Vì sao chúng ta có “nghi thức” chụp món ăn trước khi cầm đũa? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao chúng ta có “nghi thức” chụp món ăn trước khi cầm đũa?

…vì nó khiến ta thấy đồ ăn ngon hơn biết mấy.
Vì sao chúng ta có “nghi thức” chụp món ăn trước khi cầm đũa?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Chúng ta dường như đều biết một ai đó (hoặc chính mình) có niềm đam mê bất tận với chụp ảnh đồ ăn. Đây là những người dù rất đói nhưng vẫn kiên nhẫn căn chỉnh từng góc máy, từng chiếc bát, chiếc cốc để chụp ảnh bàn ăn. Ở “cấp độ” cao hơn, họ dùng 7749 loại ứng dụng, thử 3 vạn 9 nghìn bộ lọc ảnh khác nhau để đăng Instagram.

Trong tiếng Anh thậm chí có những thuật ngữ riêng chỉ việc đăng ảnh đồ ăn lên mạng xã hội, như camera eats first hay foodstagramming. Theo khảo sát của Social Media Psychology, 23% số người dùng Instagram trên thế giới có một “bộ sưu tập” ảnh chụp đồ ăn trên tài khoản của mình (thường là một cụm story, hoặc một tài khoản riêng đăng ảnh đồ ăn).

Thực ra nhìn về khía cạnh tâm lý, hành động này không đơn thuần là “sống ảo”. Nó có thể thực sự giúp đồ ăn trở nên ngon miệng hơn, hoặc trở thành cuốn nhật ký lưu giữ trải nghiệm ăn uống thú vị.

Chụp ảnh giúp ta cảm nhận món ăn bằng nhiều giác quan

Một nghiên cứu đăng tải trên Journal of Consumer Marketing đã chỉ ra rằng, việc chụp ảnh món ăn và đăng tải lên mạng xã hội thực sự giúp tăng cảm nhận vị giác. Điều này xảy ra bởi khi chụp ảnh, ta dành thời gian quan sát kỹ món ăn hơn, từ đó cảm nhận nó không chỉ bằng vị giác mà còn bằng thị giác và khứu giác.

Đây cũng chính là lý do món ăn ở nhà hàng thường được trang trí đẹp. Nó thực sự mang lại cảm giác “ngon” hơn khi được cảm nhận bởi nhiều giác quan cùng lúc.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những người hay chụp ảnh đồ ăn có xu hướng lựa chọn những món ăn lành mạnh (như salad) hơn hẳn người không chụp. Đó là bởi mạng xã hội đóng vai trò công cụ giúp người dùng có thể tự nhìn nhận (self-reflection).

Việc xem lại các bức ảnh, story hay status đã đăng khiến ta ghi nhớ mình đã làm gì, mua gì, ăn gì. Vì vậy nếu tích cực khoe ảnh đồ ăn trên mạng xã hội, bạn thường có ý thức rõ ràng về những gì đã ăn và uống, từ đó biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp.

Đồ ăn ngon hơn khi ta trì hoãn sự sung sướng

Theo nghiên cứu của Kathleen Vohs, Yajin Wang và Michael Norton, những ai thực hiện một nghi lễ (như cầu nguyện) trước bữa thường ăn ngon miệng hơn những ai không làm. Nghi lễ càng kéo dài, bạn càng ăn ngon hơn, bởi độ “mong ngóng” chờ đến lúc được ăn của bạn sẽ tăng lên. Tương tự, việc “chụp ảnh cúng IG” cũng được coi là một nghi lễ như vậy.

31jan2024240124cungigintext1jpg
“Chờ đợi là hạnh phúc” đúng trong nhiều hoàn cảnh, nhất là đồ ăn.

Bản chất cảm giác này chính là sự thỏa mãn bị trì hoãn (delayed gratification). Thay vì thưởng thức ngay và luôn món ăn, bạn phải dừng một lúc để chụp ảnh tươm tất. Điều này khiến bạn đánh giá bữa ăn cao hơn, cảm thấy từng món ăn như trở thành phần thưởng cho sự chờ đợi, kể cả những món bạn vốn không thích chút nào.

Chụp ảnh giúp ta yên tâm lưu giữ trải nghiệm ăn uống

Đôi khi ta chụp ảnh đồ ăn chỉ đơn thuần để đánh dấu một trải nghiệm. Đó có thể là lần đầu được thử một món sơn hào hải vị, hoặc thấy một món ăn được trình bày cầu kỳ đẹp mắt.

Theo nghiên cứu của Kristin Diehl, Gal Zauberman và Alixandra Barasch, việc chụp ảnh một trải nghiệm tích cực có thể giúp ta vui hơn. Việc được ăn ngon và được nhìn thấy đồ ăn đẹp mắt chính là một trải nghiệm như vậy.

Điều này cũng lý giải cho tâm lý chụp ảnh để yên tâm lưu giữ được hình ảnh đẹp nhất của món ăn trước khi “phá” nó. Việc đăng ảnh đồ ăn lên mạng xã hội, nhận về tương tác của mọi người cũng giúp “niềm vui nhân đôi”, khiến trải nghiệm ăn uống trọn vẹn hơn.

31jan2024240124cungigintext2jpg
Đồ ăn ngon và đẹp nên ta muốn dân mạng cùng “chung vui” với mình.

Chụp đồ ăn “hăng” quá có sao không?

Nhìn chung việc “cúng IG” khá vô hại, nếu nó không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm ăn uống của bạn và người khác. Việc bắt người khác “chờ mốc mồm” chỉ để chụp một bức ảnh đẹp nhất của mâm cơm rõ ràng là điều không nên. Cũng có không ít sự cố dở khóc dở cười đã xảy ra, như điện thoại hạ cánh trúng nồi canh hay khổ chủ té ghế vì đứng chụp.

Vì vậy để không làm mất lòng người khác, bạn nên nói với họ trước khi chụp hình bữa ăn, và cố gắng chụp nhanh nhất có thể. Bạn cũng có thể dùng app chụp đã chỉnh sẵn filter lý tưởng cho đồ ăn, để có những bức hình đẹp mà không tốn quá nhiều thời gian và công sức chỉnh sửa.