Vì sao ta chỉ muốn "đắp chăn đi ngủ" khi trời chuyển lạnh? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao ta chỉ muốn "đắp chăn đi ngủ" khi trời chuyển lạnh?

Có phải chỉ đơn giản vì chúng ta được nằm trong chăn ấm?
Vì sao ta chỉ muốn "đắp chăn đi ngủ" khi trời chuyển lạnh?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Khi trời trở lạnh, chúng ta chỉ muốn cuộn tròn trong chăn ấm và ngủ thật ngon. Tiếng báo thức cũng trở thành âm thanh “ám ảnh” nhất, bởi chiếc chăn có sức quyến rũ kỳ lạ vào những buổi sáng ngày đông.

Theo National Sleep Foundation, nhu cầu ngủ của người trưởng thành vào khoảng 7-9 tiếng/ngày. Dù nhu cầu này không thay đổi theo mùa, nhưng theo bác sĩ Carleana Weiss, chúng ta có xu hướng ngủ thêm từ 1.75 - 2 giờ/ngày trong mùa đông. Vậy điều gì khiến bạn “vật lộn” để bước ra khỏi giường trong những ngày đông lạnh giá?

Vì trời tối “ru ngủ” não bộ

Thiếu hụt ánh sáng là yếu tố đầu tiên lý giải cho những cơn buồn ngủ kéo đến nhanh hơn thường lệ. Theo chuyên gia điều trị giấc ngủ Luisa Bazan, chúng ta ít tiếp xúc ánh nắng hơn vào mùa đông do ngày ngắn, đêm dài và ngại ra ngoài do trời lạnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đồng hồ sinh học của con người.

Trong không gian tối, hormone gây buồn ngủ melatonin hoạt động mạnh mẽ hơn. Cùng lúc đó, mắt cũng tiết ra một dạng protein kích thích cơn buồn ngủ khi thiếu sự xuất hiện của ánh sáng. Vì vậy mà sau khi ăn tối, nhiều người chỉ muốn chui vào chăn để “đánh một giấc” ngay lập tức.

Bên cạnh đó, ánh nắng giảm xuống cũng khiến da tổng hợp ít vitamin D hơn. Theo bác sĩ Weiss, lượng vitamin D thấp khiến bạn dễ buồn ngủ và mệt mỏi hơn vào ban ngày. Đây là lý do nhiều người cần bổ sung vitamin D qua đường thực phẩm hoặc thuốc vào mùa đông.

Vì giấc ngủ “ưa thích” sự mát mẻ

Cơ thể người vốn có cơ chế điều hòa thân nhiệt, đóng vai trò duy trì nhiệt độ lý tưởng trong nhiều tình huống. Dù vậy, nó không hoạt động mạnh trong giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) - thời điểm bạn ngủ sâu nhất, cũng là lúc hầu hết các giấc mơ xảy ra.

Trong lúc này, vùng dưới đồi (hypothalamus) chịu trách nhiệm phản ứng với nhiệt độ xung quanh. Nhưng các phản xạ này kém nhạy bén hơn, do đó cơ chế điều hòa đôi lúc phải cho bạn “hành động” bằng cách tung chăn ra hoặc trở mình khó chịu. Đây là lý do bạn khó ngủ ngon trong phòng quá nóng.

08feb2023230208ngunhieuintext1jpg
Nhiệt độ mát mẻ là yếu tố quan trọng giúp bạn ngủ ngon.

Nếu được ngủ trong nhiệt độ mát mẻ (từ 18 đến 22°C) thì cơ chế điều hòa thân nhiệt sẽ không phải hoạt động quá nhiều. Điều này đồng nghĩa các hành động phản xạ diễn ra ít hơn, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ. Và thời tiết lạnh mùa đông chính là điều kiện lý tưởng để cơ chế điều hòa “nghỉ ngơi”, khiến bạn ngủ ngon hơn hẳn bình thường.

Vì sinh hoạt bị xáo trộn nhiều trong mùa đông

Sự thay đổi về nhiệt độ và ánh sáng cũng dẫn đến những xáo trộn khác trong sinh hoạt thường ngày. Chẳng hạn trời lạnh khiến bạn ngại ra ngoài vận động - yếu tố kích thích cơ thể sản xuất endorphin. Khi thiếu đi hormone này, bạn dễ uể oải, buồn ngủ nhiều hơn.

Theo bác sĩ Weiss, nhiệt độ lạnh cũng thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn. Hệ quả là bạn có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn chứa tinh bột, đạm và đường. Điều này làm tăng lượng serotonin và melatonin trong cơ thể tăng lên, dẫn đến hiện tượng “căng da bụng chùng da mắt”.

Bên cạnh đó, mùa đông là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội như Giáng Sinh và Tết Nguyên đán. Những lúc này sinh hoạt của bạn bị xáo trộn nhiều nhất: ăn uống thoải mái hơn, tham gia nhiều hoạt động hơn hoặc đi du lịch. Cộng thêm những nỗi lo về tài chính hoặc công tác chuẩn bị cho mùa lễ, bạn dễ cảm thấy năng lượng sụt giảm nhanh hơn bình thường, dẫn đến buồn ngủ thường xuyên.

Làm sao để tạm biệt “chiếc chăn gió ấm” vào buổi sáng?

Về mặt sinh học, việc ngủ nhiều mùa đông mang lại cho bạn những lợi ích nhất định. Chẳng hạn không khí khô làm giảm chất nhầy ở mũi, họng khiến nhiều người bị ốm. Lúc này, nên ngủ nhiều để giúp cơ thể hồi phục nhanh. Ngoài ra khi cơn đói đến thường xuyên, việc chợp mắt cũng giúp bạn hạn chế ăn quá nhiều trong mùa đông.

Tuy nhiên khi bạn phải dậy sớm để đi học/đi làm đúng giờ, thì việc tạm biệt chiếc giường thật sự là một cuộc chiến. Bạn có thể tham khảo một số tips dưới đây để khởi động một ngày mới hoàn hảo dù trời lạnh:

Hạn chế hoãn báo thức: Theo chuyên gia giấc ngủ Lauren Peacock, việc nhấn nút hoãn (snooze) để ngủ thêm vài phút thực chất sẽ khiến bạn uể oải hơn. Vì vậy, hãy cố gắng dậy ngay từ báo thức đầu tiên. Bạn có thể để báo thức cách xa giường, như vậy khi nó kêu bạn buộc phải rời khỏi giường để tắt.

Đón ánh sáng nhiều nhất có thể: Nên bật đèn hoặc mở rèm cửa sổ ngay khi bạn thức dậy. Bạn có thể mở hé một phần rèm trước khi ngủ, để lượng ánh sáng vào vừa đủ giúp bạn tỉnh táo hơn.

08feb2023230208ngunhieuintext2jpg
Đón ánh sáng ngay khi thức dậy giúp bạn tỉnh táo hơn.

Chuẩn bị kỹ vào buổi tối: Bạn sẽ không muốn thức dậy và nhận ra đống bát chưa rửa, deadline chưa xong và quần áo thì chưa chuẩn bị. Nên dành thời gian lên kế hoạch và chuẩn bị từ tối hôm trước, như vậy bạn sẽ thoải mái hơn nhiều vào sáng hôm sau.

Ngủ nhiều có thể là biểu hiện bất thường không?

Nhìn chung, việc ngủ nhiều vào mùa lạnh hay mùa mưa là phản ứng bình thường của cơ thể. Nhưng nếu bạn ngủ nhiều hơn 10 tiếng/ngày, thường xuyên cảm thấy vô vọng buồn bã, mất khẩu vị và có suy nghĩ tự sát, đó có thể là biểu hiện chứng trầm cảm theo mùa (SAD).

Với một số người, chứng bệnh này sẽ kết thúc khi thời tiết ấm lên. Nhưng nó vẫn gây nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe và chất lượng cuộc sống nói chung. Vì vậy nếu nhận thấy mình có những biểu hiện trên, bạn cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.