Vì sao chúng ta thường trì hoãn việc soạn hành lý sau mỗi chuyến đi? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 12, 2019
Cuộc SốngTâm Lý Học

Vì sao chúng ta thường trì hoãn việc soạn hành lý sau mỗi chuyến đi?

Trên thế giới có 2 loại người: người soạn hành lý ra ngay khi về đến nhà sau chuyến du lịch; và người để túi xách, quần áo bẩn, quà lưu niệm chất đống vài ngày, hoặc cho đến khi họ cần soạn đồ cho chuyến đi mới. Chỉ mỗi việc soạn đồ ra khỏi hành lý thôi, vì sao phải mất nhiều thời gian như thế?

Vì sao chúng ta thường trì hoãn việc soạn hành lý sau mỗi chuyến đi?

Trên thế giới có 2 loại người: những người soạn hành lý ra ngay khi về đến nhà sau chuyến du lịch; và những người để túi xách, quần áo bẩn, quà lưu niệm chất đống vài ngày, vài tuần thậm chí vài tháng, cho đến khi họ cần soạn đồ cho chuyến đi mới.

Hầu hết chúng ta là những người ở vế sau.

Chỉ mỗi việc soạn đồ ra khỏi hành lý thôi, vì sao phải mất nhiều thời gian thế? Có cách nào sửa thói quen này không? Cùng nghe các chuyên gia về du lịch và sức khỏe tâm lý giải đáp về vấn đề này.

Do cảm giác hào hứng đã trôi mất

“Khi chuẩn bị đi du lịch, cảm giác mong đợi về chuyến đi khiến quá trình soạn đồ vô cùng hứng khởi, thậm chí có người còn lập cả một danh sách những món cần mang theo để không thiếu mất món nào,” Jessica Norah, một blogger du lịch có bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng cho biết. Nhiều người rất hưởng thụ cảm giác phối quần áo, lựa chọn đồ dùng cá nhân cần thiết cho chuyến đi. Hơn nữa, họ đã có sẵn một thời hạn cố định để tạo động lực cho việc soạn đồ, chính là ngày mà bạn phải khởi hành.

“Nhưng khi quay về, bạn không còn cảm giác hào hứng như lúc sắp khởi hành nữa, càng không có thời hạn nào thúc giục bạn soạn đồ ra cả.” – Norah nói. Giờ đây việc soạn đồ chẳng khác nào việc nhà thông thường. “Dù đã về nhà nhưng tạm thời họ vẫn chưa muốn quay về với việc dọn dẹp và giặt giũ buồn chán.”– Chị nói thêm.

Jean Kim, trợ giảng giáo sư môn tâm lý học lâm sàng tại Đại học George Washington lý giải, ta trì hoãn soạn đồ ra khỏi vali có lẽ chỉ vì đang cố gắng níu kéo cảm giác hứng khởi của chuyến đi.

“Có lẽ đây là một cách để níu giữ cảm giác tự do thoải mái khi được đi chơi xa, vờ như mình vẫn đang trong chuyến du lịch chứ chưa phải quay lại guồng quay nhàm chán thường nhật.” Jean nói.

Một trong số nguyên nhân khiến ta trì hoãn soạn đồ ra khỏi vali có lẽ chỉ vì đang cố gắng níu kéo cảm giác hứng khởi của chuyến đi sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Một trong số nguyên nhân khiến ta trì hoãn soạn đồ ra khỏi vali có lẽ chỉ vì đang cố gắng níu kéo cảm giác hứng khởi của chuyến đi.

Do bị cuốn vào sự trì hoãn

Theo nhà lý học lâm sàng Tamara McClintock Greenberg, không soạn đồ ra khỏi vali sau khi đi du lịch về là một biểu hiện của sự trì hoãn và phủ nhận hiện thực.

“Trì hoãn là phản ứng diễn ra khi ta đang cố né tránh một điều gì đó gây cảm giác lo lắng, khó chịu. Ở đây, việc soạn đồ cũng giống như đặt dấu chấm hết cho chuyến du lịch vậy. Cho nên, nhiều người trì hoãn việc thu dọn hành lý là để tránh cảm giác tiếc nuối khi cuộc vui đã kết thúc. Có thể hiểu rằng, đó là cách cố gắng níu giữ niềm vui đi du lịch, hoặc một kiểu phủ nhận sự thật rằng chuyến đi chơi đã kết thúc, mặc dù cũng chẳng thay đổi được gì.”

Jean Kim cũng chia sẻ, sau chuyến công tác gần đây nhất, chị cũng để mặc đồ đạc trong vali suốt ba ngày. Và chị “đổ thừa” điều này cho sự trì hoãn, chỉ vì chị đã cạn kiệt sức lực và cũng quá bận sau chuyến đi, cho nên đã tạm hoãn việc thu dọn lại vài ngày.

Liệu còn nguyên nhân nào sâu xa hơn không?

Rõ ràng việc trì hoãn này không phải lúc nào cũng do mệt mỏi, bận rộn hay do những suy nghĩ viển vông như là níu kéo kì nghỉ thêm vài ngày. Mà đôi khi vấn đề thật sự đằng sau chính là cảm giác lo lắng.

“Nguyên nhân dẫn đến nỗi lo này có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp”, Kim nói. “Cũng giống như khi ta chần chừ bắt tay vào một công việc nào đó vì sợ thất bại, sợ phạm sai lầm,… hoặc do sự cầu toàn. Với người khác thì lại là vấn đề về kiểm soát bản thân. Chần chừ, trì hoãn công việc mang lại cho họ cảm giác “tạm thời” là người nắm quyền kiểm soát, dù biết rằng họ sẽ chỉ tự mình hại mình nếu không chịu bắt tay vào làm những gì nên làm.”

Norah nhấn mạnh, sức khỏe tâm lý cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn soạn hành lý. Đằng sau sự trì hoãn đó là những vấn đề cá nhân sâu sắc hơn nhiều.

“Trong khi thu dọn hành lý, có người sẽ nhớ về những kỷ niệm vui trong chuyến đi, nhưng có người lại thấy buồn hoặc hụt hẫng. Thật ra có những cảm xúc như vậy khi vừa trở về từ một chuyến du lịch là chuyện bình thường… Nhưng đối với một số người, cảm giác này lại gợi nhớ về những điều nghiêm trọng hơn, như một vài vấn đề nan giải trong công việc, tình cảm, hoặc gia đình chẳng hạn.” – Chị cho biết.

Trong khi thu dọn hành lý có người sẽ nhớ về những kỷ niệm vui trong chuyến đi nhưng có người lại thấy buồn hoặc hụt hẫng sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Trong khi thu dọn hành lý, có người sẽ nhớ về những kỷ niệm vui trong chuyến đi, nhưng có người lại thấy buồn hoặc hụt hẫng.

Có quá nhiều thứ để thu dọn

Rupert Wolfe Murray, một nhà văn tự do kiêm travel blogger cho rằng, nguyên nhân khiến rất nhiều người gặp khó khăn trong việc soạn hành lý là bởi họ có quá nhiều vật dụng và đã mang theo quá nhiều thứ cho chuyến đi.

“Chúng ta thường cố nhồi nhét càng nhiều đồ đạc càng tốt do tâm lý muốn có một chuyến đi đảm bảo về mọi mặt. Đến khi về đến nhà, phải đối mặt với hàng tá món đồ lỉnh kỉnh như vậy khiến chúng ta cảm thấy hao hơi tổn sức, cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, ta thường tạm gác nó sang một bên và dùng quần áo lẫn vật dụng khác có sẵn ở nhà.” Nhiều người hầu như còn không cần soạn đồ ra khỏi hành lý vì lúc nào cũng có sẵn đồ dự trữ để thay thế.

“Cũng như khi có quá nhiều đồ đạc mà không muốn tốn nơ-ron não để nghĩ xem phải làm gì với chúng, ta thường đối phó bằng cách quăng ở đâu đó, miễn là tiện tay. Chẳng hạn như lên bàn, ghế, kệ tủ, ngăn kéo, hoặc dưới giường. Việc dẹp vali vào một góc sau chuyến đi cũng tương tự như vậy.” Wolfe Murray chia sẻ thêm.

Làm sao để thay đổi thói quen này?

Đương nhiên là dù có bỏ mặc đồ đạc trong hành lý vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí lâu hơn cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoà bình nhân loại. Nhưng nếu bạn muốn cải thiện thói quen này thì sau đây là một vài cách dành cho bạn.

Đầu tiên, Wolfe Murray gợi ý rằng nên đi du lịch với vali hoặc túi xách nhỏ gọn, mang ít đồ đạc hơn để giảm gánh nặng soạn đồ khi quay về. Cụ thể là khi đi chỉ cần mang theo những vật dụng thật sự cần thiết, và khi về thì chia ra dọn dẹp từng chút một.

“Mỗi lần đi ngang qua vali hoặc ba lô, tôi sẽ lấy một món ra để xử lý hoặc đặt vào đúng vị trí ban đầu. Làm theo cách này, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn bạn tưởng đấy.”

Tương tự như vậy, Norah khuyên rằng mỗi món đồ nên được dành ra một chỗ cố định trong nhà, đồng thời sử dụng túi giặt hoặc những bộ túi du lịch đa năng để sắp xếp gọn gàng đồ đạc trong vali.

Sắp xếp đồ đạc gọn gàng trong vali cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thu dọn hành lý hơn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Sắp xếp đồ đạc gọn gàng trong vali cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thu dọn hành lý hơn.

Cách thứ hai là mở vali ra và soạn đồ ngay khi vừa về đến nhà. “Như vậy bạn sẽ không còn thời gian để chần chừ nữa. Nếu sau một tuần mà bạn vẫn để yên hành lý ở đó, bạn sẽ càng thấy áp lực với việc soạn đồ hơn, và càng khó bắt tay vào xử lý hơn. Cho nên tốt hơn hết là tập thói quen soạn đồ ngay khi vừa về nhà.” Nữ travel blogger cho biết thêm.

Nhờ một ai đó nhắc nhở hoặc ngồi “giám sát” bạn dọn dẹp cũng là một cách hay. Bên cạnh đó, hãy tự thưởng cho bản thân thứ gì đó nho nhỏ sau khi soạn đồ xong, chẳng hạn như thanh sô cô la, một bộ phim kèm bắp rang, hoặc đơn giản là đi tắm cho thư giãn cơ bắp.

Cũng là cơ chế tự thưởng giống Norah, nhưng nhà tâm lý học McClintock Greenberg lại nghĩ ra một cách thú vị hơn. “Tôi thường mua một món quà nhỏ và đặt vào đáy vali, để khi háo hức muốn lấy món quà đó ra thì tôi phải soạn gần hết đồ đạc ra ngoài. Tóm lại, khi phải kết thúc chuyến đi và trở về với nhịp sống thường ngày, tôi sẽ tự tạo cảm giác vui vẻ bằng những món quà đã mua về. Tôi còn tặng quà cho bạn bè và người thân, xem như là chia sẻ niềm vui với họ vậy.”

Nếu nguyên nhân của việc trì hoãn soạn hành lý là vì muốn níu kéo chuyến đi, vậy thì hãy hồi tưởng lại những kỷ niệm vui đó bằng những bức ảnh, hoặc những món quà lưu niệm.

“Mỗi khi có điều gì trong cuộc sống thường ngày khiến bạn buồn phiền, hãy thử mường tượng lại những khoảnh khắc phấn khởi khi bạn xách ba lô lên và đi. Phương pháp này sẽ phần nào xua tan phiền muộn cho bạn, hoặc ít ra sẽ giúp bạn suy nghĩ tích cực hơn.” Kim chốt hạ.

Bài viết này được thực hiện bởi Caroline Bologna trên HuffPost, được chuyển ngữ bởi Huệ Chi.

Xem thêm:
[Bài viết] Làm thế nào để du lịch một mình không lạc lõng?
[Bài viết] 7 Cách để đi du lịch bền vững