Năm mới Tết đến, mỗi người đều lớn thêm một tuổi. Việc trưởng thành có lẽ sẽ là một niềm vui cho bất kì ai. Thế nhưng càng lớn tuổi, tỉ lệ được nhận lì xì càng nhỏ đi và viễn cảnh trở thành người phát lì xì càng hiện rõ.
Những Editors tại Vietcetera cũng thế, qua số Vietcete-vô lần này, hãy cùng nghe họ kể về câu chuyện lần đầu tiên lì xì cho gia đình.
Lì xì thay mình chia sẻ về tài chính cuối năm
Sovy Han - Editor mục Tài Chính Cá Nhân
Vào năm 24 tuổi, khoảng thời gian có công việc ổn định, mình quyết định rằng Tết này mình sẽ lì xì cho gia đình.
Nhà mình có truyền thống rằng cha mẹ, cô dì chú bác sẽ luôn mừng tuổi cho ông bà. Tuy số tiền không quá nhiều, nhưng nó là một hành động mang tính biểu tượng cho sự chúc phúc. Vì thế mình học theo và chuẩn bị rất kĩ cho những phong bao lì xì.
Từ việc mua phong bì đến xem phong thủy để chọn số tiền may mắn, mình đã làm hết mọi thứ có thể để khiến cho món quà đầu năm này thật đặc biệt.
Bởi lì xì vốn là một truyền thống không bắt buộc, gia đình mình luôn đã ngầm hiểu chúng như những bản báo cáo tình hình cuối năm. Năm đầu tiên mình không đủ tài chính để lì xì, ba mẹ đã đặc biệt dành những lời chúc rất “hợp thời” về công việc và tài chính. Thậm chí, mình còn được lì xì “bonus” thêm lần 2, lần 3.
Mình rất biết ơn sự ngầm hiểu và tin tưởng này. Nhờ chúng mà mỗi lần về quê ăn Tết, mình không còn phải nơm nớp lo sợ câu hỏi: “Năm nay làm ăn được không con?”
Đối với mình, việc lì xì cho họ hàng mỗi năm chính là một bước tiến lớn trong sự trưởng thành của bản thân. Đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, mình đã dần học được giá trị của việc cho đi mà không mong chờ được nhận lại.
Khi có công việc rồi thì mình nhân đôi lì xì cho em trai
Minh Anh - Editor mục Tin Tức
Mình bắt đầu lì xì cho em trai vào năm đầu tiên mình đi học đại học.
Thật ra, mình dùng từ "lì xì" thì không chính xác. Vào năm đầu tiên đó, trùng hợp làm sao là hai chị em chẳng nói chẳng rằng, cùng ra quyết định sẽ lì xì cho nhau một số tiền tương tự. Ngày Tết hôm đó bỗng mất đi những giá trị vật chất và chỉ còn lại những lời chúc Tết ý nghĩa.
Em trai nhỏ hơn mình 3 tuổi. Ngay từ nhỏ mình đã được mẹ giao nhiệm vụ chăm sóc và quan tâm cho em. Tuy bây giờ hai chị em đều đã lớn, mình vẫn không bỏ được thói quen đó. Thế nên, sau vài lần tặng nhau cùng một số tiền, năm đầu tiên có công việc ổn định là lúc mình nhân đôi số tiền đó lên để lì xì cho em.
Mình cảm thấy như việc lì xì giống như một hành động để khẳng định rằng bản thân đã độc lập về tài chính. Vì mình vẫn còn xin tiền ba mẹ nên vẫn chưa dám mừng tuổi những người lớn trong gia đình.
"Lì xì" cho gia đình những trải nghiệm khó quên
Trà Nhữ - Illustrator
Năm đầu tiên mình “lì xì” cho gia đình là năm mình đang học tại Úc.
Lúc đó là Tết năm 2018, mẹ và em gái có ý định qua Úc thăm mình. Lúc bàn bạc về chuyến đi thì mẹ có gửi tiền qua để mình giúp đặt vé máy bay. Một ý định nảy ra trong đầu, mình quyết định dùng tiền của bản thân để đặt thêm những chuyến bay nội địa, thuê Airbnb, làm hẳn một chuyến du lịch cho mẹ và em gái.
Vào khoảng thời gian đó mình không có nhiều tiền trong túi. Từ khi qua Úc, ngoài việc học toàn thời gian, mình còn đi làm bồi bàn khoảng 20 tiếng một tuần. Món quà Tết năm 2018 ấy là một cột mốc trưởng thành lớn vì lúc đó mình đã có thể cho mẹ biết rằng con gái mẹ đã có thể tự lo cho bản thân.
Bây giờ nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy rất tự hào. Từ trước đến nay, mình luôn quan niệm tránh xa việc tặng tiền cho gia đình vì mình biết mẹ sẽ không sử dụng chúng và để dành cho con cái sau này.
Thay vào đó mình chọn tặng những món quà mang tính trải nghiệm và cải thiện chất lượng sống của gia đình. Mình muốn một món quà mà sau này gia đình mình sẽ cón nhắc lại như một kỉ niệm đẹp. Chuyến đi Úc đó là một món quà như vậy.
"Ba mẹ đừng lo cho con nữa nhé, con trưởng thành rồi."
Tài Thy - Editor mục Sáng Tạo
Mình bắt đầu mừng tuổi ba mẹ vào năm đầu học đại học, vào thời điểm mình có được công việc đầu tiên. Mình đã luôn quan niệm rằng ngay khi có tiền, mình muốn lập tức báo hiếu cho ba mẹ, vì thế việc mừng tuổi đến rất tự nhiên.
Số tiền lì xì tuy không nhiều, nhưng đối với mình chúng là một bước trưởng thành rất lớn. Ở một góc độ nào đó, mình đã biến tình yêu thương của gia đình mình thành một tình yêu hai chiều.
Mình muốn đi làm ngay năm đầu học đại học để không phải xin ba mẹ tiền tiêu vặt nữa. Vì thế việc lì xì như một câu nói dõng dạc rằng “con đã kiếm tiền được rồi, trưởng thành rồi, ba mẹ đừng lo cho con nữa nhé.” Mình nghĩ rằng sự an tâm này có lẽ có ý nghĩa lớn hơn bất kì số tiền nào trong bao lì xì.
Truyền đi sự sung sướng khi được nhận lì xì
Chu Ng - Editor mục Tin Tức
Năm đầu tiên đi làm là lúc mình bắt đầu lì xì cho họ hàng.
Lì xì có nhiều hình thức lắm. Mình dúi tiền vào tay bà ngoại, bảo là bà cầm tiền này sắm Tết, “xem như con mừng tuổi bà nhé!” Với ba mẹ thì mình bỏ vào bao lì xì hẳn hoi và mừng tuổi vào đúng mùng một Tết.
Dưới quê mình có nhiều đứa cháu với em họ nên mình chơi trò xòe mấy bao lì xì ra như bộ bài và cho mấy đứa nhỏ bóc thăm. Việc bóc lì xì và xem số tiền nhiều ít khác nhau cũng là một thú vui ngày Tết cho tụi nhỏ.
Tuy vẫn còn trẻ và vẫn muốn được nhận lì xì nhưng dòng đời đưa đẩy mình trở thành người móc hầu bao, biết sao giờ? (cười). Lúc đó mình chẳng nghĩ gì nhiều. Chỉ đơn giản rằng mình nhớ về việc mình từng sướng khi nhận lì xì ra sao thì giờ đây, mình muốn truyền cảm giác đó cho người khác.
Lì xì không cần phải là tờ polyme xanh đỏ, bạn có thể lì xì cho gia đình bằng một bữa tiệc sum vầy tại Manwah.
"Thăm" Manwah trước tại: www.manwah.com.vn nhé!