1. Áo polo có từ bao giờ?
Thiết kế áo polo mà chúng ta vốn quen thuộc thực chất đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển. Nguồn gốc của áo polo được cho là bắt nguồn tại bang Manipur, Ấn Độ — xuất xứ của môn thể thao polo, hay còn gọi là mã cầu. Vào cuối thế kỷ 19, người Anh tiếp nhận bộ môn này và biến nó trở thành môn thể thao cho giới quý tộc. Vào thời điểm này, người chơi polo sẽ mặc áo sơ mi với thiết kế cài cúc ở cổ (button-down).
Các vận động viên polo tại Manipur, Ấn Độ thế kỷ 19. | Nguồn: Wikimedia Commons
Thiết kế này lần đầu xuất hiện tại Mỹ khi John E. Brooks tham dự một buổi đấu polo tại Anh và chú ý đến chiếc áo. Ấn tượng với thiết kế này, ông đem nó về Mỹ và tạo ra mẫu áo của riêng mình. Thiết kế button-down trở nên phổ biến trong thể thao bởi nó tránh được tình trạng cổ áo bị lệch khi vận động mạnh. Đây cũng được xem là cột mốc ra đời cho áo sơ mi.
Đến đầu thế kỷ 20, quần vợt trở nên phổ biến hơn. Nhưng vì thời trang đương thời chỉ chú trọng vào ngoại hình thay vì công năng, loại áo sơ mi chơi quần vợt có tay dài và làm bằng cotton, khiến người chơi khó vận động. Nhận thấy điều này, tuyển thủ người Pháp Jean René Lacoste quyết định nâng cấp thiết kế, và tạo ra chiếc áo polo đương đại. Ông may đo một chiếc áo ngắn tay, để lại 3 hàng nút và sử dụng vải cotton piqué — loại vải thoáng mát và đàn hồi. Logo cá sấu của Lacoste cũng từ đây mà xuất hiện.
Jean René Lacoste (trái) trong một trận quần vợt. | Nguồn: Poly Weekly
Lacoste mặc chiếc áo và tranh đấu tại giải Quần vợt Mỹ Mở rộng năm 1926 và giành vô địch. Chiếc áo của ông trở thành hiện tượng, tạo tiền đề cho thương hiệu La Société Chemise Lacoste ra đời năm 1933. Nhưng mãi đến năm 1972, áo polo mới chạm đến được thế giới khi thương hiệu Polo Ralph Lauren ra mắt chiếc áo polo với biểu tượng thêu hình vận động viên polo trên lưng ngựa. Áo polo được Ralph Lauren quảng bá gắn liền với một cuộc sống thành công và thịnh vượng, góp phần tạo nên bức tranh giấc mơ Mỹ xa hoa và phồn thịnh.
2. Các loại vải của polo là gì?
Cũng như các item khác, vải để may polo rất đa dạng. Nhưng vì mục đích thể thao, áo polo cần có thiết kế thoải mái và linh hoạt. 5 loại vải thông dụng nhất của polo là:
- Blend: Vì loại vải này có độ bền cao và chống vết ố, nhưng lại có giá thành thấp, loại áo polo này thường được sản xuất công nghiệp và dùng làm đồng phục.
- Poly performance: Với công dụng ngăn mùi cơ thể và chống tia UV, đây là loại vải dùng để may áo polo chuyên dụng cho thể thao, đặc biệt là golf.
- Polyester: Tuy không thoáng mát như các loại vải khác, ưu điểm của polyester là nhẹ và không nhăn, không co vải.
- Cotton: Vốn là loại vải được ưa chuộng trong may mặc, vải cotton có độ bền cao, đồng thời mang lại sự thoáng mát và linh hoạt.
- Piqué/Marcella cotton: Là loại vải nguyên bản để may polo, piqué cotton là loại vải đan khá phức tạp, song nhẹ và tạo dáng đứng hơn cotton thông thường, mang lại vẻ thanh lịch cho áo polo.
3. Chọn áo polo thế nào cho phù hợp?
Sự cấp tiến của thời trang đã mang lại cho áo polo vô vàn thiết kế và màu sắc. Tuy nhiên, để có một chiếc áo polo truyền thống hợp dáng, cần lưu ý những điểm sau:
- Tay áo: Tay áo polo cần ôm vừa với bắp tay, không quá ôm hay quá rộng. Độ dài của tay áo cũng nên dài một nửa hoặc ⅔ bắp tay.
- Vai áo: Tương tự các loại áo dáng đứng như blazer, vai áo polo cần dừng ở điểm kết thúc của vai.
- Vạt áo: Vạt sau của áo polo thường sẽ dài hơn vạt trước, giúp việc bỏ áo vào quần dễ dàng hơn.
- Độ dài: Để tạo ra vẻ trang trọng, áo polo chỉ nên dài qua hông một chút.
4. Thời trang biến hoá áo polo thế nào?
Bốn thương hiệu phổ biến gắn liền với polo là Lacoste, Polo Ralph Lauren, Fred Perry và Comme Des Garcon, được phân biệt bằng 4 chiếc logo khác nhau thêu bên ngực. Khi được thời trang biến hoá, thiết kế của áo polo ngày càng trở nên phóng khoáng hơn, song vẫn giữ được những điểm truyền thống vốn có.