Vì sao thức đêm thì ta lại hay lục tủ lạnh? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 02, 2022
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao thức đêm thì ta lại hay lục tủ lạnh?

Nếu hay thức khuya, bạn hẳn quen với cảm giác đói cồn cào vào giữa đêm.
Vì sao thức đêm thì ta lại hay lục tủ lạnh?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nếu là người thuộc hội “cú đêm”, bạn hẳn biết rằng “tiếng gọi của bao tử” vào ban đêm mạnh mẽ thế nào. Dù thừa hiểu ăn đêm thì không tốt, nhưng thật khó để ngăn mình mò mẫm lục tủ lạnh, úp tô mì, hoặc đặt đồ ăn trên grab mỗi khi cơn đói lên tiếng.

Vậy điều gì khiến bạn phải đi “chiều lòng dạ dày” trong cái giờ oái ăm như vậy?

Hormone chịu trách nhiệm cho cảm giác no-đói bị lẫn lộn

Ăn và ngủ thì không đi đôi với nhau. Khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ sản xuất leptin, một hormone ức chế cảm giác đói. Ngược lại khi chúng ta thức giấc, hormone ghrelin sẽ tăng nhằm báo cho chúng ta biết đã đến giờ ăn rồi (theo vice).

Nếu sinh hoạt của bạn đột ngột thay đổi (tập thể dục với cường độ cao, uống rượu hoặc thức khuya để học thi) khiến chu kỳ ngủ bình thường bị gián đoạn, hai hormone kể trên sẽ bị ảnh hưởng. Thay vì ban ngày, ghrelin sẽ tăng vào ban đêm khiến bạn có cảm giác đói cồn cào.

Ăn giúp phân tán suy nghĩ vẩn vơ vào lúc đêm muộn

Như chúng ta đều biết, căng thẳng có thể dẫn đến mất ngủ. Trớ trêu thay, càng mất ngủ vì áp lực cuộc sống ta lại càng có thêm thời gian để nghĩ về những điều làm mình mất ngủ.

Lúc này, ăn uống theo cảm xúc (emotional eating) được coi như một cách xả stress, giúp ta thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn trên, ít nhất là trong ngắn hạn. Khi ăn, sự chú ý của chúng ta tạm thời được di dời ra khỏi những gì khiến mình căng thẳng để tập trung tiêu thụ thức ăn.

alt
Ăn đêm giúp chúng ta đánh lạc hướng mình khỏi những áp lực làm ta mất ngủ.

Bên cạnh đó, những thực phẩm có đường (bánh, kẹo, trà sữa) giúp não bộ giải phóng dopamine, hormone giúp chúng ta cảm thấy phấn chấn, vui vẻ hơn tức thời.

Tuy nhiên, theo giáo sư tâm lý Kelly Allison của Đại học Pennsulvania, điều này sẽ khiến chúng ta rơi vào một vòng lặp khác. Khi cơ thể đã quen với việc ăn khuya, nó sẽ ngầm hiểu nửa đêm chính là giờ ăn và sẽ đánh thức bạn nếu bị bỏ đói.

Năng lượng mà bạn tích trữ trong ngày không đủ xài đến khuya

Đối với những người đang trong chế độ ăn kiêng, hiện tượng đói đêm càng dễ xảy ra. Theo nhà nghiên cứu thần kinh học Nicole Avena, khi lượng calorie nạp vào ban ngày bị giảm đi, cơ thể của bạn sẽ không trụ nổi đến khuya. Và theo lẽ thường, cơ thể sẽ đòi được bù đắp nếu đến giữa đêm mà bạn vẫn còn cần năng lượng hoạt động.

alt
Khi dùng hết năng lượng nạp vào buổi sáng, cơ thể bạn sẽ đòi ăn để có thêm năng lượng.

Giữa đêm bỗng nhiên đói, sau đó lại hết?

Một điều thú vị ở những cơn đói đêm là không phải lúc nào nó cũng dai dẳng. Đôi khi để chống lại cơn đói, bạn chỉ cần ngồi đó và đợi nó qua đi. Như chúng ta đều biết, cơ thể nạp năng lượng thông qua việc ăn uống. Và ngày nay, chúng ta không chỉ nạp năng lượng để đủ xài mà còn nạp dư.

Phần năng lượng “đủ” sẽ giúp cho bạn hoạt động trong ngày. Còn phần năng lượng “dư” sẽ được trữ trong các “nhà kho”, bao gồm cơ quan nội tạng (ví dụ như gan), cơ bắp và mỡ.

Trong trường hợp bạn dùng hết phần năng lượng “đủ”, cơ thể sẽ chuyển đổi nguồn năng lượng trong “nhà kho” ra để dùng tiếp (theo bbc). Đó là lý do mà cảm giác đói sẽ giảm bớt, ngay cả khi chúng ta không ăn thêm.

Ăn đêm - Vẫn nên hạn chế thì hơn

Chúng ta đều biết rằng ăn đêm về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ăn xong rồi lại đi nằm thì không hề tốt cho hệ tiêu hóa nói riêng (dễ bị khó tiêu, ợ nóng, trào ngược axit dạ dày) và sức khỏe nói chung (tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch).

Ngoài ra, những người ăn đêm có thể sẽ ăn ít hơn vào hôm sau hoặc tập thể dục với cường độ cao để “bù trừ”. Điều này sẽ làm cho họ dễ bị cạn năng lượng và cuối cùng là lục tủ lạnh vào giữa đêm để “cứu đói”.

Bên cạnh đó, giấc ngủ bị xáo trộn do ăn đêm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng. Bạn dễ trở nên mệt mỏi và cáu bẳn bởi cơ thể không nghỉ ngơi đủ để phục hồi.

Và như đã đề cập ở trên, cơn đói có thể qua đi nếu chúng ta chịu khó đợi. Theo giáo sư Allison, nếu thức khuya bạn hãy chọn một hoạt động khác để thay thế việc ăn. Ví dụ như nghe những âm thanh giúp dễ ngủ (tiếng ồn trắng, ASMR), đọc sách, xem tivi hoặc thiền.