Upcycling fashion là gì?
Sâu thẳm ở cuối tủ quần áo của mỗi người, chắc hẳn có một “lãnh cung" nơi những bộ đồ đóng bụi vì kiểu dáng lỗi mốt, cơ thể thay đổi... Đó cũng có thể là chiếc đầm yêu thích một thời, nay bị “thất sủng" vì trót dính vết bẩn không cách nào giặt sạch.
Chính vì thế, upcycling được ra đời để mang đến “cơ hội thứ hai” cho những món đồ này.
Upcycling, trong thời trang, là sử dụng các món đồ cũ được cắt ghép, may đo lại để tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới, có giá trị cao hơn, đẹp mắt hơn cho trang phục. Xu hướng này được các chuyên gia thời trang dự đoán sẽ là một sự bùng nổ trong nhánh thời trang bền vững.
Vì sao upcycling lại thu hút được giới trẻ?
Giữa vô vàn các xu hướng lớn-nhỏ, upcycling được giới trẻ để mắt đến vì:
1. Nhận thức về các vấn đề liên quan đến môi trường
Những người trẻ hiện đại đã và đang ngày càng để ý hơn đến vòng đời của một món đồ thời trang, từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc. Trong tất cả các nhánh của thời trang bền vững, có thể nói cách tạo ra các item upcycling ít tạo ra chất thải nhất và mang tính bảo vệ môi trường nhất.
2. Tâm lý yêu thích đồ độc lạ
Gen Z là những người trẻ có tư duy rất đặc biệt về phong cách. Những món đồ hay xu hướng mà người khác cho là kỳ quái, trong mắt Gen Z là chính là báu vật. Điển hình nhất là phong cách Adorkable, ưa chuộng sự độc đáo, lạ lùng.
Vì được tạo ra bằng cách cắt ghép nhiều món đồ, chất liệu thời trang cũ, các item cộp mác upcycling được sản xuất với số lượng cực kì giới hạn, thậm chí là có-một-không-hai nhanh chóng thu hút được sự chú ý của Gen Z.
3. Cần tìm thú vui giết thời gian mùa cách ly xã hội
Không ngoa khi nói đại dịch Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của upcycling. Khi người trẻ bị buộc phải ở nhà trong nhiều ngày liền, để giết thời gian, nhiều người chọn học kĩ năng mới, làm DIY và tìm nguồn vui trong chính tổ ấm thân yêu.
Những tâm hồn đam mê thời trang và khéo tay đã tranh thủ thời gian làm mới tủ quần áo và “khoe” với bạn bè qua mạng xã hội.
4. Sự ảnh hưởng từ các influencer
Hình ảnh lung linh của những người có sức ảnh hưởng trong thời trang trên mạng xã hội cũng góp phần tăng cảm hứng cho người trẻ quyết định upcycling tủ đồ. Ở Việt Nam, xu hướng upcycling cũng được hưởng ứng mạnh từ nhiều gương mặt nổi tiếng.
Trên thế giới, nhiều ngôi cũng mang phong cách upcycling lên thảm đỏ.
Upcycling và sự sủng ái từ các thương hiệu
Không chỉ đơn lẻ từ các fashionista hay nhà thiết kế nhỏ, nhiều thương hiệu tên tuổi cũng nhanh chóng tham gia vào cuộc vui. Điển hình có thể kể đến như:
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet, các NTK trẻ người Việt đã kịp cập nhật upcycling vào thương hiệu của mình, hoặc chọn upcycling làm một hướng đi độc lập.
Tự học upcycling trang phục có khó không?
Upcycling nghe có vẻ như là một sân chơi dành riêng cho những cái đầu siêu sáng tạo, nhưng cũng không hoàn toàn là như thế. Đây là một vài tips để cập nhật nhanh xu hướng này:
Nếu khéo tay hay làm, bạn có thể dễ dàng vào YouTube, sử dụng từ khoá “Upcycling Clothes ideas” để tìm ý tưởng, cũng như được hướng dẫn từng bước để biến tấu tủ đồ cũ thành đồ mới. Một số kênh có nội dung chất lượng như:
Owlipop DIY Kênh YouTube hướng dẫn làm đồ DIY. Cô bạn này dành hẳn 1 playlist cho mục tự làm quần áo, với một lượng kha khá video hướng dẫn cách làm mới trang phục.
BlueprintDIY với hơn 227K người theo dõi mang đến vô vàng các video hướng dẫn chi tiết upcycling biến cũ thành mới, với đa dạng mức độ từ khó đến dễ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều kiểu trang phục đẹp trong kênh này.
Madebyaya là một kênh chuyên hướng dẫn upcycling quần áo và làm các món thủ công xinh xinh. Chủ nhân của kênh là một cô bạn người Nhật, do đó, bạn sẽ có thể tìm thấy các video hướng dẫn biến tấu áo kimono thành các kiểu trang phục hiện đại cực kì chất.
Nếu bạn là tay ngang, 5 tips dưới đây sẽ giúp bạn có một bắt đầu suôn sẻ:
Bước 1: Bắt đầu từ việc dễ: Bạn có thể dùng nơ của kẹp tóc, hay quấn vải cắt từ khăn choàng cũ thành bông hoa và đính lên áo váy cũ.
Bước 2: Thay đổi chi tiết: Thử bỏ tay áo, thay đổi độ dài-ngắn, phom dáng của trang phục hoặc đắp thêm vải vóc để tạo nên một item hoàn toàn mới.
Bước 3: Sử dụng các đường cắt: Có thể nói đây là cách được nhiều người mới gia nhập hội tái chế tủ đồ ưa chuộng nhất. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một cây kéo, một chút sáng tạo và cứ thể mà cắt theo ý thích.
Bước 4: Thay đổi tính chất trang phục: NTK Trịnh Dương từ SIE gợi ý hãy thử “chia đôi" blazer oversize thành set croptop và chân váy ngắn. Đừng ngần ngại đổi mới hoàn toàn “công dụng” của một món đồ.
Điển hình như biến áo sơ mi oversize thành đầm thời thượng, biến quần jeans thành túi xách độc lạ, thêm vài chi tiết để chân váy trở thành áo kiểu xinh xắn.
Bước 5: Thêm thắt chi tiết: Vẽ hoạ tiết lên vải, đính đá, đính pom-pom cũng là cách để áo quần trông cá tính hơn ngay tắp lự. Ngoài ra, NTK Phương Hà gợi ý cách để làm mới trang phục siêu đơn giản đó là thêu thêm một bông hoa, nhuộm hoa lá cành.