Vì sao khi chờ tới giờ hẹn ta chỉ muốn ngồi không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 06, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao khi chờ tới giờ hẹn ta chỉ muốn ngồi không?

Ai cũng biết thời gian là vàng. Nhưng đôi lúc, chúng ta để thời gian trôi qua một cách lãng phí, nhất là lúc một cuộc hẹn sắp diễn ra.
Vì sao khi chờ tới giờ hẹn ta chỉ muốn ngồi không?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Bạn tan làm lúc 5 giờ rồi có hẹn lúc 7 giờ. Dù 2 tiếng không hề ngắn, bạn vẫn quyết định... ngồi lướt điện thoại và không làm gì. Rõ ràng bạn có thể làm được rất nhiều việc trong 2 tiếng, nhưng não bạn vẫn cứ nhỏ nhẹ cho bạn một lý do: “Sắp phải đi rồi, ráng làm gì nữa.”

Ai cũng biết thời gian là vàng. Nhưng đôi lúc, chúng ta để thời gian trôi qua một cách lãng phí, nhất là lúc một cuộc hẹn sắp diễn ra.

Hiện tượng này lần đầu được gọi tên bởi tài khoản Twitter @semispeaking, gọi là “waiting mode.” Vì sao cứ gần tới giờ hẹn thì ta lại không muốn làm gì?

Vì não bận mơ tưởng về tương lai

Con người luôn có xu hướng đặt niềm tin và kỳ vọng vào những điều hạnh phúc và tốt đẹp. Từ những trải nghiệm trong quá khứ, bạn sẽ biết đâu là thứ làm mình vui sướng hay thoả mãn. Ví dụ, bạn biết một ly cà phê mỗi sáng sẽ giúp bạn cảm thấy đầy năng lượng. Tương tự, những buổi đi chơi sẽ cho bạn khoảng thời gian vui vẻ, hay buổi họp mặt sẽ giải quyết các khúc mắc trong công việc của bạn.

waitingbrain1
Chúng ta sẽ không mấy thích thú khi phải làm các việc nằm ngoài viễn cảnh trong mơ.

Khi đợi một sự kiện sắp xảy ra, chúng ta sẽ có những viễn cảnh lý tưởng cho nó, và cũng không mấy thích thú khi phải làm các việc nằm ngoài viễn cảnh trong mơ. Nếu sắp sửa đi chơi với crush, bạn sẽ không nghĩ đến chuyện rửa chén hay đi đổ rác. Vì vậy khi đang trong trạng thái “chờ,” bạn sẽ không có động lực để làm chuyện khác.

Vì chúng ta có xu hướng trì hoãn làm việc nhỏ

Chúng ta thường không lên kế hoạch cho các đầu việc nhỏ như ta vẫn hay làm với các việc lớn. Đó là do việc nhỏ thường tốn ít thời gian hoàn thành và không có deadline cụ thể. Vì vậy, chúng ta dễ ỷ lại và nghĩ rằng mình có thể hoàn thành chúng bất cứ lúc nào.

Trong quá trình chờ, não sẽ dễ khó chịu nếu bạn chen ngang bằng các việc nhỏ. Cũng vì hiện tượng này mà não thường xuyên ngăn bạn làm việc. Thay vào đó, bạn chỉ muốn ngồi một chỗ, lướt điện thoại, và tưởng tượng về những gì có thể diễn ra.

waitingbrain2
Chúng ta dễ ỷ lại và nghĩ rằng mình có thể hoàn thành các việc nhỏ bất cứ lúc nào.

Vì ta nghĩ nó mất nhiều thời gian

Việc chủ động ngồi không cũng có thể xuất phát từ nỗi sợ không đủ thời gian. Cho rằng một việc cần nhiều thời gian hơn thực tế sẽ khiến chúng ta nghĩ việc hoàn thành nó ngay trước giờ hẹn là bất khả thi.

Tâm lý này đi ngược lại với hiện tượng “ngụy biện lập kế hoạch.” Thay vì tin rằng mình có đủ thời gian, bạn lo rằng mình sẽ mất thời gian hơn dự kiến, gây ảnh hưởng đến việc sau. Vì vậy, vào những lúc não "chờ,” bạn sẽ vô thức tránh chen ngang một việc khác vào kế hoạch có sẵn.

Có cách nào để não “chống chờ”?

Vì có liên quan mật thiết đến thời gian, giải pháp tối ưu nhất để chống lại “não chờ" là học cách quản lý thời gian tốt hơn. Song, bạn vẫn có thể chữa cháy nhanh bằng phương pháp time-blocking.

Để thực hành time-blocking, đầu tiên hãy quan sát và ghi nhớ thời lượng bạn cần cho một công việc nhất định. Sau đó, xếp các đầu việc vào từng khung giờ để kế hoạch trong ngày của bạn được cố định. Nếu bạn không thể hoàn thành công việc như dự kiến, hãy nhanh chóng dời đầu việc ấy sang một khung giờ khác để đảm bảo bạn không quên.

waitingbrain3
Time-blocking giúp bạn sắp xếp và phân bổ các đầu việc vào khung giờ để kế hoạch trong ngày của bạn được cố định.

Ví dụ, trong thời gian từ 5 đến 7 giờ tối, bạn có thể lên kế hoạch để thực hiện các việc nhỏ từ 5 giờ đến 6 giờ 30.

Nếu không có sẵn kế hoạch, bạn có thể làm các việc chắc chắn không mất quá nhiều thời gian. Các việc văn phòng như trả lời email, lên lịch hẹn, liệt kê nhiệm vụ cần hoàn thành cho một dự án hay dọn dẹp góc làm việc thường mất từ 10-15 phút. Các việc nhà như phơi đồ, quét nhà, rửa chén, lên danh sách đi chợ thường mất từ 5-10 phút.