đầu, mọi người nghĩ chúng tôi là một công ty quy mô lớn, nhưng không phải vậy - chúng tôi chỉ có 15 hoặc 20 nhân viên và mọi thứ diễn ra rất đơn giản. Nhưng thương hiệu của chúng tôi mang tầm quốc tế, thu hút sự chú ý của The New York Times, có mặt ở 20 quốc gia, và giành được giải thưởng danh giá. "
Điều gì trong thanh chocolate Marou khiến cho mọi người sục sôi như vậy?
“Tôi nghĩ có hai điều. Thứ nhất là chúng tôi mang đến hương vị chocolate mới mẻ, đến từ vùng đất hoàn toàn mới trong bản đồ ngành chocolate. Những người yêu thích chocolate chưa bao giờ được nếm hương vị như thế trước đây, một hương vị gợi nhớ đến vùng Madagascar hoặc Indonesia, nhưng rất độc đáo.
Điều thứ hai là, chúng tôi đã truyền cảm hứng cho mọi người! Những người sống trong các căn phòng chật hẹp ở London đã viết thư cho chúng tôi và chia sẻ về ước mơ của họ. Thông điệp này được lan toả qua các thanh chocolate, qua hình ảnh và câu chuyện đằng sau Marou – những người theo đuổi đam mê và không thoả hiệp.”
Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Calmette vào năm 2016, Marou mới thực sự thành công ở thị trường Việt Nam. “Năm 2015, khi tầng lớp trung lưu ở Việt Nam bắt đầu rộng rãi trong chi tiêu hơn, chúng tôi đã nhìn thấy được cơ hội để mở ra Maison Marou. "
Dù đã thành công mang chocolate Việt Nam ra thế giới, nhưng khi quay về đến thị trường trong nước, Marou phải chật vật thuyết phục người Việt Nam tin rằng quê hương của họ là xuất xứ của loại cacao chất lượng thuộc hàng đầu thế giới và hoàn toàn có thể sản xuất chocolate nguyên chất mà không lạm dụng đường hay chất phụ gia nào.
“Hầu như người Việt thấy điều này thật khó tin. Họ không thể tin được là chúng tôi thực sự sản xuất chocolate ở chính Việt Nam và còn đang phát triển rất tốt. Khó mà tưởng tượng có một thương hiệu đạt được mức độ thành công nhất định, không chỉ khiến chính người Việt chú ý mà còn đã thu hút được thị trường quốc tế.”
Uy tín trên toàn cầu cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đã giúp Marou trở nên thành công ở quê nhà cũng như trên mặt trận quốc tế.
“Khi mới thành lập Marou, doanh số xuất khẩu chiếm khoảng 75% trong khi lượng bán ra trong nước chỉ vỏn vẹn 25%. Ngay trước khi đại dịch xảy ra vào năm 2020, xuất khẩu chỉ còn chiếm 15% doanh số và 85% còn lại là từ bán hàng nội địa. ”
Điều này không có nghĩa là lượng xuất khẩu giảm, chỉ là doanh số bán hàng của Marou tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Người ta dần tìm đến các cửa hàng của Marou và các cửa hàng đặc sản trên khắp cả nước để mua được thanh chocolate nức tiếng.
Sự mất mát giữa chặng đường
Khi chúng ta nhìn lại hành trình 10 năm vừa qua của Marou, cái tên Samuel Maruta – người cộng sự thân thiết của Vincent luôn xuất hiện xuyên suốt, cho đến ngày 06/01/2021, Sam đã qua đời ở Pháp khi chỉ mới 46 tuổi.
Sự ra đi của Sam là một mất mát lớn với cả đại gia đình Marou, và để lại sự thương tiếc cho những người ở lại như Vincent và Thảo.
“Sam là một trong những người phi thường nhất, quan trọng nhất, và người bạn tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Chúng tôi rất tôn trọng lẫn nhau, vì những gì chúng tôi muốn hướng đến và những giá trị mà chúng tôi sở hữu. Nền móng của Marou chính là các giá trị chung này và chúng tôi tâm sự với nhau rất nhiều về vấn đề giá trị khi mới thành lập công ty. ”
Vincent tiếp tục, “Sam là một người rất thông minh, thích đọc sách, hiểu biết về văn hóa và rất nhân văn. Anh ấy vừa cư xử như một nghệ sĩ, nhưng cũng cực kì lý trí. Sam cũng rất có tinh thần phiêu lưu, luôn sẵn sàng khám phá rừng sâu và tự nhiên. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau.”
Di sản của Sam và thanh chocolate The Phở Spice Bar, ‘Một bài ca tới Việt Nam’
Dù sự ra đi của Sam để lại ảnh hưởng không nhỏ, Vincent quyết định phấn chấn lại và tích cực nhìn vào những gì người bạn mình đã nỗ lực để lại cho tương lai của Marou.
“Sam để lại cho chúng tôi một di sản tuyệt vời. Lúc Covid ập tới cũng là lúc thách thức chồng chất. Chúng tôi muốn đẩy nhanh tiến độ tại Marou, nên đã tìm kiếm đối tác đầu tư vào công ty. May mắn thay, chúng tôi đã kịp làm điều đó cùng nhau.
Các đối tác đã hiểu rõ về Sam, họ đánh giá cao tầm nhìn của chúng tôi và cam kết sẽ đầu tư. Vì vậy, khi Sam qua đời, anh ấy đã hoàn tất mọi điều cần lo hết rồi. Tôi cũng không bị bỏ lại một mình với những câu hỏi chưa được trả lời như ‘Sam muốn điều gì?’ Anh ấy đã vẽ sẵn cho chúng tôi lộ trình cho tương lai.
“Năm nay, chúng tôi chưa bao giờ năng động như vậy. Cùng với việc giới thiệu mô hình Marou Stations tới người tiêu dùng, chúng tôi cũng cho ra mắt một dòng chocolate mới mang tên “Marou Bar”. Ngoài ra, Marou cũng rất háo hứng được trình làng dòng chocolate năng lượng có tên “Iron Bar” vào tháng 1/2022.”
Có một điều mà Sam mong muốn được thực hiện trong những năm đầu thành lập Marou đã trở thành hiện thực. Vào một ngày rời nhà máy để ăn trưa và đi ngang qua tiệm phở, Sam bắt gặp một mớ gia vị đang được nướng trên củi lửa - hoa hồi, bạch đậu khấu, hạt ngò, quế và đinh hương.
Sam luôn có cách riêng để kết hợp những thành chocolate Việt nam với các loại gia vị xung quanh.
“Năm nay, đầu bếp chocolate tài năng của chúng tôi ở Maison Marou Sài Gòn là Định Phan, đã kết hợp pha trộn giữa chocolate và những loại gia vị nêu trên một cách sáng tạo. Kết quả chính là dòng sản phẩm ‘Vietnam Phở Spice Bar’ sẽ được ra mắt thực khách vào ngày 10/12 để kỷ niệm dấu mốc 10 năm của chúng tôi.”
Thảo hào hứng tiếp lời, “Hương vị của dòng sản phẩm mới rất lạ thường. Các loại gia vị được dùng trong phở được thêm vào làm tăng hương vị nồng ấm cho sản phẩm nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của chocolate, chứ hoàn toàn không phải như mọi người tưởng tượng là vị như tô phở.”
Vincent nói thêm, “Sản phẩm này là một lời cảm ơn của chúng tôi đối với Việt Nam, một bài ca dành cho Việt Nam. Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một điều thú vị mang tính kỷ niệm. Hương vị của sản phẩm này có rất nhiều tầng, bạn sẽ được dẫn dất đi hết tầng vị này đến tầng vị khác: ban đầu là thảo quả, sau đó đến vị hoa hồi,...”
Gần đến hồi cuối của cuộc trò chuyện, Thảo chia sẻ về lộ trình mà Marou hướng đến trong thập kỷ tiếp theo. Với việc tung ra mô hình Marou Stations và một loạt các sản phẩm mới, toàn bộ nhân lực của Marou đã tập hợp lại vào đầu năm nay để trình bày tầm nhìn của họ đến năm 2025 như một gia đình, với sự đóng góp ý kiến của mọi thành viên.
Tầm nhìn giữ cho tinh thần phiêu lưu luôn rực cháy trong Marou. “Thật tuyệt khi tất cả chúng tôi đã cùng nhau tạo ra tầm nhìn này. Những gì chúng tôi đang làm là cố gắng giữ lửa tinh thần và sức sáng tạo đó không bao giờ tắt.”
Cô ấy kết thúc với một nụ cười, "Chúng tôi giữ cho tinh thần đó luôn sống mãi bằng bằng cách nếm tốt để làm tốt.”
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm
Các sản phẩm của Marou, Faiseurs de Chocolat có thể được mua tại:
Maison Marou Thảo Điền
90 Xuân Thủy, Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức
Maison Marou Sài Gòn
167-169 Calmette, Quận 1, TP.HCM
Maison Marou Hà Nội
98 Thợ Nhuộm, Hà Nội
Marou Stations:
Thảo Điền Pearl, 12 Quốc Hương, Thành phố Thủ Đức
Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, Quận 7, TP.HCM
Gigamall, 242 Phạm Văn Đồng, Thành phố Thủ Đức
Takashimaya, 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP. HCM
Le Square Epicier Fin
186 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức
Toàn bộ cửa hàng thuộc hệ thống Annam Gourmet