Tùng: "Đừng tin mấy thằng viết nhạc!" | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 03, 2021
Sáng TạoÂm Nhạc

Tùng: "Đừng tin mấy thằng viết nhạc!"

Gặp gỡ Tùng — giọng ca đằng sau "Con Chim Trên Cành Hát Về Tình Yêu, và nghe anh tâm sự về album đầu tay 26: Individualism.
Tùng: "Đừng tin mấy thằng viết nhạc!"

Tùng biểu diễn tại 'À Ơi Show #1' ngày 26 tháng 3 vừa qua | Nguồn: Lê Nghĩa cho Vietcetera

Chúng tôi ghé xem À Ơi Show #1: Tùng vào tối thứ 6 hơi oi ả. Sân khấu tại Homeland Artist là một không gian khiêm tốn nhưng đầy tính nghệ. Tùng xuất hiện với trang phục trắng-đen giản dị, rồi cứ thảnh thơi cất tiếng ca. Âm nhạc của Tùng mang một sức hút lạ kỳ; đến cuối show, mọi người ai cũng tiếc nuối, yêu cầu Tùng hát thêm.

Tùng, tên thật là Nguyễn Bảo Tùng, là một trong những cái tên indie đã xuất hiện trên Soundcloud từ 5, 6 năm về trước. Anh được khán giả lần đầu biết đến qua những ca khúc như Này Em Ơi, Cuộc Hành Trình, hay Đừng Lo.

tung261
Sau 3 bài hát và một buổi 'Tipsy Talk', Tùng vẫn được khán giả yêu cầu hát thêm. | Nguồn: Lê Nghĩa cho Vietcetera

Từng là một thành viên của G Family, Tùng mang nhiều đam mê với hip-hop. Nhưng màu hip-hop của Tùng nom tình cảm hơn những bản rap thường thấy. Các ca khúc của anh cũng mang âm hưởng của indie folk — thể loại nhạc mang hơi hướng dân ca, được chơi bằng nhạc cụ đương đại.

Sau Xa (Chờ Đến Mùa Gió) năm 2018, Tùng không ra nhạc mới suốt 2 năm. Vào những ngày bất ổn năm ngoái, Tùng nghỉ việc ở công ty kiến trúc, quay về với âm nhạc và cho ra album đầu tay 26: Individualism. Album ra mắt khiến Tùng trở thành một điểm nhấn cho nền âm nhạc Việt. 26: Individualism là loạt các ca khúc vừa dí dỏm, vừa nhiều tự sự.

“Mỗi đám đông cho mình một năng lượng.”

Xuống sân khấu, Tùng thừa nhận ngay rằng mình không hài lòng với hai bài đầu. “Mà chắc tại nóng đó, chứ không phải mình hát dở đâu!” — Tùng đùa tiếp sau sự thành thật của mình.

tung263
"Mình hát hay hơn Cam nha!" | Nguồn: Lê Nghĩa cho Vietcetera

“Nhưng mình rất thích năng lượng của các bạn ở Sài Gòn. Mình diễn ở Hà Nội trước một đám đông 300 người, cảm giác rất khác. Ở Hà Nội, có những lúc gần như ai cũng hát và mình chỉ việc đàn theo. Rồi khi mình dừng, mọi người cũng dừng. Sài Gòn thì khác; các bạn có một sự tương tác gần gũi hơn.”

Tùng trên sân khấu là một chàng trai cởi mở và tự nhiên. Anh kéo người ta vào những bài hát của mình như một cuốn truyện, cứ từ tốn từ chương này sang chương mới. Tùng mời mọi người hát cùng, và chỉ sau vài nhịp, cả căn phòng bỗng chốc hoà làm một.

“Có thể đó là điều đặc biệt của 50 người! Nhưng mỗi đám đông đều cho mình một năng lượng khác nhau, và năng lượng nào mình cũng yêu quý cả. Mình hay được gắn mác là ‘socially awkward’ (ngượng nghịu), nhưng lên sân khấu thì mình phải thoải mái. Như vậy thì khán giả cũng sẽ thoải mái. Nếu mình căng thẳng, mọi người sẽ biết, và điều đó chỉ làm mình căng thẳng hơn. Nên lên sân khấu mình cứ ‘tới đâu hay tới đó’ thôi!”

tung266
"Cứ tới đâu hay tới đó thôi!" | Nguồn: Lê Nghĩa cho Vietcetera

“Con chim trên cành không có thật đâu.”

Âm nhạc của Tùng luôn xuất phát từ những hình ảnh mà anh thấy trong đầu. Anh chiêm nghiệm những hình ảnh ấy, rồi hoá chúng thành những giai điệu đượm buồn.

“Mình không vẽ ra, vì nét vẽ khác với trí tưởng tượng lắm. Mình sợ rằng khi hình ảnh đã mang một hình thù, bài hát sẽ khó phát triển thêm.

Tự dưng một ngày, mình nhìn thấy một bờ vực dưới một trời hoàng hôn rất tĩnh. Và có một người cứ bước đi trên bờ vực đó, cũng rất bình tĩnh. Thế là mình bám vào hình ảnh đó và viết ra Gam Màu Tím Ở Rìa Thế Giới. Đây cũng là ca khúc khiến mình ‘quằn' nhất, vì mình đã bỏ hết sự giận dữ vào lời hát. Mình nghĩ mình cũng mệt mỏi với những dày vò ấy lắm rồi!”

Mình nhìn thấy hình ảnh một chú chim trên cành đang hót. Người ta hay gán hình ảnh này với những thứ ‘thơ ca’ và ‘sến sẩm.’ Vậy nếu chú chim đó hót lên những gì nó thật sự nghĩ về tình yêu thì sao? Mình thích sự tương phản đó. Thế là Con Chim Trên Cành Hát Về Tình Yêu ra đời.

“Đừng tin mấy thằng viết nhạc!”

Nếu có điều gì khiến Tùng ám ảnh trong âm nhạc của mình, thì đó là sự trung thực. “Sự trung thực sẽ giải quyết được vấn đề.” Khi viết nhạc, Tùng cố gắng diễn đạt suy nghĩ của mình một cách rõ và chân tình nhất có thể.

“Nhạc của mình không nhân danh bất kỳ điều gì to lớn đâu. Mình viết nhạc đơn giản vì nhu cầu kết nối với mọi người và nói lên những suy nghĩ của mình lúc đó. Mình không viết nhạc vì khán giả, mình chỉ viết những thứ đúng với mình thôi. Ai nghe thì nghe, không nghe thì nghe! Cũng vì vậy lúc viết nhạc mình thấy rất cô đơn. Cô đơn vì suy nghĩ thành lời rồi nhưng lại chưa được chia sẻ ngay, mà phải đợi bài hát và album được hoàn thiện.”

Tùng cứ hay đùa rằng “Đừng tin những thằng viết nhạc!” Anh giải thích: “Bỏ thẳng viết nhạc qua một bên, nếu bạn cảm thấy bài hát hay, hãy công nhận rằng nó hay. Nếu cảm thấy dở, hãy thực sự công nhận nó dở. Mình tin đó sẽ là điều công bằng nhất cho âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.”

Nắm cảm xúc “vừa cánh tủ nhỏ”

Khẳng định bản thân tách cảm xúc khỏi âm nhạc là vậy, nhưng Tùng tâm sự rằng anh vẫn không rõ liệu mình có đang vô tình viết về cảm xúc không. Song, dù đáp án là gì, rõ ràng lời ca của Tùng chạm được nhiều tầng cảm xúc hơn như thế.

Màu nhạc của Tùng trong 26: Individualism trộn lẫn giữa niềm hân hoan và nỗi u sầu, tạo ra cảm giác chông chênh và man mác. Và bằng cách nào đó, từng lớp cảm xúc trở nên bộc bạch qua những giai điệu mà anh ngân lên da diết.

tung265
Tùng vẫn hay tự hỏi liệu mình có đang vô tình viết về cảm xúc không. | Nguồn: Lê Nghĩa cho Vietcetera

Vài ngày trước, chúng tôi nhắc đến một thứ gọi là “nhạc lụi". Cơ bản, “nhạc lụi" là những bài hát buồn tuột dốc khiến người ta muốn xâu xé tâm can. Nhạc của Tùng cũng buồn, nhưng không tuột dốc. Nhạc của Tùng là lời thì thầm của một người đã đi qua nhiều rạn nứt và thu vén vào lòng nhiều nỗi đau. Nhạc của Tùng khiến người ta khi nghe phải hẫng mất một nhịp, ngồi xuống, nhìn lại lòng mình.

Nghe nhạc Tùng, có người sụt sùi khóc, có người tủm tỉm cười. Có người tắm mình trong một niềm hiu quạnh và cồn cào, giống như ngắm nhìn bầu trời hoàng hôn đang ửng đỏ. Nhạc của Tùng là một nắm cảm xúc bỏ “vừa cánh tủ nhỏ,” để ta lấy ra ngắm nghía hồi lâu, rồi lại lặng lẽ cất vào trong. Với riêng tôi, nhạc của Tùng khiến tôi phải cầm đàn lên hát, sau hơn nửa năm không động vào.

Và đó cũng là điều mang lại sức sống và sự mới mẻ cho album. Âm nhạc của Tùng không chỉ sống trong anh mà còn sống trong người khác. Ở mỗi người, nhạc của Tùng lại mang một màu sắc riêng. Và đó là cách mà Tùng kết nối với khán giả của mình.

Trong năm nay, Tùng vẫn sẽ đi diễn. Show tiếp theo được anh gọi là “đêm thi-ca”, với sự tham gia của một người bạn là nhà thơ, chủ đề “Chúng ta lớn lên.” Anh cũng sẽ hoàn thành Tree Talks — Những câu chuyện chỉ được kể trong rừng, hứa hẹn sẽ ra mắt vào giữa năm nay.

Anh cũng nói sẽ viết nhạc mới, và sẽ tiếp tục giữ “sự trung thực” của mình.