Vì sao bạn “mặc, mặc nữa, mặc mãi” mà vẫn không ấm lên? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 01, 2024
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao bạn “mặc, mặc nữa, mặc mãi” mà vẫn không ấm lên?

Vì nguyên tắc chống rét không hẳn nằm ở độ dày của chiếc áo.
Vì sao bạn “mặc, mặc nữa, mặc mãi” mà vẫn không ấm lên?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Ra đường gặp trời lạnh, bạn có thể nghĩ cách nhanh gọn nhất là mang theo chiếc áo khoác to. Thế nhưng khi mặc vào, bạn vẫn có cảm giác lạnh thấu xương, đặc biệt nếu đi xe máy.

Thực tế đây là vấn đề không ít người gặp phải - dù mặc rất nhiều quần áo, hoặc mặc quần áo rất dày mà vẫn lạnh co ro. Liệu vấn đề thực sự nằm ở thời tiết, hay nằm ở cách chúng ta lựa chọn quần áo cho kiểu thời tiết này?

Chọn sai quần áo

Mặc quần áo quá rộng gây thoát nhiệt nhanh

Theo Science Direct, cơ thể người vốn tạo ra nhiệt thông qua các quá trình trao đổi chất. Một trong số đó là hô hấp tế bào (cellular respiration), nơi tế bào chuyển đổi các chất dinh dưỡng ta tiêu thụ hàng ngày thành năng lượng. Khoảng 60-70% lượng năng lượng này được giải phóng dưới dạng nhiệt, giúp duy trì các chức năng cơ thể và giữ ấm vào mùa đông.

Khi ta mặc quần áo, nhiệt lượng trên được giữ lại giữa các sợi vải, tạo thành túi khí ấm bao quanh cơ thể. Nhưng không khí vốn dẫn nhiệt kém, nên sau một thời gian, túi khí ấm đó sẽ thoát dần qua vải, để lại khoảng không khí lạnh giữa da và quần áo.

Do đó nếu mặc đồ quá rộng, bạn vô tình tạo khoảng trống lớn cho nhiệt thoát nhanh, từ đó khiến bạn lạnh hơn. Khoảng trống này cũng tạo điều kiện cho không khí lạnh bên ngoài lọt vào, gây ra cảm giác rét buốt.

10jan2024intext1jpg
Quần áo rộng là cách nhanh nhất để “mời gọi” không khí lạnh vào trong.

Mặc quần áo quá dày làm thấm mồ hôi ngược

Không ít người có quan niệm mặc quần áo càng dày thì càng ấm, nhưng điều này không hẳn đúng. Cơ thể vẫn giải phóng nhiệt, và nếu bạn vận động nhiều thì sẽ toát mồ hôi.

Lúc này nếu bạn mặc áo quá dày, lượng mồ hôi đó sẽ không thoát ra đâu được. Thay vào đó, nó thấm ngược lại vào lớp áo trong khiến bạn rét cóng. Trong nhiều trường hợp, hiện tượng này còn có thể gây cảm lạnh, viêm phổi hoặc tụt huyết áp đột ngột.

Dấu hiệu của một số bệnh lý

Theo Healthline, nếu đã mặc thêm quần áo, đắp chăn, dùng sưởi, uống trà gừng… mà vẫn không đỡ lạnh, đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý: thân nhiệt thấp (hypothermia), chứng suy giáp (hypothyroidism) hoặc thiếu máu. Cảm giác lạnh cũng có thể xảy ra do thiếu ngủ, giảm cân quá nhanh hoặc ăn uống thiếu chất.

Bên cạnh đó, có một số người dù sinh hoạt điều độ, nhưng vẫn cảm thấy lạnh hơn người khác ở cùng một nhiệt độ. Điều này xảy ra có thể do họ có khối lượng cơ thấp. Cơ bắp vốn tạo ra nhiệt, nên khi có khối lượng cơ thấp, cơ thể sẽ giảm bớt nhiệt đến các bộ phận khác để giữ nhiệt. Điều này khiến bạn thấy lạnh ở khu vực tay, chân hoặc toàn bộ cơ thể.

Mặc sao cho “ấm từ trong ra ngoài”?

Chọn lớp áo trong bó sát cơ thể

Để tránh tạo khoảng trống lớn khiến nhiệt thoát quá nhanh, bạn nên chọn quần áo chất liệu mềm mại, ôm sát cơ thể cho lớp trong cùng.

Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng với đồ ngủ, đặc biệt nếu bạn không dùng máy sưởi. Lưu ý không mặc đồ ngủ quá dày, bởi như vậy vừa khó cử động, vừa có thể khiến bạn bị quá nóng.

Mặc nhiều lớp thay vì một lớp áo dày

Đây là quy tắc giúp bạn “nhốt” nhiệt lượng do cơ thể tạo ra được lâu hơn. Bởi khi bạn mặc nhiều lớp áo, nhiệt sẽ phải đi qua vài lớp vải mới thoát được ra ngoài. Cách này cũng giúp bạn dễ điều chỉnh khi điều kiện thay đổi: nóng lên thì cởi bớt áo ra, lạnh hơn thì khoác thêm áo vào.

Bạn lưu ý không nên mặc quá 3-4 lớp quần áo, bởi có thể tạo cảm giác nặng nề, đặc biệt với nữ giới. Đây cũng là số lớp quần áo hợp lý để vừa giữ ấm, vừa trông gọn gàng, cân đối.

10jan2024intext2jpg
Khi mặc nhiều lớp áo, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh khi điều kiện thay đổi.

Quy tắc “4 ấm 1 lạnh”

Theo Healthline, đây là quy tắc được các bác sĩ nhi khoa sử dụng để giữ ấm cho trẻ em, tuy nhiên người trưởng thành cũng có thể áp dụng. Theo đó, 4 điểm luôn cần giữ ấm là bàn tay, bàn chân, lưng và bụng. Riêng phần đầu nên để thoáng mát, chỉ khi ra ngoài mới cần đội mũ.

Chọn quần áo phù hợp theo hoàn cảnh

Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy, cùng một lượng quần áo, nhưng cảm giác khi đi bộ và đi xe máy khác hẳn nhau. Vì vậy nếu vận động nhiều, bạn có thể mặc mỏng hơn, nhưng cần mang thêm áo khoác nếu đi xe máy sau đó.

Chuyển quần áo từ hè sang đông

Khi thời tiết chuyển lạnh, không ít người gói hoàn toàn tủ đồ mùa hè vào góc cất đi. Trên thực tế, có không ít item mùa hè bạn có thể tận dụng khi trời lạnh.

Chẳng hạn áo phông có thể dùng làm áo ngủ vào những ngày không quá lạnh. Bạn cũng có thể mặc áo phông/tank top khi tập thể dục (với một áo khoác mỏng) để tránh cơ thể quá nóng.

Nắm được mẹo này, bạn sẽ không quá mất thời gian dọn tủ quần áo khi chuyển mùa. Đây cũng là cách giúp bạn tiết kiệm ngân sách mua quần áo mùa đông, đồng thời sống xanh hơn khi không mua (và vứt bỏ) quá nhiều quần áo.