Vì sao toán gây nhiều ‘ai oán'? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
04 Thg 04, 2021
Tâm Lý Học

Vì sao toán gây nhiều ‘ai oán'?

Hơn cả việc ghét toán hoặc tính không ra tiền thừa, những người mang nỗi lo sợ về toán còn "khổ sở" hơn nhiều. Bạn có những dấu hiệu này không?

Vì sao toán gây nhiều ‘ai oán'?

Nguồn: Tiểu Sương @88metco cho Vietcetera.

Những con số và các vấn đề liên quan đến toán học nói chung là nỗi ám ảnh phổ biến với nhân loại. Đối với nhiều người, bối rối khi tính tiền thừa khi mua sắm, hay giá giảm của một chiếc áo chỉ là những phiền toái nhỏ nhặt. Nhưng với một số khác, nỗi lo âu về toán học nghiêm trọng hơn nhiều.

Lo âu về toán học là gì?

Lo âu về toán học (mathematics anxiety) là một phản ứng cảm xúc tiêu cực đối với các vấn đề liên quan đến toán học. Hơn cả việc ghét nó, người mang nỗi lo này thấy khó chịu, thậm chí lảng tránh làm việc với những con số hoặc cần kỹ năng toán học, thậm chí chủ động bỏ qua các ngành nghề liên quan đến việc tính toán.

Các dấu hiệu thường thấy là:

  • Lo lắng: Không chỉ khi đang ngồi trong lớp toán, mà thậm chí cả khi bạn chỉ đang nghĩ về nó.
  • Né tránh: Tìm cách tránh các lớp liên quan tới kỹ năng làm toán hoặc không muốn làm bài tập.
  • Cứng đờ: Mỗi khi bị gọi lên bảng bất chợt hoặc bước vào phòng thi, não bạn “chết máy" dù bạn vẫn nhớ công thức hoặc biết cách giải.
  • Thiếu tự tin: Thường tự nhủ với bản thân theo cách tiêu cực như “Toán không khó, chỉ do mình dốt thôi.”
  • Cảm thấy là vấn đề của riêng mình: Bạn cảm thấy xung quanh ai cũng có thể giải được bài toán, ngoại trừ bạn.
  • Hoảng loạn: Với các biểu hiện như tim đập nhanh, tay chân bủn rủn, người nóng bừng và đổ mồ hôi.
Sợ Toaacuten 1
Với những cá nhân lo âu vì toán, bộ nhớ thao tác của họ bị nỗi lo sợ bao trùm tới mức không thể tập trung giải toán.

Khi bộ não giải quyết vấn đề, thông tin sẽ đi qua hạch hạnh nhân – trung tâm cảm xúc của não, sau đó mới chuyển thông tin đến vùng vỏ não trước trán – nơi chịu trách nhiệm về trí nhớ và tư duy phản biện. Với những học sinh lo âu về toán học, hoạt động của hạch hạnh nhân lại nhiều hơn vỏ não trước. Lúc này, dù chỉ là một tác nhân nhỏ như một gương mặt cau có cũng khiến họ mất khả năng phán đoán và ghi nhớ.

Theo Daniel Ansari, nghiên cứu viên thuộc của Phòng thí nghiệm Nhận thức Số tại Đại học Western Ontario, lúc này vòng lặp suy nghĩ và lo âu chiếm cứ bộ nhớ thao tác (working memory) của họ. Do đó trí não của họ phải dồn hết vào việc lo lắng thay vì làm toán.

Điều gì gây ra nỗi lo âu khi học toán?

Theo chuyên gia, 2 nguyên nhân chính gây ra nỗi lo sợ này là do yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Hai yếu tố này tác động lên những trải nghiệm đầu đời của trẻ em, dần dần khiến trẻ thất vọng và phản ứng tiêu cực với việc học toán. Cụ thể là:

Rối loạn phát triển

Chứng khó học toán (dyscalculia) là một loại rối loạn học tập đặc biệt. Những người mắc chứng này thường gặp vấn đề với việc:

  • Cảm nhận trực quan về số
  • Tiếp thu và ghi nhớ các thông tin, kiến thức về số
  • Tính toán chính xác và rành mạch

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn này. Tuy nhiên, họ cho rằng có 2 khả năng chính là di truyền và những khác biệt trong cấu trúc lẫn chức năng não bộ.

Ảnh hưởng từ người lớn

Một số nghiên cứu cho thấy, cảm nhận về môn toán của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn từ người lớn xung quanh. Nếu họ nói về toán như thể một thứ khó nhằn và lạ lẫm thì sẽ tạo cho đứa trẻ cái nhìn thiếu thiện cảm với nó. Ngoài ra, nếu bố mẹ không giỏi hoặc không thích toán và vẫn thành công trong các công việc không liên quan nhiều đến môn này, con cái họ cũng sẽ tin rằng mình không cần phải cố gắng với các con số.

Cách trẻ em tiếp cận với toán còn chịu ảnh hưởng từ giáo viên. Nhưng theo nghiên cứu, một số giáo viên dạy toán đôi khi cũng lo lắng về toán và truyền cảm xúc này lại cho học sinh của mình.

Sợ Toaacuten 2
Cảm nhận về môn toán của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn từ người lớn xung quanh, nhất là bố mẹ và thầy cô.

Phương pháp dạy và học

Học sinh dễ nảy sinh lo lắng khi học toán nếu chưa từng đạt thành tích tốt trong môn này, dần dần cho rằng mình không thể và không cần cố gắng nữa. Trạng thái tâm lý đó được gọi là 'bất lực tập nhiễm'. Mà phương pháp dạy và học theo kiểu “giải thích - thực hành - ghi nhớ" là một trong số các nguyên nhân chính.

Cũng theo nghiên cứu, một số trường hợp dễ tạo cho học sinh cái nhìn tiêu cực về môn toán trong trường học là:

  • Thầy cô đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho học sinh nói chung, hoặc giục giã học sinh đưa ra đáp án đúng trong thời gian ngắn
  • Nhấn mạnh rằng chỉ có một cách giải đúng
  • Thầy cô nổi giận khi học sinh không hiểu bài
  • Xem việc giải thêm bài toán là một cách “trừng phạt"

Quan niệm của xã hội

Rằng năng khiếu học toán là bẩm sinh và chỉ một số người mới có thể thành công trong toán học; hoặc “con trai giỏi toán, con gái giỏi văn" đều là những quan niệm khiến nhiều học sinh từ bỏ cố gắng với môn toán. Nó tạo ra một vòng lặp từ bỏ - không thể tiếp thu - lo sợ với toán học.

Lo lắng về toán không đồng nghĩa với kém thông minh

Chính nỗi lo toán học gây ra ác cảm với môn này, khiến bạn không tiến bộ được vì không tìm ra động lực để cố gắng.

Để làm rõ điều đó, Kou Murayama – nhà nghiên cứu tâm lý thuộc Đại học UCLA đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 3,500 trẻ em ở bang Bavaria (Đức) trong vòng 5 năm. Những học sinh này đã làm bài kiểm tra chỉ số IQ, được nhận xét và theo dõi khả năng về số và hình học. Các em còn đánh giá mức độ đồng ý (từ 1 đến 5) đối với những nhận định như, “Em cố gắng học toán vì có hứng thú với môn này” để đo lường động lực nội sinh của các em, bên cạnh những tác nhân bên ngoài chẳng hạn như thành tích.

Kết quả cho thấy, động lực và phương pháp học hiệu quả mới là yếu tố quyết định sự tiến bộ của các em học sinh này khi lên lớp 10, chứ không phải là IQ. Các em có khả năng học toán ở mức trung bình nhưng lại thuộc top 10% về động lực và phương pháp học lại đạt kết quả tốt hơn 13% so với ban đầu. Những em có chỉ số IQ cao hơn nhưng không thích toán bằng các em khác lại không cho thấy sự tiến bộ.

Làm sao để bớt lo lắng về toán?

Ngoài những phương án khắc phục cần thiết từ phía người lớn và môi trường dạy học, theo giáo sư về tâm lý học thần kinh nhận thức – Orly Rubinsten, mỗi cá nhân gặp vấn đề này có thể thử những cách sau:

Sợ Toaacuten 3
Tạo cảm giác thư giãn và thay đổi tư duy sẽ giúp bạn giảm bớt nỗi lo âu về toán. | Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. Tạo cảm giác thư giãn.

Các bài tập thở đều sẽ giúp bạn cải thiện cảm giác lo âu. Việc ghi chép lại những chuyện đã diễn ra cũng giúp bạn giải tỏa căng thẳng, suy nghĩ về những khó khăn đã xảy ra. Nhờ đó bạn có thể nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn, tăng cường bộ nhớ thao tác.

Bạn cũng có thể đi dạo để tránh bị căng cơ, ngăn chặn sự hình thành của những nỗi lo.

2. Cải thiện tư duy của bản thân

Bạn có thể học cách tư duy cầu tiến (growth mindset) để cải thiện thái độ với những con số. Bộ não của mỗi người đều linh hoạt, và những kỹ năng toán học có thể hình thành, cải thiện theo thời gian.

Luyện tập đối thoại tích cực với bản thân đúng cách cũng sẽ giúp bạn tăng thêm tự tin khi phải đối diện với những con số.

3. Hiểu rằng bạn không cô đơn

Lo âu về toán là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi độ tuổi. Khoảng 93% người Mỹ trưởng thành cho biết họ từng trải qua các mức độ của nỗi lo âu này. Dữ liệu của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2012 đối với 34 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, 59% học sinh độ tuổi 15-16 thường lo rằng môn toán quá khó với mình, 33% căng thẳng mỗi khi phải làm bài tập toán, và 31% khác lo âu mỗi khi giải quyết các vấn đề về toán.

Nếu quan sát và trò chuyện những người xung quanh, bạn sẽ thấy rằng cũng có nhiều người gặp vấn đề tương tự. Hãy nhớ rằng nỗi lo này không khiến bạn trở nên kém cỏi, mà nó là điều chúng ta có thể cải thiện.