Vụ cô gái Việt vứt xác con tại Nhật nói gì về quyền phá thai? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vụ cô gái Việt vứt xác con tại Nhật nói gì về quyền phá thai?

Tại sao quyền phá thai là vấn đề gây tranh cãi?
Vụ cô gái Việt vứt xác con tại Nhật nói gì về quyền phá thai?

Nữ thực tập sinh người Việt. | Nguồn: Asahi.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 21/01 vừa qua, tòa cấp cao Fukuoka (Nhật Bản) kết án một nữ thực tập sinh người Việt vì cáo buộc vứt xác hai con sinh đôi. Theo bản án, bị cáo Lê Thị Thùy Linh nhận 3 tháng tù treo, đồng thời chịu thử thách trong vòng 2 năm.

Bản án này đã được giảm nhẹ so với phán quyết trước đó của tòa cấp dưới (8 tháng tù treo và 3 năm thử thách). Phán quyết của tòa cấp dưới bị hủy do sai sót trong quá trình áp dụng luật.

2. Nữ thực tập sinh đã làm gì?

Theo cáo trạng, ngày 16/11/2020, cảnh sát nhận được tin báo từ một bệnh viện ở thành phố Yashiro, tỉnh Kumamoto. Phía viện nói rằng họ thấy một cô gái Việt Nam sau khi sinh 2 đứa con ở bệnh viện đã đặt những đứa trẻ vào một thùng bìa các tông.

Cảnh sát sau đó ngay lập tức khám xét nhà nghi phạm. Tại đây, họ tìm thấy trong thùng các tông hai em bé sinh đôi được quấn bằng vải, không có chấn thương nào trên cơ thể và đã được cắt dây rốn. Tuy nhiên, hai bé đều đã chết trước đó. Nghi phạm vì vậy được cho là đã cố tình để con qua đời.

Nghi phạm Linh bị bắt và ngay sau đó thừa nhận hành vi của mình. Linh trước đó sang Nhật vào năm 2018 rồi làm thực tập sinh nông nghiệp tại một nông trại trồng quýt ở Ashikita, tỉnh Kumamoto.

3. Tại sao cô gái lại quyết định vứt bỏ 2 đứa trẻ?

Theo lời khai của Linh, cô sợ không thể tiếp tục làm việc để gửi tiền về quê nếu bị phát hiện mang thai và sinh con. Theo nhóm pháp lý của bị cáo, tổ chức đưa Linh từ Việt Nam sang Nhật đã cấm cô mang thai nếu không muốn bị trục xuất, vốn là điều trái với ý chí của luật pháp Nhật Bản.

Được biết, nữ thực tập sinh có một cuộc sống khó khăn tại Nhật Bản. Khi tới Nhật vào năm 2018, cô phải vay 14 nghìn USD để trả cho chi phí đi lại và dịch vụ. Với thu nhập 1400 USD mỗi tháng ở Nhật, Linh phải dành 1100 - 1200 USD để trả nợ và gửi về cho gia đình.

Tuy vậy, Linh cho biết cô buồn và hối lỗi, khi định chôn 2 đứa trẻ theo nghi lễ truyền thống của người Việt, chứ không định vứt xác. Tòa án cũng nhận định đây là tình tiết cho hưởng khoan hồng, dẫn đến tuyên bản án gần như thấp nhất.

4. Nhật Bản có cấm thực tập sinh người nước ngoài mang thai?

Nhật Bản không hề cấm thực tập sinh người nước ngoài mang thai. Luật pháp nước này cho phép thực tập sinh được nghỉ làm việc 6 tuần trước khi sinh con, và 8 tuần sau đó. Ngoài ra, luật cũng cấm nhà tuyển dụng sa thải người lao động vì lý do mang thai hoặc sinh con.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng cho phép phá thai đối với phụ nữ mang thai đến 21 tuần 6 ngày. Tuy vậy, việc phá thai phải được sự chấp thuận của cả bố và mẹ, trừ trường hợp không xác định được bố đứa trẻ, hoặc bố đứa trẻ đã chết. Quy định này áp dụng cả với thực tập sinh người nước ngoài.

Như vậy, Linh có thể có những lựa chọn khác, thay vì sinh con để rồi phải bỏ chúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu đây không phải là điều dễ dàng với cô, vì xã hội Nhật Bản vốn không có cái nhìn thiện cảm về vấn đề này.

Theo ông Shinichiro Nakajima, người đứng đầu Hiệp hội Sống cùng người di cư, xã hội Nhật Bản vẫn tồn tại quy định ngầm rằng nữ thực tập sinh không thể mang thai và sinh con. Việc phá thai cũng là điều cấm kỵ tại Nhật Bản - đất nước nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai thấp nhất thế giới.

Đó là còn chưa kể, luật pháp không thể phản ánh hoàn toàn ý chí của tất cả người dân. Luật pháp Nhật vì thế có thể ủng hộ các thực tập sinh khi mang thai, nhưng điều đó không thất thiết có nghĩa rằng các chủ doanh nghiệp cũng phải ủng hộ.

alt
Chính phủ Nhật Bản luôn cố gắng duy trì sự cởi mở về vấn đề phá thai, dù vấp phải nhiều "luật ngầm" trong xã hội. | Nguồn: Getty Images.

5. Thế giới có thái độ thế nào với phá thai?

Tính đến nay, đã có hơn 97% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Tùy vào phong tục, tập quán, tôn giáo và quan điểm chính trị mà mỗi quốc gia có quy định khác nhau về việc phá thai.

Tại Mỹ, có đến 43 trong số 50 bang cấm phá thai, trừ khi việc mang thai ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng là 2 quốc gia có quan điểm chặt chẽ. Trong khi Triều Tiên cấm phá thai hoàn toàn, thì Hàn Quốc chỉ cho phép phá thai khi người phụ nữ bị cưỡng hiếp, hoặc gặp vấn đề sức khỏe không thể tiếp tục mang thai.

Tại châu Âu, đa số các nước cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi, ngoại trừ Ý, Hà Lan, Phần Lan và Nga khi tăng thời hạn này lên 24 tuần.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nữ quyền, quyền được phá thai là vấn đề chính trị nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Với những quốc gia có tư tưởng chính trị cấp tiến, việc có góc nhìn cởi mở có kiểm soát với phá thai không chỉ là để bảo vệ sức khỏe của người dân, mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ của nữ giới.

Tiêu biểu trong số này là Canada - quốc gia thậm chí coi hành vi ngăn cản phụ nữ đến phòng khám để thực hiện phá thai là vi phạm pháp luật.

alt
Canada luôn nằm trong top những quốc cởi mở với quyền phá thai. | Nguồn: Dreamstime.

6. Còn ở Việt Nam thì sao?

Việt Nam là một trong những nước có chính sách cởi mở với việc phá thai. Luật pháp nước ta cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống với sự đồng ý của người phụ nữ, nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe, kỹ thuật và trang thiết bị. Tuy nhiên, việc phá thai sẽ bị cấm nếu vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi.

Vì chính sách cởi mở, nên Việt Nam cũng nằm trong top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Nga, Mỹ và Ukraine. Hàng năm, nước ta vẫn ghi nhận từ 250 nghìn - 300 nghìn ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19. Ngoài ra, việc giáo dục giới tính chưa được quan tâm đúng mực cũng góp phần khiến tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng.

7. Tại sao có người ủng hộ, có người phản đối phá thai?

Quyền phá thai luôn là một vấn đề chính trị nổi bật, khiến xã hội cũng chia làm 2 phe ủng hộ và không ủng hộ. Nhìn chung, lý lẽ then chốt của bên phản đối là bào thai cũng là một con người, do đó có quyền được sống. Việc phá thai vì thế chính là hành động giết người.

Trong khi đó, bên ủng hộ cho rằng phụ nữ cũng là một con người, và bào thai nằm trên cơ thể của những người phụ nữ. Chính vì thế họ có toàn quyền lựa chọn có hay không hoàn thành một thai kỳ.

Trong quá trình làm luật, luật pháp các nước vì thế thường tìm cách dung hòa lợi ích của cả hai bên, với cân nhắc đến các yếu tố khách quan như tư tưởng chính trị, trình độ dân trí hay điều kiện cơ sở vật chất. Đó là vì từ góc nhìn lập pháp, việc chỉ dựa trên những lý lẽ về đạo đức là không đủ.

Để một điều luật có hiệu quả, tác động dự báo của luật là yếu tố quan trọng. Nếu luật được dự báo là cải thiện được tình hình, thì việc ban hành luật mới có thể được biện minh.