Johnny Depp thắng Amber Heard nói gì về bạo lực gia đình? | Vietcetera
Billboard banner

Johnny Depp thắng Amber Heard nói gì về bạo lực gia đình?

Johnny Depp thắng rồi, không phục nữa thì thôi.
Johnny Depp thắng Amber Heard nói gì về bạo lực gia đình?

Nguồn: Independent

1. Điều gì đã xảy ra?

Sau 6 tuần tung qua hứng lại, phiên tòa Johnny Depp kiện vợ cũ Amber Heard tội phỉ báng đã được tòa phán quyết vào ngày 01/06. Dù không xuất hiện tại tòa, nhưng phần thắng đã thuộc về nam diễn viên Cướp biển vùng Caribbean.

Theo đó, Bồi thẩm đoàn đã yêu cầu Amber Heard bồi thường cho Johnny Depp 15 triệu USD. Thẩm phán đã giảm mức phạt này xuống còn 10,35 triệu USD để tuân thủ các giới hạn của tiểu bang về bồi thường thiệt hại.

Bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu Depp bồi thường thiệt hại cho Amber Heard 2 triệu USD.

2. Người trong cuộc phản ứng gì?

Sau khi tòa án đưa ra phán quyết, Johnny Depp phản hồi rằng: "Bồi thẩm đoàn đã trả lại cuộc sống cho tôi. Tôi thực sự rất biết ơn."

Nam diễn viên cho rằng, điều tốt đẹp còn ở phía trước và một chương mới cuối cùng cũng đã mở ra với anh. Depp nhấn mạnh, "Sự thật không bao giờ mất."

Amber Heard thể hiện sự thất vọng trước phán quyết này của tòa. Nữ diễn viên "cảm thấy hôm nay không thể nói thành lời… Tôi đau lòng vì hàng núi bằng chứng vẫn không đủ để chống lại sức mạnh, ảnh hưởng và sự tác động của chồng cũ."

Nữ diễn viên chia sẻ thêm, "Tôi thậm chí còn thất vọng hơn với ý nghĩa của phán quyết này đối với những phụ nữ khác. Đó là một bước lùi."

Theo The Mirror, Amber Heard quyết định kháng cáo sau khi tòa án Fairfax, Virginia xử nữ diễn viên thua kiện Johnny Depp. Đại diện của Heard nói với New York Times rằng, nữ diễn viên có kế hoạch kháng cáo vì rất đau lòng trước kết quả của phiên tòa.

3. Amber Heard đã bị "ác quỷ hóa" trên Internet?

Việc thắng kiện của Depp không nằm ngoài dự đoán của giới luật sư. Họ cho rằng Heard đánh mất sự tin tưởng từ phía bồi thẩm đoàn với những lời khai mâu thuẫn, nói dối...

Đặc biệt là sau phiên thẩm vấn chéo, Amber Heard bị đánh mất sự tin tưởng hoàn toàn. Trong khi đó, đòn quyết định nằm ở việc siêu mẫu Kate Moss đứng ra làm nhân chứng rằng, Johnny Depp không hề đẩy cô ngã như lời Heard nói.

Robert Thompson (Giáo sư Đại học Syracuse) cho rằng việc livestream và sự xuất hiện của các ngôi sao Hollywood biến phiên tòa thành vở kịch. "Johnny Depp là cái tên quen thuộc hơn trước khi vụ kiện diễn ra. Còn với nhiều người, những điều họ biết về Amber Heard là ở phiên tòa này."

Dư luận trên mạng xã hội đã đứng về phía Johnny Depp khi phiên tòa vẫn đang xét xử. Nhiều người cho rằng, việc tòa xử thắng cho anh chỉ là vấn đề sớm muộn. Hình ảnh của Depp được bảo vệ, trân trọng bao nhiêu thì Amber Heard xấu xa, đáng ghét bấy nhiêu.

Không ít người sử dụng từ “demonization” (ác quỷ hóa, ma quỷ hóa) để nói về Amber Heard khi vụ kiện bắt đầu nổ ra. Quá trình “ác quỷ hóa” này được cho là bắt đầu từ nhóm người hâm mộ ruột của Johnny Depp và sau đó trở thành trào lưu trên MXH.

Ngay cả khi không theo dõi phiên tòa, mọi người đều có thể nhìn thấy các thông tin, hình ảnh, thậm chí meme trên Internet về “mặt xấu” của Amber Heard. Cô nhanh chóng được miêu tả là người phụ nữ bất tài vô dụng, nhờ Depp mới có vai diễn trong Aquaman...

Không những thế, hình ảnh Amber Heard “ác quỷ” còn được nhân rộng bằng những câu chuyện về đại tiện trên tường, bạo lực và lạm quyền thông qua các bằng chứng mà Depp đã đưa ra trước tòa.

Những nhận xét như, “Amber Heard khiến tôi phát ốm” hay “Amber Heard thực sự là bệnh dịch” xuất hiện rất nhiều trên Twitter, Instagram.

Thậm chí đã có một cuộc săn phù thủy lên Heard và quan tòa phù thủy khi nữ diễn viên thừa nhận, nhiều người gửi thư nặc danh đe dọa cô.

4. Gamergate thì liên quan gì đến vụ kiện này?

Việc Amber bị "ác quỷ hóa" được cho là có liên quan đến gamergate, vốn là thuật ngữ ám chỉ những gamer chủ yếu là nam giới và chống lại phụ nữ.

Gamergate cũng được mô tả là một "cuộc chiến" văn hóa nhằm đa dạng hóa văn hóa, công nhận nghệ thuật, nữ quyền trong trò chơi điện tử.

Từ năm 2014, gamergate trở thành một chiến dịch quấy rối trực tuyến nhằm chống lại những người theo chủ nghĩa nữ quyền và tiến bộ trong văn hóa game. Hashtag #gamergate bắt đầu phổ biến và lan sang châu Á, thổi bùng ở Hàn Quốc vào năm 2016.

Nhưng gamergate thì liên quan gì đến vụ kiện tụng giữa Johny Depp và Amber Heard? Cây bút Kaitlyn Tiffany của tờ Atlantic cũng có nhận định tương tự.

Kaitlyn cho rằng gamergate quá tinh vi và từ trải nghiệm cá nhân, cô cho rằng đây là yếu tố khiến cho Amber Heard càng bị ghét bỏ trên Internet.

Cây bút Katherine Denkinson của tờ Independent cho rằng, một chiến dịch tương tự Gamergate đang chống lại Amber Heard và những người ủng hộ cô trong phiên tòa vừa mới kết thúc.

5. Không phải là #Metoo, vấn đề bạo hành gia đình mới đáng lo?

Vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard không chỉ đơn thuần là “cuộc chiến giữa các vì sao”. Ẩn sau đó là những câu chuyện về luật phỉ báng, phong trào nữ quyền… Thậm chí, tờ New York Times từng cho rằng, vụ việc Amber Heard là dấu chấm hết cho phong trào #Metoo.

Khi Johnny Depp thắng, Amber Heard thua, mọi người nghĩ ngay đến phong trào #Metoo. Ở phía ngược lại, hashtag #Mentoo là một cách đứng lên cho đàn ông. Tuy nhiên, kết quả của vụ kiến khiến nhiều người quan tâm, bởi nó còn là vấn đề bạo hành.

Christine Scartz (Đại học Georgia School of Law) cho rằng, phiên tòa đã tiếp tay cho việc tạo ra những định kiến về nạn nhân của bạo hành. Cô gọi định kiến đó là "nạn nhân hoàn hảo" và cho rằng bản chất bạo hành gia đình giống một cuộc chiến giành quyền lực.

"Tất cả những điều để nói về bạo lực gia đình là sự kiểm soát. Vì vậy, nếu mối quan hệ kết thúc, thủ phạm đang dần mất sự kiểm soát đó. Trong một số trường hợp, cách để lấy lại quyền lực là bắt đầu hoặc kéo dài kiện tụng", Christine Scartz nói.

Laura Palumbo - phát ngôn viên của NSVRC cho biết, "Việc tin vào những trải nghiệm của nạn nhân cũng đòi hỏi người ta phải tin vào khả năng gây án của hung thủ."

Một chuyên gia chia sẻ với ABC, "Khi các cặp vợ chồng ly dị, kẻ bạo hành thường dùng chiến thuật liên quan đến hệ thống tòa án để giữ sự kiểm soát. Nhiều nạn nhân sẽ cảm thấy đó là lý do họ không muốn lên tiếng. Họ sẽ nghĩ rằng không ai tin mình."

Tờ Independent nhận định, kết quả vụ kiện ảnh hưởng tổng thể đến quyền của phụ nữ và nạn nhân bạo lực gia đình có thể là thảm họa.

Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo hành gia đình? Trên thực tế, không thể bỏ qua việc tồn tại việc lạm dụng song phương hay hành vi ngược đãi qua lại trong một mối quan hệ. Vì thế, lắng nghe và bảo vệ nạn nhân là điều đầu tiên và sau cùng, nếu sự việc đau lòng đó xảy ra.