West Side Story - Khi đạo diễn bom tấn làm phim nhạc kịch | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 01, 2022
Sáng TạoĐiện ẢnhTráng Film

West Side Story - Khi đạo diễn bom tấn làm phim nhạc kịch

Thắng lớn tại Quả Cầu Vàng 2022, Steven Spielberg đã thổi một luồng gió mới vào vở nhạc kịch huyền thoại West Side Story.
West Side Story - Khi đạo diễn bom tấn làm phim nhạc kịch

Nguồn: Variety

Vào ngày 10/1 vừa qua, West Side Story, một trong các tác phẩm nhạc kịch được đón chờ nhất năm 2021 đã chính thức giành giải Quả Cầu Vàng cho hạng mục phim nhạc kịch/ hài kịch xuất sắc nhất. Bộ phim còn nhận được giải thưởng cho nữ phụ xuất sắc nhất (Ariana Debose thủ vai Anita) và nữ chính xuất sắc nhất trong một bộ phim nhạc kịch / hài kịch (Rachel Zegler thủ vai María Vasquez).

West Side Story của đạo diễn Steven Spielberg chính là phiên bản làm lại của bộ phim cùng tên ra mắt vào năm 1961. Đứng trước thử thách làm mới bộ phim nhạc kịch vốn sở hữu nhiều tượng vàng Oscars nhất mọi thời đại (10 chiến thắng trên 11 đề cử), đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đã để lại dấu ấn riêng như thế nào?

Thử thách làm mới một vở nhạc kịch siêu kinh điển

West Side Story ban đầu là một vở nhạc kịch Broadway ra mắt khán giả vào năm 1957. Bốn năm sau, phiên bản điện ảnh do Rober Wise và Jerome Robin đạo diễn công chiếu và nhận được vô số lời khen đến từ các nhà phê bình và khán giả.

Phiên bản điện ảnh năm 1961 ngoài việc sở hữu một lượng giải thưởng khổng lồ, còn được công nhận là bộ phim “có sức ảnh hưởng văn hóa đáng kể” bởi Thư viện Quốc hội Hoa Kì vì bộ phim đã thật sự cách mạng hóa thể loại nhạc kịch vào thời điểm đó. Có thể khẳng định rằng West Side Story là một trong những bộ phim nhạc kịch quan trọng nhất lịch sử.

Maria và Tony của phiên bản 1961 | Nguồn: IMDb

Phiên bản làm lại năm 2021, được chỉ đạo bởi đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg. Ông chính là người đầu tiên tạo ra định nghĩa “bom tấn phòng vé” (blockbuster), chủ nhân của ba tượng vàng Oscars và hàng chục giải thưởng quan trọng khác.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Jaws, E.T, Jurasic Park, Schindler's List và series Indiana Jones đã, đang và sẽ là những bộ phim có tầm ảnh hưởng rất lớn đến điện ảnh thế giới.

Gia tài phim đồ sộ này đã chứng minh khả năng tạo nên bom tấn phòng vé ở gần như tất cả mọi thể loại của Steven Spielberg. West Side Story chính là bộ phim nhạc kịch đầu tiên mà ông muốn thêm vào bộ sưu tập này.

Vì thế, sự kết hợp này cũng không khỏi khiến những người yêu mến phiên bản 1961 lo lắng vì nhạc kịch là một thể loại khá đặc thù của điện ảnh. Với tầm quan trọng và thành tựu mà phiên bản cũ đã đạt được, sau 60 năm, Steven Spielberg đã làm mới tác phẩm kinh điển này như thế nào?

Đem yếu tố điện ảnh vào những vở nhạc kịch

Trên một môi trường biểu diễn như sân khấu nhạc kịch, “máy quay” duy nhất bạn có là đôi mắt của mình, một hướng nhìn cố định và trực diện vào những vũ công. Đây cũng chính là góc nhìn mà West Side Story phiên bản 1961 hướng tới.

Những phân cảnh “musical moment” của phiên bản cũ được truyền tải qua những góc máy ngang tầm mắt (eye-level), tĩnh và bao quát hết nhân vật trên sân khấu. Cách quay này tuy quen thuộc, chúng dường như chỉ là một phiên bản tái hiện lại những gì khán giả đã được nhìn thấy trên sân khấu.

“West Side Story của chúng tôi có một lối truyền tải hiện đại và yếu tố đó đến từ sự di chuyển liên tục của máy quay.” Janusz Kamiński, đạo diễn hình ảnh “ruột” của Steven Spielberg khẳng định.

Xuyên suốt West Side Story của Spielberg là những cú máy tôn vinh từng hành động và bước nhảy của diễn viên. Những góc máy di chuyển liên tục từ cao đến thấp, toàn cảnh tới cận cảnh. Tất cả đều cho khán giả một sự tự do, một trải nghiệm xem West Side Story mà họ chưa từng được thấy trước đây.

Chẳng hạn như bài hát “America”, một bài hát về hai luồng suy nghĩ ủng hộ và phản đối sự “Mỹ tiến” được thể hiện bởi cặp đôi người Puerto Rico, Anita và Bernardo.

Benardo khiêu vũ trong phân cảnh America | Nguồn: Movieclips

Nếu phiên bản 1961 được quay hoàn toàn tại một bối cảnh, hướng sự chú ý vào từng phần trình diễn của diễn viên, thì phiên bản 2021 lại cho khán giả theo chân Anita đi từ căn nhà của mình xuống đường phố New York.

Những góc quay của phiên bản 2021 liên tục thay đổi. Máy quay lúc lên cao để khán giả cảm nhận được sự hoành tráng của tiết mục, lúc xuống thấp để tập trung vào việc làm đẹp động tác của diễn viên. Đôi lúc máy quay lại di chuyển theo nhân vật, để họ có thể kể câu chuyện của mình.

Một cảnh quay trên cao của phân cảnh America | Nguồn: Disney Music VEVO

“Tôi hứng thú hơn với việc để máy quay ở trong màn biểu diễn. Tôi không muốn khán giả phải nhìn từ ngoài vào trong. Họ nên ở trong và nhìn ra xung quanh.” Steven Spielberg nói về cách ông tiếp cận phiên bản điện ảnh của vở diễn kinh điển này.

Trong một buổi phỏng vấn với Collider, diễn viên Mike Faist (thủ vai Riff) đã có những chia sẻ về quá trình làm việc thú vị này:

“Có những lúc biểu diễn, chúng tôi thậm chí còn biết máy quay đang nằm ở đâu. Chúng tôi có “sân chơi” riêng, thoải mái thể hiện những động tác vũ đạo như thông thường. Rồi bỗng nhiên Spielberg hô “Cắt!”. Thế là xong một cảnh quay. Chúng tôi cứ như thế mà tiếp tục.”

Tận dụng các chi tiết đời thực để "sân khấu hóa" bối cảnh

Một trong những phân cảnh được yêu thích nhất của West Side Story chắc chắn là cuộc gặp mặt đầu tiên của đôi uyên ương Tony và Maria. Tuy được đặt bối cảnh là một căn phòng thể dục có thể được tìm thấy ở bất kì trường học nào tại Mỹ, cách mà hai phiên bản điện ảnh chọn để tiếp cận việc dựng bối cảnh lại có sự khác biệt rất rõ rệt.

Ở phiên bản năm 1961, hai đạo diễn Robert Wise và Jerome Robbins lựa chọn một hướng đi mang tính “sân khấu” hơn cho bối cảnh. Những bức tường của phòng nhảy được bao phủ bởi một màu đỏ, với trần nhà cao khiến khán giả không khỏi liên tưởng đến một sân khấu Broadway được dàn dựng tinh xảo. Ngược lại, bối cảnh của Spielberg lại chẳng có vẻ gì khác biệt với một phòng thể dục bình thường.

Phân cảnh "Love At First Sight" của phiên bản 1961 | Nguồn: Movieclips

Sự đối lập trong việc tiếp cận cảnh quay càng thể hiện rõ hơn khi nhìn về cách hai phiên bản này kể về cuộc gặp gỡ giữa Maria và Tony.

Sử dụng hiệu ứng làm mờ của những thập niên 60, phiên bản cũ đã tạo ra một trong những cảnh quay sáng tạo nhất vào thời điểm đó. Khán giả dường như được bước vào nội tâm của Tony và Mari. Thế giới xung quanh nhân vật lúc này dường như không còn tồn tại, điều duy nhất quan trọng là tình cảm của đôi trẻ.

Cảnh quay ấn tượng đó kết thúc khi hai nhân vật tiến lại gần nhau. Họ đứng dưới một ánh đèn spotlight và cùng nhau khiêu vũ, một màn biểu diễn dường như được lấy trực tiếp từ sân khấu Broadway.

Ánh đèn spotlight tôn cặp đôi chính trên màn ảnh | Nguồn: Movieclips

Ngược lại với cách tiếp cận “kịch” và tập trung thể hiện nội tâm này, Steven Spielberg lại truyền tải tình yêu mà hai nhân vật này dành cho nhau theo một hướng thực tế nhưng cũng không kém phần lãng mạn.

Bắt đầu với lần đầu gặp mặt, Tony nổi bật hơn hẳn đám đông với chiều cao của mình, Maria được tôn lên bởi hai ánh đèn trong không gian phòng nhảy. Ánh sáng ấy soi sáng khuôn mặt của Tony, thể hiện sức ảnh hưởng của hai nhân vật này dành cho nhau mà không sử dụng hiệu ứng làm mờ như phiên bản gốc.

Maria được tôn lên bởi hai ánh đèn của phòng thể dục | Nguồn: West Side Story

Ở phân cảnh khiêu vũ, Steven Spielberg đã rất khéo léo để cho đôi tình nhân này gặp nhau sau hàng ghế ngồi, một nơi kín đáo và riêng tư. Một quyết định hợp lí hơn với phiên bản gốc khi họ đều có liên hệ mật thiết đến người cầm đầu của hai băng thù địch Sharks và Jets.

Ánh sáng spotlight không thật của phiên bản 1961 được thay thế bằng ánh sáng từ đèn trần len lỏi qua những khe hở của hàng ghế ngồi. Cách sử dụng bối cảnh thông minh của Steven Spielberg đã khiến cho một nguồn sáng vốn rất bình thường trở thành công cụ để tôn lên nhân vật trong cảnh quay.

Ánh sáng đèn trần len lỏi qua hàng ghế tạo ánh sáng spotlight | Nguồn: Nguồn: West Side Story

Kết

Cả hai hướng tiếp cận này, chắc chắn đều có những ưu nhược điểm riêng.

Phiên bản 1961 trở thành một tác phẩm huyền thoại của thể loại nhạc kịch thế giới. Vì bộ phim đã mang tới cho công chúng những màn trình diễn xuất sắc cùng những cảnh quay đột phá, bức khỏi tiêu chuẩn chung. Có thể khẳng định West Side Story năm 1961 là một tác phẩm nền móng trong thể loại phim nhạc kịch.

Thế nhưng, qua 60 năm đứng trước sự phát triển của công nghệ, thị hiếu khán giả và những góc nhìn về xã hội, West Side Story của Rober Wise và Jerome Robin vẫn là một tác phẩm thuộc về thập niên 60. Những yếu tố về nội dung và cách truyền tải câu chuyện của phiên bản 1961 đã dần lỗi thời và không còn thật sự phù hợp với thời đại.

Steven Spielberg bắt tay thực hiện dự án này với một tình yêu đặc biệt dành cho phiên bản West Side Story cũ và khán giả hoàn toàn có thể nhận ra điều đó. West Side Story của ông chẳng khác nào một sự hồi sinh, một sự cập nhật và một cơ hội mà ông dành cho thế hệ ngày nay để họ có thể sống lại cảm giác màu nhiệm ông từng trải qua 60 năm về trước.

Hay như David Fear đã viết trên tờ Rolling Stone: “Steven Spielberg muốn phiên bản West Side Story của mình trở thành một tác phẩm tri ân cũng như một phiên bản cập nhật… Phiên bản này đã chứng minh rằng ông vẫn có thể để lại dấu ấn của mình trên một tác phẩm huyền thoại mà không cần phải xây dựng chúng lại từ đầu.”