Tuổi 35 mình chuẩn bị cho cuộc sống độc thân lâu dài | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Tuổi 35 mình chuẩn bị cho cuộc sống độc thân lâu dài

Hạnh phúc hay yên ấm không phải chỉ có được từ việc kết hôn, mà có nhiều cách khác để tận hưởng cuộc sống.
Tuổi 35 mình chuẩn bị cho cuộc sống độc thân lâu dài

Nguồn: Unsplash

Ở tuổi 35, mình đã có quyết định rằng sẽ sống độc thân suốt phần đời còn lại. Đó là một quá trình dài thay đổi nhận thức và hiểu bản thân muốn gì, bao gồm cả tác động bên ngoài và bên trong.

Bên ngoài là vì mình không có mối quan hệ nào sâu sắc ở thời điểm này để có thể kết hôn. Bên trong là vì qua thời gian, mình dần nhận ra bản thân không phải là người phù hợp với hôn nhân, hoặc ít nhất là những tiêu chí cho một người vợ: giỏi nấu nướng, tháo vát quán xuyến việc nhà, quản lý tài chính tốt, đối nội đối ngoại, và biết chăm sóc con cái.

Hôn nhân cần tình yêu và cả những trách nhiệm đi kèm. Mình luôn cảm thấy không sẵn sàng cho những trách nhiệm đó. Dần dần, mình chấp nhận sẽ độc thân như thế này rất lâu, có thể là mãi mãi.

Từ khi suy nghĩ như vậy, việc hẹn hò hoặc tìm kiếm “đối tượng” với mình không còn là ưu tiên nữa. Mình không dằn vặt vì sao không hẹn hò ai, cũng không có áp lực của việc phải có bạn trai. Nếu gặp ai đó tốt sẽ có thêm niềm vui, nhưng đó không phải mục tiêu quan trọng nhất.

Ngoài ra, mình học cách giảm kỳ vọng của bố mẹ. Bố mẹ suy nghĩ khá truyền thống, có quan điểm và nỗi lo của họ (ví dụ khi họ già yếu hoặc không còn nữa, họ muốn yên tâm rằng mình có nơi nương tựa).

Mình không tranh cãi hoặc bắt bố mẹ theo ý mình, vì bố mẹ cũng cần thời gian để hiểu đó là lựa chọn (hoặc số phận buộc mình như vậy). Quan trọng là để bố mẹ thấy mình vẫn đang ổn với lựa chọn này. Hạnh phúc hay yên ấm không phải chỉ có được từ việc kết hôn, mà có nhiều cách khác để tận hưởng cuộc sống.

Và cuối cùng, mình học cách sắp xếp lại cuộc sống riêng. Khi xác định chỉ có một mình, sẽ có nhiều nỗi buồn và nỗi lo có thể đoán trước được: khi ốm rất dễ tủi thân; những buổi chiều muộn đi làm về, ở nhà một mình không có tiếng người, mua đồ về nấu một mình ăn mấy ngày không hết...

Mình hay nghĩ là “Giờ mình mới hơn 30, còn chịu được. Nếu 50 tuổi mà thế này thì sẽ buồn chết mất.”

Càng lo, mình càng phải chuẩn bị cho mình tốt nhất những lúc yếu đuối. Đầu tiên là sức khỏe, mình tập thể dục và ăn uống khoa học để đỡ ốm và có năng lượng làm việc, giúp mình không rảnh rỗi và buồn bã. Sau này sống một mình, khỏe mạnh càng cần thiết vì sẽ không có người chăm sóc.

Thứ hai là tài chính. Khi không có bạn đời để chia sẻ kinh tế, hoặc không có con cái để “sau này nó nuôi mình,” thì chỉ có mình nuôi mình thôi. Nên mình học cách tiết kiệm, đầu tư để ít nhất khi không còn sức lao động thì vẫn có nguồn thu.

Sau cùng là tinh thần: có nhiều thói quen tốt, tự làm mình vui, để não hoạt động liên tục như đọc sách, xem phim, học ngôn ngữ (khoa học nói rằng học ngôn ngữ tốt cho não của người già). thậm chí cả chơi game. Thấy thế giới còn vô vàn điều hay ho chứ không vì mình già đi và độc thân mà trở nên ủ dột.

Việc chúng ta sống là không ngừng giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Cũng như khi giải toán, hiểu đề bài, có đủ kiến thức và công cụ thì mình sẽ giải được.

Người kết hôn cũng có những vấn đề của cuộc sống hôn nhân, chứ ko phải chỉ độc thân mới có. Mình cũng không cho rằng sống độc thân thì sang chảnh hay hạnh phúc hơn. Quan trọng nhất là đừng ghen tỵ hoặc bài xích những người có cuộc sống khác mình.

Mỗi người được giao một bài toán, tập trung giải bài toán của mình là được rồi.

(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn M.)